Đằng sau cuộc đối đầu ở eo biển Kerch

TƯỜNG ANH 01/12/2018 05:11 GMT+7

TTCT - Sáp nhập Crimea tháng 3-2014, ông Vladimir Putin có nghĩ tới sự cố này, khi eo biển Kerch trở thành nơi đối đầu giữa Nga - Ukraine trong diễn biến mà tờ Kommersant nhận định là “giọt nước cuối cùng trên biển”?

Sự biến trên biển Azov và eo biển Kerch ngày 25-11. Ảnh: Kyiv Post
Sự biến trên biển Azov và eo biển Kerch ngày 25-11. Ảnh: Kyiv Post

 

Tin tức về sự cố ở eo biển Kerch xuất hiện từ 10h sáng (giờ Matxcơva) ngày 25-11. Theo phương án của Cơ quan an ninh Liên bang Nga (FSB) được Interfax loan tin thì “gần 7h sáng, ba chiếc tàu Ukraine đã vi phạm các điều khoản 19 và 21 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), quy định quyền của quốc gia ven biển bảo đảm an ninh lãnh hải của mình, khi băng qua biên giới quốc gia Nga, xâm nhập bất hợp pháp vùng nước tạm thời đóng cửa thuộc lãnh hải Nga”.

Thông báo cho biết tàu chiến Ukraine đã đi vào vùng eo biển Kerch, nơi theo thủ tục hiện hành ở Nga, tàu thuyền đi qua và neo đậu cần được phép của phía Nga. Tuy nhiên, đến lúc xảy ra sự cố, “đơn xin theo đúng thủ tục quy định chưa được nộp”, và đó là lý do Nga cho đâm vào tàu kéo, bắt gọn ba tàu hải quân Ukraine.

Còn trên trang Facebook của hải quân Ukraine, sự việc được tường trình như sau: “Hai canô bọc thép Berdyansk và Nikopol cùng tàu kéo Yana Kapu thực hiện chuyến hải trình theo kế hoạch đi từ cảng Odessa tới cảng Mariupol trên biển Azov”.

Tiếp đó bức tranh được vẽ lại: “Bất chấp UNCLOS” và “Thỏa thuận giữa Ukraine và Nga về hợp tác sử dụng biển Azov và eo biển Kerch, tàu tuần duyên của Nga đã thực hiện những hành động gây chiến chống tàu hải quân Ukraine.

Tàu tuần duyên Don của Nga đã đâm vào tàu kéo của chúng tôi...”. Sau đó, trang web của hải quân Ukraine tiếp tục cập nhật thông tin, cho biết một canô của họ đã liên lạc với điều phối viên hải lưu các cảng Kerch và Kavkaz của Nga nhưng không được trả lời, và vì các tàu Ukraine vẫn phải thi hành nhiệm vụ nên Ukraine tiếp tục cho tàu lưu thông, và Ukraine “...đang ghi nhận tất cả những hoạt động bất hợp pháp để chuyển cho các cơ quan quốc tế có thẩm quyền”.

Sau sự cố, tình hình bên bờ biển Crimea sáng 25-11 tiếp tục căng thẳng. Trong ngày, có tin “Ukraine đã cho các tàu pháo bọc thép hướng tới eo biển Kerch với tốc độ tối đa”, rồi sau lại có tin “Nga đã cho cất cánh hai chiếc trực thăng tấn công KA-52 và sau đó là các máy bay SU-25”.

Có lẽ vấn đề lớn nhất ở đây là ranh giới biển. Sau khi Nga sáp nhập Crimea, Matxcơva và Kiev có góc nhìn khác nhau về lãnh hải, do Ukraine không công nhận Crimea thuộc Nga.

Tuy nhiên, liên quan đến việc đi lại của tàu thuyền ở vùng eo biển Kerch mà Nga đóng cửa và vùng biển Azov, giữa Nga và Ukraine còn tồn tại “Thỏa thuận về hợp tác sử dụng biển Azov và eo biển Kerch”, ký tháng 12-2003 giữa Tổng thống Putin và tổng thống Ukraine khi đó là Leonid Kuchma.

Theo đó, “tàu thuyền Nga và Ukraine vì mục đích phi thương mại được tự do thông thương”, “tàu chiến và tàu thuyền các nước thứ ba được đi vào biển Azov và eo Kerch nếu được một trong hai nước kia mời và được nước còn lại đồng thuận”, và “những bất đồng phải được giải quyết bằng tư vấn và thương lượng, và các phương tiện hòa bình khác”. Thỏa thuận đấy giờ đã “lạc hậu” với tình hình thực tế.

Đến ngày 27-11, sự việc đã nóng lên, có lẽ là trong tính toán từ trước. Trong khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc từ chối đề nghị của Nga đưa tình hình eo biển Kerch vào chương trình nghị sự, thì từ Ukraine, với 276 phiếu thuận (trên tổng số 450 đại biểu), Quốc hội Ukraine đã thông qua sắc lệnh của Tổng thống Petro Poroshenko ban bố thiết quân luật trong vòng một tháng vì “nguy cơ Nga xâm lược” ở 10 tỉnh của Ukraine, ở vùng nước nội địa của Ukraine trên biển Azov và eo biển Kerch.

Trên bình diện quốc tế, ông Poroshenko đã điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo, người nhận định vụ Nga bắt tàu Ukraine là “sự leo thang nguy hiểm và vi phạm luật pháp quốc tế”, nhắc lại sự ủng hộ mạnh mẽ của ông với sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Có lẽ sẽ không thừa khi nhắc chỉ 4 ngày trước “sự cố Kerch”, vào ngày 21-11, các bộ quốc phòng Anh và Ukraine đã ra tuyên bố chung nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác quân sự giữa hai nước.

Cụ thể, chương trình hợp tác quân sự từ năm 2015 sẽ được tiếp tục đến năm 2020. Các chỉ huy quân sự Anh, hầu hết đã tham gia các chiến dịch quân sự ở Iraq và Afghanistan, sẽ tiếp tục huấn luyện cho 9.500 binh sĩ Ukraine, cũng như các lực lượng đặc biệt của quân đội nước này.

EU cũng không đứng ngoài khi Cao ủy ngoại giao EU, bà Federica Mogherini cho rằng “nhiều tàu chiến mang cờ EU đã bị đe dọa trên vùng biển Azov khiến EU phải cân nhắc một số biện pháp mục tiêu” (theo BBC).

Tất cả diễn ra trong bối cảnh Quốc hội Ukraine vừa ấn định ngày bầu cử tổng thống sắp tới: 31-3-2019. Theo thăm dò, ông Poroshenko hiện chỉ đứng thứ hai, sau bà Yulia Timoshenko, thuở nào từng là nữ hoàng Cách mạng cam, nay lại là chủ tịch Đảng “Tổ quốc” đối lập. Sắc lệnh thiết quân luật vừa rồi, ngoài vì mối đe dọa Nga, thật thuận tiện, cho phép tổng thống tiếp tục thực thi quyền lực ngay cả khi nhiệm kỳ đã kết thúc, bao gồm quyền cấm các đảng phái chính trị hoạt động!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận