Mô hình crowdfunding: Đám đông góp gạo thổi ước mơ thành sự thật

TRÚC ANH 05/03/2020 05:03 GMT+7

TTCT - Năm 2014, crowdfunding (gây quỹ đám đông) chính thức được thêm vào từ điển Merriam-Webster, đánh dấu sự phổ biến rộng khắp của mô hình “huy động vốn” từ cộng đồng mạng, mà điển hình là các nền tảng như Kickstarter và Indiegogo. Mô hình này là cây đũa thần biến giấc mơ thành sự thật, là chiếc phao cứu sinh cho những người tuyệt vọng, song mặt trái của nó là đôi khi người tham gia có thể vừa mất tiền vừa mất niềm tin, dẫu trước sau chỉ nghĩ rằng mình đang làm một điều tốt.

Ảnh: FT
Ảnh: FT

Theo Merriam-Webster, crowdfunding là hành vi kêu gọi đóng góp từ một số lượng lớn người ủng hộ, đặc biệt là từ cộng đồng mạng, để có được số tiền cần có. Trên một nền tảng crowdfunding, người cần vốn (gọi là creator) sẽ mở chiến dịch kêu gọi, ghi rõ số tiền mong muốn (goal), các mức đóng góp (pledge) và thời gian gây quỹ. 

Những người bỏ tiền ủng hộ (backer) thường nhận được “quà” (reward) tương ứng với mức đóng góp của họ (ví dụ sản phẩm được gọi vốn để có thể sản xuất/xuất bản), hoặc “cho đi mà không cần nhận lại” đối với các chiến dịch gây quỹ giúp đỡ người khó khăn.

“Các nền tảng bao gồm Kickstarter, GoFundMe và Indiegogo đã làm thay đổi quy trình khởi nghiệp bằng cách giúp bất kỳ ai cũng có thể giới thiệu một dự án để cộng đồng ủng hộ với mức đóng góp do họ định sẵn” - BBC viết về mô hình crowdfunding trong series Worklife 101.

Từ một ý tưởng “nghệ sĩ”

Cuối năm 2009, hai nghệ sĩ Mỹ Lenka Clayton và Michael Crowe tìm đến Kickstarter để kêu gọi 2.000 USD nhằm trả phí đi lại và in ấn cho một dự án rất “nghệ sĩ”: gửi thư tay cho mọi hộ gia đình trên thế giới. Gần 80 người hoàn toàn xa lạ đã đồng ý góp hơn 2.100 USD, hơn cả “chỉ tiêu” của bộ đôi nghệ sĩ.

Những người bỏ tiền cho Clayton và Crowe (50-200 USD/người) có thể vì thích ý tưởng “lá thư bí ẩn” lãng mạn đó hay chỉ vì tò mò, nhưng câu chuyện này là minh chứng cho thấy việc tranh thủ sức mạnh tập thể từ cõi mạng để có vốn cho bất kỳ mô hình, dự án, ý tưởng nào, dù nghe ngớ ngẩn như gửi thư tay cho người lạ, không phải là chuyện tào lao.

Thực tế cho thấy mô hình này có thể sống được, thậm chí sống lâu, sống khỏe khi Kickstarter mới kỷ niệm tuổi lên 10 hồi tháng 4-2019. “Hơn 17 triệu người đóng góp trên 4 tỉ USD cho 172.000 dự án” là những con số của hành trình 10 năm Kickstarter “tài trợ cho những ý tưởng điên rồ của bạn”, như tít một bài viết trên Wired. Nền tảng này cũng xuất phát từ ý tưởng lãng mạn và nghệ sĩ của... một nghệ sĩ, Perry Chen.

Năm 2001, Chen, nhạc công ở New Orleans, phải hủy kế hoạch mời một vài DJ đến biểu diễn trong một đêm nhạc jazz vì không dám làm liều với bài toán thu chi: nếu bán không đủ số vé cần thiết, anh sẽ không có tiền trả cho nghệ sĩ khách mời.

Lúc ấy, một ý tưởng lóe lên trong đầu Chen, khi đó mới 25 tuổi: lập trang web để khán giả truy cập và cam kết mua vé đến một buổi diễn; nếu số vé “cam kết sẽ mua” đủ để trang trải mọi chi phí thì mới thu tiền và bán vé chính thức, buổi diễn sẽ diễn ra, và nếu ngược lại thì thôi - không biểu diễn và không bán vé.

Phải 8 năm sau, vào tháng 4-2009, Kickstarter mới chính thức ra đời. Dự án đầu tiên đến vài tuần sau đó: Allison Weiss, ca sĩ - nhạc sĩ từ bang Georgia (Mỹ), kêu gọi số tiền 2.000 USD để sản xuất đĩa nhạc với 8 bài hát, với các mức ủng hộ 10 USD (quyền lợi: đĩa tặng giao đến tận nhà) và 50 USD (được ghi tên tri ân trên bìa đĩa). Weiss chỉ cần 24 giờ để có đủ số tiền mình cần. “Nghiêm túc chứ? Tôi tưởng phải mất đến hai tháng. Quý vị đã giúp giấc mơ của tôi thành sự thật” - Weiss khi đó đã thốt lên kinh ngạc.

“Biến ước mơ thành sự thật” là mô tả tốt nhất về cách mà Kickstarter chắp cánh cho nhiều dự án tương tự như Weiss, trong nhiều lĩnh vực khác nhau, suốt một thập niên sau đó. Thay vì vay tiền để làm album và hồi hộp chuyện lỗ lãi sau khi phát hành, người nghệ sĩ có thể dùng crowdfunding để đảm bảo có đủ kinh phí sản xuất.

Nếu sứ mệnh của Kickstarter là “giúp các dự án sáng tạo chào đời” thì GoFundMe, ra mắt tháng 5-2010, muốn đưa khái niệm crowdfunding đi xa hơn. Hai đồng sáng lập GoFundMe, Brad Damphousse và Andy Ballester, cho rằng mỗi cá nhân có thể nhờ người khác góp tiền cho những mục đích, đam mê và nhu cầu cá nhân nhất có thể (như đi du lịch, trăng mật).

Song song đó, GoFundMe cũng có thể là kênh quyên tiền cho ai đó vượt qua “những khoảnh khắc tuyệt vọng trong đời” như mắc bệnh hiểm nghèo, bị tai nạn, không có tiền trang trải cuộc sống hay đóng học phí.

Dễ thấy điểm khác nhau là với GoFundMe, người đóng góp tiền sẽ không nhận được sản phẩm hữu hình nào, mà chỉ là cảm giác khi đã làm một việc thiện nguyện. Ngoài ra, vì không giới hạn trong lĩnh vực nghệ thuật hay kinh doanh, GoFundMe vượt hẳn Kickstarter để trở thành nền tảng crowdfunding lớn nhất thế giới. Theo số liệu công bố gần nhất (năm 2017), 50 triệu người đã góp hơn 5 tỉ USD cho các chiến dịch trên GoFundMe kể từ ngày nền tảng này chào đời.

Ảnh: Inc.com
Ảnh: Inc.com

Rủi ro và lừa đảo

Công nghệ và những chuyển biến về tư duy, văn hóa trong thời Internet đã góp phần cho thành công của mô hình crowdfunding. Trước khi có crowdfunding, thử tưởng tượng Clayton và Crowe sẽ phải gõ bao nhiêu cánh cửa, gọi bao nhiêu cuộc điện thoại hay gửi bao nhiêu bức thư để kêu gọi đóng góp cho ý tưởng của họ? Bao nhiêu người sẽ bỏ tiền ra mua một đĩa nhạc chưa hề thành hình? Khi có Kickstarter, tất cả các khâu thông tin, hậu cần đã có nền tảng crowdfunding lo liệu, còn chuyện giao dịch tiền nong đã có hệ thống ngân hàng điện tử.

Cũng vậy, nếu Clayton và Crowe khó có đủ can đảm để trình bày lý do điên rồ vì sao họ cần tiền (“Ồ chúng tôi định biên và gửi thư cho toàn bộ thiên hạ, quý vị có thể góp chút đỉnh không?”), những yêu cầu như thế hoàn toàn bình thường trong thời crowdfunding.

Crowdfunding kêu gọi mọi người đóng góp của ít lòng nhiều và tin rằng tích tiểu thành đại. Ngay cả với mức đóng góp thấp nhất thì creator cũng có quyền hi vọng sẽ có lượng backer đủ lớn để giúp họ đạt mục tiêu. Trái lại, nếu chọn kênh gọi vốn truyền thống là vay ngân hàng hay tìm nhà đầu tư, creator của một chiến dịch 10.000 USD không thể tìm 1.000 người đầu tư, mỗi người chỉ góp 10 USD.

Thế nhưng crowdfunding không chỉ là thế giới của những chuyện cổ tích, nơi bá tánh dùng lòng hảo tâm và hào phóng của mình giúp biến điều không thể thành có thể. Các trang crowdfunding cũng là mồ chôn của nhiều dự án không thể đạt mục tiêu gây quỹ.

Ngay cả với những dự án gọi vốn thành công, thậm chí vượt chỉ tiêu, đôi khi backer sẽ nhận quả đắng vì chẳng có sản phẩm nào tạo ra như cam kết. Các backer quyên tiền cho các chiến dịch từ thiện có thể bị lợi dụng, bởi các chiến dịch quyên góp từ thiện hóa ra chẳng vì mục đích thiện nguyện như tuyên bố.

Khi đạt được mục tiêu gây quỹ, creator có trách nhiệm thực hiện toàn bộ các cam kết như đã hứa với backer (sản xuất, giao hàng và tặng phẩm). Kickstarter cho biết “kỳ vọng tất cả creator trung thực và cởi mở với backer trong tất cả các khâu của vòng đời dự án”, song cũng lưu ý backer rằng crowdfunding của họ “không phải là một cửa hàng”, qua đó ngụ ý các điều khoản miễn trừ trách nhiệm của nền tảng này.

“Khi bạn ủng hộ một dự án trên Kickstarter, bạn đang giúp tạo ra một thứ mới, chứ không phải đặt trước một thứ đã tồn tại sẵn. Kickstarter không hoàn lại tiền, vì thế chúng tôi khuyến khích backer tự mình nghiên cứu kỹ các ý tưởng dự án và xem xét creator thấu đáo, đánh giá các nguy cơ của dự án trước khi cam kết ủng hộ” - nội quy của nền tảng này viết. ■

Việc kêu gọi quyên tiền ủng hộ của chủ các dự án trên Kickstarter là một canh bạc “được ăn cả ngã về không” (all or nothing): nếu sau thời gian đặt ra mà vẫn chưa đạt được mục tiêu (chẳng hạn kêu gọi 100 triệu đồng trong 30 ngày), người chủ chiến dịch sẽ không nhận được đồng nào từ những người đã cam kết góp tiền.

Ngược lại, với GoFundMe, người gây quỹ sẽ được nhận số tiền đóng góp bất kể họ có đạt được con số mục tiêu hay không. GoFundMe áp dụng mức phí chung cho cả dự án thành công và thất bại, chứ không “miễn phí” cho người không đạt được mục tiêu gây quỹ như Kickstarter.

Nổi bật nhất với mô hình crowdfunding ở Việt Nam là Comicola, với lời giới thiệu trên trang chủ là “đơn vị duy nhất ở Việt Nam đang thực hiện gây quỹ cộng đồng”. Comicola được biết đến như nơi gây quỹ cho các dự án truyện tranh của người Việt (nổi bật nhất là bộ Long Thần Tướng); truyện tranh Việt chiếm đến 50% tổng số tiền gây quỹ được.

Cũng tương tự Kickstarter, mô hình của Comicola là ủng hộ dự án và đổi lại quà. Nền tảng này thu mức phí 15% số tiền gây quỹ được nếu dự án thành công. Nếu dự án thất bại, những người ủng hộ sẽ được hoàn tiền và Comicola không thu phí của chủ dự án.

Trao đổi với TTCT, đại diện Comicola cho biết ước tính khoảng 70% dự án crowdfunding thành công và nhấn mạnh điều duy nhất khiến một dự án crowdfunding thành công là sản phẩm phải hấp dẫn. “Crowdfunding giống như việc đang bán một sản phẩm chưa từng tồn tại - đại diện Comicola giải thích - Nếu sản phẩm đó không đủ hấp dẫn, chắc chắn sẽ không có ai bỏ tiền ra trước”.

Chia sẻ thêm với TTCT, Comicola cho biết dù các dự án tìm đến rất nhiều, nhưng không phải chủ dự án nào cũng được chấp nhận. “Chúng tôi có một bước sàng lọc, tư vấn và phân tích trước cho chủ dự án, dựa trên kinh nghiệm của mình khi cảm thấy dự án không khả thi, chủ dự án còn mù mờ về mô hình crowdfunding và cứ nghĩ gây quỹ cộng đồng là đũa thần có thể biến ước mơ thành hiện thực. Chỉ những dự án thực sự “khỏe mạnh”, chủ dự án đã hiểu rõ mô hình thì mới đồng hành cùng Comicola” - vị đại diện này nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận