Lợi nhuận sân golf “nằm ở” bất động sản nghỉ dưỡng

D.NGỌC HÀ - BẢO NGỌC 29/04/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Danh nghĩa là làm sân golf nhưng thực chất nhiều nhà đầu tư đang tận dụng diện tích bất động sản trong dự án chung để thu lợi.

Một sân golf có các khu biệt thự. Ảnh: Quang Định

 

Sân golf luôn kèm bất động sản

Hầu hết các dự án sân golf đều tận dụng tối đa quy định “diện tích đất dành để xây dựng nhà ở thấp tầng cho thuê tối đa không quá 10% diện tích đất sân golf”. Do vậy dự án sân golf luôn kèm theo những khu thương mại dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, thậm chí cả chung cư.

Điển hình là sân golf Phượng Hoàng ở Hòa Bình có nhà câu lạc bộ gần 10.000m2, nhà hàng 200 chỗ, phòng tiệc lớn, phòng tiệc nhỏ, khách sạn 5 sao, chung cư. Sân golf Việt Yên (Bắc Giang) có diện tích khoảng 152ha cũng dành hơn 3ha cho những công trình như nhà điều hành, resort cho thuê, khách sạn.

Toàn bộ diện tích của cồn Ấu, quận Cái Răng, TP Cần Thơ với diện tích 102ha, trong đó sân golf được quy 78ha và 24ha làm khu biệt thự. Phần đất xây dựng biệt thự được bố trí xung quanh sân golf, tận dụng không gian sông nước và khoảng không thông thoáng của sân golf. Dự án này đang trong giai đoạn bồi thường.

Sân golf Tân Sơn Nhất (TP.HCM) thuộc khuôn viên sân bay Tân Sơn Nhất nằm trong khu vực tĩnh không của sân bay và được giao đất năm 2006. Toàn bộ dự án sân golf và khu dịch vụ có diện tích 157ha, trong đó có 46ha đất quy hoạch làm biệt thự, chung cư, khu dịch vụ và từng được các đại biểu Quốc hội chất vấn, đề xuất thu hồi sân golf để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất vốn đang quá tải. 

Năm 2018, Bộ GTVT điều chỉnh quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất đã quyết định thu hồi sân golf này để làm sân đỗ máy bay và ga hàng hóa, một phần làm cây xanh và hồ điều tiết. UBND TP cũng đưa sân golf này ra khỏi quy hoạch sân golf của TP.HCM.

Tuy nhiên, đến nay sau gần 3 năm quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất được phê duyệt, sân golf vẫn tồn tại. Hiện tại, ngoài 111ha đất sân golf, theo trang web tansonnhatgolf.vn, khu vực này còn có nhà hàng theo phong cách phương Tây, trung tâm hội nghị tiệc cưới có sức chứa đến 2.000 người, khu mua sắm hàng hiệu dành cho những người chơi golf…

Quy định vô lý

Đến nay Việt Nam chưa có mô hình thiết kế chuẩn cho một sân golf, nhưng theo một nhà đầu tư sân golf phía Bắc - cho biết suất đầu tư làm 1 đường golf khoảng 1 triệu USD. Bên cạnh đó, nhà đầu tư phải bỏ vốn giải phóng mặt bằng, xây dựng các công trình phụ trợ, nhà tập golf, thiết bị phục vụ sân golf.

Nhà đầu tư này cho biết đã bỏ vốn khoảng 3.500 tỉ đồng để xây dựng một sân golf 27 lỗ tại Hà Nội, và khoảng 4.500 tỉ đồng để xây dựng một sân golf 36 lỗ tại TP.HCM. Nếu tính đầy đủ, chi phí để một đường golf đưa vào kinh doanh lên từ 125-129 tỉ đồng, tương đương 5,5-5,6 triệu USD/đường golf. Nhìn chung, đầu tư một sân golf rất tốn kém.

Theo nhà đầu tư này, để thu hồi vốn một sân golf có lượng khách chơi đông cũng cần khoảng 15-20 năm, vì vậy hầu hết các chủ đầu tư sân golf hiện nay đều trông vào việc phát triển các dự án bất động sản nghỉ dưỡng đi kèm sân golf, tận dụng cảnh quan sân golf để thu hồi vốn đầu tư sân golf.

Sân golf Tân Sơn Nhất, TP.HCM. Ảnh: Quang Định

 

Đầu tư sân golf luôn gắn với quỹ đất lớn, trung bình một lỗ golf cần 5ha đất. Một sân golf nhỏ nhất, quy mô 18 lỗ cũng cần tới 90ha đất.

Theo quyết định 1946 năm 2009 của Thủ tướng về đầu tư xây dựng sân golf, nhà đầu tư sân golf được sử dụng 10% diện tích sân golf để xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ hoạt động sân golf. 

Nhưng theo TS Vũ Đình Ánh, quy định cho phép sử dụng 10% diện tích đất dịch vụ trong sân golf để xây các công trình phụ trợ là vô lý. Đây là kẽ hở trong cấp phép sân golf. Nên quy định rõ diện tích đất xây dựng sân golf chỉ để làm sân golf, còn khu vực đất dịch vụ phục vụ trong khu vực sân golf phải thực hiện nghĩa vụ tài chính như đất dịch vụ.

Nhiều mối lo khác

Theo TS Nguyễn Bách Phúc - chủ tịch Hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP.HCM (HASCON), nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ phân bón và thuốc trừ sâu sử dụng để dưỡng cỏ trong sân golf là rất lớn. 

Ở Đông Nam Á, 1ha sân golf mỗi năm sử dụng 1,63 tấn phân bón hóa học để nuôi cỏ, chưa kể các loại thuốc trừ sâu, diệt mối. 

Với những sân golf nằm cạnh các nguồn nước tự nhiên như ao hồ, sông suối thì nguy cơ những hóa chất từ phân bón và thuốc trừ sâu sẽ làm ô nhiễm dần nguồn nước và đưa ô nhiễm đi xa, tiềm tàng hiểm họa nghiêm trọng. 

Bản thân nhiều loại phân hóa học hàm chứa một số chất gây độc hại cho cây trồng và cho con người như các kim loại nặng, các chất kích thích sinh trưởng khi vượt quá mức quy định. Các loại kim loại nặng có trong phân hóa học gồm asen (As), chì (Pb), thủy ngân (Hg) và cadimi (Cd).

Nitơ và phospho dư thừa sẽ theo nước xả xuống các thủy vực, là nguyên nhân gây ra ô nhiễm nguồn nước, hậu quả là do các quá trình hoạt động của vi sinh vật sẽ làm giảm oxy của nguồn nước ở hạ lưu, gây tác động xấu đến hệ sinh thái.

 Đạm dư thừa bị chuyển thành dạng Nitrat (NO3-) hoặc Nitrit (NO2-) là những dạng gây độc trực tiếp cho các động vật thủy sinh, gián tiếp cho các động vật trên cạn khi sử dụng nguồn nước. Đặc biệt gây hại cho sức khỏe những người trực tiếp sử dụng các nguồn nước hoặc sử dụng các sản phẩm trồng trọt, nhất là các loại rau quả ăn tươi có hàm lượng dư thừa NO3-. 

Theo các nghiên cứu gần đây, nếu trong nước và thực phẩm hàm lượng nitơ và phospho, đặc biệt là nitơ dưới dạng muối nitrit và nitrat cao quá sẽ gây ra một số bệnh nguy hiểm cho người, đặc biệt là trẻ em với 2 khả năng sau: gây nên chứng máu Methaemoglobin và ung thư tiềm tàng.

Trong những thập niên gần đây, mức NO3- trong nước uống tăng lên đáng kể mà nguyên nhân là do sự sử dụng phân đạm vô cơ tăng, gây rò rỉ NO3- xuống nước ngầm. 

Quy định hàm lượng tối đa NO3- trong nước uống của Ủy ban châu Âu là 50 mg/l, của Mỹ là 45mg/l, của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là 100mg/l.

Các nghiên cứu về y học gần đây đã xác định dư thừa phospho trong nguồn nước làm giảm khả năng hấp thu canxi vì chất này lắng đọng với canxi tạo thành muối triphosphat canxi không hòa tan và tạo thuận lợi cho quá trình sản xuất para thormon, điều này đã huy động nhiều canxi của xương và nguy cơ gây loãng xương ngày một tăng, đặc biệt ở phụ nữ.

Ngoài ra, lượng nước để nuôi cỏ trong các sân golf cũng là vấn đề ở những khu vực khan hiếm nguồn nước. Nhiều chuyên gia môi trường lo lắng sân golf Đắk Đoa (Gia Lai) sẽ phải khai thác lượng nước ngầm lớn để tưới cỏ làm thiếu hụt nghiêm trọng trữ lượng nước phục vụ cho đời sống và sản xuất nông nghiệp của người dân khu vực này.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận