Những hãng dược trong cơn mưa tiền

CHIÊU VĂN 15/06/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Đại dịch COVID-19 khiến gần như cả thế giới điêu đứng, nhưng lại là hồng phúc cho một số ít người…

Trước đại dịch COVID-19, suốt nhiều thập kỷ, các đại gia ngành dược (Big Pharma) rút lui dần khỏi lĩnh vực kinh doanh vaccine. 

Tới năm 2019, chỉ còn lại vài hãng lớn vẫn cung cấp vaccine ở Mỹ - Merck, Sanofi, Pfizer và Johnson & Johnson.

Vì vaccine thường chỉ được sử dụng một hoặc hai lần, mỗi năm, mỗi vài năm, hay cả đời người - trong khi nhiều loại thuốc khác người bệnh phải uống hằng ngày - lĩnh vực này rõ ràng không mang lại lợi nhuận tốt. 

Quy mô chương trình tiêm chủng ở các nước phát triển cũng đi kèm rủi ro lớn với những hãng dược: họ có nguy cơ đối mặt các vụ kiện cáo tập thể hết sức tốn kém nếu có chuyện chẳng may xảy ra.

Ảnh: Axios

 

Có thông cáo báo chí là có tiền

Lẽ đó, nhiều chính phủ phải có chính sách khuyến khích doanh nghiệp dược tư nhân nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất vaccine. 

Ở Mỹ trong đợt dịch vừa rồi, Nhà Trắng đã chi ra số tiền khổng lồ cho việc đó. Ví dụ, dự án hợp tác công tư Operation Warp Speed (OWS) - chương trình giảm nhẹ hậu quả COVID-19 của Chính phủ Mỹ - chi 22 tỉ đôla cho Big Pharma: 2,5 tỉ đôla cho Moderna, 1,2 tỉ đôla cho AstraZeneca, 500 triệu đôla cho Johnson & Johnson, 1,6 tỉ đôla cho Novavax... 

Pfizer quyết định đứng ngoài chương trình này - không phải vì chê tiền, mà vì không muốn mắc míu với tiền thuế để rồi bị nhà nước chi phối ít nhiều.

Để rồi tháng 7-2020, Pfizer ký một thỏa thuận trị giá 1,95 tỉ đôla bán 100 triệu liều vaccine hai mũi của họ cho Chính phủ Mỹ, đủ để tiêm cho 50 triệu người dân. 

Đó sẽ là loại vaccine đầu tiên tiêm cho dân Mỹ. Giá mỗi liều hai mũi là vào khoảng 40 đôla, tương đương vaccine cúm thông thường. 

Tới tháng 2-2021, chính phủ đã đặt thêm 300 triệu liều từ Moderna, với gói hàng đầu tiên 100 triệu liều được giao với giá 30 đôla mỗi liều hai mũi - rẻ hơn Pfizer một phần vì nhà nước đã trả trước tiền cho Moderna dưới dạng tài trợ nghiên cứu. 

CEO của Moderna đã sớm rào đón rằng giá vaccine sẽ cao hơn trên thị trường bán lẻ một khi hợp đồng với chính phủ của họ hết hạn.

Trong hoàn cảnh rối bời vì COVID-19 và khi tốc độ triển khai vaccine trở thành một điểm sáng về mặt chính trị cho chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden, dự án OWS coi như thành công, và không còn phải lo lắng về chuyện bị điều tra tài chính.

Lợi nhuận được hiện thực hóa mau chóng. Một ví dụ là cựu lãnh đạo Moderna Moncef Slaoui. 

13 ngày sau đợt bơm tiền lớn đầu tiên từ ngân sách nhà nước vào cho công ty này - khiến cổ phiếu công ty tăng vọt trên thị trường chứng khoán - Slaoui được thưởng các quyền chọn mua 18.270 cổ phần, theo hồ sơ ở Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC). 

Slaoui sau đó rời ban quản trị Moderna với khoản tiền thưởng quy đổi cổ phiếu ước tính 8 triệu đôla. Đó chỉ là một trong rất nhiều ví dụ về những người được tắm trong cơn mưa tiền đang đổ xuống các hãng dược lớn, “nhiều khi chỉ nhờ các thông cáo báo chí”.

Các giám đốc ở Moderna và Pfizer đã thực sự lướt theo làn sóng vaccine, khi bán cổ phiếu ở thời điểm chính xác với các thông cáo báo chí về những cuộc thử nghiệm lâm sàng hoặc ra mắt vaccine. 

Ngày 9-11-2020, ngày Pfizer công bố vaccine của họ có mức độ hiệu quả hơn 90%, CEO Albert Bourla đã bán ra hơn một nửa tài sản ông nắm giữ - 62%. 

Tin tức công bố giúp cổ phiếu tăng giá 15%. Bourla chỉ là 1 trong 7 giám đốc ở Pfizer kiếm được tổng cộng 14 triệu đôla nhờ bán cổ phiếu trong năm 2020, theo dữ liệu của tờ Los Angeles Times.

Các giám đốc của Moderna, trong khi đó, kiếm được tới 287 triệu đôla nhờ bán cổ phiếu đúng lúc trong năm 2020, và cơn mưa tiền chưa có dấu hiệu dừng lại, khi cả thế giới đang chạy đôn chạy đáo tìm vaccine.

“Giải pháp tốt nhất và sáng sủa nhất của chính quyền Trump với dịch COVID - ném tiền nhà nước vào lĩnh vực tư nhân mà hầu như không hề giám sát các quy trình thực hiện hợp đồng - sẽ là một trong những hành động càn quấy nhất trong sổ tay ý thức hệ thị trường tự do của chính quyền này". 

"Sẽ không bao giờ biết được cơn mưa tiền xuống các hãng dược tổng cộng là bao nhiêu”, tác giả Nina Burleigh viết trong cuốn sách vừa in Virus: Vaccinations, the CDC, and the Hijacking of America's Response to the Pandemic (tạm dịch: Virus: Vaccine, CDC, và phản ứng đại dịch bị bắt cóc của nước Mỹ).

Trong cơn hoảng loạn của đại dịch và yêu cầu cấp bách phải ghi điểm của giới chính trị gia, tiền thuế của người dân đã chảy vào một nhóm nhỏ các nhà tư bản không kèm theo bất kỳ ràng buộc gì và với rất ít đòi hỏi minh bạch. 

Các hợp đồng mua vaccine bị bôi đen bôi đỏ khi được công khai cho đại chúng giờ đã trở thành chuyện thường tình.

Ảnh: Financial Times

 

Bi kịch của công

Trong lúc cả nước Mỹ đổ xô đi tiêm vaccine, thì truyền thông tìm kiếm và ca ngợi những nhà nghiên cứu vaccine, những bác sĩ ở tuyến đầu, những khoa học gia vi trùng học... như những người hùng. 

Họ quả thật là người hùng, chỉ có điều hầu hết họ sẽ bước ra khỏi đại dịch với tài sản chẳng mấy thay đổi.

Barney Graham, tiến sĩ dược học, mà công trình về điều chỉnh protein phân tử của ông đóng vai trò then chốt trong việc tạo ra vaccine Moderna, ăn lương nhà nước ở Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH).

Katalin Karikó, nhà hóa sinh người Hungary với nghiên cứu tối quan trọng giúp phát triển vaccine BioNTech-Pfizer, không phải là người nắm giữ bằng sáng chế cho phát minh của bà, mà là Đại học Pennsylvania. 

Tuy nhiên, cũng có những ngoại lệ, như hai người sáng lập BioNTech Ugur Sahin và Özlem Türeci. Cặp vợ chồng bác sĩ, nhà nghiên cứu kiêm doanh nhân này ngày nay đã thuộc nhóm những người giàu nhất ở Đức, với tài sản tăng thêm nhiều tỉ đôla.

Mối quan hệ Big Pharma - nhà nước đã trở nên chằng chịt tới mức Anna Marriott, chuyên gia của tổ chức Oxfam, cho rằng một số nước giàu “tiếp tục ưu tiên mối quan hệ của họ với các đại gia ngành dược hơn là việc chấm dứt đại dịch”. 

Phát biểu sau thượng đỉnh G20 về y tế toàn cầu vừa kết thúc ở Ý ngày 21-5, bà Marriott mô tả thỏa thuận đạt được sau mấy ngày hội họp là “đổ một xô nước vào đám cháy rừng”.

Chương trình hợp tác Tăng tốc tiếp cận phương tiện chống COVID-19 (ACT) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ra mắt một năm trước để hỗ trợ các nước nghèo về xét nghiệm, điều trị, và vaccine trên toàn cầu vẫn còn thiếu 18,5 tỉ đôla. 

Sáng kiến vaccine chung Covax cũng chẳng còn lại mấy liều để phân bổ. Điều này không quá khó hiểu. Nếu lợi nhuận của việc bán vaccine ở Mỹ đã là lớn như vậy, thì ở quy mô toàn cầu sẽ là một cơn mưa tiền chưa từng thấy trong lịch sử ngành dược.

Một ước tính thận trọng cho thấy Pfizer có doanh số bán vaccine năm 2021 sẽ là 15 tỉ đôla, và lợi nhuận 4 tỉ đôla (chỉ xếp thứ hai sau thuốc viêm khớp). 

Trong một ước tính khác được cho là gần với thực tế hơn, khi vaccine Pfizer đã thực sự là hàng hóa khan hiếm, với mức sản xuất 2,5 tỉ liều và lợi nhuận 3-5 đôla một liều, Pfizer sẽ kiếm được 7,5 tới 12,5 tỉ đôla trong năm 2021 này.

Vì thế, Marriott, đứng đầu cơ quan chính sách của Liên minh Vaccine nhân dân, nói trong khi giới lãnh đạo thế giới phát biểu rất hay ho về “sự bất bình đẳng khủng khiếp về vaccine trên toàn cầu”, giải pháp của họ “vẫn là những điều cũ kỹ mệt mỏi đã không giúp gì được cho hàng tỉ người chưa được tiêm vaccine và có nguy cơ nhiễm virus. Cứ mỗi phút trôi qua có 9 người chết [vì COVID-19], trong khi kho hàng của Covax giờ trống rỗng”.■

Năm 2020, Chính phủ Mỹ đã chi ra 18 tỉ đôla tiền ngân sách cho nghiên cứu, sản xuất và hậu cần vaccine. Con số đó sẽ lớn gấp nhiều lần trong năm 2021 này, khi vaccine được triển khai trên thực tế, nhưng hiện chưa có số liệu đầy đủ. 

Ở quy mô toàn cầu, tới cuối năm 2020, một năm sau khi đại dịch bùng phát, 200 loại vaccine đã được thử nghiệm hoặc đưa vào sử dụng, theo WHO, một kỷ lục thế giới trong lịch sử vaccine.

Vaccine Trung Quốc - gồm ba loại là Sinovac, Sinopharm, và CanSino - hiện đang áp đảo trên thị trường thế giới, do Mỹ trên nguyên tắc hiện vẫn chưa cho các công ty tư nhân bán vaccine ra nước ngoài. 

Nhưng ngay cả như vậy, mức tăng giá cổ phiếu của các hãng dược lớn một năm vừa qua nói lên nhiều điều: BioNTech là hơn 150% và Moderna hơn 300%.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận