Tiền ảo sẽ đảo lộn thế giới thật

CHIÊU VĂN 28/05/2020 17:05 GMT+7

TTCT - Trong tuần qua, Trung Quốc đã bắt đầu thí điểm tiền tệ kỹ thuật số mới ở bốn thành phố lớn, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phát hành tiền ảo từ chính ngân hàng trung ương.

Ảnh: Fintech News
Ảnh: Fintech News

Động thái này đã được Trung Quốc chuẩn bị suốt một thời gian dài và những thành phố sẽ đóng vai trò “ném đá dò đường” là Thâm Quyến, Tô Châu, Thành Đô và tân khu Hùng An ở phía nam Bắc Kinh, nơi dự kiến tổ chức Olympic mùa đông 2022, với mỗi nơi được phân công phân nhiệm riêng.

Nhật báo tiếng Anh của nhà nước China Daily nói bước đầu, loại tiền tệ mới sẽ được sử dụng để trả lương cho một số công nhân viên chức. Sina News thì cho biết tiền này được dùng để trợ giá cho vận tải công cộng ở Tô Châu, còn ở Hùng An sẽ là các thử nghiệm tập trung vào dịch vụ ăn uống và bán lẻ.

Một số tin tức còn nói các doanh nghiệp tư nhân, bao gồm McDonald’s và Starbucks, đã đồng ý tham gia thử nghiệm, dù báo Anh The Guardian dẫn một tuyên bố từ Starbucks phủ nhận điều đó (McDonald’s từ chối trả lời).

Nhiều kỳ vọng

Các nền tảng thanh toán điện tử thật ra không những không mới, mà đã trở thành một phần đời sống thường nhật ở Trung Quốc từ lâu, qua hai ứng dụng áp đảo hiện giờ là Alipay (thuộc Ant Financial của Tập đoàn Alibaba) và WeChat Pay (Tencent). Khác biệt ở đây là các ứng dụng trên không thay thế tiền tệ hiện tại, mà chỉ là giải pháp thanh toán bổ sung.

Xu Yuan (Từ Viễn) - giáo sư ở Viện Tài chính điện tử, Đại học Bắc Kinh - nói với Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV: “Từ góc nhìn của người sử dụng sẽ không có gì thay đổi nhiều, nhưng từ góc nhìn quản lý nhà nước của ngân hàng trung ương với các hình thức tài chính, thanh toán, kinh doanh và quản trị xã hội… trong tương lai, sự thay đổi này là lớn nhất từ trước tới nay”.

Bản tin CCTV ngày 17-4 dẫn lời Viện Nghiên cứu tiền tệ số thuộc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC, ngân hàng trung ương nước này), nơi phát triển loại tiền mới, nói nghiên cứu và phát triển tiền nhân dân tệ kỹ thuật số đang “tiến bước vững chắc” và việc sửa lỗi vặt đã gần hoàn thành.

Dù không nói ra, đó có vẻ là một cuộc đua ngấm ngầm của Nhà nước Trung Quốc, sau khi mạng xã hội lớn nhất toàn cầu nhưng không hiện diện tại Trung Quốc, Facebook, tuyên bố vào tháng 6-2019 là họ định ra mắt tiền tệ ảo tên gọi Libra.

Công nghệ tiền mã hóa và những tính toán như Libra đã làm xuất hiện một khái niệm mới: “chủ quyền tiền tệ số”, trong đó đồng tiền ảo phải gắn giá trị với tiền thật của quốc gia, phát hành qua ngân hàng nhà nước.

Trung Quốc đã chuẩn bị cho điều này ít nhất là sáu năm qua, bởi chính quyền nước này có quá nhiều được mất phải tính toán trong đầu tư cho tiền số, mà nhìn rộng hơn là những ngụ ý địa chính trị sâu sắc.

“Một đồng tiền số đảm bảo chủ quyền quốc gia là một giải pháp thay thế hữu hiệu hệ thống thanh toán bằng đôla Mỹ hiện giờ và làm giảm nhẹ tác động của bất cứ lệnh trừng phạt hay đe dọa loại trừ nào với một quốc gia hay một công ty - China Daily viết trong một bài bình luận tuần trước - Nó cũng tạo điều kiện cho sự hội nhập toàn cầu vào các thị trường tiền tệ và làm giảm rủi ro đứt gãy vì lý do chính trị”, tức là hệ thống tiền ảo sẽ không chỉ giúp việc quản lý tiện lợi hơn, nó có thể là vũ khí hữu hiệu giúp Trung Quốc vượt qua các rào cản, lệnh trừng phạt hay những đòn tấn công kinh tế của Mỹ trong tương lai, hoặc giúp những doanh nghiệp Trung Quốc bị Mỹ đưa vào sổ đen - như trong vụ lùm xùm Huawei hiện tại - vẫn đảm bảo được chuỗi cung ứng, thanh toán và vận hành.

Vận hành thực tế

Việc suy giảm sử dụng tiền mặt là một thực tế không thể tránh khỏi và sẽ còn tăng tốc trong bối cảnh nền kinh tế số hiện tại. Những gì Trung Quốc đang làm không nằm ngoài xu thế đó. Trong hệ thống vừa ra mắt, người dùng sẽ tải về ứng dụng ví điện tử được PBOC cấp phép.

Ví này được liên kết với một thẻ ngân hàng và họ có thể bắt đầu chi trả hoặc nhận tiền nhân dân tệ kỹ thuật số qua điện thoại di động, cũng như giao dịch với một máy ATM hay người dùng khác.

Điều đặc biệt: không giống Alipay hay WeChat Pay, hệ thống mới hỗ trợ thanh toán mà không cần kết nối Internet. Tính năng “chạm và chạm” của ứng dụng mới cho phép người dùng đơn giản chạm hai thiết bị di động của họ vào nhau để thực hiện giao dịch. “Nhiều năm sau nhìn lại, hai sự kiện định nghĩa năm 2020 sẽ là đại dịch virus corona và tiền kỹ thuật số [của Trung Quốc]”, giáo sư Xu bình luận.

Khi ngày càng nhiều giao dịch thanh toán và tài chính được chuyển lên mạng, thông tin về dòng tiền mặt và dữ liệu tín dụng sẽ được tổng hợp thành một cơ sở dữ liệu lớn, tạo ra cấu trúc tín dụng chính xác cho cả xã hội. Những ngụ ý của điều đó với sự điều phối chính sách tài khóa, tiền tệ và cả chính sách phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia là không thể lường hết, cả về phương pháp, phương tiện và hiệu ứng, theo lời giáo sư Xu.

Lấy ví dụ, trong một xã hội mà hệ thống tiền số đã vận hành đầy đủ, lần đầu tiên trong lịch sử, cơ quan quản lý nhà nước sẽ có thể kiểm tra dữ liệu thanh toán trên thời gian thực, qua đó theo dấu dòng tiền của mọi công dân có dấu hiệu rửa tiền, trốn thuế và các tội phạm tài chính khác.

“Trên lý thuyết, trong một hệ thống tiền số đầy đủ, sẽ không có giao dịch nào nhà chức trách không thấy - toàn bộ dòng tiền mặt đều sẽ lưu dấu” - Xu nói. Đại dịch COVID-19 có thể là một chất xúc tác quan trọng đẩy nhanh quá trình thanh toán không tiếp xúc đó, vì nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng lên cũng như nỗi sợ tiền giấy có thể mang virus.

Báo chí biết tới nỗ lực xây dựng hệ thống tiền ảo này của PBOC ít ra là từ năm 2014, sau thành công của các trang thương mại điện tử Alibaba, Tencent và Baidu ở Trung Quốc. Giao dịch thanh toán trên điện thoại di động tại nước này đã đạt giá trị 347.000 tỉ nhân dân tệ (49.000 tỉ đôla Mỹ) vào năm 2019, chiếm 4/5 tổng số lượng giao dịch.

Viện Nghiên cứu tiền tệ số của PBOC ra mắt năm 2017, với sự góp mặt của năm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước lớn và nhiều định chế học thuật quan trọng.

Tiền điện tử mới của Trung Quốc được quản trị hoàn toàn dưới quyền PBOC trong một hệ thống tập trung, điều hoàn toàn đối lập với hầu hết các hình thức tiền mã hóa hiện giờ, vốn được thiết kế để phân tán quyền lực kiểm soát tiền tệ khỏi tay chính quyền. Các loại tiền ảo thông dụng hiện nay, như bitcoin, hoạt động trong một mạng máy tính chung, phi tập trung hóa, dựa trên công nghệ chuỗi khối hay sổ cái phân tán (distributed ledger).

Nhưng các loại tiền này đang đối mặt với nhiều chỉ trích vì được sử dụng cho các hoạt động bất hợp pháp, và biến động giá cả quá lớn khiến nó trở thành tài sản đầu cơ tài chính nhiều hơn là một công cụ giao dịch.

Trong hệ thống tiền mới của Trung Quốc, PBOC sẽ phát hành tiền ảo cho các ngân hàng thương mại và các tổ chức khác mà không sử dụng công nghệ chuỗi khối, dù các đơn vị “cấp hai” của PBOC sau đó có thể sử dụng công nghệ đấy để phân phát tiền điện tử cho công chúng.

Nouriel Roubini - giáo sư kinh tế học tại Trường Kinh doanh Stern, Đại học New York - cho rằng vấn đề chính với loại tiền mới là chúng sẽ gây xáo trộn cho hệ thống ngân hàng truyền thống. Các cá nhân và doanh nghiệp sử dụng ví điện tử của PBOC càng nhiều sẽ càng làm giảm giao dịch với các ngân hàng thương mại, có thể dẫn tới làm biến mất những khoản tiền gửi tiết kiệm, kéo theo là sự xóa sổ dịch vụ ngân hàng truyền thống.

Giáo sư Xu bình luận thêm nếu sự chuyển dịch sang tiền số suôn sẻ, nhu cầu với máy ATM trong tương lai cũng sẽ bị nghi ngờ và toàn bộ hệ thống tài chính đã vận hành lâu nay sẽ buộc phải thay đổi khi các công dân Trung Quốc hoàn toàn có thể mở tài khoản tiền gửi, nhận lãi suất và đầu tư các tài sản tài chính… chỉ hoàn toàn bằng tiền điện tử.

Hãng Citic Securities ước tính tổng quy mô tiền điện tử ở Trung Quốc có thể lên tới 1.000 tỉ nhân dân tệ (140 tỉ đôla Mỹ) trong chỉ vài năm nữa, tức 1/8 tổng lượng tiền mặt ở Trung Quốc hiện giờ. Để so sánh, toàn bộ giá trị vốn hóa thị trường của tiền mã hóa, bao gồm bitcoin, hiện vào khoảng 200 tỉ đôla Mỹ.■

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới tháng 4-2020 tựa đề “Những khía cạnh thanh toán của tài chính dung nạp trong thời đại tài chính số” cho thấy 20% trong số 66 ngân hàng trung ương được hỏi cho biết họ nhiều khả năng phát hành tiền ảo trong vòng sáu năm tới. Tiền kỹ thuật số là một công cụ lý tưởng với nhiều nhà nước.

Ngoài việc có được dữ liệu, trên lý thuyết, nếu cả xã hội dùng tiền số thì hiệu năng thu thuế của chính quyền có thể lên tới 100%, và đó chỉ là một trong rất nhiều ví dụ về sự đảo lộn của tương lai.

Nó cũng cho phép nhà chức trách lần theo từng xu đã được chi tiêu, chẳng hạn để trả lời các câu hỏi kiểu như: Liệu tiền hỗ trợ chống dịch COVID-19 có tới được đúng nơi, với đúng người? Nó cũng có triển vọng giúp việc thanh toán và giao dịch thương mại quốc tế trở nên đơn giản hơn nhiều.

Nhưng đi kèm tất nhiên là những rủi ro không kém: sự can thiệp quá sâu của nhà nước vào đời sống riêng tư của công dân, khi câu sáo ngữ “Thò tay vào túi tiền người khác” không còn là để ví von.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận