Từ Uber và Grab, ngẫm về những cái bắt tay ngoài biên giới

HỒ QUỐC TUẤN (*) 19/04/2018 20:04 GMT+7

TTCT - Sự kiện Uber - Grab gần đây cho thấy sự thay đổi chóng mặt trong xã hội hiện tại. Ngày nay, nhiều công ty nước ngoài đang dần trở thành nhà cung cấp xuyên biên giới cho nhiều sản phẩm quan trọng với đời sống của người Việt Nam, không chỉ bằng con đường thương mại truyền thống.

minh họa

Những công ty nước ngoài đang tạo ra một lượng việc làm rất lớn ở Việt Nam và chiếm phần quan trọng trong tổng thu nhập quốc dân (như các số liệu thống kê gần đây có những phân tích cho thấy GDP của Việt Nam phụ thuộc lớn như thế nào vào sản phẩm mới của Samsung hoặc nhà máy thép của Formosa).

Rất nhanh và rất nguy hiểm

Và những quyết định quan trọng như thâu tóm, sáp nhập, đóng cửa công ty, sa thải nhân viên đang dần nằm ở rất xa tầm với của Chính phủ. Lợi ích của người lao động Việt Nam đang hoàn toàn dựa vào trách nhiệm xã hội của các công ty này. Trong khi, đối với họ, trách nhiệm trước hết là với người tiêu dùng và đối tác ở những thị trường lớn nhất, thị trường Việt Nam là thứ yếu.

Khi quyền đưa ra các quyết định chiến lược cuối cùng không nằm trong tay các nhà lãnh đạo công ty ở Việt Nam, mong chờ vào họ là một sự chờ đợi thụ động và phụ thuộc vào “lòng tốt” của người ngoài. Điều đó rất thật và chúng ta phải đối mặt. Việc nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc ngày càng nhiều vào các công ty nước ngoài và dòng vốn ngoại là một điều ngày càng rõ ràng và các chuyên gia trong nước lẫn ngoài nước đã nhiều lần cảnh báo.

Sự kiện Uber và Grab lần này coi như là một cảnh báo đầu tiên trong dòng chảy cách mạng công nghiệp 4.0, rất nhanh và rất nguy hiểm. Sẽ còn nhiều nữa những sản phẩm công nghệ mới trong thời đại công nghiệp 4.0 ra đời và theo xu thế hiện tại thì phần lớn xuất phát từ nước ngoài.

Như vậy, những cái bắt tay ở ngoài biên giới Việt Nam của những công ty như vậy sẽ có thể tác động đến hàng triệu người Việt Nam. Trong cái thế giới của kinh tế chia sẻ và sự biến tướng của nó, ngày càng nhiều người Việt Nam trở thành đối tác của các công ty nước ngoài. Một sự thay đổi trong chính sách của những công ty này sẽ ảnh hưởng lớn đến họ.

Chính phủ có thể làm gì?

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam, rất tiếc, có rất ít thứ có thể làm vì đây là sự dàn xếp của bên ngoài và như nhiều chuyên gia và quan chức liên quan bình luận, chúng ta không có nhiều “đồ chơi” để có thể can thiệp.

Những lo ngại về độc quyền có lý lẽ riêng, cái cần là một cuộc điều tra công tâm, khoa học, đủ sức thuyết phục. Chỉ có thể trách Uber đã không thông báo gì cho giới tài xế và không để một thời gian quá độ đủ lâu cho những thay đổi. Nhưng đó là quyết định kinh doanh của họ và tất cả phụ thuộc vào lòng tốt của những cấp quản lý, những người có thể ở rất xa.

Điều có thể làm là Chính phủ đẩy mạnh gia tăng nội lực, gia tăng cơ hội phát triển của các DN nội địa, DN khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam để chúng ta có những sản phẩm nội địa đối trọng với khối ngoại, cung cấp một thị trường cạnh tranh đủ mạnh để người dân có thể có nhiều lựa chọn khi một cánh cửa nào đó đóng lại.

Thế độc quyền của Grab sau thương vụ này, thật ra quá sớm để lo ngại. Nếu Grab ép người tiêu dùng quá, taxi truyền thống vẫn còn đó. Hoặc nếu sự cạnh tranh của taxi truyền thống là không đủ, sẽ có những đối thủ mới. Kinh tế thời nay là vậy.

Khi Nhà nước không thể kiểm soát được nhiều thứ, hãy mở đường cho người dân và doanh nghiệp Việt Nam làm ăn và cạnh tranh sòng phẳng với khối ngoại. Điều cần làm là tạo thuận lợi cho các công ty tương tự ra đời và cạnh tranh với những đối thủ ở thế độc quyền hoàn toàn hoặc độc quyền nhóm trên thị trường, chứ không phải bảo vệ các công ty lớn với mô hình kinh doanh đang tụt hậu.

Chính phủ có thể khuyến khích các công ty taxi truyền thống chuyển đổi mô hình cho phù hợp với xu thế cạnh tranh mới qua những chính sách ủng hộ sáng tạo thay vì tìm cách “làm khó” Uber và Grab để giúp taxi truyền thống tồn tại.

Chính sách ủng hộ sáng tạo và đổi mới nhằm tạo ra ngày càng nhiều cần câu cơm để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, khoan sức dân, đánh thuế nhẹ với những hoạt động kinh doanh mới qua mạng Internet, điện thoại di động... mới là cách hợp lý nhất để thực hiện mô hình Chính phủ kiến tạo và tạo ra tăng trưởng bao trùm như Chính phủ đang kêu gọi hướng tới.

Đó mới là hướng đi “kiến tạo”, thay vì tập trung vào đánh thuế cho bằng được những người kiếm được tiền từ những hướng kinh doanh mới và bảo vệ con đường kinh doanh cũ của những “ông” lãng phí hàng nghìn tỉ đồng tiền của người đóng thuế. ■

(*) GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC BRISTOL, ANH.

Tác động ngoài tầm kiểm soát của những cái bắt tay ngoài biên giới Việt, một phần là hệ quả của một nền kinh tế bị chi phối bởi ngoại lực.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận