Giảm lãng phí 94.720 tỉ đồng để có thêm 2% GDP

NGUYỄN HỒNG NGA (*) 02/09/2007 19:09 GMT+7

TTCT - Có một số thủ tục và giấy phép Nhà nước có thể làm tốt hơn và tiết kiệm hơn. Để đơn giản chúng tôi lấy một ví dụ. Tại sao giấy phép lái xe B2 lại phải đổi sau ba năm (vì thời gian cho phép là ba năm)? Ở các nước khác, ví dụ tại Liên bang Nga, thời hạn giấy phép lái xe là mười năm.

Có phải Bộ GTVT muốn người dân chi thêm tiền và thời gian để cán bộ ngành có việc làm và có thu nhập? Chúng tôi thử tính số tiền hằng năm cho thủ tục đổi bằng mà đáng lẽ không phải có nếu mười năm mới phải đổi bằng lái xe.

Ảnh: time.com

Hiện nay, theo số liệu thống kê của Bộ GTVT, trên lãnh thổ Việt Nam đang lưu hành khoảng 650.000 ôtô các loại, tương ứng với 650.000 giấy phép lái xe. 

Hiện nay bình quân mỗi giấy phép lái xe bốn năm đổi một lần (bằng B2 ba năm và bằng B1 năm năm đổi một lần, tính bình quân là bốn năm), như vậy mỗi năm có khoảng 650.000/4 = 162.500 bằng phải đổi. 

Nếu 10 năm mới phải đổi thì bình quân mỗi năm có 65.000 bằng phải đổi, như vậy mối năm có 97.500 bằng lái xe phải đổi “oan” do thủ tục đổi bốn năm. 

Mỗi người đi đổi bằng chi phí hết 30.000 đồng lệ phí đổi, 20.000 đồng khám sức khỏe, 4.000 đồng gửi xe, mất khoảng hai giờ làm các thủ tục, qui ra tiền khoảng ít nhất 40.000 đồng, đây là chi phí cơ hội của người đổi bằng lái xe (người lái xe thuê tiền lương bình quân khoảng 3 triệu, làm việc 22 ngày, mỗi ngày 8 giờ, mỗi giờ trung bình 17.000 đồng, còn người có xe riêng thì thu nhập cao hơn nhiều). 

Như vậy mỗi người đi đổi có tổng chi phí là 94.000 đồng. Tổng chi phí “mất đi” do phải đổi bốn năm một lần là 97.500 xe x 94.000/xe = 9,2 tỉ đồng.

Nói thêm về giấy phép lái môtô hai bánh (A1). Hiện nay, theo số liệu thống kê, có khoảng 22 triệu xe máy hai bánh, giả định có khoảng 1/2 số người có xe máy có bằng lái, tức có khoảng 11 triệu bằng lái xe A1. 

Với “bóng dáng” mảnh mai như bằng A1 hiện nay thì khoảng mười năm chúng ta phải đổi một lần (bằng A1 không có thời hạn), tức là mỗi năm bình quân 1,1 triệu bằng phải đổi, như trên chúng ta tính, mỗi lần đi đổi bằng chi phí là 94.000 đồng với bằng lái ôtô, và 74.000 đồng (vì không phải mất 20.000 đồng khám sức khỏe), như vậy chúng ta lãng phí 81,4 tỉ đồng mỗi năm.

Nếu bây giờ chúng ta làm bằng lái xe bằng chất dẻo giống như thẻ ATM thì mỗi bằng lái tốn thêm khoảng 10.000, tức là tốn thêm khoảng 110 tỉ đồng, số tiền này chỉ bằng hơn một năm lãng phí nếu chúng ta xài tấm bằng lái xe bằng giấy thông thường. 

Nếu tính theo hiện giá của đồng tiền và thời gian lái xe bình quân của mỗi người là 40 năm, thì chúng ta tiết kiệm được 938 tỉ đồng.

Như vậy chúng ta có thể tính số tiền tiết kiệm được (hay là lãng phí đối với người dân) khi xem xét chỉ trong việc cấp và đổi bằng lái xe là 947,2 tỉ đồng.

Trong nền kinh tế của chúng ta có hàng trăm công việc như vậy, thế thì chúng ta đã lãng phí ít nhất là 947,2x100 = 94.720 tỉ đồng (xấp xỉ 6 tỉ USD, bằng 50% vốn đăng ký FDI năm 2006), bằng khoảng 10% GDP hay 25% tổng đầu tư toàn xã hội trong năm 2006, số tiền này nếu được đầu tư vào nền kinh tế sẽ làm nền kinh tế tăng trưởng thêm 2 điểm %.

Như vậy việc giảm lãng phí trong các thủ tục hành chính đã giúp chúng ta tăng trưởng thêm 2 điểm % một năm, có nghĩa là tốc độ tăng GDP của VN phải trên 10%, điều này trùng khớp với dự báo của một chuyên gia về kinh tế Việt Nam - GS David Dapice thuộc Trường quản lý nhà nước J.Kennedy, ĐH Harvard.

(*) Khoa kinh tế ĐHQG TP.HCM

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận