Lời giải cho cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp?

TTCT - Lâu nay, dư luận và các nhà quản lý thường quá nhấn mạnh đến con số thất nghiệp của cử nhân, thạc sĩ, nhưng quên mất rằng điều này là không tránh khỏi trong một nền kinh tế thị trường luôn thay đổi.

Job recruitment concept with business cv resume
Ảnh minh họa

 Mới đây, đại diện của Bộ LĐ-TB&XH cho biết bộ này đang xây dựng đề án “Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài, giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025” để trình Chính phủ (gọi tắt là đề án xuất khẩu lao động có trình độ).

Dự kiến kinh phí cho đề án này khoảng 1.300 tỉ đồng và hơn 54.000 lao động sẽ tham gia đề án kéo dài gần một thập kỷ. Có thể xem đây là nỗ lực trong việc tạo việc làm cho số lao động có trình độ đang thất nghiệp.

Tuy nhiên, không ít người băn khoăn về cơ sở và tính khả thi của đề án này. Nếu không được làm rõ, việc triển khai đề án không những gây tốn kém cho ngân sách, mà có thể chưa thể giải quyết được căn nguyên của thất nghiệp trong nước.

Tỉ lệ thất nghiệp “chẩn đoán” sức khỏe nền kinh tế

Số liệu việc làm và thất nghiệp là một trong những chỉ báo quan trọng đo lường, chẩn đoán sức khỏe của một nền kinh tế đang tăng trưởng, suy yếu hay ổn định.

Chẳng hạn, ở Mỹ, tỉ lệ thất nghiệp thông thường được quan sát trong dài hạn khoảng 5-6% (được gọi là tỉ lệ thất nghiệp tự nhiên).

Tỉ lệ thất nghiệp được báo cáo thấp hơn mức này cho thấy kinh tế đang nóng, ngược lại thì có dấu hiệu nguội lạnh. Khoảng thất nghiệp chênh lệch đó được gọi là thất nghiệp chu kỳ.

Đây thường là một cơ sở để chính phủ các nước đưa ra các chính sách điều chỉnh tỉ lệ thất nghiệp trở lại mức tự nhiên, giúp cân bằng, ổn định hóa nền kinh tế.

Ở Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH và Tổng cục Thống kê cùng chịu trách nhiệm cập nhật thông tin thị trường lao động hằng quý. Tuy vậy, số liệu việc làm và thất nghiệp hiện nay chưa đủ tin cậy, thường ít được sử dụng trong phân tích sự trồi sụt của nền kinh tế.

Một trong những lý do là lực lượng lao động phi chính thức chiếm tỉ trọng tương đối lớn. Thay vào đó, các nhà quản lý và nhà kinh tế thường sử dụng tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tốc độ tăng trưởng vượt quá mức tăng trưởng tiềm năng dài hạn, thì tương ứng tỉ lệ thất nghiệp sẽ thấp hơn mức tự nhiên, và ngược lại.

Trở lại với đề án xuất khẩu lao động có trình độ, bình quân bốn quý gần nhất, hơn 185.000 người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp, tương đương với tỉ lệ thất nghiệp gần 3,9%, cao hơn khoảng 1,6% so với con số bình quân chung của cả nước (xem bảng).

 

 Như vậy điều này có thật sự phản ánh “trục trặc” của nền kinh tế, đòi hỏi Chính phủ phải tìm cách giải quyết? Trước hết để trả lời câu hỏi này, nên bắt đầu bằng việc xem xét định nghĩa “thất nghiệp”.

Theo tiêu chuẩn quốc tế, một người từ 15 tuổi trở lên mà trong tuần trước thời điểm khảo sát được coi là thất nghiệp, khi đáp ứng tất cả ba điều kiện: không có việc làm (không làm việc dù chỉ là một giờ, không làm việc làm công ăn lương hoặc việc tự làm), sẵn sàng làm việc và đang tìm việc.

Nhưng tại sao luôn có một số người thất nghiệp? Như đề cập ở trên, nền kinh tế luôn tồn tại một tỉ lệ thất nghiệp tự nhiên mà tỉ lệ thất nghiệp thực tế được quan sát biến động quanh nó.

Dĩ nhiên, chính sách có thể tác động làm tăng hay giảm tỉ lệ thất nghiệp, tự nhiên hay chu kỳ. Có hai lý giải cho thấy một số người rơi vào tình trạng thất nghiệp, ngay cả trong một nền kinh tế hoạt động ổn định.

Thứ nhất, cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp có thể là do họ cần một vài tháng để tìm việc làm phù hợp với sở thích và kỹ năng (được gọi là thất nghiệp tạm thời). Thị trường lao động không luôn hoàn hảo để một người tìm được việc làm ngay sau tốt nghiệp hoặc chuyển đổi ngành nghề.

Lấy một ví dụ, sinh viên A mới tốt nghiệp được ba tháng nay, chưa có việc làm, và vẫn đang cố gắng tìm kiếm việc làm qua các trang tuyển dụng trên báo giấy, Internet, trung tâm việc làm và mối quan hệ thân quen.

Trong thời gian đó, sinh viên A tạm thời được xếp vào diện thất nghiệp. Số liệu thống kê quý 4-2016 của Bộ LĐ-TB&XH gồm tất cả trình độ phần nào cho thấy thất nghiệp chủ yếu mang tính chất tạm thời, ngắn hạn.

Cụ thể, số người thất nghiệp ngắn hạn chiếm đến 3/4 tổng số người thất nghiệp, còn lại là thất nghiệp dài hạn (trên 12 tháng). Trong số những người thất nghiệp trên, có hơn một nửa chưa từng có việc làm trước đó.

Thứ hai, một số người thất nghiệp còn là do tác động của chính sách can thiệp vào thị trường lao động như quy định tiền lương tối thiểu đang được áp dụng ở Việt Nam (được gọi là thất nghiệp cơ cấu). Dạng thất nghiệp này thường dài hạn hơn.

Đa số người lao động có trình độ nhận mức lương trên mức tối thiểu quy định, nên tác động của lương tối thiểu đến nhóm này hầu như không đáng kể.

Các bạn trẻ tìm kiếm cơ hội việc làm tại một ngày hội việc làm tổ chức ở công viên Lê Thị Riêng, Q.10, TP.HCM. -Ảnh: QUANG ĐỊNH
Các bạn trẻ tìm kiếm cơ hội việc làm tại một ngày hội việc làm tổ chức ở công viên Lê Thị Riêng, Q.10, TP.HCM. -Ảnh: QUANG ĐỊNH

 Lời giải nào?

Một số ý kiến cho rằng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp là do đào tạo bậc đại học chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Hệ quả của việc cho phép thành lập trường đại học một cách dễ dãi, tâm lý ưa chuộng bằng cấp, và thiếu định hướng nghề nghiệp.

Người viết không đồng ý hoàn toàn với các lý giải đó. Chúng ta cần biết thêm rằng suất sinh lợi của việc đi học ở Việt Nam bao nhiêu, liệu lợi ích học đại học có lớn hơn chi phí bỏ ra. Một khi việc đi học có tiềm năng mang lại nhiều lợi ích hơn thì động cơ học đại học là đúng đắn.

Vài năm trở lại đây, tăng trưởng kinh tế tương đối thấp nhưng đã là tiệm cận mức tiềm năng, lạm phát được kiểm soát đã phần nào cho thấy sự ổn định vĩ mô mà nước ta đang trải qua.

Điều này cũng hàm ý, dù con số thực tế cao hay thấp hơn, số cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp được thống kê có thể chấp nhận được, tức hiện ở tỉ lệ tự nhiên, chứ không phải là vấn đề quá nghiêm trọng đến mức phải xây dựng đề án xuất khẩu lao động.

Lâu nay, dư luận và kể cả các nhà quản lý thường quá nhấn mạnh đến con số (tuyệt đối) thất nghiệp của cử nhân, thạc sĩ, nhưng quên mất rằng điều này là không tránh khỏi trong một nền kinh tế thị trường luôn thay đổi. Đa số lao động thất nghiệp sẽ sớm có việc làm sau một thời gian tìm việc, nhưng ắt hẳn lại có nhóm người mới rơi vào thất nghiệp.

Như vậy, có thể nhận thấy cơ sở chưa thuyết phục của đề án tạo việc làm thông qua xuất khẩu lao động có trình độ.

Chúng ta vẫn luôn quan ngại về vấn đề chảy máu chất xám, nhân lực có chuyên môn cao ra nước ngoài làm việc, phổ biến hơn là du học sinh ở lại làm việc sau tốt nghiệp. Thực tế này đang diễn ra mà không có sự can thiệp của Nhà nước.

Nếu đề án được thông qua, Chính phủ phải bỏ ra kinh phí khảo sát, làm việc với đối tác, trong khi nền kinh tế có thể sẽ mất đi nguồn lực có kỹ năng cho nâng cao năng suất và tăng trưởng.■

(*) GIẢNG VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG.

Kết nối nhà tuyển dụng với người lao động

Người viết đồng ý rằng thất nghiệp là tình trạng không mong muốn về mặt xã hội, và chính sách công có thể làm giảm thất nghiệp tự nhiên, bất kể nền kinh tế có đang ổn định hay không. Nếu thất nghiệp là hệ quả của việc đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường, thì giải pháp chính sách có lẽ phải xuất phát từ lĩnh vực này.

Quan trọng hơn là làm sao điều tiết thị trường lao động hoạt động trơn tru, giúp giảm thời gian cũng như chi phí tìm việc của người lao động. Phần lớn thất nghiệp chỉ mang tính chất tạm thời, vì vậy Nhà nước cần có chính sách tốt hơn. Chẳng hạn, nên khuyến khích các trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm kết nối nhà tuyển dụng với người lao động để góp phần giảm tỉ lệ thất nghiệp.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận