Thông điệp nào từ hội nghị thượng đỉnh Đông Á 2012?

DANH ĐỨC 26/11/2012 21:11 GMT+7

TTCT - Những cuộc chạm trán nảy lửa trực tiếp giữa các “ông lớn” đã không diễn ra. “Tỉ thí” đã diễn ra theo kiểu ngấm ngầm đấu nội công trong khi ngoài mặt vẫn là hữu hảo...

Phóng to
Tươi cười, nhưng sóng ngầm vẫn đang diễn ra - Ảnh: Reuters

Cũng như năm ngoái ở Thượng đỉnh Bali, chỉ mỗi Bộ trưởng ngoại giao Nga Sergei Lavrov phó hội, ông Medvedev và nay ông Putin tiếp tục tránh bước lên “sàn đấu”... Còn nhớ hôm 30-10-2010, tổng thống Nga lúc đó là ông Dmitry Medvedev còn hoan hỉ dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Nga tại Hà Nội.

Trước đó, Bộ trưởng ngoại giao Sergei Lavrov giới thiệu lập trường của Nga như sau: “... Không một cơ chế hợp tác khu vực nào (có thể) sẽ thích hợp mà không có sự tham gia của các cường quốc lớn, trong đó có đất nước chúng tôi... Nga và ASEAN là những đối tác tự nhiên. Chúng ta đều cần như nhau hòa bình và ổn định tại châu Á - Thái Bình Dương”, tuy ông không quên thận trọng phân bua:

“... Chúng tôi không có kế hoạch triển khai căn cứ quân sự tại châu Á - Thái Bình Dương, cũng không lập liên minh quân sự với các nước khu vực. Chúng tôi không có ý định tranh giành ảnh hưởng với bất cứ ai. Việc chúng tôi muốn tăng cường hợp tác với ASEAN mà thôi, kể cả các vấn đề an ninh, không nhắm vào các nước thứ ba nào” (1).

Năm 2010 ấy, tình hình biển Đông đã bắt đầu nổi sóng. Sang cuối tháng 5 năm sau, càng nổi sóng hơn với những vụ cắt cáp tàu thăm dò của Việt Nam trên biển Đông, những uy hiếp Philippines... Thế là đến Hội nghị thượng đỉnh Đông Á - Bali năm 2011, mà lần đầu tiên cả Mỹ và Nga được tham dự, Nga chỉ cử Bộ trưởng Lavrov đến trong khi phía Mỹ là đích thân Tổng thống Obama. Năm nay cũng thế. Chính sách “hướng Đông” của Nga dừng lại ở Vladivostok, tránh can dự vào chuyện “thiên hạ”, để lại một khoảng trống thế lực.

Vô hình trung, các cuộc gặp ASEAN - Trung Quốc và ASEAN - Mỹ ở Thượng đỉnh Đông Á biến thành những cuộc “tranh thủ lực lượng” khiến Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã phải thốt lên rằng: “Quan hệ (chặt chẽ) giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ củng cố sự ổn định và tăng trưởng của khu vực” (2).

Kỷ niệm 10 năm DOC

Trong bối cảnh tình hình tranh chấp biển Đông căng thẳng, cuộc gặp thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc lần thứ 15 năm nay, rơi đúng vào dịp kỷ niệm 10 năm ký kết Tuyên bố về quy tắc ứng xử trên biển Đông (DOC), cũng là dịp giảm căng thẳng để còn ra được một thông cáo chung nhân sự kiện này với những cam kết:

“Chúng tôi, những người đứng đầu chính phủ các nước thành viên ASEAN và Cộng hòa nhân dân Trung Quốc... tái khẳng định sự cam kết của chúng tôi đối với các nguyên tắc của DOC bằng cách: tiếp tục thực thi DOC một cách trọn vẹn và đầy đủ;... tiếp tục khuyến khích các bên liên quan giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và pháp lý bằng các phương tiện hòa bình mà không cậy đến đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, qua các tham vấn hữu nghị và thương thuyết giữa các nước có chủ quyền trực tiếp liên quan, đúng với tinh thần các nguyên tắc luật pháp quốc tế được cả thế giới thừa nhận, bao gồm cả công ước UNCLOS 1982; tiếp tục hành xử tự chế... xử lý các dị biệt một cách xây dựng...;... cùng làm việc với nhau để thông qua một bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC)...” (3).

Đã 10 năm sau Tuyên bố chung DOC 2002 ký kết giữa một thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc với các bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN. Hi vọng rằng lần này - một thông cáo chung mang chữ ký của một thủ tướng Trung Quốc hôm 19-11-2012 tái cam kết với các nhà lãnh đạo các nước ASEAN - không chỉ là một màn trình diễn ngoại giao của một người sắp mãn nhiệm, mà là một lời hứa “tứ mã nan truy” ở cấp cao nhất của một chính phủ, chấm dứt những vùi dập văn kiện DOC bằng võ lực như đã từng thấy trong mấy năm qua.

Cơ hội ghi bàn cho ông Obama

Trong khi ông Ôn Gia Bảo, bị kẹt trong khuôn khổ kỷ niệm 10 năm ký kết DOC và là một bên “liên quan” chủ chốt trong những tranh chấp mà nhiều lúc suýt biến thành binh đao, chỉ có thể ký một thông cáo chung cam kết sẽ nghiêm chỉnh thực thi DOC, thì ông Barack Obama lại ung dung ra một thông cáo chung với các nhà lãnh đạo ASEAN.

Văn kiện có đến 40 điểm, đề cập tới hợp tác từ chính trị, kinh tế, thương mại, pháp luật, sông Mekong, năng lượng, giáo dục... đến chống buôn người và dạy tiếng Anh. Một cơ hội cho ông Obama biểu diễn công phu “thế lực mềm” dưới mọi hình thức hợp tác, và đóng vai trò “chứng nhân” trong tranh chấp biển Đông qua điều 23: “Chúng tôi thừa nhận tầm quan trọng của Tuyên bố về quy tắc ứng xử trên biển Đông (DOC) năm 2002 và hoan nghênh việc thực thi tuyên bố đó. Chúng tôi mong đợi sớm đúc kết một bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Chúng tôi bày tỏ sự hậu thuẫn cho thông cáo “Sáu nguyên tắc về biển Đông” của các ngoại trưởng ASEAN thông qua hôm 20-7-2012 cùng việc thực thi hữu hiệu (sáu nguyên tắc) đó”.

Ông Obama càng tận hưởng cơ hội đóng vai trò “chứng nhân” qua đoạn sau: “Chúng tôi ghi nhận Thông cáo chung ASEAN - Trung Quốc ngày 19-11-2012 nhân kỷ niệm 10 năm ký kết DOC” mà ông Ôn Gia Bảo vừa mới ký trước đó với 10 lãnh đạo ASEAN, nhất là khi nước Mỹ của ông không phải là một bên tranh chấp như đất nước ông Ôn Gia Bảo! Ông Obama còn được đóng vai trò trung gian này trong suốt Hội nghị thượng đỉnh Đông Á chiều thứ ba 20-11-2012 khi ông được xếp ngồi giữa Thủ tướng Nhật Noda và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo (ảnh), khi sóng ngầm vẫn đang diễn ra!

Trong cuộc họp báo của phái đoàn Mỹ tại khách sạn Nagaworld chiều 20-11, một nhà báo đã thắc mắc tại sao cuộc họp Noda - Obama dự trù kéo dài 40 phút song đã kết thúc chỉ sau 25 phút; tại sao Thủ tướng Nhật Noda lại không chính thức loan báo sẽ tham gia đàm phán TPP (Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương gồm các nước quanh Thái Bình Dương không có Trung Quốc); hai bên bàn bạc như thế nào về vấn đề quần đảo Senkaku; và cuối cùng thông điệp của ông Obama cho ông Noda là gì.

Phụ tá cố vấn an ninh quốc gia Ben Rhodes trả lời: “... Về vấn đề TPP, chúng tôi đâu đã mong đợi sẽ có một thỏa thuận chung cuộc vào hôm nay (từ phía Nhật vốn vẫn chỉ là “quan sát viên” chưa là thành viên - TTCT)... Còn về vụ Senkaku, vụ này không được thảo luận mấy... Thông điệp của chúng tôi là chúng tôi hậu thuẫn bạn đồng minh thân thiết của chúng tôi là Nhật Bản, tuy nhiên chúng tôi tin rằng cách tốt nhất để đối phó với tình hình đang diễn biến là hãy cố tránh một sự leo thang có thể xảy ra... Làm giảm căng thẳng xung quanh vấn đề này chính là vì lợi ích của Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ cùng cả khu vực”.

Nếu biết rằng cũng trong buổi sáng hôm đó, vào khoảng trước 11 giờ, theo tin từ Lực lượng tuần duyên Nhật, bốn tàu hải giám Trung Quốc đã đi vào khu vực 12 hải lý quanh đảo Minamikojima trong nhóm đảo Senkaku (4), tức đi vào hải phận Nhật Bản (nếu xét từ góc nhìn của Nhật Bản), có thể hiểu ông Noda đã nhanh chóng tiếp thu lời khuyên của ông Obama như thế nào để rồi rút ngắn cuộc họp.

Thật ra, điều này không mới mẻ gì với người Nhật trong suốt mấy tháng một mình loay hoay ứng phó ở Senkaku. Kazuhiko Togo, một cựu quan chức ngoại giao cao cấp Nhật Bản, nay là viện trưởng một viện nghiên cứu của Đại học Kyoto Sangyo, phát biểu: “Tôi vẫn tin tưởng Mỹ là đồng minh của chúng tôi, song chúng tôi cần xem xét vấn đề tính trung lập của Mỹ” (5).

Dẫu sao thì cũng trong cuộc họp báo, phụ tá cố vấn an ninh quốc gia Ben Rhodes, khi được hỏi về lập trường của Trung Quốc là “không quốc tế hóa vấn đề biển Đông”, đã trả lời rằng: “... Các diễn đàn như Thượng đỉnh Đông Á là quan trọng do lẽ có những vấn đề cần được thảo luận trong bối cảnh đa phương”.

_____________

(1): Sergei Lavrov, “RUSSIA AND ASEAN CAN ACHIEVE A GREAT DEAL TOGETHER”, http://www.philippines.mid.ru/doc/Lavrov.pdf
(2): http://www.channelnewsasia.com/stories/eastasia/view/1238233/1/.html
(3): http://www.globaltimes.cn/content/745396.shtml
(4): http://www.channelnewsasia.com/stories/afp_asiapacific/view/1238356/1/.html
(5): ERIC TALMADGE,”How Asia sees Obama’ s pivot to the Pacific”, Associated Press

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận