Trung Quốc trói chân "tập đoàn kiến" Ant Group

NGUYỄN VŨ 20/11/2020 23:11 GMT+7

TTCT - “Tập đoàn kiến” Ant Group của Trung Quốc dù có quy mô khổng lồ nhưng cũng dính vào các mâu thuẫn về bản chất mô hình hoạt động giống như Uber hay Airbnb trước đó, đã buộc giới quản lý phải “trói chân kiến”.

Ảnh: investing.com
Ảnh: investing.com

Câu chuyện Ant Group lên sàn chứng khoán Thượng Hải và Hong Kong làm sôi động giới tài chánh quốc tế cả hai lần. Đầu tiên là hiện tượng các nhà đầu tư quốc tế sừng sỏ chen lấn, tranh nhau mua khi tập đoàn này chào bán cổ phiếu, nhưng ngay sau đó lại tuyên bố hoãn niêm yết, tiền trả lại nhà đầu tư vào đầu tháng này, làm xẹp hơi mọi tham vọng làm giàu trông chờ giá cổ phiếu Ant Group tăng vọt khi bắt đầu giao dịch.

Đằng sau câu chuyện kịch tính này là nỗi băn khoăn của giới quản lý nhà nước, không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở nhiều nước khác về một mâu thuẫn chưa được giải quyết trọn vẹn. Doanh nghiệp như Ant Group là doanh nghiệp công nghệ, cung cấp giải pháp công nghệ trong lãnh vực tài chánh hay đây là một doanh nghiệp tài chánh đi đầu trong ứng dụng công nghệ vào hoạt động? Đây là một mâu thuẫn về mô hình không chỉ ở Ant Group.

Mâu thuẫn về mô hình

Để dễ hình dung, hãy nhìn vào Grab Food, một loại hình dịch vụ giao thức ăn khách mua đặt ở nhà hàng. Rất dễ kết luận Grab Food là một giải pháp công nghệ, kết nối người tiêu dùng và nhà hàng thông qua người giao hàng bằng ứng dụng. Grab Food chắc chắn không phải là doanh nghiệp cung cấp các món ăn thức uống mặc dù tên gọi có chữ “thức ăn”. 

Đây là trường hợp dễ xác định vì Grab Food không thay thế một dịch vụ truyền thống nào khác - hay nói theo ngôn ngữ của giới công nghệ, nó không “hủy diệt” ai để “sáng tạo” ra một thứ khác.

Các loại hình khác như Uber, Grab, Airbnb thì không dễ xác quyết như thế. Chẳng hạn, trong đa số trường hợp phát sinh vấn đề như khách thuê nhà quậy phá hay chủ nhà lừa người thuê, dịch vụ Airbnb sẽ lập luận kiểu chúng tôi chỉ là nền tảng công nghệ chứ không phải một chuỗi khách sạn nên chủ nhà chịu trách nhiệm chứ không phải chúng tôi.

Tương tự, Uber hay Grab xem người lái xe cho họ không phải là nhân viên thuộc hãng mà chỉ là “đối tác” cung cấp dịch vụ như một nhà thầu phụ. Vì vậy, không những không chịu trách nhiệm cho các hoạt động của “đối tác”, Uber còn không phải lo những thứ phúc lợi đơn giản mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải cung cấp cho nhân viên như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp…

Điều đáng nói trong cơn sốt công nghệ, rất nhiều nơi cung cấp dịch vụ kết nối như thế cứ khăng khăng nói mình là một nền tảng công nghệ mang tính đột phá. Bởi chỉ khi là nền tảng công nghệ, các doanh nghiệp này mới có thể nhanh chóng thu hút các dòng tiền đầu tư mạo hiểm từ các quỹ đầu tư công nghệ, giá trị công ty mới tăng nhanh, tài sản những người sáng lập mới bung ra giúp họ sớm trở thành triệu phú, tỉ phú. 

Dịch vụ tổ chức người dắt chó cho các gia đình bận rộn cũng là công nghệ; WeWork chuyên đi thuê các tòa nhà về sửa sang lại làm thành không gian làm việc chung, tức mua sỉ mặt bằng rồi bán lẻ, cũng gọi mình là nền tảng công nghệ mặc dù không dính líu gì đến giải pháp công nghệ nào cụ thể.

Đối diện với mâu thuẫn này, các nước đã chọn cách hành xử như thế nào?

Trước tiên, phải thừa nhận thời gian đầu khi các công ty công nghệ giới thiệu những dịch vụ mới, giới yêu thích công nghệ chào đón nồng nhiệt, bênh vực các công ty công nghệ hết lời, chê bai các công ty truyền thống lạc hậu, chậm đổi mới, không cạnh tranh nổi… 

Từ giới này, tâm lý thuận lợi cho các dịch vụ công nghệ lan rộng ra giới trí thức và toàn xã hội, trừ các thành phần bị ảnh hưởng, chịu thiệt thòi do dịch vụ mới phá bỏ dịch vụ cũ.

Ta còn nhớ, vào thuở ban đầu, ai cũng ủng hộ Uber, chê taxi cũ, cho đến khi thực tế không tốt đẹp như ta nghĩ. Một số tài xế taxi ở New York vì thất nghiệp, nợ mua giấy phép chạy taxi không trả nổi mà phải tự tử. Cánh lái xe Uber ngày càng than bị vắt kiệt sức lực trong khi mọi quyền lợi sơ đẳng nhất của một nhân viên lại bị ngó lơ. Dần dần nhiều nơi siết lại, hoặc cấm hẳn các loại hình gọi xe bằng ứng dụng, cấp phép có thời hạn hoặc buộc các hãng phải xem người lái xe là nhân viên của hãng.

Với Airbnb, nhiều nơi cấm hẳn ở khu dân cư, nhiều nơi đặt ra các hạn chế gắt gao như Singapore cấm tổ chức Airbnb trong các tòa nhà xây theo các dự án địa ốc của nhà nước, New York cấm cho thuê căn hộ ngắn hạn (dưới 30 ngày)... Pháp chỉ cho chủ nhà cho thuê căn hộ tối đa 120 ngày/năm và phải đăng ký kinh doanh. Bang Victoria ở Úc đặt ra quy định bất cứ căn hộ Airbnb nào bị hàng xóm than phiền quá 3 lần trong vòng 24 tháng sẽ bị cấm hoạt động. Rất nhiều quy định như thế đang tồn tại, chi phối cả chủ nhà lẫn Airbnb.

Ảnh: Getty Images
Ảnh: Getty Images

Trường hợp của Ant Group

Với Tập đoàn Ant Group, câu hỏi đây là doanh nghiệp công nghệ hay công ty tài chánh càng cần câu trả lời hơn các trường hợp kể trên bởi với quy mô khổng lồ của nó, Ant Group có thể tạo ra các ảnh hưởng dây chuyền làm sụp đổ cả một hệ thống tài chánh nếu không có một khuôn khổ quản lý đúng đắn.

Bắt đầu là một dịch vụ thanh toán làm trung gian giữa khách mua hàng và các cửa hàng bán lẻ trên nền tảng thương mại điện tử Alibaba, Ant Group nhanh chóng vươn ra nhiều lãnh vực tài chánh khác. Họ cho khách vay tiền để mua hàng trả chậm, họ cho chủ tiệm vay dài ngày hơn để đầu tư mua hàng. Khách có tiền tạm thời nhàn rỗi trong tài khoản Alipay, họ tổ chức cho khách đầu tư, rồi sau đó họ chào mời dịch vụ quản lý danh mục đầu tư cho khách.

Tất cả những dịch vụ này có thể biến Ant Group thành một tập đoàn tài chánh hay một ngân hàng đầy đủ nếu họ tự đứng ra tổ chức các hoạt động cho vay hay quản lý đầu tư. 

Ngược lại nếu họ chỉ làm trung gian, đứng ra thẩm định khách cho các ngân hàng hay công ty bảo hiểm, công ty đầu tư để ngân hàng trực tiếp cho vay hay công ty bảo hiểm ký hợp đồng bảo hiểm… thì họ chỉ là một công ty công nghệ cung cấp giải pháp kết nối, thẩm định, phân tích dữ liệu.

Phải nói trong thời gian đầu Trung Quốc để Alipay hoạt động trong một không gian tương đối thoải mái. Họ xem đây là một cuộc thử nghiệm vĩ đại, xem thử có thể lấy mô hình này để cải cách hệ thống tài chánh, ngân hàng hay không. 

Bản thân Ant Group cũng loay hoay giữa công nghệ và tài chánh - nhấn mạnh công nghệ thì giảm rủi ro nhưng lợi nhuận ít, nhấn mạnh tài chánh thì sẽ chịu nhiều ràng buộc và chịu sự cạnh tranh từ các định chế chính thống lâu đời.

Cuối cùng Trung Quốc đã quyết định: siết lại các hoạt động của Ant Group, gián tiếp xem đây là một doanh nghiệp hoạt động trong lãnh vực tài chánh, ngân hàng nhạy cảm, cần tuân thủ những quy định dành riêng cho lãnh vực này. Báo chí phương Tây đồn đoán Trung Quốc gây sức ép để Ant Group hoãn niêm yết là do trước đó Jack Ma lớn tiếng phê phán hệ thống ngân hàng, tài chánh lạc hậu của nước này tại một hội nghị ở Thượng Hải vào cuối tháng trước.

Tuy nhiên, việc siết lại để đưa Ant Group vào một khuôn khổ mới đã diễn ra từ trước. Trung Quốc đang dự thảo những quy định mới như yêu cầu các nền tảng cho vay như Ant Group phải dùng vốn của mình để tài trợ cho ít nhất 30% các khoản vay, chứ không thể dựa hoàn toàn vào các ngân hàng đối tác. Mức cho vay tối đa nay chỉ còn 300.000 tệ (khoảng 1 tỉ đồng) hoặc 1/3 thu nhập của người vay, tùy cái nào thấp hơn. 

Hiện nay Ant Group chỉ tài trợ chừng 2% các khoản vay, phần còn lại chuyển cho ngân hàng. Nếu xem Ant Group là nền tảng công nghệ thì Trung Quốc đã để yên cho tập đoàn này lên sàn; còn nếu họ xem Ant Group là công ty tài chánh, việc áp dụng quy định mới sẽ dẫn đến nhiều thay đổi trong cơ cấu tài chánh và giá cổ phiếu một khi đã lên sàn có thể chịu biến động rất lớn.

Ant Group chỉ là một trường hợp tuy rất điển hình và quy mô rất lớn. Hàng chục, hàng trăm doanh nghiệp công nghệ trong lãnh vực tài chánh, thường tự gọi mình là các fintech, đang hoạt động sôi nổi ở nhiều nước.

Nhiều nước vẫn đang dè dặt với các mô hình này như Singapore chỉ mới cấp phép thử nghiệm cho các ngân hàng kỹ thuật số, tức ngân hàng không có trụ sở, mọi giao dịch với khách diễn ra trên ứng dụng. Lý do là một mặt không nước nào muốn tụt hậu, bị bỏ lại đằng sau trong khi công nghệ đang thay đổi tận gốc rễ mọi ngành nghề.

Mặt khác, họ cũng lo ngại rủi ro, vừa rủi ro cho hệ thống ngân hàng truyền thống vừa rủi ro cho cả hệ thống nếu những mô hình thử nghiệm này gặp trục trặc, chịu thất bại. Khách hàng ào ạt đến rút tiền tại một ngân hàng bằng gạch ximăng đã đáng sợ; họ đồng loạt bấm nút để “cancel” tài khoản ảo trên ngân hàng ảo càng đáng sợ gấp bội lần.

Dù sao loay hoay thử nghiệm như Singapore hay điều chỉnh luật dù gây thiệt hại cho một doanh nghiệp tiềm năng như trường hợp Ant Group của Trung Quốc vẫn còn hơn không làm gì cả hay tệ hơn, cấm hẳn cho dễ quản lý.■

Có đến 3.000 tỉ đôla rót vào tranh nhau mua chừng 35 tỉ đôla trị giá cổ phiếu tập đoàn này dự kiến đưa ra bán, tính ra giá trị một tập đoàn công nghệ tài chánh non trẻ lên trên 300 tỉ đôla, còn cao hơn nhiều ngân hàng danh tiếng có bề dày lịch sử cả trăm năm.

Dịch vụ thanh toán Alipay của Ant Group năm rồi (từ tháng 6 năm ngoái đến tháng 6 năm nay) đã xử lý 118.000 tỉ nhân dân tệ (tương đương 17.200 tỉ đôla). Đây là một con số khổng lồ vì GDP của Trung Quốc chỉ vào khoảng 13.610 tỉ đôla, GDP của Mỹ cũng chỉ hơn 20.000 tỉ đôla.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận