Quan hệ Nga - Mỹ: Cái bắt tay thử sức

DANH ĐỨC 31/01/2021 21:00 GMT+7

TTCT - Có thể xem vụ va chạm Alexei Navalny cùng tố cáo về lâu đài bạc tỉ nọ như một cú bắt tay biến thành bóp tay thử sức giữa hai người đã chẳng lạ gì nhau.

Ông Biden (trái) và ông Putin không lạ gì nhau. Ảnh: USA Today

Ông Biden tuy là tân tổng thống nhưng đã 8 năm trời làm phó cho ông Barack Obama ở đỉnh điểm của căng thẳng quan hệ Nga - Mỹ sau vụ sáp nhập Crimea và chiến tranh ở đông Ukraine.

Cú điện thoại đầu tiên giữa hai ông đã diễn ra hôm 26-1, bao gồm “thảo luận về sự sẵn sàng của cả hai nước trong việc gia hạn hiệp ước New START thêm 5 năm, đồng ý… gia hạn trước ngày 5-2”; và “Tổng thống Biden tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc của Hoa Kỳ với chủ quyền của Ukraine. 

Ông cũng nêu lên những vấn đề đáng quan tâm khác, bao gồm vụ hack SolarWinds, báo cáo về việc Nga treo tiền thưởng cho việc hạ sát các binh sĩ Hoa Kỳ ở Afghanistan, việc can thiệp vào cuộc bầu cử Hoa Kỳ năm 2020, và vụ đầu độc Alexei Navalny”, theo thông cáo báo chí của Nhà Trắng 26-1.

Ba ngày sau khi ông Joe Biden nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ, một chuỗi biểu tình phản đối chính quyền, đòi thả nhân vật đối lập Alexei Navalny đã nổ ra tại Matxcơva và nhiều thành phố khác ở Nga. Một giai đoạn đối đầu kiểu khác giữa Mỹ, châu Âu và Nga nay bắt đầu cùng nhiệm kỳ tổng thống mới.

3h44 sáng chủ nhật 24-1, trang Facebook “Vladimir Vladimirovitch Putin và nước Nga” (Facebook Putin) đăng cảnh báo “Gây bất ổn nước Nga”. Mẩu tin cho biết: “Ở 65 thành phố của Nga, chủ yếu là Matxcơva và Saint Petersburg, hàng chục nghìn người, bị hàng trăm phần tử cực đoan xâm nhập, đã xuống đường dẫn đến các vụ khiêu khích và bạo lực chống lại cảnh sát và thậm chí cả dân thường, khiến 42 người bị thương trong hàng ngũ cảnh sát”. Mẩu tin tố cáo thẳng thừng: “Nước Nga đang đối mặt với nỗ lực gây bất ổn từ nước ngoài”!

Làm thế nào mà chỉ hơn 12 giờ sau những cuộc biểu tình hôm thứ bảy, mà theo các nguồn tin phương Tây thì đến trên 100 cuộc, phía Nga đã có thể khẳng định ngay đây là do “nước ngoài gây bất ổn”? 

Facebook Putin hôm thứ hai 25-1 chạy tít: “Can thiệp trực tiếp: Ngoại giao Nga lên án mạnh mẽ các bố cáo của sứ quán Mỹ tại Matxcơva về những cuộc biểu tình không được phép tại nhiều thành phố khác nhau nhằm ủng hộ Alexei Navalny”.

Nga bực dọc việc tòa đại sứ Mỹ đưa ra những thông báo “Báo động biểu tình” (Demonstration Alert), chớ không hẳn đã “ớn” ông Navalny, lãnh đạo Đảng Nước Nga tương lai. 

Hôm thứ sáu 22-1, một ngày trước biểu tình, sứ bộ Mỹ tại Nga, nêu nguồn tin báo chí, lưu ý các công dân nước này phải cẩn trọng trước các cuộc biểu tình có thể xảy ra vào ngày hôm sau thứ bảy 23-1: “Các cuộc biểu tình đang được lên kế hoạch khắp nước Nga để ủng hộ một nhà hoạt động đối lập. Các cuộc biểu tình này có khả năng là trái phép. 

Do sự hiện diện đáng kể của cảnh sát và khả năng giải tán người biểu tình sang các khu vực khác của thành phố, các công dân Hoa Kỳ nên tránh những cuộc biểu tình và bất kỳ hoạt động nào liên quan”. Đến đây, không có gì để phàn nàn, cảnh báo du lịch đúng nguyên tắc.

Ông Navalnyi bị bắt ngay khi xuống máy bay. Ảnh: PRI

Phần tiếp theo mới lạ khi chỉ rõ các địa điểm sẽ có biểu tình: “Tại Matxcơva, người biểu tình dự định tập trung gần quảng trường Pushkin vào khoảng 14h và diễu hành về phía Điện Kremlin. Tại Saint Petersburg, người biểu tình dự định tập trung gần quảng trường Thượng Viện vào khoảng 14h và tuần hành về phía Gostiny Dvor (nằm trên đại lộ Nevsky). Tại Yekaterinburg, người biểu tình dự định tập trung tại lối vào sân vận động Dinamo, số 12 Ulitsa Yeryomina, vào khoảng 14h và diễu hành dọc bờ hồ thành phố về phía nhà hát kịch”.

Cứ thế, “Báo động biểu tình” liệt kê hết Perm tới Chelyabinsk, rồi thì Krasnoyarsk, Novosibirsk, Omsk, Khabarovsk, Ulan Ude, Irkutsk, cho tới tận Vladivostok tuốt đầu kia nước Nga… Liệu phải hiểu đây là lời khuyến cáo công dân Mỹ (du khách nào tới Nga giờ này?) tránh tới những nơi đó, hay là chỉ dẫn cho dân Nga biết đặng biểu tình? 

Phía Nga bực vì cái danh sách và lịch trình của tòa đại sứ Mỹ có thể được sao chép dễ dàng, dù chính quyền Nga đã ra lệnh cấm rủ rê đi biểu tình trên Internet - người dân Nga rất dễ suy diễn rằng biểu tình được Mỹ… “bảo kê”.

Đây không phải cuộc biểu tình đầu tiên, và chắc chắn không phải cuối cùng, chống ông Putin. Trước đại dịch, những cuộc bầu cử hội đồng địa phương tháng 9-2019 từng dẫn tới hai tháng biểu tình sôi sục. 

Trước đó nữa, từ tháng 3-2017 đến tháng 10-2018, các cuộc biểu tình nổ ra tại 154 thành phố và thị trấn khắp nước Nga, phản đối ông Putin và Đảng Nước Nga thống nhất, tố cáo tham nhũng trong các cấp cao nhất của chính quyền, tố cáo vi phạm nhân quyền, đàn áp chính trị và gian lận bầu cử…

Lần đó, mục tiêu chính là Thủ tướng Dmitry Medvedev, người bị tố cáo là đã tham nhũng 1,2 tỉ USD. Lần này, tháng 1-2021, người biểu tình Nga cũng căng biểu ngữ chống tham nhũng, nhắm vào chính Tổng thống Putin. Bộ phim tài liệu gây tranh cãi, được công bố trên mạng sau khi Navalny bị bắt, rõ ràng đã được làm từ trước và được “ai đó” đưa lên sau. 

Đừng thắc mắc tại sao phía Nga tố cáo Mỹ can thiệp trực tiếp vào nội bộ Nga: phải chăng còn một nhà tổng đạo diễn nữa ở phía sau, cả với cuốn video tố tham nhũng và cả chuyến trở về của Navalny. Xin nhắc nhẹ: chính quyền Biden nhậm chức 3 ngày trước các cuộc biểu tình, song đã đắc cử từ ngày 3-11 năm ngoái.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận