Về một năm mà mọi thứ đổi thay

TRÚC ANH 25/12/2020 22:20 GMT+7

TTCT - Ta sẽ nhớ năm 2020 như thế nào? Câu trả lời tùy vào người được hỏi là ai.

Hỏi giáo viên, học sinh, câu trả lời là những buổi học qua Zoom. Với dân kinh doanh là những chuỗi ngày đóng cửa hay những tất bật thay đổi mô hình kinh doanh. Với y bác sĩ và nhân viên y tế là những tháng ngày chống dịch nơi tuyến đầu. Với giới khoa học là cuộc đua tìm vaccine và đưa thuốc ngừa đến với người cần. Với người dân khắp thế giới là những ngày sống trong phong tỏa, thực thi giãn cách xã hội, tập thói quen đeo khẩu trang, rửa tay, học cách tạm quên những thói quen ngày cũ và sống với “bình thường mới”.

Nhưng cùng với những cơn sang chấn, năm nay cũng mang đến nhiều đổi thay tích cực, những thứ quý giá mà trước đó ta không có dịp nhận ra, những khoảnh khắc đầy hi vọng khi mọi thứ có vẻ dần ổn lên, những sáng kiến, phát minh mới, những mong mỏi và nguyện cầu.

Nguyên nhân của tất cả những điều trên nãy giờ vẫn chưa được nhắc tên: virus SARS-CoV-2 và căn bệnh mà nó gây ra COVID-19, thứ mà mãi đến ngày 19-3-2020 mới được Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố là đại dịch toàn cầu, dù nỗi kinh hoàng mà nó gieo rắc đã bắt đầu từ ba tháng trước đó.

Những điều đã mất

Hãy bắt đầu kể những đổi thay với các ý niệm về mọi thứ xung quanh. Chỗ của máy bay không còn là bầu trời, mà là mặt đất. Bệnh viện là nơi khiến người ta sợ hãi. Văn phòng giờ là ghế xô-pha trong phòng khách hay quầy bếp. Giường ngủ biến thành phòng học. Bắt tay thành điều cấm kỵ và tệ hơn, những cái ôm cũng bị “cướp mất” khi ta cần nó nhất.

Cây bút Nick Bryant của BBC còn chỉ ra những điều mới mẻ kỳ lạ khác, mà giờ ta gọi là bình thường mới. Đoạn đường đi làm mỗi ngày với nhiều người từ vài chục cây số đã thu về vài bước chân, từ phòng nọ sang phòng kia. “Hay thậm chí chẳng cần đi đâu cả. Không gian làm việc giờ chỉ vừa đôi tay đã sát trùng của chúng ta” - Bryant viết.

Và hãy thoải mái đi. Chưng diện cho nửa phần thân trên, khéo vừa vào màn hình Zoom khi hội họp, học hành là được. Mới tối thứ hai mà say sưa một chút cũng chớ hề gì, bởi sống giữa những quy định phòng chống dịch khắt khe, chả lẽ ta không thể tự gỡ bỏ một vài điều răn của riêng mình?

Không gì phản ánh rõ nét những chuyển biến của thời cuộc cho bằng ngôn ngữ. Từ sau lớp khẩu trang, chúng ta chuyện trò với bộ từ vựng mới, một thứ “thổ ngữ của đại dịch”, như cách David Bryant mô tả: từ thuật ngữ mới như giãn cách xã hội hay động từ mới như Zoom, đến các cách kết hợp từ kiểu Facewine - đối ẩm qua Facetime. Nhân nói đến thú vui: những chuyến du lịch, những buổi xem phim tạm xa, giờ ta vui với chuyện nấu nướng, làm bánh theo các công thức trên TikTok.

Tất cả đến quá nhanh, theo cái cách không ai ngờ được. Có lẽ rất nhiều người đã có những lần hoài nghi: lẽ nào bệnh dịch lây cho cả thế giới, lẽ nào người ta sẽ đóng cửa hết mọi thứ, phong tỏa cả một đất nước, để rồi nhận ra trong cái năm kỳ lạ này không gì là không thể.

Sau hồ nghi là kỳ vọng, nhưng mọi thứ cũng đổ vỡ. Chắc chỉ chịu thế này vài tuần thôi nhỉ, mà thôi vài tháng vậy, nhưng sau cùng có lẽ phải đến vài năm. Ngày tháng giờ chỉ còn là cái gì đó mơ hồ.

Khẩu trang - một trong những vật dụng định hình 2020. Ảnh: BBC

Vượt lên cả bình thường

Nhưng trớ trêu thay, mà cũng kỳ lạ thay, khi phải “giãn cách” cũng là lúc một số thứ xích lại gần hơn. Phải ở suốt trong nhà, ta sẽ có nhiều thời gian với gia đình hơn. Ta thu mình lại về mặt vật lý, nhưng mở lòng ra về tinh thần - tìm lại, kết nối với những người bạn cũ, những người đã lâu không gặp. Qua các phương tiện giao tiếp kỹ thuật số, ta cùng ôn kỷ niệm xưa, về những ngày tự do đi lại, thoải mái quàng vai bá cổ đến những sự kiện văn hóa, thể thao đông đúc - một liệu pháp tinh thần để tạm không nghĩ đến hiện tại đáng quên.

Và cũng từ trong những vùng tối phủ bóng đại dịch mà ta thấy những tia sáng. Như The Economist viết trong số báo cuối năm: 2020 là năm mọi thứ thay đổi và đại dịch sẽ được nhớ đến như một bước ngoặt, mở ra những chuyển đổi tích cực cho tương lai.

Hãy trở lại cách đây đúng 100 năm, khi Warren Harding tranh cử tổng thống Mỹ với khẩu hiệu “Return to Normalcy” (Trở lại bình thường), tức là trở lại như thời trước Chiến tranh thế giới lần I. Harding muốn đánh vào cái thôi thúc phải quên đi những kinh hoàng của chiến tranh và dịch cúm Tây Ban Nha vừa diễn ra trước đó. Theo nghiên cứu của Đại học Stanford, khoảng 675.000 người Mỹ đã chết vì dịch cúm, gấp 10 lần số binh lính thiệt mạng trong Thế chiến thứ nhất.

Harding đắc cử tổng thống năm 1921, và người Mỹ không chỉ “trở lại bình thường”. Nước Mỹ bước vào “những năm 20 gầm thét” (Roaring Twenties), thời của nhạc jazz, của bùng nổ kinh tế, của những cảm hứng mới - hướng về tương lai, chấp nhận rủi ro. “Tinh thần đó cũng sẽ thổi sinh khí vào những năm 20 của thế kỷ này” - The Economist viết.

Lịch sử đang lặp lại chính nó. Thế giới đã trải qua đúng những gì đã sinh ra “những năm 20 gầm thét” trước kia: hơn 70 triệu người nhiễm và 1,6 triệu người chết vì COVID-19, chưa kể những ca không/chưa được ghi nhận. Hàng triệu người vượt qua được căn bệnh, nhưng sẽ sống tiếp với những di chứng của nó. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm hơn ít nhất 7% so với tốc độ dự báo nếu không có COVID-19, sự suy thoái nặng nhất kể từ Thế chiến thứ hai.

Một lý do khác để kỳ vọng, hay ít nhất mong mỏi sự thay đổi, theo The Economist, là đại dịch lần này như một lời cảnh báo đủ mạnh để không bị phớt lờ. 80 tỉ con vật bị giết để lấy thịt hay lông mỗi năm là “những chiếc đĩa Petri (hay nơi chứa) đầy virus và vi khuẩn, những thứ cứ mỗi mươi năm là lại tiến hóa thành một mầm bệnh chết người”. 2020 là năm tới hạn của một chu kỳ như thế.

Bầu trời xanh xuất hiện ở nhiều nơi trong thời gian các nền kinh tế bị phong tỏa cũng là một biểu tượng có sức nặng cho thấy COVID-19 là một khủng hoảng đang diễn ra nhanh chóng trong lòng một khủng hoảng tương tự, nhưng diễn ra chậm hơn: biến đổi khí hậu. Tuy chậm hơn, nhưng cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sẽ còn tốn kém hơn chống dịch, nếu cứ tiếp tục phớt lờ nó như hiện nay.

Yếu tố có thể thúc đẩy thay đổi cuối cùng là sự bất bình đẳng, vốn được làm sâu sắc hơn trong đại dịch. Học trực tuyến là một đặc quyền vì không phải đứa trẻ nào cũng có Internet ở nhà, thậm chí có nhà. Giữ được việc làm là một may mắn không dành cho tất cả. Những người nhập cư hoặc mắc kẹt ở nước ngoài, hoặc bị trả về cố quốc, mang theo mầm bệnh trong người.

Chiếc túi của người giao đồ ăn qua app - một trong những vật dụng định hình 2020. Ảnh: BBC

Mọi thay đổi là khả thi

Những kỳ vọng thay đổi bắt nguồn từ gian lao của The Economist không đến từ vô cớ. Đại dịch không chỉ mang đến nhu cầu thay đổi mà nó còn cung cấp cả công cụ, bản thân COVID-19 đã là nguồn thúc đẩy sáng tạo mạnh mẽ đến không ngờ. Mỗi lĩnh vực bị ảnh hưởng vì dịch bệnh thì lại có một lĩnh vực khác vượt lên.

Trong thời gian phong tỏa, thị phần của thương mại điện tử tại Mỹ trong tám tuần tăng bằng đúng mức tăng có được trong 5 năm trước đó. Xu hướng làm việc tại nhà khiến lưu lượng khách của hệ thống tàu điện ngầm New York giảm trên 90%, song cũng khiến các doanh nghiệp, công ty, thậm chí tòa báo như The Economist bắt đầu được vận hành từ nhà bếp hay phòng trống trong nhà chỉ sau một đêm. Nếu không có đại dịch và thực sự có xu hướng chuyển dịch không gian làm việc như thế, dễ phải mất vài năm mới đạt được điều tương tự.

Không có gì minh chứng cho sức mạnh của tri thức và khoa học rõ ràng hơn cuộc đua tìm vaccine COVID-19. Từ việc giới khoa học Trung Quốc nhanh chóng lập trình tự gen virus SARS-CoV-2 chỉ trong vài tuần và công bố với thế giới, đến các vaccine được phát triển trong thời gian kỷ lục để kịp triển khai chính thức trước khi năm 2020 khép lại.

Những thay đổi hay “đứt gãy” này dẫu sao cũng chỉ mới ở giai đoạn sơ khai, song điều quan trọng là đại dịch COVID-19 chính là minh chứng cho thấy thay đổi là điều khả thi, ngay cả với những lĩnh vực bảo thủ nhất như y tế. Với những lợi thế như nguồn vốn rẻ, công nghệ mới, sự sáng tạo sẽ còn tiếp tục lan từ ngành công nghiệp này sang ngành công nghiệp khác. Tất cả bắt đầu từ chỗ tro tàn mà COVID-19 để lại trong năm 2020.■

Không phải tất cả mọi người đều có thể nhìn lại năm 2020 một cách lạc quan. Những điều bình thường mới như Nick Bryant mô tả là một thứ đặc quyền của một số ít may mắn. Đối với hàng triệu gia đình, 2020 không phải là năm vui với chuyện nấu ăn, mà là thời điểm họ phải vật lộn chạy ăn từng bữa.

Các gia đình trung lưu sẽ ngồi trong những xe hạng sang đợi phát thực phẩm, còn người nhập cư “xếp hàng dài 5 tiếng đồng hồ để nhận khẩu phần ăn ít ỏi nhất”. Người có điều kiện an trú, làm việc, học tập ngay trong nhà, còn người vô gia cư biến toa tàu điện ngầm thành nơi tá túc.

Và dù nhìn bức tranh toàn cảnh với tinh thần lạc quan, cũng đừng quên những hình ảnh tiêu biểu cho năm 2020, đau đớn và không thể nào quên: những bệnh viện chen chúc người, quảng trường St. Peter (Vatican) trống rỗng với giáo hoàng từ trên bancông nhìn xuống, những ngôi mộ tập thể cho người chết vì COVID-19 ở New York…

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận