Lính đánh thuê: Đặc sản Hoa Kỳ

SÁNG ÁNH 22/04/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Truyền thông thế giới mấy tuần nay đã vội vã đồn đãi có sự hiện diện của lính đánh thuê Syria tại Ukraine. Chuyện này chưa hề được kiểm chứng và xác quyết. Chính xác là chưa ai chưng ra được một người lính đánh thuê Syria nào tại Ukraine. Trên mạng xã hội Facebook tiếng Ả Rập thì lại có rất nhiều tin tuyển mộ chẳng hiểu từ đâu ra. Một số là tin giả để tạo ra dư luận và một số là tuyển mộ lường gạt kiểu tuyển mộ lao động nước ngoài cầm súng, tức đóng vài chục USD để nộp đơn!

Tình trạng kinh tế tại Syria hiện rất khó khăn. Số thất nghiệp rất cao, số thanh niên có kinh nghiệm chiến trường đang ngồi chùi súng cũng rất cao và nghe nói có tuyển lương 1.500 USD/tháng so với lương lao động địa phương là 250 USD thì rất nhiều người sẵn sàng. 

Vì hiểm nguy tại Ukraine có lẽ cũng không bằng được Syria mới vài năm trước hay ngay cả hiện nay, mà lương lại cao gấp 6. 


 
 Lính đánh thuê Mỹ ở Baghdad năm 2004. Ảnh: AP


Đánh thuê thì sao?

Có nhu cầu tìm việc trong hoàn cảnh kinh tế ngặt nghèo, ngồi nhà ăn không mỗi ngày bị vợ mắng, chi bằng sang Ukraine đánh thuê cho rồi, chết mất xác để cho mẹ con mày lúc đó ngồi khóc. 

Tại Tây phương, những đồn đãi bịa đặt lại được truyền thông quan tâm vì nó phục vụ một nhu cầu tâm lý. Đó là việc Nga dùng nhóm người lôm nhôm Trung Đông râu ria Hồi giáo để giết người da trắng Kitô, hãm hiếp những cô gái tóc vàng. 

Nói qua, tóc vàng tại Syria cũng có, tuy hẳn là hiếm hơn Ukraine. Thành phố Homs chẳng hạn, vì lý do lịch sử gì đó rất nhiều người tóc đỏ như thằng Xuân của ta.

Chuyện này được truyền thông Tây phương quan tâm đặc biệt cũng giống sự hiện diện của quân Chechnya tại Ukraine. 

Chechnya là một trong 22 nước cộng hòa tự trị thuộc Nga và lính Nga Chechnya cũng như lính Nga “Nga” hay lính Nga Komis, lính Nga Ossetia… đều là Nga cả. Nhưng nếu lính Nga “Nga” tóc vàng da trắng và tôn giáo Kitô chính thống như người Ukraine thì lính Nga Chechnya mang thêm mùi kỳ thị Hồi giáo dữ dằn. 

Thằng Nga da trắng nhẵn nhụi hiếp cô Ukraine hay giết anh Ukraine cùng tôn giáo sao đáng sợ bằng thằng Trung Á lem nhem nhiều râu và Hồi.

Việc tuyển lính đánh thuê Syria và gửi các toán quân của tổ chức đánh thuê Nga Wagner sang Ukraine, nếu có, thì trước hết không thể nào phổ biến bằng tình trạng đánh thuê trong các cuộc chiến của Hoa Kỳ và đồng minh. 

Tình trạng đánh thuê hiện đại này mới có từ khoảng 40 năm nay tại Mỹ, nhưng mang một tầm quan trọng rất lớn trong chiến lược của Hoa Kỳ, đến nỗi trong các lần tham chiến nước ngoài mới đây của quân đội Mỹ, Afghanistan và Iraq, số đánh thuê có lúc còn cao hơn số quân chính quy.

Cho nên việc hô hoán Nga cũng thế là dễ hiểu, tôi dùng nhiều lính đánh thuê thì anh chắc cũng phải dùng thôi. 

Nhưng sự khác biệt giữa hai hệ thống tổ chức Nga và Mỹ, từ kinh tế, chính trị đến quân sự cho phép ta có thể suy đoán trước là những hô hoán này không có căn bản gì vững chắc cả, ngoài việc chiến tranh mới diễn ra 7 tuần và chưa thấy bằng chứng xác thực nào về các tay lính đánh thuê, trừ những đồn đãi trên mạng.


 
 Lực lượng người Chechnya trong quân đội Nga được chú ý đặc biệt trong cuộc chiến ở Ukraine. Ảnh: Reuters


Một chút lịch sử

Đánh thuê hẳn là nghề xưa thứ nhì trên trái đất, nghề xưa nhất ai cũng biết là gì, không cần nói. 

Nghề đấy tồn tại trong mọi thời kỳ và mọi nền văn minh, tráng lệ nhất trong lịch sử Tây phương có lẽ là cuộc viễn chinh sang đất Á của 10.000 quân Hy Lạp. Họ được hoàng thân Ba Tư là Cyrus Trẻ chiêu mộ để lật đổ người anh ruột Artaxerxes II vào năm 401 trước Công nguyên. 

Nhưng quân này sang đến nơi và thắng trận đầu tiên thì Cyrus tử trận nên họ đành phải trở về châu Âu. Chuyến đi 6.000km này được thuật lại qua lời triết gia và sử gia Xenophon, từng có lúc làm tư lịnh cuộc triệt thoái. 

Quyển Anabasis của Xenophon và hùng ca của cuộc đánh mướn đã khiến Đại đế Alexander về sau cầm quân xâm chiếm phương Đông đến tận Ấn Độ.

Đánh thuê nuôi miệng trong lịch sử là chuyện thường tình. Đội ngự lâm bảo vệ vua Louis XVI trước Cách mạng Pháp 1789 là trung đoàn người Croatia, quấn khăn ở cổ, khiến có phong trào đeo “cravate” (cà vạt) ở Pháp về sau, là chữ Croatia đọc trại. 

Đội bảo vệ Giáo hoàng La Mã cho tới ngày nay là lính đánh thuê Thụy Sĩ. Lực lượng tinh nhuệ nhất của Anh hiện là lính đánh thuê Gurkha người Nepal, và có thể kể lê dương Pháp là một dạng đánh mướn vẫn còn tồn tại.

Được coi là “lãng mạn” trong thời kỳ hiện đại là lính đánh thuê người Âu ở Phi châu trong các cuộc chiến độc lập của châu lục thập niên 1960. Đó là thời lính đánh thuê da trắng dù là đồ tể vẫn còn được coi là nghệ nhân hay dạng nghệ sĩ giết người lấy tiền uống bia chơi. 

Chiến tranh Congo - Katanga (1960 - 1965), rồi chiến tranh Nigeria - Biafra (1967 - 1970) là đất dụng võ của một nhúm anh hào, một tay tiểu liên một tay chai rượu và hai bên vai hai cô gái, anh đây em hãy tựa đầu.

Cho đến thập niên 1980, tay lính đánh thuê lừng lẫy người Pháp Bob Denard vẫn làm mưa gió tại quần đảo Comoros. 

Năm 2004, 64 lính đánh thuê nước ngoài còn toan đảo chánh Guinea Xích Đạo thì bị Zimbabwe phát hiện và bắt giữ. 

Nhưng đây là giai đoạn đã thuộc về huyền sử của nghiệp này lúc nó còn úp mở, do giới tài phiệt ở đây hay cơ quan tình báo ở kia giật dây. Nó có cái quyến rũ của một màn thoát y trong hộp đêm vào thuở xưa theo điệu múa bập bùng.

Năm 1997, trước cổng thủ đô Kinshasa (CHDC Congo) sắp mất, tướng tham mưu trưởng Donatien Mahele bảo, ai muốn đánh tiếp đứng sang phải, ai muốn hàng đứng sang trái. Toàn bộ quân Congo đứng sang bên trái. 

Bên phải chỉ có quân tị nạn Hutu từ Rwanda, vì tị nạn không thể về nhà và còn biết đi đâu. Phía bên phải còn có quân đánh thuê Serbia, vì nghề của họ là đánh chứ không phải là hàng, ai thuê lính hàng đâu!

Đặc sản Hoa Kỳ

Nhưng từ thời tổng thống Ronald Reagan (1981 - 1989) trở đi, quân đội ở Mỹ, cũng như mọi thứ khác, được tư hữu hóa dần dà. Đánh thuê mất cái vẻ tranh sáng tranh tối ngày trước, giờ trần truồng như phim người lớn, bước sang giai đoạn công nghiệp hóa. 

Chuyện giao bớt chiến tranh cho lãnh vực tư được các chánh quyền Mỹ sau Reagan tiếp tục, Dân chủ cũng như Cộng hòa, đến tận ngày nay.

Trước hết, các việc như xây dựng căn cứ quân sự, trường bay quân sự, bảo trì và tiếp tế căn cứ, phục vụ ăn uống, nhu cầu giải trí, hậu cần…, đều được giao cho công ty tư đảm nhiệm. 

Thí dụ, việc bảo trì và sửa chữa quân xa, quân dụng là do các công ty tư nhân thầu với bộ quốc phòng. Việc kiểm soát an ninh bên ngoài, vòng đai phòng thủ cũng được giao cho tư nhân luôn.

Khách đến phi trường Baghdad (2004) do một công ty tư nhân cung cấp dịch vụ an ninh (Custer Battles) kiểm soát. Sau đó khách được hộ tống về khu an toàn Green Zone bởi một đội hộ tống của một công ty chuyên lính đánh thuê khác (Blackwater). 

Lãnh đạo dân sự lẫn quân sự Mỹ cũng được các tay súng tư nhân này bảo vệ. Nếu thời chiến tranh Việt Nam, quân cảnh Mỹ lo an ninh cá nhân cho các tướng lãnh và chỉ huy quân sự Mỹ thì ngày nay việc này là do lính đánh thuê thực hiện.

Các công ty này chỉ không có bổn phận hành quân diệt giặc thôi vì bị luật Hoa Kỳ cấm, chứ mọi chuyện khác họ đều làm, từ hậu cần, bảo vệ cho tới tiếp vận, hộ tống. 

Năm 2004, trong khi giao thực phẩm, 4 nhân viên của Blackwater bị kháng chiến Iraq giết và treo xác lên cầu tại Fallujah. Biến cố đó khiến thành phố Fallujah bị tiến đánh sau đó trong 3 tuần lễ, làm 600 thường dân thiệt mạng.

Vì không thuộc hệ thống quản lý và chỉ huy của quân đội mà là trong tay một công ty tư nhân, lính đánh thuê bất quá thì bị đuổi việc, nên dưới danh xưng “nhà thầu quốc phòng”, họ làm xằng làm bậy rất nhiều và liên tục. 

Phải biết tại Iraq bị chiếm đóng ngày trước, người Mỹ ở ngoài vòng luật pháp Iraq và không thể bị truy tố về bất cứ tội danh gì, kể cả giết người. Nhưng quân nhân Mỹ còn phải tuân quân luật Hoa Kỳ và vi phạm thì có thể ra tòa án quân sự Mỹ.

Trong khi đó, tòa án quân sự Mỹ không có thẩm quyền với lính đánh thuê. Vì vậy họ lố lăng vô lối, nổ súng xằng bậy và bừa bãi, có khi va chạm với cả quân đội Mỹ và bị quân nhân Mỹ tạm giữ. Thật ra, một phần va chạm cũng có thể là vì ganh ghét. 

Lính đánh thuê tuy không có chế độ phúc lợi dài hạn (y tế, hưu trí) hay ngắn hạn (nhà rẻ tiền trong căn cứ, học bổng đại học), nhưng lương vào cỡ 15.000 - 20.000 USD/tháng, cao gấp mấy lần quân nhân chuyên nghiệp. 

Nhân viên của Custer Battles từng xả súng vào thường dân hay lấy xe cán họ và bị công ty phạt bằng cách trừ tiền lương. Năm 2007, tại công trường Nisour ở Baghdad, nhân viên Blackwater giật mình khi nghe tiếng nổ lớn đâu đó và bắn chết 17 thường dân, làm 20 người khác bị thương ngay giữa lúc lưu thông cao điểm và bình thường trên phố.

Khác biệt Nga - Mỹ

Chính sách lính đánh thuê đặc biệt ở Mỹ vì nằm trong đường lối chung tư hữu hóa mọi thứ, kể cả chiến tranh, từ thời kỳ Reagan trở đi. Chế độ Nga tuy thay đổi nhiều so với thời Liên Xô, nhưng tư hữu về cơ bản vẫn chừa lãnh vực quốc phòng ra.

Quân đội Mỹ là một quân đội lính đăng nhà nghề tuyệt đối, tức nhà nước chỉ có thể chiêu mộ lính tráng bằng tiền lương và phúc lợi, chứ không có chế độ nghĩa vụ. Sau khi họ giải ngũ, hết hạn hợp đồng 5 hay 10 năm với nhà nước, họ lại có thể dùng vốn kinh nghiệm trên chiến trường để đánh thuê. 

Nga vẫn còn chế độ nghĩa vụ quân sự và không thiếu lính để đến mức phải dùng lính đánh thuê như ở mức như quân đội Mỹ.

Chế độ chính trị Nga cũng khác với Hoa Kỳ. Mỹ dùng lính đánh thuê cốt để tránh sự soi mói, can thiệp và kiểm soát của ngành lập pháp hay tư pháp. 

Tại Nga, nhánh lập pháp không có quyền lực như ở Mỹ và thường đa số tại quốc hội của chính quyền tại chức cũng không bấp bênh như tại Hoa Kỳ đến độ phía hành pháp phải tìm mọi cách “lách luật”, qua việc sử dụng lính đánh thuê, mập mờ về pháp lý, nên khi xảy ra chuyện cũng dễ phủi tay.

Cái mạng lính đánh thuê cũng lại rất rẻ về mặt truyền thông và đối với dư luận. Bộ Quốc phòng Mỹ không có bổn phận phải thông báo con số hay tên tuổi lính đánh thuê thiệt mạng tại các nơi tham chiến. 

Theo Viện Watson thuộc Đại học Brown (Hoa Kỳ), nếu số quân nhân Mỹ tử thương tại Iraq và Afghanistan là 7.000 người, thì số nhân viên của các “nhà thầu quốc phòng” tử thương được ước tính lên tới 8.000. 

Nếu các bạn đánh thuê này không giết bậy thường dân thì chẳng ai nói tới và những ai chết sẽ chết rất âm thầm, không cộng vào con số thương vong, không gây biểu tình, không làm bất mãn dân chúng. 

Chế độ Nga không có vấn đề này về mặt dư luận và truyền thông, hoặc với họ, đó là một vấn đề tương đối nhỏ hơn so với chế độ Mỹ.

Bởi những lý do trên, việc hô hoán có lính đánh thuê Nga xuất hiện ở Ukraine rất đáng ngờ. Đây là trường hợp tôi ngoại tình liên miên thì tôi đoán, tôi vu, tôi cho rằng chồng bà hàng xóm cũng phải vậy chứ hay ho gì đâu và đàn ông nào chẳng thế. 

Nó phản ánh tâm lý của Tây phương và Hoa Kỳ nhiều hơn và nhắc lại, cho đến giờ vẫn chưa thấy bằng chứng. Hơn nữa, dù có thể có tham gia cuộc chiến Ukraine từ năm 2014, tổ chức lính đánh thuê hàng đầu của Nga Wagner xét về kinh nghiệm thì vẫn chưa so được với các nhà thầu quốc phòng tương ứng ở Mỹ. 

Ước tính Wagner có khoảng 6.000 nhân viên là cựu binh Nga từng tham gia các cuộc chiến của nước này đây kia. Để so sánh, theo tường trình trước Quốc hội Mỹ, vào tháng 3-2011 riêng tại Iraq, Mỹ có số nhân viên làm việc cho các nhà thầu quốc phòng là 64.253 người, trong khi số quân nhân Mỹ chính thức chỉ là 45.660 người, một tỉ lệ 58-42%.■

Trong số 64.253 nhân viên của các nhà thầu quốc phòng Mỹ phục vụ tại Iraq tháng 3-2011, 29% là người Mỹ, 15% là người địa phương (Iraq) và 57% là người một nước thứ ba (Trung Mỹ, Nepal, Nam Phi…). 

Chi tiêu cho nhân viên hợp đồng quốc phòng giai đoạn 2005-2010 là 112,1 tỉ USD, chiếm 19% số chi tiêu của Bộ Quốc phòng Mỹ trong khu vực.

Cũng vào tháng 3-2011 tại Afghanistan, số nhân viên hợp đồng quốc phòng là 90.339 người (48%), quân nhân Mỹ là 99.800 (52%). Trong số nhân viên hợp đồng quốc phòng, 23% là người Mỹ, 51% là người địa phương (Afghanistan) và 26% là người một nước thứ ba. 

Chi tiêu cho nhân viên hợp đồng quốc phòng giai đoạn 2005-2010 là 33,9 tỉ USD, chiếm 16% chi tiêu của Bộ Quốc phòng Mỹ trong khu vực. 

Mức lương cũng rất khác nhau. Nếu lính đánh thuê là người Mỹ thì lương là 500-900 USD/ngày, các quốc tịch khác chỉ 100-200 USD/ngày, người bản xứ Afghanistan thì chỉ 20 USD/ngày.

Theo Bộ chỉ huy Trung phần của quân đội Mỹ (CENTCOM) thì tài khóa 2020, họ sử dụng 43.809 nhân viên hợp đồng quốc phòng, gồm 27.388 người tại ba quốc gia Iraq, Afghanistan và Syria. 

Khu vực trách nhiệm của CENTCOM là từ Ai Cập đến Kazakhstan, gồm 20 quốc gia có dân số 560 triệu người và diện tích 6,5 triệu km2.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận