Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi

HẢI MINH 13/06/2018 21:06 GMT+7

TTCT - Cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak đang có nguy cơ trở thành nhà cựu lãnh đạo mới nhất ở châu Á vướng vào lao lý. Ông không phải người đánh mất quyền lực đầu tiên ngay lập tức đối mặt với nhà tù ở những nền dân chủ còn non trẻ tại Viễn Đông, và nhiều khả năng không phải người cuối cùng.

Ở tuổi 93, ông Mahathir là nhà lãnh đạo dân chủ lớn tuổi nhất thế giới. Ảnh: wikimedia.org
Ở tuổi 93, ông Mahathir là nhà lãnh đạo dân chủ lớn tuổi nhất thế giới. Ảnh: wikimedia.org

 

Gần như ngay sau khi cuộc tổng tuyển cử ở Malaysia có kết quả chính thức, ông Najib đã bị cấm xuất cảnh. Đầu tuần, nơi ở của ông bị cảnh sát lục soát, dẫn tới việc thu giữ 284 hộp túi xách hàng hiệu, nhiều tiền mặt và đá quý. Sau khi đã cầm quyền ở Malaysia gần 10 năm, ông Najib và vợ, bà Rosmah Mansor, giờ đang như “cá nằm trên thớt”. Ông đã phải xuất hiện trên truyền thông “báo động” rằng ông lo lắng cho sự an toàn của mình và nhờ cảnh sát bảo vệ.

Hưu trí là bất trắc

Chính quyền mới ở Malaysia, do người bảo trợ cũ quay sang thành kẻ thù của ông, Mahathir Mohamad, đang đòi câu trả lời từ chính quyền cũ về khoản tiền nhiều tỉ USD đã biến mất khỏi quỹ đầu tư nhà nước 1 Malaysia Development Berhad (1MDB). Dù ông Najib trước sau bác bỏ các cáo buộc, hình ảnh của ông sau cuộc bầu cử và danh tiếng ăn xài lớn của bà vợ ông khiến tình hình không mấy sáng sủa với ông.

Cơ quan chống tham nhũng Malaysia hiện đã triệu tập ông để trước hết trả lời về vụ chuyển khoản số tiền tương đương 10,6 triệu USD từ một đơn vị cũ của 1MDB vào tài khoản cá nhân của ông. Đó chắc chắn sẽ không phải lần cuối cùng ông Najib phải “làm việc” với nhà chức trách. Luật sư của bà Rosmah nói các diễn biến này cho thấy nguy cơ về “một phiên tòa đám đông” xét xử chồng bà. Những chi tiết được báo chí Malaysia tiết lộ về vụ lục soát nhà ông cũng cho thấy sự trở mặt của chính trường và tính trớ trêu của những kẻ đã ngã ngựa so với thời “còn bạc, còn tiền, còn đệ tử”. “Thái độ sỗ sàng và vô trách nhiệm của cuộc lục soát, và vụ tịch thu, thể hiện qua thái độ của các nhân viên cảnh sát, những người đã tự ý mở tủ lạnh (nhà ông Najib) lấy đồ ăn và sôcôla, và đòi phải nấu ăn phục vụ cho họ” - báo New Straits Times dẫn lời luật sư của ông Najib.

Chuyện các cựu lãnh đạo ở cấp cao nhất của châu Á vướng vòng lao lý đã diễn ra nhiều tới mức thành thường tình. Hàn Quốc chẳng hạn, nổi tiếng là một nơi rủi ro cực lớn cho các cựu tổng thống. Hiện một cựu tổng thống (Park Geun Hye) đang thụ án 24 năm tù giam, một cựu tổng thống khác (Lee Myung Bak) sẽ phải hầu tòa nay mai, đều với các cáo buộc lạm dụng quyền lực và tham nhũng. Trước đó nữa, hai cựu tổng thống hầu tòa, bị xử những mức án rất nặng, rồi được ân xá; một cựu tổng thống khác nhảy từ vách đá xuống tự tận sau khi về hưu và bị điều tra tham nhũng.

Những vụ việc tương tự cũng đã diễn ra ở Thái Lan, với các cựu thủ tướng (và hai anh em ruột) Thaksin và Yingluck Shinawatra đều bị xét xử vắng mặt và bị tuyên án với tội danh tham nhũng. Ở Philippines, với các cựu tổng thống Joseph Estrada và Gloria Arroyo (dù không ai bị kết án). Ngoài ra, cũng có thể kể ra nhiều vụ việc như thế nữa ở Đài Loan, Indonesia, và cuộc thanh trừng hết sức mạnh tay hơn đã và đang diễn ra ở Trung Quốc, khi hàng loạt cựu lãnh đạo cấp cao nhất đã xộ khám với chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của Chủ tịch Tập Cận Bình. Khi những biến cố cùng kiểu - nhưng tất nhiên, khác nhau về nguyên nhân và tính chất với từng vụ việc, từng quốc gia cụ thể - lặp đi lặp lại tới mức trở thành một mô thức như thế, người ta không khỏi đặt ra câu hỏi tại sao.

Chế độ thái thượng hoàng

Ở nhiều nước châu Á, không chỉ trong các chế độ toàn trị, nhiều lãnh đạo tuy đã không còn tại chức nhưng còn lâu mới là hưu trí. Chiến thắng của ông Mahathir ở Malaysia vừa rồi là một ví dụ điển hình nhất. Đã 93 tuổi, làm thủ tướng 23 năm trong lần đầu, kể từ khi ông lên nắm quyền lần đầu vào năm 1981, Mahathir chưa bao giờ rút lui hoàn toàn khỏi chính trường Malaysia. Ông không chỉ là thủ tướng cầm quyền lâu nhất, mà còn là người “tạo vương” chủ yếu của đất nước Hồi giáo này.

Người đầu tiên được ông chọn “kế vị”, Anwar Ibrahim, bị Mahathir thay thế bằng một người khác, rồi Mahathir sau đó lại “xỏ giày vào sân”, liên minh với Anwar để đánh bại Rajib trong cuộc bầu cử mới vừa rồi. Ảnh hưởng của Mahathir, vì thế, không khác gì một vị thái thượng hoàng của thời phong kiến: chỉ định người kế vị, phế truất người kế vị, chỉ định người kế vị khác, liên minh với người kế vị bị phế truất để đánh bại một kẻ thù chính trị chung, và giờ tự mình cầm quyền.

Trước bầu cử, Mahathir đã nói mục đích chính của ông là giành chiến thắng, tuyên bố ân xá cho ông Anwar (lúc đó đang ngồi tù), rồi sẽ trao lại ghế thủ tướng cho ông này. Tuy nhiên, chiến thắng vang dội và có phần bất ngờ vừa qua đã khiến “thái thượng hoàng” đổi ý. Anwar, đã 70 tuổi, xem ra sẽ phải đợi. “Trong giai đoạn đầu, có thể là một hoặc hai năm (một nhiệm kỳ thủ tướng ở Malaysia là 5 năm), tôi sẽ là thủ tướng - ông Mahathir nói, và bổ sung thêm không cần úp mở - Tôi vẫn sẽ có một vai trò ở hậu trường ngay cả khi tôi đã từ nhiệm”.

Tương tự là ở nước láng giềng của Malaysia, Singapore, với cái bóng của người khổng lồ Lý Quang Diệu phủ xuống đất nước này suốt từ khi ông lên làm thủ tướng vào năm 1959 tới lúc từ nhiệm năm 1990 và tận khi ông qua đời năm 2015. Chức vụ chính thức của ông Lý sau khi ông thôi làm thủ tướng là “bộ trưởng cấp cao”, dịch từ tiếng Anh “Senior Minister”. Tuy nhiên, tên chức vụ đó không phản ánh đúng vai trò của ông bằng tên tiếng Hoa (được dùng song song ở Singapore): “quốc vụ tư chính”, tức một kiểu cố vấn nhà nước chuyên trách.

Trường hợp Singapore có lẽ không hẳn là cho thấy sự tham quyền cố vị hay nỗi sợ đánh mất quyền lực sẽ dẫn tới những hậu quả hình pháp, bởi ông Lý nổi tiếng là một nhà lãnh đạo trong sạch và nhiều phẩm chất. Tuy nhiên, nó vẫn là sự phản chiếu sâu sắc văn hóa Á Đông coi trọng kinh nghiệm, những người lớn tuổi, nhất là nếu họ từng giữ địa vị cao, và mọi việc đều phải “có tính kế thừa”. Ngược lại, ở phương Tây, hầu hết các cựu lãnh đạo sau khi thôi chức chỉ còn đóng các vai trò nghi lễ, thiện nguyện, văn hóa..., hiếm có ai trực tiếp tham chính như thế.

Khái niệm quốc gia - dân tộc du nhập, còn mới mẻ ở châu Á là một nguyên nhân nữa. Phần lớn các nước hậu thuộc địa trong vùng giành độc lập gắn liền với một hoặc một vài “người cha sáng lập”, đôi khi mang màu sắc của cả một triều đại (như gia tộc Nehru - Gandhi ở Ấn Độ, nhà Aquino ở Philippines, họ Lý ở Singapore...). Sự kính ngưỡng mà nhân dân - cử tri dành cho những nhân vật đó mang tính chất văn hóa, truyền thống và lịch sử mà những thể thức tổ chức nhà nước mới không phải một sớm một chiều mà thay thế ngay được.

Những khó khăn ở phương Tây đang đe dọa sự lan truyền các giá trị tưởng đã là phổ quát. Ảnh: vox.com
Những khó khăn ở phương Tây đang đe dọa sự lan truyền các giá trị tưởng đã là phổ quát. Ảnh: vox.com

Đặc sắc châu Á?

Đấu tranh quyền lực trong quá khứ vốn là một trò chơi sinh tử, “được làm vua, thua (phải) làm giặc”. Cơ chế bầu cử dân chủ và những nỗ lực kiểm soát quyền lực hiện đại được hi vọng sẽ giúp giảm bớt tính chất “một mất một còn” đó của các cuộc chơi chính trị, nhưng bởi hầu hết các quốc gia châu Á chỉ mới áp dụng nguyên lý dân chủ chưa lâu, và ở nhiều nơi mới chỉ là dân chủ hình thức, những cuộc thanh trừng hậu chuyển giao đã trở thành một đặc sản.

Nhưng còn một lý lẽ khác đang ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn: rằng châu Á phải và nên có một mô hình quản trị nhà nước của riêng mình. Trong một bài báo với tựa đề đầy thách thức: “Tại sao người ta ghét Singapore” trên Straits Times năm 2008, trưởng ban chính trị của tờ báo đã lớn tiếng bảo vệ cho những gì diễn ra ở đảo quốc thịnh vượng này: “Singapore là một ví dụ cho các nước khác về việc thị trường tự do cộng với pháp quyền, và những chính sách kinh tế vĩ mô ổn định, có thể dẫn tới tăng trưởng và thành công, mà không cần dân chủ ‘tự do’ kiểu phương Tây”.

Những người khác, như Ho Cheow Seng trên blog của tổ chức đoàn viên cho Đảng Hành động nhân dân Singapore, thì tấn công mô hình phương Tây: “Vậy là phương Tây, đặc biệt là Mỹ, muốn dạy dỗ chúng tôi về cách điều hành đất nước theo mô hình dân chủ của họ. Hãy cẩn thận với điều đó. Các bạn thực sự tin rằng ở Mỹ có tự do và nhân quyền sao?”.

Singapore đã đủ giàu để có thể lớn tiếng, nhưng một số quốc gia khác trong khu vực, mà Trung Quốc là quan trọng nhất, cũng đang tăng trưởng nhanh chóng để bắt đầu nói về một con đường khác so với “lựa chọn tất yếu”: dân chủ kiểu phương Tây. Đó có thể sẽ là cuộc đấu tranh ý thức hệ của tương lai, và chiến thắng của Mahathir ở Malaysia, trong khi là kết quả của một cuộc bầu cử sòng phẳng và minh bạch hoàn toàn theo kiểu phương Tây, thật trớ trêu, lại là một lời xác nhận nữa cho những “giá trị châu Á”!■

Mặc cảm quá khứ

Sự phản ứng với việc áp đặt (hay du nhập) những quan điểm cai trị từ nước ngoài ở châu Á còn mang tính lịch sử. Bản thân ông Mahathir, chiến thắng bằng bầu cử dân chủ, là người có quan điểm chống phương Tây mạnh mẽ khi ông nắm quyền nhiệm kỳ đầu. Hầu hết các nước châu Á đều chưa quên quá khứ thuộc địa đau thương của họ. Trung Quốc hiện đại chẳng hạn, được định vị như ngày nay một phần quan trọng là di sản của những hiệp ước bất bình đẳng với các cường quốc phương Tây thời chiến tranh nha phiến và bởi sự biến “tám nước vào Bắc Kinh”. Ấn Độ hiện đại bắt nguồn từ việc thiết lập Công ty Đông Ấn và sự cai trị của đế quốc Anh trong gần một thế kỷ. Như nhà nghiên cứu châu Á và Trung Quốc lừng lẫy người Mỹ Owen Lattimore đã viết từ năm 1942: “Sự sống còn của nền dân chủ đòi hỏi sự phổ quát hóa các giá trị dân chủ, và sự phổ quát hóa các giá trị dân chủ đòi hỏi phải chấm dứt chủ nghĩa đế quốc”. Trong thế giới lộn xộn hiện giờ, mọi tiền đề của Lattimore đều chưa đạt được.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận