Tái cân bằng theo Chuck Hagel

DANH ĐỨC 04/09/2013 22:09 GMT+7

TTCT - Động từ “xoay trục” (to pivot) đã được Bộ Quốc phòng Mỹ thay bằng “tái cân bằng” (to rebalance). Tất nhiên đây không chỉ là trò chơi ngôn ngữ. Ông Chuck Hagel đã 10 lần sử dụng từ “tái cân bằng” này trước thềm Hội nghị các bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM +)… khai diễn tại Brunei ngày 29-8.

Phóng to
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel (phải) trao đổi với Bộ trưởng quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein trước cuộc họp báo ở Kuala Lumpur ngày 25-8 - Ảnh: Reuters

Thật ra ngay từ giữa năm 2013, tân Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, trong diễn văn đọc tại Đối thoại Shangri-La hôm 1-6, đã tám lần dùng chữ “tái cân bằng” thay cho từ “xoay trục”. Tại sao lại là tái cân bằng chứ không còn xoay trục nữa?

Mỹ hết xoay qua Afghanistan, Iraq, vùng Vịnh… rồi nay trở lại châu Á - Thái Bình Dương như xoay quanh trục của chính mình, chẳng liên quan đến gì khác. Câu hỏi đặt ra cho việc Mỹ muốn “khôi phục thế cân bằng cho một điều gì đó”, tức hàm ngụ một sự mất cân bằng đã và đang có là:

1/Mỹ điều chỉnh cái nhìn về hiện trạng tại châu Á - Thái Bình Dương hay cũng vẫn một cái nhìn đó song điều chỉnh cách phát biểu để giải thích cho chiến lược lấy châu Á - Thái Bình Dương làm trọng tâm của mình?

2/Hay là đã có một sự mất cân bằng chiến lược trong khu vực khiến nay Mỹ phải tái cân bằng?

Từ đối thoại Shangri-la...

Qua diễn văn của ông Hagel tại Đối thoại Shangri-La (1) có thể biết khái niệm “tái cân bằng” đã được nêu từ năm ngoái nằm trong “Chỉ đạo của tổng thống về sách lược quốc phòng năm 2012” chứ không phải sáng kiến của ông Hagel, theo kiểu “tân quan, tân chính sách” - cựu bộ trưởng quốc phòng Panetta ra đi cùng với từ “xoay trục”.

Tất nhiên, Bộ Quốc phòng là “cái gốc” trong chỉ đạo đó của tổng thống, và ông Hagel đã đích thân lãnh đạo một cuộc lượng giá lại việc quản lý và xác định các chọn lựa chiến lược toàn diện hầu có thể “đối phó với những thách thức lâu dài, làm sao cho công tác quốc phòng (của Mỹ) phản ánh tốt nhất các thực tế an ninh của thế kỷ 21, trong đó có sự nổi lên của châu Á”.

Tất nhiên, ông Hagel không trực tiếp nói rằng nước nào là thách thức của thế kỷ 21, nước nào của châu Á đang nổi lên nhiều nhất về mặt quốc phòng, song ông cũng không thể không ám chỉ rằng đó là Trung Quốc, cho dù ông chỉ nhắc đến sự “nổi lên” về kinh tế, kỹ thuật mà thôi.

Trong thập niên 1980, ông Hagel đã đến Trung Quốc với tư cách một giám đốc công ty điện thoại di động đi tìm cơ hội đầu tư và nhìn thấy rõ rằng “Trung Quốc có tiềm năng xây dựng một nền kinh tế mạnh mẽ và năng động”. Từ thập niên 1990, ông nhiều lần trở lại Trung Quốc và châu Á - Thái Bình Dương trong tư cách một nghị sĩ thượng viện và ngộ ra rằng thế kỷ 21 sẽ được định hình bởi những biến cố xảy ra tại châu Á.

Nay, trong tư cách bộ trưởng quốc phòng, ông lại càng ngộ ra rằng tại châu Á đang nổi lên hàng loạt hiểm họa dai dẳng, từ thiên tai đến nhân tai, và cả “những cuộc tranh chấp đất liền và trên biển đang diễn ra cùng các xung đột vì tài nguyên thiên nhiên...” lẫn “mối hiểm họa làm tê liệt các hoạt động không gian và không gian mạng ngày càng tăng”.

Tuy ông không nêu đích danh nước nào là “mối hiểm họa của thế kỷ 21”, song ai cũng hiểu ông nói gì. Và ông nhấn mạnh rằng nước Mỹ, vốn là cường quốc Thái Bình Dương trong hai thế kỷ qua, cùng với các nước châu Á - Thái Bình Dương khác phải tăng cường các liên minh đang có, đúc nên những mối quan hệ mới, xây dựng những liên minh dựa trên lợi ích chung nhằm đảm bảo tương lai khu vực này được yên bình và thịnh vượng.

… Đến diễn văn ở IDS

Gần ba tháng sau, hôm 25-8, tại Học viện Quốc phòng và an ninh Malaysia (IDS), ông Hagel một lần nữa giải thích tái cân bằng là gì qua 10 lần nhắc đến từ ngữ này (2). Tại đây, ông đem mối quan hệ Malaysia - Mỹ ra để minh họa cụ thể: “Mỹ và Malaysia nay là hai đối tác đáng kể ở quy mô khu vực và toàn cầu…

Giới quân sự hai nước nay đang cộng tác hơn bao giờ hết trong các lĩnh vực như an ninh hàng hải, chống khủng bố, không phổ biến vũ khí, khủng hoảng nhân đạo và thiên tai… Trong tương lai, rõ ràng Malaysia sẽ đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong việc giúp duy trì an ninh và thịnh vượng của châu Á”.

Có thể lưu ý vị trí của cụm từ “an ninh hàng hải” (đứng đầu các mối hợp tác) như là mối đe dọa lớn nhất cũng như “vai trò quan trọng của Malaysia” như là một lời kêu gọi Malaysia đừng để bị ngả nghiêng.

Trước thềm Hội nghị đặc biệt các bộ trưởng ngoại giao ASEAN và Trung Quốc (Special ASEAN-China Foreign Ministers Meeting) diễn ra tại Bắc Kinh từ thứ năm 29-8, cùng lúc với ADMM + tại Brunei, càng có thể hiểu tại sao Hội nghị các bộ trưởng ngoại giao ASEAN và Trung Quốc lại được gọi là “đặc biệt”, và tại sao hội nghị này, mới được quyết định sau này, lại được xếp lịch đồng thời với ADMM, ADMM +.

Đến đây, ông Hagel không úp mở gì nữa: “Tổng thống Obama đã tỏ rõ rằng nước Mỹ không chỉ tái cân bằng về hướng châu Á - Thái Bình Dương mà còn tái cân bằng ngay trong châu Á - Thái Bình Dương”. Có thể thấy sự tái cân bằng của Mỹ không chỉ là xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương, không chỉ điều chỉnh tình hình mất cân bằng chiến lược của Mỹ, mà còn nhằm điều chỉnh sự mất cân bằng của chính châu Á - Thái Bình Dương.

Câu hỏi đặt ra là: 1/Có hay không tình trạng mất cân bằng lực lượng ở châu Á - Thái Bình Dương, cụ thể là các căng thẳng trên biển Đông? 2/Nếu quả thật có tình trạng mất cân bằng thì đó là do chủ ý “phát triển” của một thế lực đang ưu thế nào đó hay chỉ để phản ứng với sự trở lại của Mỹ? 3/Sự tái cân bằng đó là nhu cầu của Mỹ hay còn là của các nước liên quan trong khu vực?

Câu trả lời từ Malaysia

Chính giới Malaysia đến nay thường “chừng mực” trong các vấn đề xung đột khu vực tuy vẫn bày tỏ chính kiến. Trong bối cảnh đó, câu hỏi của đô đốc hồi hưu Tan Sri Tana, trong phần hỏi đáp sau diễn văn của ông Hagel, có thể phản ánh một phần công luận Malaysia:

“Tôi là tư lệnh hải quân hồi hưu. Tôi muốn hỏi Bộ trưởng quốc phòng Hagel một câu hỏi liên quan đến biển Hoa Đông, nơi quý vị có những hiệp định quốc phòng với Nhật Bản và Hàn Quốc… Câu hỏi của tôi là trong trường hợp xung đột, Mỹ sẽ đáp ứng như thế nào trên biển?”.

Nếu như câu hỏi trên đây chỉ là gián tiếp thì một sĩ quan Malaysia khác lại hỏi trực tiếp: “…Theo cách nói của chính ông, sẽ có khả năng xảy ra một cuộc xung đột trong khu vực, có phải thế không? Dẫu sao người Trung Quốc đã lôi ra đường chín đoạn trên biển Hoa Nam (tức biển Đông của Việt Nam) rồi. Thế ông cảm nhận như thế nào?”.

Câu hỏi của một sĩ quan khác thuộc IDS mở rộng phạm vi quan ngại: “Mỹ xem mối quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc và Pakistan như thế nào? Vậy Mỹ sẽ tái cân bằng như thế nào an ninh ở Nam Á?”.

Tất nhiên câu trả lời của ông Hagel không phải để đổ dầu vào lửa: “Chúng tôi không hề muốn để các vụ tranh chấp lớn và vấn đề dị biệt này biến thành xung đột… Chúng ta cần chung sức để tránh một sự xung đột công khai, một sự đối đầu công khai… Phải tiếp tục tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các vấn đề đó. Thật chẳng dễ dàng gì. Về vấn đề đồng thuận, mỗi bên phải cho đi một chút gì đó”.

Từ chủ nhật 25-8, ắt hẳn thông điệp của ông Hagel đã được các thủ đô phân tích từng chữ trước khi phó hội ở Bắc Kinh và Brunei.

___________

(1): Secretary Hagel’s Remarks at Shangri-La Dialogue.
(2): Secretary Hagel’s Remarks at Malaysia’s Institute of Defence and Security.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận