Lao động sau đại dịch: Mỗi người làm việc bằng hai?

VŨ THỦY 21/05/2020 19:05 GMT+7

TTCT - Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới việc làm, thu nhập của rất nhiều người, và cũng đang dẫn tới những thay đổi trong lựa chọn công việc.

Các nhân viên kỹ thuật, kỹ sư phần mềm làm việc tại Công ty FPT ở Khu công nghệ cao Q.9, TP.HCM. Ảnh: T.T.D.
Các nhân viên kỹ thuật, kỹ sư phần mềm làm việc tại Công ty FPT ở Khu công nghệ cao Q.9, TP.HCM. Ảnh: T.T.D.

Học thêm nghề dự phòng

Trần Tuấn Anh (42 tuổi, kỹ sư hệ thống) cho biết anh làm ở bộ phận kinh doanh của một ngân hàng quốc tế. Tháng 4 và tháng 5 vừa qua, ngân hàng này đã giảm lương đồng loạt 30%, các bộ phận đều chịu ảnh hưởng như nhau, thậm chí chức vụ càng cao thì giảm thu nhập càng nặng nề.

Trong dịch bệnh, hầu hết các ngành nghề đều bị ảnh hưởng. Ngay cả việc một số dịch vụ thanh toán trực tuyến, ví online có vẻ ăn nên làm ra cũng không thực sự ổn định. “Dịch vụ thanh toán trực tuyến, ví online hai tháng qua nhu cầu tăng cao, nhưng khi gỡ bỏ giãn cách xã hội thì cũng đã bắt đầu chững lại.

Do đó, để tồn tại thì phải linh hoạt thay đổi. Người đi làm chỉ có cách nhìn ra được những công ty có thể có được sự thay đổi linh hoạt đó để lựa chọn gắn bó trong tương lai” - anh Tuấn Anh nói.

Cùng suy nghĩ này, chị Trương Thanh Hà (33 tuổi, chuyên viên tổ chức sự kiện) cho biết chị làm trong ngành truyền thông đã nhiều năm nhưng đây là lần đầu tiên chị nghĩ đến chuyện sẽ đi học về quản trị kinh doanh hoặc ít nhất một khóa học về kinh doanh để có thể xoay xở trong những hoàn cảnh khác nhau, không phụ thuộc vào một nguồn thu nhập.

“Nhiều bạn bè tôi đã khởi sự bán thực phẩm, món ăn ngay trong mùa dịch khi họ nhận thấy có cơ hội kiếm tiền. Trước đây tôi từng đọc bài về canh tác trong nông nghiệp, đại loại là khuyến khích đa dạng cây trồng, đa dạng nguồn thu để nếu dịch bệnh hay mất giá, mất mùa thì có cây nọ, cây kia bù qua.

Bây giờ tôi nghĩ người đi làm ngày nay cũng nên trang bị cho mình kiến thức về các ngành nghề khác mà ít nhất mình có phần yêu thích để sẵn sàng thay đổi khi xảy ra những biến động, bất trắc tương tự dịch bệnh Covid-19” - chị Hà chia sẻ.

Chị Hà cho biết công ty chị đã cắt giảm 30% lương của toàn bộ nhân viên trong suốt ba tháng qua do dịch bệnh. Từ tháng 2, công ty chị hầu như không tổ chức sự kiện offline nào, chỉ làm sản phẩm truyền thông cho các hoạt động online, fanpage.

“Điều này dễ hiểu vì công việc của chúng tôi phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kinh doanh của khách hàng là các doanh nghiệp. Khi kinh doanh khó khăn thì chi phí cho các hoạt động truyền thông, quảng cáo kể cả hình thức trực tuyến cũng bị cắt giảm” - chị Hà giải thích.

Một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nhất vừa qua là dịch vụ du lịch, vì vậy hầu hết lao động trong lĩnh vực này điêu đứng. Anh Lương Thanh Tùng (28 tuổi, kinh doanh homestay) cho biết anh đã trả lại hầu hết các phòng cho thuê sau khi đã cố gồng gánh ba tháng dịch bệnh không có khách, chuyển sang kinh doanh nhiều mặt hàng có nhu cầu cao mùa dịch để có thu nhập như bán khẩu trang, bán nón chống giọt bắn.

“8 năm nay tôi làm dịch vụ bán phòng cho khách du lịch trên các kênh cho thuê phòng trực tuyến với khoảng 30 phòng rải rác nhiều quận. Nhưng hai tháng qua hầu như không có khách đặt, doanh thu không có, trong khi vẫn phải duy trì phí thuê vì tôi đi thuê các phòng trống từ nhiều người, tu sửa, trang bị tiện nghi cho khách du lịch thuê theo ngày”.

Theo anh Tùng, đợt dịch này sẽ khiến nhiều người làm công việc cho thuê phòng như anh lao đao, nhiều người sẽ chuyển hướng kinh doanh.

Ảnh: undard.org
Ảnh: undard.org

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM (Yes Center), mỗi ngày có khoảng 90 - 100 lượt người đến đăng ký tìm việc tại mỗi văn phòng giao dịch việc làm của trung tâm này, chỉ bằng phân nửa so với trước dịch.

Trong đó chủ yếu là các công việc văn phòng, nhân viên bán hàng, nhân viên kinh doanh. Phía doanh nghiệp cũng chưa tuyển dụng nhiều do vẫn đang trong giai đoạn tái cơ cấu sau dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn đầu vào nguyên liệu và đầu ra cho sản phẩm khi mà kinh tế nhiều nước còn trong tình trạng đình trệ do phải chống chọi dịch bệnh.

“Chúng tôi đang trong giai đoạn tái kết nối nhu cầu tìm việc và tuyển dụng giữa doanh nghiệp và người đi làm. Sắp tới ngày hội tuyển dụng sẽ được tổ chức để tạo điều kiện cho người lao động sớm tìm được việc làm sau dịch bệnh” - đại diện Yes Center cho biết. 

Một người làm bằng hai?

Ông Phạm Ngọc Toàn - giám đốc Trung tâm Phân tích và dự báo chiến lược (Viện Khoa học lao động và xã hội) - nhận định các doanh nghiệp quy mô lớn và quy mô vừa chịu ảnh hưởng mạnh hơn so với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Khi các nước dỡ bỏ giãn cách xã hội, sự phục hồi của nền kinh tế sẽ kéo theo sự phục hồi của thị trường lao động.

Các ngành sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ sớm được phục hồi. Đối với nhóm ngành dịch vụ du lịch, dịch vụ lưu trú và nhà hàng sẽ chậm phục hồi do ảnh hưởng từ tâm lý của khách hàng trước dịch COVID-19.

Thị trường lao động quý 2 có thể vẫn còn bị ảnh hưởng nặng từ COVID-19, trong đó nặng nề nhất là lĩnh vực dịch vụ vận tải và kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống, nghệ thuật giải trí. Do vậy lao động trong những lĩnh vực này tiếp tục gặp khó khăn, không tạo được việc làm và mất việc làm có thể xảy ra.

Dự báo việc làm giảm trong một số ngành như chế tạo, vận tải kho bãi, giáo dục đào tạo, bán buôn bán lẻ. Việc làm sẽ được duy trì trong nhóm y tế, tài chính ngân hàng và bảo hiểm, do đây là những ngành liên quan đến phòng chống bệnh dịch.

Theo bà Thanh Nguyễn - CEO Anphabe.com (mạng cộng đồng nghề nghiệp), việc sẵn sàng cho nhiều kịch bản khác nhau từ ngắn hạn đến dài hạn hậu COVID-19 là vô cùng cần thiết cho cả doanh nghiệp và người đi làm. Một năng lực mới cho các lãnh đạo thời nay được nhiều doanh nghiệp nhắc tới là khả năng lên kế hoạch kinh doanh không gián đoạn (BCP - Business Continuity Plan) với nhiều tình huống và có hướng thích ứng nhanh chóng.

Trong đó, không chỉ đảm bảo an toàn cho nhân viên và hình dung ra các cú sốc, ví dụ nếu doanh thu giảm tới phân nửa thì phải “khởi động nút cấp cứu” thế nào, mà cốt lõi hơn là trong trật tự mới hậu COVID-19, cơ hội “bật dậy và bứt phá” có thể nằm ở đâu? Khách hàng đang thay đổi hành vi theo hướng nào và danh mục sản phẩm mới có những gì để nắm bắt các xu hướng đó?

Cũng theo bà Thanh Nguyễn, bên cạnh những thay đổi về mô hình kinh doanh, cách thức làm việc, những kỹ năng mới cũng được hình thành và sẽ quyết định sự “sống còn” của mỗi người đi làm, trong đó chắc chắn có năng lực sử dụng thuần thục các nền tảng công nghệ phổ biến (digital literacy).

Trong khi các doanh nghiệp đang liên tục thuyên chuyển hoặc tinh giản nhân sự theo lộ trình, về phía người lao động, nếu không tập trung phát triển khả năng “đa nhiệm”, ví dụ như nhân viên chăm sóc khách hàng cũng phải biết sale, nhân viên sale có hiểu biết về marketing..., sẵn sàng tinh thần “một người làm bằng hai” để tạo ra nhiều giá trị rõ ràng hơn, thì rủi ro bị đào thải với họ cũng là rất lớn.■

Dịch bệnh làm sụp đổ việc làm toàn cầu

Số liệu ước tính toàn cầu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy dịch bệnh gây nên sự sụt giảm chưa từng có của các hoạt động kinh tế và số giờ làm việc. Tính đến tháng 4-2020, số giờ làm việc của quý 2 giảm khoảng 6,7%, tương đương 195 triệu người lao động làm việc toàn thời gian.

Điều này đồng nghĩa nhiều người đối diện với việc mất thu nhập và trở nên nghèo hơn, ngay cả khi họ có thể tìm được các công việc thay thế (chẳng hạn quay lại làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp ở khu vực nông thôn). Trong bối cảnh hiện nay, khả năng cao là mức tăng số lượng thất nghiệp toàn cầu vào cuối năm 2020 sẽ cao hơn đáng kể so với con số dự báo ban đầu 25 triệu người của ILO.

Tuy nhiên, cú sốc đối với thị trường lao động thì hoàn toàn không giống nhau. Những lĩnh vực như dịch vụ lưu trú và ăn uống, sản xuất, thương mại bán buôn và bán lẻ, bất động sản đang sử dụng 1,25 tỉ lao động trên toàn thế giới, chiếm gần 38% lực lượng lao động toàn cầu đang đối mặt với sự sụt giảm mạnh mẽ và tồi tệ hơn cả về số giờ làm việc, cắt giảm tiền lương và bị sa thải.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận