Indonesia: Cuộc chiến chống tham nhũng và những bất trắc của Jokowi

DANH ĐỨC 25/10/2019 22:10 GMT+7

TTCT - Chiều chủ nhật vừa rồi, 20-10, ông Joko Widodo (Jokowi) đã tuyên thệ nhậm chức lần thứ nhì. Ứng viên tổng thống hai lần thất cử, cựu tướng Prabowo Subianto, thay vì xua người xuống đường như hồi kết quả bầu cử được công bố, đã “hiền hòa” tham dự lễ nhậm chức sau khi cùng tổng thống chụp ảnh selfie. Thế nhưng, bầu không khí Jakarta lại nóng hừng hực bởi làn sóng biểu tình chống tham nhũng của sinh viên.

Sinh viên 300 trường đại học trên cả nước đã xuống đường phản đối luật KPK. Ảnh: AP
Sinh viên 300 trường đại học trên cả nước đã xuống đường phản đối luật KPK. Ảnh: AP

Việc hai ông Subianto và Jokowi chụp ảnh “tự sướng” chung tại dinh tổng thống khiến Hãng tin ABC News của Úc hôm chủ nhật sững sờ đặt câu hỏi: “Làm thế nào các ông Jokowi và Prabowo của Indonesia lại có thể từ kẻ thù biến thành bạn thân tình nhất?”.

Còn nhớ sau khi kết quả bầu cử được công bố hôm 21-5, với 85,6 triệu phiếu (55,5% tổng số phiếu bầu) cho ông Jokowi và 68,6 triệu phiếu (44,5%) cho ông Subianto, những người ủng hộ ông Subianto đã xuống đường ở Jakarta ngay hôm sau 22-5, gây náo loạn khiến tám người chết, hơn 600 người bị thương.

Làn sóng phản đối đó nay đã “tự xẹp” nhưng thay vào là một cuộc phản kháng mới của sinh viên, bắt đầu từ trung tuần tháng 9, với mục tiêu giành lại sự độc lập cho cơ quan chống tham nhũng Indonesia Komisi Pemberantasan Korupsi (KPK) và phản đối một số điều luật hình sự mới trừng phạt tội chỉ trích tổng thống hay có quan hệ tình dục ngoài hôn nhân...

Làn sóng mới này khiến tờ Foreign Policy của Mỹ ngày 30-9 cảnh báo: “Những cuộc phản kháng chống ông Joko Widodo làm rung chuyển Indonesia”. Nhận xét “làm rung chuyển” là chính xác, do lẽ đã có tới mấy vạn sinh viên xuống đường và đã có hai người thiệt mạng.

“Nhổ răng” KPK

Ngày 17-9, Hội đồng Đại biểu nhân dân Indonesia, tức quốc hội nước này, thông qua dự luật sửa đổi Luật số 30/2002 về Cơ quan chống tham nhũng, tức luật KPK. Việc thông qua luật này gây phản ứng dữ dội bởi những người cho rằng luật mới sẽ làm suy yếu năng lực của KPK trong việc điều hành và điều tra các trọng án tham nhũng.

Điều đáng nói là luật được vội vã cân nhắc và thông qua chỉ trong 12 ngày tại quốc hội cho kịp trước khi mãn nhiệm để quốc hội mới được bầu khai mạc hôm 1-10.

Chính KPK đã vạch ra 10 vấn đề lớn trong luật chỉnh sửa. Cơ bản và then chốt là việc thay đổi vị thế của KPK từ một cơ quan độc lập sang cơ quan dưới quyền chính quyền trung ương. Một vấn đề khác là thành lập ban giám sát KPK do quốc hội bổ nhiệm, nơi họ sẽ phải xin phép để có thể mở một cuộc điều tra mới.

Luật chỉnh sửa cũng bị cho là tìm cách biến KPK thành “tay chân” của cảnh sát và Bộ Tư pháp, cả hai từ lâu đã coi KPK như cái gai trong mắt, một sự lấn chiếm “lãnh địa” thực thi pháp luật của họ. Luật mới quy định KPK không được tuyển dụng điều tra viên từ ngoài lực lượng cảnh sát, và không được truy tố độc lập mà không có sự phối hợp với Văn phòng Bộ Tư pháp.

Trong số những bình luận về tác động của luật chỉnh sửa này, có lẽ nhận xét của tờ The Australian hôm 18-9 là hình tượng nhất: “Jakarta đã nhổ răng cơ quan giám sát chống tham nhũng”!

Chuyên gia Aleksius Jemadu của Đại học Pelita Harapan (Jakarta) thì nhận xét rằng từ sau chế độ độc tài Suharto, suốt hơn một thập kỷ, định chế tổng thống ở Indonesia đã thực hiện dân chủ hóa và cải cách chính trị bằng việc thúc đẩy quản trị nhà nước tốt thông qua diệt trừ tham nhũng, và bởi thế ở Indonesia, “dân chủ hóa hoặc cải cách chính trị sẽ không trọn vẹn nếu không thực thi thực sự và nhất quán Luật số 30/2002”.

Đôi lời về KPK

Cơ bản, KPK là thực thể gắn liền với sự hồi sinh của Indonesia sau cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính năm 1997 khiến nền kinh tế nước này sụp đổ vì bể nợ, cũng như sự ra đi của nhà độc tài Suharto vào năm sau.

Để được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) “cứu nợ”, Indonesia buộc phải bắt đầu kỷ nguyên mới Reformasi (cải cách) dưới sự chi phối bởi các chủ nợ quốc tế, trong đó cơ bản phải cơ cấu lại nợ và cởi trói nền kinh tế bằng cách kết liễu các lề thói tham ô cũng như hoạt động rửa tiền từng gây cản trở việc tiếp cận tài nguyên và thị trường của Indonesia.

Để đổi lấy một gói cứu trợ tổng cộng 43 tỉ USD của IMF, Indonesia phải chặn được tình trạng “chảy máu” ngân sách vì tham nhũng. Một trong những điều kiện của IMF là Indonesia thành lập một cơ quan chống tham nhũng độc lập và toàn diện.

Bộ luật chống tham nhũng mới (Luật 30/2002), với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và sự chấp thuận của IMF, được Quốc hội Indonesia thông qua vào tháng 12-2002.

Từ đạo luật này, qua năm 2003 KPK được thành lập. Mục tiêu của nó được ngầm hiểu trong tên gọi, với nhiệm vụ và quyền hạn bao gồm bốn lĩnh vực hoạt động: phối hợp và giám sát các tổ chức khác được ủy quyền để chống tham nhũng; tiến hành điều tra sơ bộ, điều tra và truy tố tham nhũng; ngăn chặn hoạt động tham nhũng; và giám sát quản lý nhà nước.

Có thể thấy KPK từ khi thành lập vào năm 2003 là một cơ quan hầu như do IMF và ADB “thai nghén” trong vai trò “chủ nợ giải cứu”, nên có một thẩm quyền độc lập với các cơ quan nhà nước khác (kể cả cảnh sát) trong diệt trừ tham nhũng, muốn xét hỏi ai không phải bẩm báo, giám sát luôn cả “quản lý nhà nước”.

Trên một bình diện khác, kết quả của KPK có thể thấy trên bảng cảm nhận tham nhũng hằng năm của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI), khi Indonesia từ hạng 122 năm 2003 thăng lên hạng 88 năm 2015. Vậy mà bây giờ KPK lại đang bị mài nanh cắt vuốt.

Công cuộc chống tham nhũng đang ngon trớn bỗng dưng khựng lại, làm những người trẻ như các sinh viên bức xúc. Dự luật thông qua hôm 17-9 thì sáu ngày sau, hôm 23-9, sinh viên của hơn 300 trường đại học trên cả nước rầm rộ xuống đường. Họ tranh đấu mà không gắn với bất kỳ đảng phái hay nhóm chính trị cụ thể nào.

Các cuộc biểu tình lan khắp tám thành phố lớn nhất nước. Các cuộc xuống đường tạo thành phong trào sinh viên lớn nhất ở Indonesia kể từ cuộc tranh đấu năm 1998 hạ bệ chế độ Suharto.

Hôm thứ hai 30-9, ngày họp cuối cùng của quốc hội sắp mãn nhiệm, sinh viên đã bao vây trụ sở quốc hội. Tờ Foreign Policy ngày 1-10 nêu ra một thực tế mới: “Trong cuộc nổi dậy của sinh viên lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua, những người từng ủng hộ tổng thống lại đang đặt dấu hỏi về cam kết reformasi - cải cách - của ông”.

Có phải ông Jokowi chủ ý bày ra hay sốt sắng tham gia màn tu sửa đạo luật KPK? Cũng không hẳn. Chẳng qua là chuyện chính trị: tổng thống đắc cử phải liên minh với một số đảng trong quốc hội để cầm quyền.

Oan khiên của ông Jokowi

Đảng PDI-P của ông chỉ chiếm 37% số ghế ở quốc hội, nên để nắm chắc định chế này họ phải liên minh với một số đảng khác như Golkar, PPP, Hanura, NasDem và PKB. Một mặt, việc ông Jokowi trong cuộc bầu cử năm nay quy tụ được liên minh đông đảo hơn cách đây năm năm là lợi thế khi cần thông qua chính sách ở quốc hội, song mặt khác, đấy cũng là cái gông đeo cổ khi PDI-P và chính tổng thống sẽ phải nhân nhượng không ít.

Các đảng này đều có những lợi ích riêng, hoặc của cá nhân này hoặc của nhóm kia, mà nhóm mạnh nhất ở Indonesia không ai khác hơn cảnh sát, lời giải thích tối hậu cho luật KPK.

Bản thân ông Jokowi cũng không phải là người đứng đầu Đảng PDI-P, và giới bình luận chính trị nói ông vẫn còn bị phủ bóng không ít bởi chủ tịch đảng này, cựu nữ tổng thống Megawati Sukarnoputri.

Tiến sĩ Aleksius Jemadu giải thích: “Không quá lời khi nói rằng một đảng được xây dựng chủ yếu để thực hiện tham vọng chính trị của người sáng lập và lãnh đạo của nó. Các đảng chính trị lớn như Đảng Golkar, Đảng Dân chủ và Đảng Phong trào Indonesia vĩ đại (Gerindra) từng được sử dụng làm phương tiện vận động chính trị cho ứng cử viên tổng thống được đề cử là người sáng lập hoặc lãnh đạo tương ứng của các đảng đó.

Trong trường hợp của Đảng PDI-P, chủ tịch là bà Megawati Sukarnoputri, làm tổng thống từ 2001-2004, sau đó tranh cử hai lần nữa song không thành công vào năm 2004 và 2009. Năm 2014, bà quyết định không tranh cử nữa và ông Jokowi, vị thống đốc vùng Jakarta được lòng dân, có cơ hội trở thành ứng cử viên cho PDI-P”.

Cũng ông Aleksius Jemadu ngay từ tháng 2-2017 đã nhìn thấy trước cuộc khủng hoảng hiện giờ, khi ông đặt câu hỏi: “Liệu tổng thống có thể xử lý [xung đột trong cuộc chiến chống tham nhũng] trong giới hạn vốn liếng chính trị của ông, đồng thời vẫn duy trì được sự ổn định của chính phủ - đặc biệt liên quan đến mối quan hệ của ông với đảng cầm quyền và quốc hội nếu như đa số các đảng chính trị, bao gồm cả PDI-P, muốn sửa đổi luật KPK, điều chính KPK và các tổ chức xã hội đều mạnh mẽ phản đối?”.

Bởi thế, ông Jokowi đã để ngỏ một lối ra cho ông khi tuyên bố có thể sẽ không phê chuẩn đạo luật sửa đổi này. Theo luật định, ông có 60 ngày tính từ ngày quốc hội bỏ phiếu thông qua để cân nhắc phê chuẩn hay không.■

Từ “reformasi” là từ khóa phải “tụng” hầu như hằng ngày của các chính quyền Indonesia từ sau khi được IMF cứu nợ trong vụ khủng hoảng 1997 - ông Jokowi cũng năng sử dụng từ này trong các phát biểu.

Hình ảnh minh họa rõ nhất cho sự chi phối của “chủ nợ giải cứu” IMF - tấm ảnh chụp tổng thống “bể nợ” Suharto ngồi ký văn kiện “đầu hàng” trước sự chứng giám của tổng giám đốc IMF lúc bấy giờ Michel Camdessus - vẫn còn in sâu trong ký ức đất nước.

Tấm hình nổi tiếng: tổng giám đốc IMF Michel Camdessus khoanh tay chứng kiến tổng thống Indonesia Suharto ký văn kiện xin cứu trợ.-Ảnh: Bloomberg
Tấm hình nổi tiếng: tổng giám đốc IMF Michel Camdessus khoanh tay chứng kiến tổng thống Indonesia Suharto ký văn kiện xin cứu trợ.-Ảnh: Bloomberg

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận