Điều tiết giá thịt heo ở Trung Quốc: Một cuộc chiến tổng lực

CHIÊU VĂN 16/01/2020 22:01 GMT+7

TTCT - Trung Quốc đã tiến hành một cuộc chiến tổng lực thực sự để điều tiết giá thịt heo: hạ thuế để tăng nhập khẩu, nỗ lực tái đàn và cả mở kho dự trữ thịt quốc gia.

Thịt heo là yếu tố chính khiến chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc tăng kỷ lục trong tháng 11-2019. Ảnh: Bloomberg
Thịt heo là yếu tố chính khiến chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc tăng kỷ lục trong tháng 11-2019. Ảnh: Bloomberg

Ðầu tuần trước, giá thịt heo ở Trung Quốc bắt đầu tăng trở lại, “mức tăng có ý nghĩa đầu tiên trong hơn một tháng, khi tiêu dùng tăng do thời tiết lạnh hơn trong khi nguồn cung tiếp tục thiếu ở thị trường tiêu thụ loại thịt này lớn nhất thế giới”, theo Reuters.

Giá thịt heo ở Trung Quốc đã biến động rất mạnh thời gian qua, nhưng giới phân tích nói giá đang có xu hướng tăng trở lại khi tiêu dùng dự kiến tăng dịp Tết Nguyên đán. Giá thịt heo ở Trung Quốc vào tháng 10-2019 từng tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước do dịch tả heo châu Phi.

Nhưng sau khi đạt đỉnh ở mức 52 nhân dân tệ/kg (172.000 đồng/kg), giá đã bất ngờ giảm tới 20% trong tháng 12, xuống còn hơn 140.000 đồng/kg khi người tiêu dùng cắt giảm khẩu phần thịt heo và nguồn dự trữ thịt heo đông lạnh được chính quyền ồ ạt tung ra thị trường.

Kho dự trữ chiến lược... thịt heo

Giá thịt heo tăng cao đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc lên 3,8% vào tháng 10-2019. Chính quyền đã can thiệp để điều tiết giá, mở kho dự trữ nhà nước bán đấu giá 40.000 tấn thịt heo đông lạnh để bình ổn thị trường.

Mặc dù con số này chỉ như “muối bỏ biển” với mức thiếu hụt có thể lên tới hàng chục triệu tấn ở cả thị trường Trung Quốc hiện nay, điều quan trọng là nó gây ra hiệu ứng truyền thông và truyền đi một thông điệp rất rõ ràng: chính phủ sẽ can thiệp và không để mặc người dân xoay xở.

Hệ thống dự trữ thịt heo của chính quyền Trung Quốc đã được bắt đầu xây dựng từ cuối những năm 1970, khi kinh tế nước này bước đầu mở cửa. Các kho dự trữ từ thời Mao Trạch Đông, bao gồm: gạo, muối, đường, thịt heo... trở thành một công cụ để kiểm soát biến động giá cả trong bước đầu chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa sang kinh tế thị trường (ngoài thịt heo, 2.400 tấn thịt bò và 1.900 tấn thịt cừu từ kho dự trữ này cũng đã được đưa ra thị trường vào đầu tháng 9-2019, nhưng ít được chú ý hơn).

Con số chính xác lượng thịt dự trữ là bí mật quốc gia, nhưng nhiều chuyên gia dẫn các nguồn giấu tên từ Bộ Thương mại Trung Quốc ước tính là vào khoảng 200.000 tấn. Với việc dân Trung Quốc tiêu thụ hơn 50 triệu tấn thịt heo mỗi năm, dự trữ đó chỉ có ý nghĩa trấn an tâm lý là chính nhưng ngay cả như thế, việc “mở kho cứu tế” theo truyền thống cả ngàn năm cai trị ở quốc gia đông dân nhất hành tinh vẫn tạo được tác động tốt lên thị trường.

Cũng không khác những thời Tống, Minh hay Thanh, chính quyền trung ương duy trì hơn một chục kho dự trữ quốc gia trên cả nước, mỗi kho có thể trữ khoảng 10.000 tấn thịt heo đông lạnh, chưa kể các công ty tư nhân và nhà nước nhận hợp đồng hỗ trợ Cục Dự trữ quốc gia. Thịt được giữ ở nhiệt độ -18oC, và từ cuối những năm 1990, chính quyền còn dự trữ cả heo sống ở các trang trại nhà nước.

Các phóng viên thăm một trang trại như thế ở tỉnh Sơn Đông viết lại trên tạp chí Caijing (Tài Kinh): “[Trang trại] rợp bóng cây xanh. Những khu chuồng heo cao ráo và rộng rãi, có sưởi vào mùa đông và thông gió vào mùa hè”.

Hay ở tỉnh tây nam Vân Nam, vốn nổi tiếng với món thịt heo muối, chính quyền địa phương cho biết họ vẫn còn nắm trong tay 3.000 tấn thịt heo muối, ngoài 132.000 con heo sống và 400 tấn thịt heo đông lạnh. Tất cả những tin tức đó đều góp phần quan trọng vào việc củng cố tâm lý cho thị trường.

Giảm thuế - tái đàn

“Đảm bảo nguồn cung [thịt heo] là chuyện ảnh hưởng tới đời sống người dân và tình hình chung”, Phó thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa nói vào tháng 9-2019, khẳng định rằng Bắc Kinh sẽ “sử dụng mọi phương tiện trong tay” để đảm bảo nguồn cung, theo Tân Hoa xã.

Một trong những phương tiện đó là các sắc thuế. Từ 1-1-2020, Trung Quốc đã giảm thuế nhập khẩu đánh lên 850 mặt hàng, bao gồm thuế với thịt heo đông lạnh. Bộ Tài chính Trung Quốc giải thích rõ ràng chính sách thuế mới là để “tăng nhập khẩu với các sản phẩm đang đối mặt với thiết hụt tương đối ở trong nước, hay các hàng tiêu dùng đặc sản nước ngoài”.

Trong đó, thuế đánh lên thịt heo đông lạnh sẽ giảm từ 12% xuống còn 8%. “Đây là một phần trong nỗ lực hết sức nghiêm túc của chính quyền Trung Quốc nhằm tăng nguồn cung thịt heo và chắc chắn nó sẽ có ích” - Jim Huang, giám đốc điều hành Công ty tư vấn China-America Commodity Data Analytics, nói với Reuters.

Thuế mới áp dụng cho thịt heo muối đông lạnh, xương heo và thịt heo thường đông lạnh. Trung Quốc đã nhập khẩu gần 230.000 tấn thịt heo vào tháng 11-2019, tăng hơn 150% so với cùng kỳ năm trước, và lượng nhập khẩu 11 tháng đầu năm 2019 là hơn 1,7 triệu tấn, tăng 58% so với cùng kỳ 2018. Gần như toàn bộ thịt heo nhập khẩu của Trung Quốc là thịt đông lạnh, chủ yếu từ các nước châu Âu, Canada và Mỹ.

Về lâu dài, Nhà nước đẩy mạnh việc hỗ trợ các hộ nông dân nhỏ nối lại chăn nuôi heo, theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc tháng 12-2019. Do đàn heo đã giảm 40% trên cả nước, nhiều trang trại lớn ở quy mô công nghiệp đã mở rộng sản xuất để bù đắp nhu cầu thiếu hụt, nhưng hàng triệu nông hộ nhỏ khắp Trung Quốc đang ngần ngại trong việc tái đàn vì nguy cơ dịch bệnh vẫn còn hiển hiện và tình trạng thiếu vốn kinh niên.

Tỉnh Nam Ninh (Trung Quốc) có lúc đã ban hành chính sách bán tối đa 1 kg thịt lợn/ngày/người với giá chiết khấu 10% để giúp người tiêu dùng đối phó với giá thịt lợn tăng cao.

Dù là nước tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới, Trung Quốc vẫn còn phụ thuộc nhiều vào các nông trại quy mô nhỏ (với kích thước tương ứng của Trung Quốc, tất nhiên, được định nghĩa là dưới 500 con heo mỗi năm), nơi cung cấp gần 50% lượng thịt heo cho thị trường.

“Tăng cường sản xuất ở các trại chăn nuôi quy mô nhỏ và vừa ảnh hưởng trực tiếp tới mục tiêu đảm bảo nguồn cung và ổn định sản xuất trên cả nước theo đúng tiến độ” - Wang Junxun, một quan chức cấp cao ở Bộ Nông nghiệp, nói với các phóng viên vào giữa tháng 12-2019.

Các kế hoạch bao gồm hợp tác và hỗ trợ sản xuất của chính quyền địa phương và nông trại lớn với các hộ chăn nuôi nhỏ. Nông dân nhỏ là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất trong đợt dịch tả heo châu Phi vừa rồi, nhiều người mắc nợ sau khi đàn heo của họ bị trận dịch quét sạch. Một báo cáo của Rabobank (Hà Lan) vào tháng 11 nói một nửa các trang trại nuôi heo nhỏ của Trung Quốc dự kiến phải đóng cửa vĩnh viễn.

Tuy nhiên, theo giới chức nông nghiệp trong nước, quy mô nhỏ có thể là một lợi thế khi các hộ này sẽ tái đàn dễ dàng hơn, kiếm được đất sản xuất đơn giản hơn so với các nông trại lớn hoạt động ở quy mô sẽ tác động nghiêm trọng tới môi trường.

“Nếu các hộ nhỏ này hợp tác với các trang trại lớn, họ giải quyết được vấn đề của mình và cũng giúp các trang trại lớn giải quyết vấn đề của trang trại lớn” - Wang nói với South China Morning Post (SCMP).

Đây cũng là dịp để ngành chăn nuôi Trung Quốc trở nên tập trung hơn và tăng về quy mô, giảm bớt tình trạng phân mảnh cũng như vấn nạn mỗi khi có dịch, tình hình rất khó kiểm soát và dịch bệnh lan đi như một đám cháy đồng cỏ. Việc tới được từng hộ trong hàng triệu hộ nuôi heo nhỏ, nhiều người ở các vùng rất xa xôi, là một nhiệm vụ bất khả, theo lời các chuyên gia.

“Họ có các lính cứu hỏa”, Pan Chenjun ở Rabobank ví von về đội ngũ nhân viên “dập dịch” của chính quyền. “Họ tới các vùng dịch nhưng không đủ nhân lực. Ở Trung Quốc, tìm cách xử lý tất cả các điểm dịch là điều bất khả”.■

Bất chấp việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào tháng 11-2019 tăng 4,5%, mức cao nhất trong tám năm qua, chính quyền Trung Quốc vẫn giữ mức lạm phát mục tiêu của năm nay là khoảng 3%, mức đã được duy trì từ năm 2015, theo SCMP.

Trong khi giá thực phẩm tăng mạnh, trong đó giá thịt heo góp phần lớn, các lĩnh vực khác trong nền kinh tế chứng kiến CPI giảm hoặc tăng không đáng kể, phản ánh mức cầu chậm lại tương ứng với tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc.

“Hiện giờ CPI tăng chủ yếu do giá thịt heo tăng - tức giá tăng có tính cơ cấu, chứ không phải dàn đều. Giá thịt heo có thể sẽ bắt đầu giảm sau tết”, SCMP dẫn lời một chuyên gia.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận