Haiyan không làm lay động Warsaw?

HẢI MINH 25/11/2013 05:11 GMT+7

TTCT - Bất chấp bài phát biểu đẫm nước mắt và tuyên bố sẽ tuyệt thực cho tới khi đạt được một thỏa thuận của đại biểu Philippines, Hội nghị chống biến đổi khí hậu toàn cầu lần thứ 19 (COP19) tổ chức ở Warsaw, Ba Lan (kết thúc vào ngày 22-11) chưa hứa hẹn những đột phá.

Bão Haiyan gây chấn động hội nghị biến đổi khí hậu

Phóng to
Cuộc chiến của đại biểu Philippines Yeb Sano tại hội nghị ở Warsaw không đủ sức lay động các nước giàu? - Ảnh: Thenews.pl

Những nước đang phát triển rất bức xúc trước việc các nước giàu không tuân thủ cam kết của họ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, bất chấp tai họa khủng khiếp vừa xảy ra với Philippines.

Các nước giàu và nghèo muốn gì?

Yeb Sano, trưởng đoàn đàm phán Philippines ở hội nghị do Liên Hiệp Quốc bảo trợ, đã cảnh báo quan hệ giữa các nước giàu và nghèo có thể “đổ vỡ hoàn toàn” nếu một thỏa thuận giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính không đạt được từ giờ tới năm 2015. Ông Sano đã trải qua sáu ngày tuyệt thực, vừa như một lời kêu gọi vừa để chia sẻ với những đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão Haiyan, bao gồm chính gia đình ông. Ông nói với tờ The Guardian (Anh) ngày 17-11: “Chúng tôi rất lo lắng. Những tuyên bố từ một số nước hạ mục tiêu chống biến đổi khí hậu không có ích cho việc xây dựng lòng tin. Chúng ta phải nhận thức được tình hình mới và thiết kế một hệ thống có thể giúp chúng ta quản trị rủi ro và xử lý những tổn thất”.

Đại biểu Bangladesh Mujurul Hannan Khan, cũng là đại diện cho 47 nước nghèo nhất thế giới, nói: “Cách mà họ nói chuyện với các nước dễ tổn thương nhất là không thể chấp nhận. Hôm nay, những nước nghèo đang hứng chịu hậu quả của biến đổi khí hậu, nhưng rồi sẽ tới lượt các nước giàu”.

Úc, Nhật Bản và Canada đều đã hạ mục tiêu chống biến đổi khí hậu. Nhật Bản sẽ hạ mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ 25% xuống chỉ còn 3,8% từ giờ tới năm 2020 với lý do phải đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân và chuyển sang sử dụng nhiên liệu hóa thạch sau thảm họa động đất và sóng thần.

Úc thậm chí không cử đại biểu cấp bộ trưởng tới hội nghị và có thể sẽ hạ mục tiêu giảm lượng khí thải do một chính phủ bảo thủ sắp lên nắm quyền. Canada rút lui hoàn toàn khỏi Nghị định thư Kyoto, vốn quy định các nền kinh tế phát triển sẽ hạ mức phát thải CO2 xuống dưới mức năm 1990.

Trong phiên họp thượng đỉnh bắt đầu từ ngày 18-11 với sự tham gia của 195 nước, các nước nghèo muốn các nước giàu không theo bước Nhật Bản. Họ cũng muốn những nước phát triển cam kết thành lập một chương trình đền bù cho các hiện tượng thời tiết cực đoan do hiện tượng ấm lên toàn cầu, với khoản tiền đóng góp tối thiểu là 100 tỉ USD từ giờ tới năm 2020.

Đại diện đoàn đàm phán của Trung Quốc Tô Vĩ tuyên bố: “Tôi không còn từ nào để mô tả sự thất vọng với quyết định của Nhật Bản”. Ông cũng chỉ trích châu Âu đặt ra mục tiêu thiếu tham vọng. Tuy nhiên, Trung Quốc tiếp tục “chuẩn mực kép” khi Bắc Kinh đã quyết định xây dựng thêm ít nhất chín nhà máy sản xuất khí đốt chạy than quy mô lớn ở vùng tây bắc nước này và khu tự trị Nội Mông.

Theo tạp chí Nature Climate Change, các nhà máy này sẽ thải ra gấp bảy lần lượng khí thải nhà kính so với các nhà máy khí đốt tự nhiên thông thường. Việc xây nhà máy ở khu tây bắc có thể do Trung Quốc muốn làm sạch hơn bầu không khí ở các đô thị lớn của nước này, vốn đã ô nhiễm trầm trọng vì những nhà máy phát điện chạy than.

Các nước đang phát triển cũng bày tỏ thất vọng vì các nước giàu từ chối thảo luận việc chi tiền cho những nhà khoa học tính toán mức phát thải kể từ khi cách mạng công nghiệp bắt đầu đến nay.

Đại sứ Jose Antonio Marcondes de Carvalho của Brazil, người đã đưa ra đề xuất chi tiền cho những nhà khoa học, nói: “Chúng tôi bị sốc vì họ từ chối đề nghị này. Chúng tôi cần hiểu tại sao lại như thế. Các nước đang phát triển đã nỗ lực hơn rất nhiều so với các nước giàu trong việc giảm khí thải”.

Cuộc chiến trong tương lai

Cho tới giờ vẫn khó thuyết phục những người phản đối rằng những thiên họa như bão Haiyan là hậu quả trực tiếp của biến đổi khí hậu do con người gây ra. Nhưng những thiên tai ngày càng thường xuyên hơn và hậu quả tai hại của tình trạng ấm lên toàn cầu cùng nước biển dâng là điều đã được các nhà khoa học nhất trí: những trận bão khủng khiếp, lũ lụt tồi tệ, sản xuất lương thực bị đe dọa, đại dương ô nhiễm và axit hóa, hạn hán thường xuyên và ngày càng gay gắt, cháy rừng...

Hàng tỉ người sẽ bị ảnh hưởng. Tiếp nối sẽ là bất ổn xã hội và xung đột.

Cái giá phải trả của việc trì hoãn một thỏa thuận về biến đổi khí hậu không chỉ là thời gian, mà là cơ hội để sửa sai. Khi những cuộc thương lượng càng kéo dài, khí thải càng lấp đầy bầu khí quyển và nhiệt độ ngày càng tăng. Bài học của những kỳ hội nghị chống biến đổi khí hậu đã qua là nỗi sợ về một tương lai thảm khốc với nhân loại chưa đủ để tạo ra một ý chí chính trị nhất quán.

Hầu hết mọi người không sở hữu cổ phần của các công ty dầu mỏ và than đá, nhưng họ cũng không có nhiều động cơ như các công ty này trong việc khuyến khích sự thay đổi thật sự. Công chúng quan tâm trước hết tới nguồn năng lượng ổn định và việc làm.

Nếu cắt giảm khí thải không đồng nghĩa với nguồn năng lượng ổn định và giá rẻ hơn nhiên liệu hóa thạch, giao thông đáng tin cậy và thêm cơ hội công ăn việc làm, họ sẽ không ủng hộ các sáng kiến xanh, sạch. Cho tới giờ, những người bảo vệ môi trường chưa thể bác bỏ một cách dứt khoát lập luận như vậy của các tập đoàn nhiên liệu hóa thạch.

Cho tới Warsaw, chỉ một phần nhỏ trên thế giới tìm ra được con đường nhiên liệu xanh, sạch và hiệu quả như Anh, Bắc Âu, California (Mỹ), Đức.

Hiện tại, bốn yếu tố cơ bản trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, theo kinh tế gia lừng lẫy Jeffrey Sachs trong một bài viết trên Financial Times ngày 18-11, bao gồm: thêm nguồn điện từ các công nghệ carbon thấp (thay vì dầu hỏa và than đá), thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng điện cho các mục đích dân dụng như ở những hộ gia đình và xe hơi, sử dụng nhiên liệu hiệu quả hơn trong sản xuất và sinh hoạt, chấm dứt tình trạng phá rừng (rừng hấp thu khí CO2).

Thách thức với hội nghị Warsaw là biến bốn yêu cầu đó thành những mục tiêu cụ thể, nhấn mạnh vào tiết kiệm chi phí, đáng tin cậy và được tất cả các bên đồng ý.

Mạng lưới các giải pháp phát triển bền vững toàn cầu (SDSN), một sáng kiến của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon, đang nỗ lực cụ thể hóa các mục tiêu đó để có những đường hướng rõ ràng hơn cho hội nghị thượng đỉnh về khí hậu năm tới và một cuộc gặp nữa tại Paris năm 2015, nơi Liên Hiệp Quốc hi vọng các nước sẽ đạt được một thỏa thuận mới, toàn diện hơn về chống biến đổi khí hậu.

Còn hiện giờ, những nhóm vận động hành lang cho nhiên liệu hóa thạch đang thắng thế trong sự khổ ải của người dân Philippines và hành vi tuyệt thực anh hùng, nhưng đang dần trở nên tuyệt vọng, của ông Sano.

Khí hậu “đụng” than đá

Có một điều khá mỉa mai ở COP19 là hầu hết nhà tài trợ cho công tác tổ chức của nước chủ nhà là các công ty nhiên liệu hóa thạch như Lotos, một công ty dầu mỏ Ba Lan và nhà sản xuất than đá PGE.

Trong lúc COP19 đang diễn ra, ngày 18-11 Hội nghị thượng đỉnh các nhà sản xuất than quốc tế cũng được tổ chức ở Ba Lan, quốc gia dựa rất nhiều vào nhiên liệu từ than đá.

Trong thư gửi Tổng thư ký Nghị định khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu Christiana Fiqueres, Tổ chức Greenpeace chỉ trích dữ dội thời gian biểu này: “Chúng tôi không thể chấp nhận những sự kiện quảng bá cho ngành công nghiệp gây ô nhiễm nhất gắn với việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Trong khi chúng tôi thừa nhận những nỗ lực phát triển một công nghệ “than sạch”, quan điểm của chúng tôi đây chỉ là nỗ lực che đậy của ngành than để họ tiếp tục sống sót”.

(Theo globalwarmingisreal.com)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận