Sòng bạc hợp pháp

NGUYỄN VŨ 13/09/2020 23:09 GMT+7

TTCT - Mặc dù thừa nhận nền kinh tế thật và thị trường chứng khoán đã tách rời nhau, một bên suy giảm ở mức kỷ lục trong khi bên kia lại tăng cũng ở mức kỷ lục, nhiều chuyên gia lại nói cổ phiếu các công ty công nghệ tăng cao là do thực chất tiềm năng của chúng. Cơn biến động giá cổ phiếu công nghệ trong tuần qua chứng tỏ không hề có điều đó.

Ảnh: The Economist
Ảnh: The Economist

Tờ Financial Times trong một bài điều tra công bố vào cuối tuần trước khẳng định chính Tập đoàn Softbank đầy tai tiếng của nhà tỉ phú Masayoshi Son đã dùng quyền chọn mua cổ phiếu để đẩy giá cổ phiếu công nghệ lên mạnh trong suốt cả tháng qua. Softbank làm điều đó như thế nào?

Quyền chọn (option) có nghĩa nhà đầu tư có quyền chọn mua hay chọn bán một cổ phiếu tại một thời điểm nào đó trong tương lai ở một mức giá nào đó đã xác định, có thể cao hơn hay thấp hơn giá hiện hành.

Giả dụ một người mua quyền chọn mua (call option) cổ phiếu A với giá 100 đôla/cổ phiếu vào thứ hai tuần tới. Đúng ngày đó, giá cổ phiếu A tăng lên 110 đôla, nhà đầu tư này thực hiện quyền chọn và coi như lãi 10 đôla/cổ phiếu.

Giả dụ một người khác mua quyền chọn bán (put option) cổ phiếu B với giá 50 đôla/cổ phiếu vào ngày 5 tháng sau. Đúng ngày đó giá cổ phiếu B rớt xuống còn 45 đôla, coi như nhà đầu tư lãi 5 đôla/cổ phiếu vì anh ta vẫn bán được với giá 50 đôla.

Quyền chọn nâng mức lãi hay lỗ của người giao dịch lên nhiều lần vì để mua quyền chọn, giả dụ trường hợp đầu tiên, họ đâu cần bỏ ra 100 đôla mà chỉ 10 hay 20 đôla phòng khi thua lỗ ở mức đó họ có tiền để chung chi.

Vì thế dân đầu cơ hiện quay sang chơi quyền chọn hơn là mua bán cổ phiếu thuần túy để ăn thua nhanh hơn, nhiều hơn. Trong 2 tuần trước, giá trị các hợp đồng quyền chọn tăng vọt lên mức bình quân 335 tỉ đôla mỗi ngày, gấp ba lần mức bình quân của các năm trước.

Trong suốt tháng qua, dân chơi chứng khoán nhỏ lẻ và các nhà đầu tư tổ chức đã nhảy vào mua quyền chọn mua cổ phiếu công nghệ mà nhiều nhất, theo Financial Times, chính là Tập đoàn Softbank đã rót ra nhiều tỉ đôla vào thị trường này.

Theo chân Softbank, những người đầu tư cá nhân, chơi chứng khoán bằng ứng dụng trên điện thoại di động như Robinhood cũng nhảy vào mua, làm giá cổ phiếu công nghệ tăng vọt chưa từng thấy. Cứ thử nhìn lại ví dụ 1 với cổ phiếu A, sau khi đẩy giá nó lên để hưởng lãi, các nhà đầu tư lại mua tiếp quyền chọn mua nó trong tương lai với giá cao hơn. Người sau theo chân người trước cứ thế đẩy giá lên hầu như không có điểm dừng.

Chính vì thế mới có tin giá trị thị trường của Hãng Apple vượt 2.000 tỉ đôla, tài sản Elon Musk tăng không ngừng, đưa ông này lên hạng giàu thứ tư trên thế giới… Mức tăng giá trị thị trường của Amazon trong tháng qua bằng mức tăng cả nguyên một năm trước đó.

Người ta có thể thắc mắc: đây là mua bán trên thị trường quyền chọn, chứ đâu phải trên thị trường cổ phiếu? Nói là quyền chọn mua nhưng thường thì các bên chỉ đối chiếu kết quả rồi chung tiền cho nhau y như trên sòng bạc chứ không thực hiện việc mua hay bán chứng khoán thật sự.

Nói nôm na, người chơi đến bảo nhà cái, tôi cược giá cổ phiếu X này sẽ lên từng này vào ngày này. Đến ngày đó giá cổ phiếu lên thật thì lên bao nhiêu người chơi sẽ được chung bấy nhiêu sau khi trừ phí.

Thế nhưng có người mua quyền chọn thì phải có người bán quyền chọn đó. Những nơi này là các tên tuổi lớn như các ngân hàng Goldman Sachs, JPMorgan hay Morgan Stanley và các nhà tạo lập thị trường như Citadel Securities.

Bán quyền chọn như thế mà không phòng ngừa rủi ro thì đâu có được; các nơi này phải mua thiệt sự các cổ phiếu, nắm chúng trong tay rồi mới dám bán quyền chọn mua. Vì người ta chọn mua nhiều hơn chọn bán nên các nơi này phải mua vào càng đẩy giá cổ phiếu lên cao. Chính vì thế, thị trường quyền chọn gia tăng đã đẩy giá chứng khoán thật tăng theo.

Cái gì có lên sẽ có xuống - thị trường cổ phiếu công nghệ tăng chóng mặt làm rủi ro nắm giữ cổ phiếu loại này với giá quá cao tăng lên nên sẽ xuất hiện xu hướng điều chỉnh. Hai ngày cuối tuần trước, giá cổ phiếu công nghệ sụt giảm thê thảm và báo chí lại có dịp rút tít: 10 tỉ phú công nghệ mất trắng 44 tỉ đôla; tài sản cá nhân Jeff Bezos bay mất 9 tỉ đôla; 730 tỉ đôla bị xóa sạch…

Điều đáng buồn nhất là tiền dành dụm, tiền mồ hôi nước mắt của các nhà đầu tư nhỏ lẻ, chơi trên điện thoại di động cũng bay mất theo. Đáng buồn hơn nữa là các đại tài phiệt Phố Wall sẽ chờ giá cổ phiếu công nghệ xuống thấp để đổ tiền ra mua rồi sẽ hâm nóng thị trường, kể cả thị trường quyền chọn trong một chu kỳ mới. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận