Cuộc đại vận động tiêm chủng

HỮU NGHỊ 23/08/2021 17:00 GMT+7

TTCT - TP.HCM bắt đầu tiêm vaccine đợt 5 vào chiều 22-7, đến ngày 17-8, theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, tới nay thành phố đã tiêm được cho trên 4,9 triệu người, trong đó có hơn 100.000 người đã tiêm mũi thứ hai.

Chính quyền thành phố trù tính trong tháng 8 này, nếu đảm bảo nguồn vaccine, sẽ cố gắng tiêm để đạt tỉ lệ miễn dịch cộng đồng 70 - 80% dân số trên 18 tuổi. 

Mục tiêu đầy tham vọng này phản ánh ý muốn sống còn trước sự tấn công chưa từng thấy của dịch COVID-19 như có thể thấy trên bảng số liệu lây nhiễm hằng ngày của Bộ Y tế.

 
 Vaccine AstraZeneca của Nhật Bản hỗ trợ đã được tiêm cho cán bộ, người dân đang sinh sống tại Q.Phú Nhuận (ảnh chụp chiều 21-7). Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

 Nguồn vaccine

Tới sáng 18-8, Việt Nam ghi nhận 293.248 ca nhiễm và 6.472 ca tử vong. Câu hỏi then chốt lúc này là liệu có ngăn được làn sóng lây nhiễm và tử vong ở khu vực TP.HCM và lân cận hay không?

Thực tế phân bố dịch tễ không đồng đều này, về mặt khoa học mà nói, rất cần được quan sát khách quan, không phân biệt gì cả, để có thể cứu chữa như cứu hỏa dập đám cháy là chính, tỉa cây chung quanh là phụ trợ. 

Các nước có phái bộ ngoại giao tại Việt Nam cũng quan sát tình hình dịch bệnh tại chỗ, một công việc thường xuyên để có thể cung cấp các chỉ dẫn du lịch cho công dân của họ.

Bởi thế, không ngạc nhiên khi đọc trên thông cáo ngày 25-7 của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội có trích phát biểu của bà Marie Damour, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM, nói về số vaccine hỗ trợ thêm của Hoa Kỳ cho Việt Nam: “Đặc biệt là việc vận chuyển gần 1,5 triệu liều trong tổng số 3 triệu liều đến thẳng TP Hồ Chí Minh, tâm điểm của đợt dịch đang bùng phát mạnh ở Việt Nam”.

Trong bối cảnh đang thiếu vaccine, những lô vaccine hỗ trợ khẩn cấp từ các nước đang đổ về, không chỉ như những cơn mưa rào giải hạn cho người dân Việt mà cả người nước ngoài ở Việt Nam nữa.

Có thể nêu lô hàng gồm 811.200 liều vaccine COVID-19 của Úc đến Việt Nam từ tháng 4-2021, như lô vaccine cứu trợ đầu tiên, tất nhiên qua cơ chế COVAX, theo Đại sứ quán Úc ngày 11-5. 

Một trong những nguồn vaccine cứu trợ sớm sủa khác là hôm 16-6 từ Nhật Bản. Tin từ Tòa đại sứ Nhật cho biết: “Vào ngày 1 và 8-7, khoảng 1 triệu liều vaccine Chính phủ Nhật Bản cung cấp thêm cho Việt Nam dự kiến chuyển đến Việt Nam bằng đường hàng không... Tính chung với khoảng 1 triệu liều vaccine đã đến Việt Nam ngày 16-6, tổng cộng Nhật Bản cung cấp cho Việt Nam khoảng 2 triệu liều”.

Bản tin ngày 13-7 cho biết thêm rằng “tính chung với khoảng 2 triệu liều đã cung cấp, tổng số vaccine Nhật Bản cung cấp cho Việt Nam lên đến khoảng 3 triệu liều”. 

Sau đó là đợt 5 triệu liều của Mỹ, tất nhiên cũng qua COVAX. Gần nhất là Anh, Pháp với mỗi nước vài trăm nghìn liều.

Riêng từ Mỹ, 5 triệu liều vaccine hỗ trợ đồng nghĩa Việt Nam trong nhóm 7 nước nhận vaccine của Mỹ nhiều nhất: Indonesia (8 triệu liều), Philippines (6,2 triệu), Colombia (6 triệu), Nam Phi (5,6 triệu), Bangladesh (5,5 triệu), Pakistan (5,5 triệu) và Việt Nam (5 triệu).

Đó là nhìn số thuần. Nếu phân tích kỹ danh sách các nước trên, so theo tỉ lệ tử vong và lây nhiễm, thì Việt Nam ít ca nhiễm và tử vong hơn các nước kia rất nhiều, nên có thể nói Việt Nam đã được nhận vaccine nhiều nhất từ Mỹ để tránh một thảm họa y tế. 

Một phần lý do có thể là do các nước kia gặp khủng hoảng quá sớm vì không chặn được dịch ở bước đầu hiệu quả như Việt Nam, nên nay Mỹ nhận thức rằng phải quyết liệt “tiếp vaccine” cho Việt Nam để tránh một thảm họa dịch tễ.

Cung cấp vaccine đúng nơi cần đến, một cách không “cân đong đo đếm”, và chích không ngần ngừ, chính là đảo ngược vòng quay của COVID-19. Song song, cũng cần tiêm chủng cho nhân sự các ngành nghề thiết yếu.

Thay lời kết

Người Pháp có câu: “Tất cả đều tốt khi kết cuộc tốt”. Có thể tạm nghĩ:

(1) Đến thời điểm này, có thể tin rằng Nhà nước hết sức lo lắng trước thực tế COVID-19 đe dọa TP.HCM, nên từ vài tuần nay, tạm lấy đợt chích ngừa thứ 5 kết thúc tuần trước làm mốc, đã dứt khoát quan niệm rằng phải tiêm chủng thật nhiều người để tạo miễn dịch cộng đồng, mà ưu tiên là nhóm trên 65 tuổi và có bệnh nền mà các chỉ dẫn của WHO gọi là “comorbidity”, tức có nguy cơ tử vong cao vì COVID-19.

(2) Nhà nước đã tăng thêm vaccine cho TP.HCM cả về số lượng lẫn chủng loại, mấy tuần qua tốc độ cung cấp hối hả hẳn để có thể kịp thực hiện đợt tiêm thứ 6, trên cơ sở nguy cơ nhiều nhất ở đâu, dồn lực ở đó - đã dồn người rồi, nay dồn vaccine, bằng không các cái tháp “ba, bốn, năm tầng” sẽ có cơ bị tràn ngập trong một, hai tuần lễ tới.

(3) Lượng vaccine về tới Việt Nam trong vài tuần gần đây - chủ yếu từ nguồn hỗ trợ của một số nước - là đúng lúc và tạm đủ để qua cơn khó “cấp tính”. Một trong những nguồn vaccine phải nói hết sức kịp thời là của Hoa Kỳ.

(4) Cách tổ chức tiêm chủng đã khác so với cách làm trước, từ chích “tập thể”, nay phân tán xuống cấp phường - mỗi phường lại nhiều địa điểm. Thậm chí, linh động hơn có những nơi nhiều chung cư, thay vì tập trung đông người theo địa bàn hành chính, đã chấp nhận đề xuất của các ban quản lý chung cư để chích ngay tại chung cư, vẫn đảm bảo giãn cách và triển khai vaccine đồng thời một cách có trật tự.

(5) Đã bắt đầu có những sự góp sức của y tế tư nhân. Năng lực tổ chức và hiệu quả của lực lượng này cũng phải coi là một sự tiếp máu cần thiết và đúng lúc cho lực lượng công đang quá tải.

(6) Đã có những “lắng nghe” kịp thời cả vĩ mô lẫn vi mô. Đợt chích thứ 6 tuần này, số loại vaccine đã là hơn một loại, chủng loại cũng được công khai trước khi chích, qua đó bớt đi những “dòm ngó” so bì mất đoàn kết. Và nhất là nhạy bén đủ để đoan chắc với người dân sẽ không ép ai phải chích loại vaccine mà họ không muốn. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận