Hy vọng nào để giải quyết chuyện "lách", "gian" và "quân đổ quân xanh"?

CẦM VĂN KÌNH 07/04/2014 21:04 GMT+7

TTCT - Có nhiều chiêu thức lách luật trong hoạt động đấu thầu, liệu những quy định mới có hiệu lực từ ngày 1-7 của Luật đấu thầu có tạo một sân chơi lành mạnh? Ông Nguyễn Sơn - cục phó Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và đầu tư - trả lời TTCT.

Dư luận cả nước đang quan tâm đến nghi vấn tham nhũng ở Việt Nam mới phát hiện từ Nhật Bản

Từ trước năm 1993 VN đã bắt đầu có những cuộc đấu thầu đầu tiên, đến nay các quy định về đấu thầu đã được ban hành, cập nhật, bổ sung rất nhiều nhằm đảm bảo mục tiêu “cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả”.

Công tác đấu thầu ngày càng được cải thiện, nhưng phải thừa nhận như báo chí đã nói nhiều, với những lý do khác nhau, vẫn còn những hạn chế, bất cập trong hoạt động đấu thầu, còn nhiều kiểu “lách luật” tinh vi... 

Bộ Kế hoạch và đầu tư từng tổ chức thanh tra công tác đấu thầu các dự án do Tổng công ty Đường sắt thực hiện nhưng không phát hiện sai phạm với dự án có Tập đoàn Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) (*) tham gia. 

* Sai phạm về đấu thầu đã được nêu không ít. Nhưng qua vụ JTC mới thấy cả nhà thầu nước ngoài cũng “lách”. Cục Quản lý đấu thầu có biết các kiểu “lách” đó?

- Chúng tôi được phản ánh nhiều hình thức “lách” trong đấu thầu. Như quy định hiện nay cơ quan mời thầu phải đăng báo ba số liên tiếp để thông báo mời đấu thầu. Nhưng đã có trường hợp để hạn chế tiếp cận thông tin, doanh nghiệp sau khi đăng báo thì đi gom, cố mua lại hết số báo của ngày hôm đó, hoặc chỉ đăng báo địa phương, không phải báo ra hằng ngày, lượng phát hành ít... 

Rồi có doanh nghiệp đi mua hồ sơ mời thầu rất khó khăn, cán bộ bán hồ sơ đi vắng liên tục, cho đến khi... hết hạn. Chưa hết, còn có nhà thầu phản ảnh đến mua hồ sơ để tham gia đấu thầu còn bị đầu gấu chặn. Rồi chuyện hồ sơ mời thầu thiếu minh bạch, đưa ra những điều kiện làm hạn chế các doanh nghiệp tham gia dự thầu... 

Rất nhiều cách, mục đích chỉ để một số nhà thầu thân quen mua được hồ sơ và tham gia đấu thầu. Rồi mấy doanh nghiệp này thỏa thuận với nhau, gọi là “quân xanh, quân đỏ”. Nghĩa là một anh đã liên kết được với chủ đầu tư rồi, mời mấy anh khác đến. Họ thỏa thuận với nhau, “quân xanh” bỏ giá cao, “quân đỏ” bỏ giá thấp, thế là trúng thầu.

Ông Nguyễn Sơn - Ảnh: C.V.K

Thưa ông, quy định về đấu thầu phải chăng có kẽ hở?

- Tôi nghĩ đổ hết lỗi cho Luật đấu thầu là không đúng. Như các kiểu “lách” tôi nêu, người ta lợi dụng rất nhiều khâu, nhiều quá trình trong các lĩnh vực khác nhau, không chỉ trong đấu thầu. Như vấn đề liên quan quy hoạch, đầu tư, xây dựng. Rồi các cơ quan giám sát, thanh tra, kiểm tra thế nào. Ngay việc người ta cản trở người đến mua hồ sơ dự thầu, lấy cớ đi vắng không bán thì trong Luật đấu thầu đã quy định rồi, ta đã xử lý chưa? 

 Phải chăng quy định “bó tay” với các kiểu “lách”?

Theo tôi, Luật đấu thầu vừa được Quốc hội thông qua (có hiệu lực từ ngày 1-7 tới đây) có nhiều điểm mới, quy định rõ trách nhiệm các bên, hành vi vi phạm, xử lý vi phạm, kiểm tra giám sát... sát với thực tế hơn sẽ giúp giảm tiêu cực, thất thoát trong đấu thầu.

* Luật đấu thầu mới có những giải pháp gì để chống được “quân xanh, quân đỏ”, nâng khống tổng mức đầu tư, rồi “lại quả” những số tiền khổng lồ như đã thấy?

- Luật đấu thầu lần này đã tiếp thu kinh nghiệm thế giới và thực tế thực thi Luật đấu thầu 2005. Từ năm 2009, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã phối hợp với nhà tài trợ quốc tế triển khai thí điểm hệ thống đấu thầu qua mạng (ĐTQM), kết quả đạt được rất tích cực, tăng minh bạch, trách nhiệm giải trình và quản lý được thông tin về đấu thầu... Trong Luật đấu thầu sắp có hiệu lực đã bổ sung nhiều nội dung về ĐTQM. 

Hệ thống ĐTQM có địa chỉ là www.muasamcong.mpi.gov.vn. Tất cả doanh nghiệp nào quan tâm chỉ cần vào trang này sẽ thấy hết nơi nào đang mời thầu qua mạng. ĐTQM thứ nhất sẽ giúp không còn chuyện giấu giếm, chỉ có một vài doanh nghiệp thân hữu được biết kế hoạch đấu thầu nữa. 

Thứ hai, khi biết thông tin rồi, doanh nghiệp cũng không cần phải đi tìm địa chỉ, chờ mua hồ sơ mời thầu nữa, mà có quyền đăng ký tham gia đấu thầu ngay. Việc tìm cách chỉ bán hồ sơ cho những doanh nghiệp thân hữu cũng sẽ không thể thực hiện được. 

Thứ ba, chủ đầu tư phải công bố công khai tổng mức đầu tư, các thông tin về dự án... Do công khai, ĐTQM sẽ có nhiều doanh nghiệp đăng ký. Với cạnh tranh mạnh, chi phí giao dịch và giá dự thầu sẽ giảm. Tất nhiên, ĐTQM không phải công cụ duy nhất cải thiện những thách thức trong hoạt động đấu thầu. 

* Đây có thể là hướng ra quan trọng để giải quyết việc thông thầu. Nhưng muốn tham gia ĐTQM thì thủ tục như thế nào, thưa ông?

- Bên chủ đầu tư hay nhà thầu muốn tham gia chỉ cần đăng ký với Cục Quản lý đấu thầu một lần duy nhất. Khi đó họ phải cung cấp đầy đủ các hồ sơ, giấy tờ chứng minh năng lực, thẩm quyền... của mình theo quy định, Cục Quản lý đấu thầu sẽ cấp cho mỗi đơn vị một chứng thư số. 

Khi có chứng thư, chủ đầu tư sẽ được quyền đăng nhập vào hệ thống để tự đăng tải các thông tin về đấu thầu (như kế hoạch đấu thầu, thông báo mời thầu, mở thầu, kết quả đấu thầu, kể cả hình thức chỉ định thầu) và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin. 

Các nhà thầu cũng chỉ cần đăng nhập chứng thư số của mình là có thể tham gia dự thầu. Chủ đầu tư và nhà thầu sẽ không cần biết mặt nhau. Việc ĐTQM ai đủ điều kiện, đáp ứng giá tốt nhất sẽ trúng. Người không trúng cũng sẽ biết tại sao mình trượt, hoàn toàn công khai minh bạch.

* Nghĩa là từ ngày 1-7, khi luật có hiệu lực, cuộc chơi hoàn toàn mới?

- Chúng tôi đang thúc đẩy hình thức này. Tuy nhiên, đến nay dù đã có những đơn vị thuộc diện phải tham gia thí điểm, nhưng sự nhận thức và hưởng ứng là rất khác nhau. Nhiều đơn vị, tỉnh thành phía Nam rất nhiệt tình, số dự án và các cuộc ĐTQM đã có khá nhiều. Nhưng bên cạnh đó, có nhiều tỉnh thành với những lý do khác nhau, như TP Hà Nội chẳng hạn, hơn ba năm thí điểm mới có một vài gói thầu tham gia ĐTQM. 

Tôi nghĩ cần có ý chí và quyết tâm cao của người đứng đầu. Thực tế, qua hơn ba năm thí điểm từ 2009-2011 chỉ có 55 gói thầu được ĐTQM thì trong hai năm tiếp theo 2012-2013, cả nước đã có hơn 1.000 gói thầu được thực hiện ĐTQM. Đặc biệt, Luật đấu thầu 2013 đã đề cập nhiều nội dung rất cụ thể cho việc ĐTQM, nên chúng tôi rất hi vọng sau ngày 1-7 tới đây, ĐTQM sẽ có những thay đổi vượt bậc. 

Có rất nhiều lý do được đưa ra để trì hoãn áp dụng, ví dụ như hệ thống của chúng tôi chậm, bảo mật chưa tốt... Tôi công nhận hệ thống chưa được hoàn chỉnh, vì vẫn đang ở giai đoạn thí điểm, cần tiếp tục nâng cấp, phát triển. Tuy nhiên, với hệ thống này, nhiều địa phương ở vùng sâu, vùng xa đã tiến hành tốt, tại sao nhiều nơi khác có điều kiện hơn lại không? 

Khi tỉ lệ ĐTQM lên đến 80-90%, chắc chắn cái được không chỉ là giảm tham nhũng, tiêu cực, mà còn tăng sự cạnh tranh bình đẳng, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển lành mạnh... Chúng ta đã có công cụ rồi, chỉ cần hợp tác tốt hơn, quyết tâm thực hiện nữa thôi.

 Cứ cơ chế này, trường hợp như JTC còn tồn tại

Theo báo Nhật, Tập đoàn Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) phải đưa hơn 16 tỉ đồng cho quan chức đường sắt VN. Rà soát lại những dự án JTC tham gia cho thấy có dự án JTC đã tăng tổng mức đầu tư. 

Theo ông Dương Văn Cận - tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu VN, trong trường hợp việc phát sinh thêm khối lượng, bên tư vấn muốn được tăng tổng mức đầu tư thì buộc phải có sự đồng ý của chủ đầu tư. Sau đó, chủ đầu tư mới trình lên người phê duyệt đầu tư. 

Ông Cận cho rằng nếu theo đúng quy định, việc nâng tổng mức đầu tư phải phụ thuộc nhiều yếu tố. Thứ nhất là trong hợp đồng có cho phép điều chỉnh giá không. Thứ hai là những điều chỉnh tăng tiền đầu tư, thực tế là tăng tiền trả cho JTC, có hợp lý không. 

Ông Cận công nhận đã có nhiều trường hợp chủ đầu tư thông đồng với tư vấn để nâng vốn đầu tư và “câu chuyện tiền nong” thường nằm ở đây. Có hợp đồng cho phép điều chỉnh giá, thế là nhà thầu cứ để càng chậm tiến độ thì càng trượt giá, cứ thế nâng giá lên. 

Các quy định của VN rất chặt chẽ, nhưng theo ông Cận, người ta hoàn toàn có thể móc ngoặc với nhau, quy định một câu chung chung nào đó trong hợp đồng, để khi cần nâng mức đầu tư sẽ có chỗ để “lách”. 

Đặc biệt, ông Dương Văn Cận cho rằng cứ để hệ thống như hiện nay, những trường hợp như JTC sẽ vẫn còn tồn tại, bởi cơ chế khá khép kín. Như chủ đầu tư thuê tư vấn thẩm định đầu tư, vì vậy nếu tư vấn không nghe lời thì lần sau họ khó có cơ hội.

(*): Tờ nhật báo lớn nhất nước Nhật Yomiuri Shimbun ngày 21-3 đưa tin chủ tịch Tập đoàn Tư vấn giao thông Nhật Bản đã hối lộ cho một số lãnh đạo ngành đường sắt VN hơn 700.000 USD. Bộ GTVT VN lập tức vào cuộc. Hiện những đối tượng liên quan ở VN đã bị tạm ngưng chức vụ để giải trình, phục vụ công tác điều tra.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận