FED, đồng USD và Euro

HỮU NGHỊ 03/10/2012 20:10 GMT+7

TTCT - Tháng 9 vừa qua ồn ào với gói “nới lỏng định lượng” của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) gây nên phản ứng của thị trường. Thật ra quyết định của FED đến sau quyết định giải cứu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Có vẻ như cứu nợ đang là thời thượng, song có những điều kiện phải hội đủ.

Phóng to
Nhân viên thị trường chứng khoán New York vừa làm việc vừa theo dõi thông tin chủ tịch FED Ben Bernanke công bố mua vào thêm các trái phiếu hỗ trợ thế chấp với tần suất 40 tỉ USD/tháng - Ảnh: Reuters

Lúc 8g22 sáng thứ hai 17-9, đồng euro tiếp tục lên giá so với đồng USD, đổi được 1,3131 USD. Báo chí giải thích đây là hậu/kết quả của “gói cứu hộ” mới nhất của FED (trong thực tế FED chính là Ngân hàng Nhà nước liên bang Mỹ). Thế nhưng đến cuối tuần, tỉ giá euro/USD lại đổi chiều: 1 euro chỉ còn đổi được 1,2988 USD. Điều gì đang xảy ra?

FED bảo cứu hộ, thị trường bảo phá sản

Theo định nghĩa, “nới lỏng định lượng” (quantitative easing - QE) là một chính sách tiền tệ “phi bài bản kinh điển” mà các ngân hàng trung ương sử dụng nhằm kích thích nền kinh tế quốc dân khi chính sách tiền tệ bài bản kinh điển trở nên không hiệu quả. Một ngân hàng trung ương thực hiện chính sách “nới lỏng số lượng” bằng cách mua vào các tài sản tài chính của những ngân hàng thương mại cùng các tổ chức tài chính tư nhân khác bằng đồng tiền mới nguyên phát hành, nhằm bơm một lượng tiền đã định trước vào nền kinh tế. Chính sách này khác hẳn với chính sách thường dùng là mua vào hay bán ra trái phiếu chính phủ nhằm giữ lãi suất thị trường ở một mức nhắm đến đã định sẵn.

Hôm thứ năm 13-9, hội đồng các thống đốc của FED (1) loan báo: “Nhằm hậu thuẫn khôi phục kinh tế mạnh mẽ hơn nữa và nhằm đảm bảo lạm phát ở vào khoảng bằng hoặc dưới 2%, hội đồng các thống đốc hôm nay đồng ý tăng cường chính sách hỗ trợ bằng cách mua vào thêm các trái phiếu hỗ trợ thế chấp với tần suất là 40 tỉ USD mỗi tháng. Các biện pháp này, tính gộp lại với nhau, sẽ gia tăng số trái phiếu dài hạn của hội đồng lên đến khoảng 85 tỉ USD mỗi tháng, làm nhẹ bớt áp lực lên lãi suất dài hạn, sẽ hậu thuẫn các thị trường thế chấp và giúp các điều kiện tài chính rộng rãi hơn thêm thuận lợi”.

Weiss Research Inc., một công ty tư vấn đầu tư có trụ sở tại Florida, gọi quyết định này của FED là sự thực nghiệm in tiền triệt để, quyết liệt nhất. FED chỉ việc in tiền, mỗi tháng thêm 40 tỉ USD nữa, mỗi năm 480 tỉ USD, rồi trao số tiền giấy đó cho các thân hữu trong số các chủ ngân hàng lớn, thu về một mớ trái phiếu thế chấp. Ngay lập tức, giới đầu tư toàn cầu đã phản ứng như mọi người có thể đoán trước, hầu như điên cuồng nhằm bảo vệ tài sản của mình chống lại cuộc “tấn công” của FED. Chỉ trong chốc lát sau khi FED loan báo, giá vàng bùng nổ, tăng 49,10 USD, tức tăng 2,8%; giá bạc tăng 6,3%; đồng USD tuột trong giỏ tỉ giá tiền tệ thế giới.

Chỉ 24 giờ sau khi chủ tịch FED Ben Bernanke dấn bước vào sách lược quyết liệt của mình, Weiss Research Inc. cho rằng người ta đã học thêm một lần nữa về mức độ nguy hiểm của các chính sách của nhân vật này. Weiss Research Inc. bình luận tiếp: “Chính sách in tiền của FED lôi giá các mặt hàng thiết yếu tăng lên tận trời, làm giàu những nhà đầu cơ ở Phố Wall, khiến thu nhập thực của người Mỹ trung bình lộn nhào, trong khi lại làm biến mất sự tăng trưởng của nền kinh tế thực”. Nền kinh tế thực, theo định nghĩa trên Financial Times Lexicon, là phần này của nền kinh tế liên quan đến sản xuất ra các sản phẩm và dịch vụ, đối lập với phần kia của nền kinh tế liên quan đến mua và bán trên các thị trường tài chính.

Thật ra quyết định của FED đến sau quyết định mua lại nợ của ECB hôm 6-9. Chủ tịch ECB Mario Draghi hôm đó loan báo ECB sẽ đứng ra mua vào những trái phiếu nào có lãi suất quá cao có khả năng đe dọa đến việc thực thi các chính sách tiền tệ chung của khu vực đồng euro. Trong thực tế, đây là một biện pháp nhằm hỗ trợ hai nước đang chịu sức ép nhiều nhất của lãi suất là Tây Ban Nha và Ý qua việc ECB mua lại các trái phiếu nặng lãi nhất, hầu giúp các nước này có thể nhẹ thở hơn mà tiếp tục các biện pháp khắc khổ (2). Quyết định của chủ tịch ECB đã chấm dứt sáu tuần lễ tranh cãi trong nội bộ khối đồng euro, giữa một bên là nước Đức vốn vẫn một mình chống lại các biện pháp cứu nợ, và các nước còn lại.

Mua vào nợ bằng gì?

Chuyện FED mua vào nợ của tư nhân đã là chuyện thường ngày và hiện đang là thời thượng. Liên minh châu Âu (EU) cứu hộ bằng các gói hàng trăm tỉ euro, thật ra cũng là mua vào nợ mà Hi Lạp, Tây Ban Nha, Ý đã vướng, chủ yếu là nợ các ngân hàng tư nhân các nước lớn trong EU. Vấn đề là nếu như FED có thể in tiền “thoải mái” trong định lượng x tiền in ra để lãi suất và lạm phát đừng tăng hơn ước tính, thì EU không thể ung dung làm điều đó. FED là ngân hàng trung ương của cả một nước Mỹ hợp nhất, trong khi ECB lại là của 17 nước EU đã tham gia khu vực đồng euro, và mỗi nước có một nền chính trị - xã hội, kinh tế - tài chính cùng những vấn đề riêng của mình. Thế nên ECB không thể quyết định được gì nếu không có sự đồng thuận chung. Mà để tìm được sự đồng thuận đó là điều không dễ khi mỗi nước đều khăng khăng lợi ích của mình trước hết.

Trong khi Đức chủ trương cứng rắn với những nước kẹt nợ cần cứu hộ thì Pháp bảo từ từ để họ sửa đổi dần. Muốn đi đến một thỏa hiệp cứu hộ cũng phải tranh cãi gần một năm, và tiếng nói bình đẳng một nước 50-60 triệu dân cũng ngang với một nước 6-7 triệu dân! Chính vì thế mà Henry Kissinger đã phát biểu một câu nhớ đời: “Nói chuyện với châu Âu à? Phải gọi số điện thoại nào, cho ai?”. Từ hai năm nay, mỗi khi Hi Lạp bí quá lại nghe có tin nước này đòi ra khỏi khu vực đồng euro. Nhưng chuyện đó đâu có đơn giản như ca khúc bất hủ Hotel California của ban nhạc Eagles từng kết câu như sau: You can check-out any time you like, But you can never leave! - Quý vị có thể đăng ký trả phòng bất cứ lúc nào, song quý vị không bao giờ rời khỏi khách sạn được!

Có một khác biệt nữa giữa FED với ECB cũng như với bất cứ ngân hàng trung ương nào khác: trong khi FED có thể in tiền để trả nợ, nhập khẩu mua sắm, tất nhiên đến một giới hạn nào đã định trong từng kế hoạch nới lỏng định lượng, thì ECB không thể làm được vì tính đa nguyên nêu trên. Với các nước khác cũng vậy, nếu có in tiền cũng chỉ để xài với nhau mà không thể nhập khẩu gì được. Muốn nhập khẩu phải hì hục làm lụng để mà xuất khẩu, và khi nhận tờ “giấy xanh” về, chưa kịp xài đã bị mất tỉ giá so với các đồng tiền khác, coi như bị buộc bán rẻ. Ngược lại, khi vay nợ một nước khác, tỉ như bằng đồng yen, khi đồng USD cứ bị tuột giá, món nợ bằng đồng yen sẽ tự động tăng ngược chiều với đồng USD, phải è cổ xuất khẩu thêm để bù trượt tỉ giá khi đổi qua đồng yen.

Trên một bình diện khác, sở dĩ EU có thể mua lại nợ (phần nào) được giùm cho các nước bết bát nhất là để đổi lại việc các nước này cam kết thắt lưng buộc bụng theo đúng kế hoạch. Đây là một cái phao cứu hộ giúp chính phủ tạm qua khỏi gánh nặng kép của nợ đáo hạn phải trả và thúc bách chi tiêu ngân sách trong chừng mực tối thiểu để dân chúng còn chịu đựng được.

Cũng thế, việc FED ban hành gói nới lỏng định lượng lần thứ ba cũng là do FED lượng định được khả năng chịu đựng của nền kinh tế và thị trường tài chính đến đâu mà cân nhắc cứu trợ bao nhiêu. Song cũng không tránh khỏi các chỉ trích từ thị trường và chính giới. Như phản ứng của dân biểu Ron Paul: “Tôi chỉ muốn nói rằng quốc hội có thẩm quyền lên tiếng phát biểu: đừng mua lại nợ nữa, đừng mua bất cứ món nợ nào nữa”. Cho dù là Mỹ hay châu Âu, ở đâu người ta cũng ý thức rằng không thể vừa mua lại nợ vừa vay nợ và cứ vung tiền qua cửa sổ.

___________

(1) http://www.federalreserve.gov/newsevents/press/monetary/20120913a.htm
(2) http://www.guardian.co.uk/business/2012/sep/06/debt-crisis-mario-draghi

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận