“Quốc phú binh cường, tắc phục chư hầu”

HẢI MINH 12/07/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Không phải ngẫu nhiên mà ngay ở phần đầu bài phát biểu chính kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc tuần rồi, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhắc tới hàng loạt biến cố trong giai đoạn chuyển giao thế kỷ định hình nên đất nước Trung Quốc hiện đại.

Tất cả đều là những nỗ lực tranh đấu trực tiếp hoặc gián tiếp chống lại các cường quốc phương Tây: khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc (1850 - 1864), biến pháp Mậu Tuất (tức cuộc cải cách 100 ngày năm 1898), phong trào Nghĩa Hòa Đoàn (1899 - 1901), cách mạng Tân Hợi (1911). Ông Tập coi đó đều là những “giải pháp cứu nước” liên tiếp xuất hiện.

 
 Ảnh: scmp.com

 

Phải nhìn nhận sự ra đời của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong bối cảnh tinh thần quốc gia chủ nghĩa sôi sục đó thì mới hiểu được đất nước Trung Quốc ngày nay.

Nửa đầu thế kỷ 19, tình trạng nông dân nổi dậy liên miên, bị các cường quốc hiện đại đàn áp, và một chính quyền rệu rã đã khiến đế quốc Mãn Thanh lâm nguy. 

Đó cũng là lần đầu tiên nhà nước phong kiến thừa nhận sự thất thế hoàn toàn của họ trước Tây phương, điều khiến những nhân vật có đầu óc thực dụng trong triều đình như Ngụy Nguyên bắt đầu làm sống lại một truyền thống lịch sử Trung Hoa nhấn mạnh vào việc theo đuổi “phú cường”, thay vì thứ Khổng Nho “đức trị” xơ cứng đã làm tê liệt đất nước.

“Phú cường” là một khái niệm trị quốc tiền Khổng Nho, được nhà chính trị thời Xuân Thu Quản Trọng - sống và hoạt động trước Khổng Tử 200 năm - đề xuất (Quản Tử, “Hình thế giải”: “Chủ chi sở dĩ vi công giả, phú cường dã. Cố quốc phú binh cường, tắc chư hầu phục kỳ chính, lân địch úy kỳ uy” - Nhà lãnh đạo sở dĩ lập nên công trạng, là nhờ phú cường. Nếu nước giàu quân mạnh, thì chư hầu tất phải phục chính sách của mình, láng giềng tất phải sợ uy của mình).

Một “thế kỷ ô nhục” sau chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất (1839 - 1842) đã khiến giới trí thức và cai trị Trung Quốc tìm lại những giá trị xa xưa đó để gửi gắm hy vọng phục hưng, và mấy dòng ngắn ngủi trên của Quản Trọng 2.600 năm trước “thực sự vẫn là ngôi sao Bắc Đẩu chỉ đường cho những người lãnh đạo chính trị và trí thức Trung Hoa”, theo các tác giả Orville Schell và John Delury của cuốn Wealth and Power: China’s Long March to the Twenty-first Century (Phú cường: Cuộc trường chinh của Trung Quốc vào thế kỷ 21).

Đó cũng là nền tảng cho những nhà tư tưởng và cách mạng lớn nhất Trung Quốc vào đầu thế kỷ 20, như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu và Tôn Trung Sơn. 

Trong một lá thư đầy nhiệt huyết (và không được trả lời) 8.000 chữ gửi Tổng đốc Lưỡng Quảng, Bắc dương đại thần Lý Hồng Chương năm 1894, Tôn Trung Sơn viết: “Với dân số và sức mạnh vật chất của Trung Quốc, nếu chúng ta học tập Tây phương và tiến hành cải cách, chúng ta có thể bắt kịp và vượt qua châu Âu trong vòng 20 năm”. Tiên đoán đó giờ đang thành sự thật.

Rất nhiều lãnh đạo thời kỳ đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc là những thanh niên yêu nước thấy kế hoạch quốc gia chủ nghĩa này cực kỳ hấp dẫn. 

Trần Độc Tú, tổng bí thư đầu tiên, và những nhân vật chính của đảng sau này, Chu Ân Lai và Mao Trạch Đông, đều thấm nhuần chủ nghĩa quốc gia đó qua những nhà tư tưởng Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu.

Cha của Đặng Tiểu Bình, người đã mở cửa Trung Quốc, là một đảng viên trong đảng chính trị của Lương Khải Siêu, điều chắc chắn đã định hình thế giới quan quốc gia chủ nghĩa của Đặng sau này. 

Trường Quân sự Hoàng Phố ở Quảng Châu do Tôn Trung Sơn thành lập cũng là nơi đào tạo những chỉ huy quân sự lớn nhất Trung Quốc thời hiện đại, bao gồm Diệp Kiếm Anh và Lâm Bưu.

Không có gì lạ khi những người cộng sản trẻ tuổi giành được chính quyền, dù xác định xây dựng đất nước theo chủ nghĩa Marx - Lenin, tinh thần quốc gia vẫn rất mãnh liệt, với mục tiêu thu hẹp khoảng cách về của cải (phú) và sức mạnh (cường) với phương Tây luôn ở trọng tâm. 

Cuộc Đại nhảy vọt thời Mao cũng có khẩu hiệu “vượt Anh, đuổi Mỹ”. 

Đặng Tiểu Bình bước đầu hiện thực hóa điều đó bằng chính sách mở cửa, và những người kế tục ông Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, và giờ là Tập Cận Bình, đều tiếp nối dự án “quốc gia phú cường” một cách hoàn toàn nhất quán, dù phương pháp hay chiến thuật cụ thể có thể thay đổi ra sao.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận