Trung Quốc chuyển mình

TTCT 24/11/2003 03:11 GMT+7

TTCT - Trung Quốc (TQ), với khối dân khổng lồ bằng dân số 1/4 nhân loại, đang trở thành một siêu cường kinh tế. Một nghiên cứu mới của Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ) dự kiến nền kinh tế TQ sẽ qua mặt cả Pháp, Anh và Đức trong bốn năm tới. TQ đang cho thấy sự thành công của quá trình canh tân của mình.


Trung Quốc (TQ), với khối dân khổng  lồ bằng dân số 1/4 nhân loại, đang trở thành một siêu cường kinh tế. Một nghiên cứu mới của Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ) dự kiến nền kinh tế TQ sẽ qua mặt cả Pháp, Anh và Đức trong bốn năm tới. TQ đang cho thấy sự thành công của quá trình canh tân của mình. 

Cùng lúc với việc trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2001, tạo ra một kỷ nguyên mới trong thương mại toàn cầu, TQ đã chứng tỏ rõ những cố gắng tự thân để tự vượt qua chính mình, nếu như trước đây những sản phẩm “sản xuất tại TQ - made in China” chỉ là quần áo, đồ chơi hay những đồ điện tử rẻ tiền thì nay đang dần thay đổi. 

Rất nhiều công ty lớn nhất trên thế giới như General Electric, Microsoft, Exxon Mobil, Motorola, Toyota, Nissan, Ford, General Motors, Shell đang đầu tư hàng tỉ đôla vào thị trường TQ để xây dựng hàng loạt nhà máy mới; sản xuất chế tạo tất cả mọi thứ từ máy tính và sản phẩm phần mềm chất lượng cao cho đến ôtô hay sản phẩm hóa dầu cung cấp cho thị trường thế giới. 

Từ hàng may mặc, đồ chơi đến những bộ vi mạch và xe hơi

Nicholas R. Lardy, chuyên gia nghiên cứu về TQ của Mỹ, nhận định: “Bước chuyển đổi cơ bản nhất là TQ đã bắt đầu thực hiện tự do hóa môi trường đầu tư nước ngoài từ cuối thập niên 1970, và điều này càng được đẩy mạnh từ khi nước này gia nhập WTO. 

Cho đến đầu thập niên 1990, TQ đã trở thành một nhà cung cấp chính trên thị trường hàng điện tử. Đến nay, TQ đã là một trong những nước cung cấp sản phẩm bán dẫn lớn nhất thế giới. 

TQ là nước sản xuất công nghiệp lớn hàng thứ tư trên thế giới sau Mỹ, Nhật và Đức. TQ hiện chiếm:

- 50% sản lượng máy ảnh toàn cầu

-  30% sản lượng máy điều hòa và vô tuyến toàn cầu

- 25% sản lượng máy giặt toàn cầu

- 20% sản lượng tủ lạnh toàn cầu

Một công ty TQ đã chế tạo phần lớn loại thiết bị vi mạch điện tử, ứng dụng rộng rãi cho việc sản xuất lò vi sóng trên toàn thế giới. 

Kết quả của quá trình chuyển đổi sang sản xuất các sản phẩm điện tử, cùng với việc thực hiện tự do hóa thương mại theo cam kết với WTO là các nhà đầu tư nước ngoài đang đổ tiền vào thị trường 1,3 tỉ dân này” - (500 tỉ đôla - ghi chú thêm của hai tác giả).

Larry Larsen, giám đốc tài chính Nhà máy Powell (chuyên sản xuất các mặt hàng điện tử và thiết bị ngắt điện, có trụ sở tại Houston, doanh thu 250 triệu USD/năm), cũng nhận định: “Ngành công nghiệp sản xuất của TQ đang chuyển mình và TQ đang trở thành một nước công nghiệp thật sự”. 

Công ty của Larsen hiện đang thương lượng với một công ty của TQ để tìm địa điểm xây dựng Nhà máy Powell tại thành phố Thượng Hải. 

Đây là động thái tiếp theo sau khi Powell tuyên bố đã ký được một hợp đồng trị giá 5 triệu USD với Hãng tàu điện ngầm Thượng Hải để cung cấp các thiết bị điện trọn gói tại các ga xép.

7 xu hướng chính

Việc đầu tư vào chế tạo ôtô, cũng như đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, đánh dấu một kỷ nguyên mới trong ngành công nghiệp TQ. 

Để có cái nhìn thấu đáo hơn về sự chuyển dịch này và ảnh hưởng của nó đối với nền kinh tế toàn cầu, theo tiến sĩ Lardy của Trung tâm Brookings Institution (Hoa Kỳ), cần phải hiểu rõ bảy xu hướng chính đang diễn ra ở TQ:

TQ đang nhanh chóng tự do hóa môi trường đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Các yếu tố cạnh tranh mới làm giảm giá thành sản xuất tại TQ.

Hiện nay các công ty quốc tế không gặp cản trở nào đáng kể khi muốn thâm nhập thị trường TQ.

Lực lượng lao động của TQ ngày càng phát triển theo hướng tri thức để có thu nhập cao. 

Sự phân bổ nguồn lực và mạng lưới cung cấp trở nên hiệu quả hơn.

Tăng sản xuất công nghệ cao và tăng cung cấp sản phẩm công nghệ cao ở ba khu vực chính: tỉnh Quảng Đông và các thành phố Thượng Hải, Tô Châu.

Chính quyền TQ đang thẳng tay giải quyết vấn đề tham nhũng.

Tiến sĩ Lardy cho biết: “Điều kiện tiên quyết cho phát triển sản xuất ở TQ là tự do hóa môi trường cho đầu tư nước ngoài trực tiếp. Điều kiện thứ hai là tạo ra một môi trường cạnh tranh. Bằng chứng là hiện nay TQ có hai nhà cung cấp viễn thông chính và điều này đã kích thích cạnh tranh, tạo nên động lực phát triển cho thị trường công nghệ thông tin trong nước. 


Năm 1990, số máy điện thoại trên đầu người của TQ chỉ ngang với Ấn Độ. Nhưng đến nay TQ đã có 190 triệu thuê bao điện thoại di động, trở thành nước có đông người sử dụng điện thoại di động nhất thế giới”. 

Cũng theo tiến sĩ Lardy, nguyên nhân chính giải thích tại sao các nhà sản xuất thế giới lại đổ xô đến TQ là do họ rất dễ xâm nhập vào TQ vì có rất ít rào cản. Hình thức đầu tư chủ yếu hiện nay là 100% vốn nước ngoài. Hầu hết các công ty nước ngoài không còn muốn đi theo hướng liên doanh. 

Mặt khác, TQ còn thu hút với chi phí nhân công hấp dẫn. Flextronics, nhà sản xuất hàng điện tử lớn thứ ba thế giới, hiện đang đóng cửa dần các nhà máy của mình ở Malaysia và Singapore và thay thế bằng các nhà máy ở TQ mà Flextronics đang sở hữu hoàn toàn 100% vốn. 

Đơn giản vì công ty này nay có thể thuê một kỹ sư ở TQ (một đất nước hằng năm đào tạo ra 465.000 kỹ sư) chỉ với mức lương 15.000 USD/năm và thu nhập của công nhân nhà máy là 1 USD/ngày, thấp hơn rất nhiều so với của các đồng nghiệp ở các nước phát triển. 

Thế nhưng, đây là một yếu tố đang thay đổi do trình độ học vấn của người dân TQ đang tăng lên, nên chắc chắn lương của người công nhân sẽ được cải thiện.

Số các nhà máy thuộc sở hữu của người nước ngoài ở TQ sẽ còn tăng lên một khi các công ty nước ngoài được phép mua cổ phần của các doanh nghiệp quốc doanh. 

Cho đến gần đây 65% cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước chưa chính thức được bán. Hiện nay, các hãng nước ngoài mới chỉ được mua các cổ phiếu không chuyển nhượng.

Vẫn còn nhiều thách đố phía trước

Mặc dù nền kinh tế TQ vẫn đang tăng trưởng một cách đáng kinh ngạc, nhiều chuyên gia vẫn cảnh báo các công ty của Mỹ đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại đây. Đầu tư cho nghiên cứu và phát triển hằng năm của TQ mới chỉ là 11 tỉ USD, so với 233 tỉ USD của Mỹ. 

Điều này, theo tiến sĩ Lardy, có nghĩa là “TQ hiện vẫn đang sản xuất theo kiểu sử dụng nhiều lao động”. Tuy nhiên, vẫn theo tiến sĩ Lardy, “điều này có thể thay đổi. Những năm tới người ta sẽ trông thấy rất nhiều thành tựu nghiên cứu và phát triển từ TQ”.

Một vấn đề khác là giao thông chuyên chở: “Các hãng nước ngoài còn lạ nước lạ cái ở TQ cần nhận thức rõ về mạng lưới giao thông TQ. Mặc dù các sân bay ở Bắc Kinh và Thượng Hải đều mới và hiện đại, nhưng TQ vẫn thiếu các sân bay và đường cao tốc hiện đại nối các thành phố miền đông, miền trung và miền tây đất nước”.

Điểm tựa Hồng Kông

Sarah Wu - chủ tịch Phòng Kinh tế và thương mại Hong Kong tại New York - cho biết Hong Kong và Quảng Đông có mạng lưới giao thông tốt nhất. Hong Kong đang trở thành một điểm kết nối quan trọng kể từ khi TQ gia nhập WTO. 

Theo bà, các hãng nước ngoài nên đặt văn phòng chi nhánh tại Hong Kong, đặt nhà máy tại khu vực châu thổ sông Châu Giang bên cạnh với Hong Kong, và nên tiến hành các hoạt động tiếp thị, nghiên cứu và công nghệ ở công ty mẹ. 

Hong Kong hiện nổi tiếng là một điểm trung chuyển lớn của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Nó sẽ trở thành một chất xúc tác hữu ích và là đối tác quan trọng để các thương nhân tiến hành kinh doanh ở châu Á, đặc biệt là ở TQ. Trong việc nghiên cứu thị trường TQ, các nhà đầu tư thương mại VN nên chú ý các khía cạnh này.

(theo Far Eastern Economic Review)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận