Vì sao Mỹ Latin "dám" nhận Snowden?

DANH ĐỨC 15/07/2013 03:07 GMT+7

TTCT - Vụ Edward Snowden “chơi xỏ” Chính phủ Mỹ đã tạo ra tác dụng phụ là làm dấy lên một lần nữa làn sóng chống Mỹ nơi các chính phủ cánh tả ở châu Mỹ Latin.

Phóng to
Tổng thống Ecuador Rafael Correa (giữa) tại cuộc gặp mặt ở Cochabamba (Bolivia) ngày 4-7 cùng các lãnh đạo cánh tả ở Mỹ Latin phản đối vụ máy bay của Tổng thống Bolivia bị lục xét ở Áo vì nghi ngờ có chở theo Snowden - Ảnh: Reuters

Hai tuần sau khi cựu nhân viên tình báo Mỹ Snowden đặt chân xuống sân bay Sheremetyevo (Nga), mới chỉ có ba nước Venezuela, Nicaragua và Bolivia là đã “dám” tuyên bố sẽ cho tị nạn.

Việc Ecuador, nước đầu tiên sốt sắng loan báo sẽ cứu xét đơn xin tị nạn của Snowden, cuối cùng đã phải “treo” đơn cho thấy sức ép của Mỹ như thế nào đối với tổng thống nước này là Rafael Correa, người đang nổi lên như là “ngôi sao đang lên của Nam Mỹ” sau khi tổng thống Hugo Chavez qua đời vào tháng 3 năm nay, theo cách gọi của Eli Epstein của MSN News (1).

Hai ngày sau khi có những tin tức đầu tiên về việc Ecuador sẽ cứu xét đơn của Snowden, chủ tịch tiểu ban đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Menendez đe dọa sẽ cắt chế độ miễn thuế cho Ecuador nếu nước này chứa Snowden.

Cần biết rằng phân nửa trị giá hàng xuất khẩu của đất nước 15 triệu dân này là sang Mỹ, trong đó có 5,4 tỉ USD dầu hỏa, được miễn thuế. Và từ ngày 13-3-2000, Ecuador chính thức sử dụng đồng USD thay cho đồng nội tệ sucre sau vụ khủng hoảng tài chính năm 1999 ở nước này. Vì vậy, có thể hiểu tại sao cuối cùng ông Correa không thể liều mạng lao vào cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Sau khi Ecuador bị ép phải bỏ cuộc, đến phiên Bolivia bị “ép” tiếp, lần này là “ép máy bay”: chiếc chuyên cơ chở Tổng thống Evo Morales từ Matxcơva bay về thủ đô La Paz của Bolivia bị cấm chỉ không phận Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, cạn xăng phải hạ cánh xuống Vienna (Áo) để rồi bị lục xét xem có chở theo Snowden hay không. Vụ này khiến các nước Mỹ Latin bực dọc phản đối vì sự xúc phạm quá đỗi: chuyên cơ tổng thống, vốn miễn trừ ngoại giao, là bất khả xâm phạm!

Bolivia và Venezuela loan báo cho Snowden tị nạn, Nicaragua cho biết sẵn lòng, Cuba cũng thế. Nikolas Kozloff, tác giả của cuốn Cách mạng! Nam Mỹ và sự nổi lên của cánh tả mới (Revolution! South America and the Rise of the New Left), nhận xét rằng chính việc “ông Obama vung gậy mạnh tay đã làm cho cánh tả ở châu Mỹ Latin mạnh mẽ hơn”.

Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Ecuador

Đây mới chính là vấn đề căn bản trong quan hệ Mỹ - châu Mỹ Latin từ bao lâu nay. Một cánh tả luôn không chấp nhận lợi ích của các ông chủ tư bản như ở các nước cánh hữu mà Colombia là thí dụ. Việc Tổng thống Ecuador Correa “buông” vụ Snowden là do, muốn hay không muốn, ông cũng không thể hi sinh cuộc “cách mạng xã hội chủ nghĩa” dang dở, vì một vụ điệp viên “phản thùng” chủ yếu vì lợi ích cho nước khác.

Mới tháng 3 năm nay, trong những ngày cuối cùng của tổng thống Hugo Chavez ở Venezuela, ông Correa được xem như là “người có thể thừa kế vị trí lãnh đạo của phong trào XHCN ở Nam Mỹ”, theo đánh giá của Daniel Wagner và Giorgio Cafiero, chủ tịch và chuyên gia phân tích Công ty tư vấn bất trắc chính trị Country Risk Solutions (CRS).

Từ khi ông Correa đắc cử lần đầu vào ngày 4-12-2006, ông đã chỉ đi theo một con đường mà ông từng định nghĩa vào năm 2009 là “không chỉ làm sao giúp người nghèo, mà là loại bỏ các nguyên nhân cấu trúc của sự đói nghèo” (2). Chỉ hai năm sau khi nhậm chức, ông đã giảm nghèo được 5% so với năm 2007 (năm đầu tiên hoàn toàn do ông Correa cầm quyền). Đồng thời, thu nhập của 10% những người giàu nhất vốn chiếm đến 43% thu nhập quốc gia năm 2007, chỉ hai năm sau đã xuống còn 38% (3).

Thay vì tạo ra những cơ hội cho sự phân hóa giàu nghèo thêm sâu sắc khiến xã hội thêm bất công, ông Correa đã làm tất cả để san sẻ lợi nhuận.

Nhờ đó vào tháng 2 năm nay, ông lại được dân nghèo tín nhiệm để thắng thêm một nhiệm kỳ thứ ba, một kỷ lục ở đất nước này, với 57% số phiếu trong một cuộc bầu cử mà cánh hữu quyết liệt tấn kích với báo chí tư nhân và tiền bạc trong tay. Làm thế nào có thể chiến thắng được cánh hữu trong một cuộc bầu cử mà đồng tiền có thể mua được phiếu, nếu như đã không lập được hai thành tựu xã hội “chính danh” là giảm nghèo và loại bỏ các nguyên nhân dẫn đến bất công xã hội?

Chính vì thế, có thể hiểu tại sao hai chuyên gia tư vấn bất trắc chính trị Wagner và Cafiero đánh giá ông Correa như sau: “Sự nổi tiếng của ông là nhờ vào ổn định chính trị nhiều hơn, giảm nghèo và công bằng kinh tế nhiều hơn”. Nếu không giảm bớt được bất công kinh tế, không giảm nghèo, làm sao ổn định chính trị?

Tất nhiên, để khởi sự ông Correa cũng đã quốc hữu hóa, nhất là lĩnh vực dầu khí. Song chính vì thế mà các nhà đầu tư nước ngoài bỏ chạy. Một tình hình y hệt Venezuela của ông Chavez! Thế nhưng chỉ sau hai năm đầu, ông đã nhìn ra vấn đề: “Nhận chìm nhà nước là một trong những sai lầm phi lý của chủ nghĩa tân tự do, trong khi đó đẩy mạnh nhà nước lại là một trong những sai lầm tồi tệ nhất của nhà nước XHCN”. Và rồi ông ngộ ra lời giải là: “Chúng ta cần một nhà nước hiệu quả” (4).

Sở dĩ ông Correa hiểu đâu là những sai lầm của chủ nghĩa tân tự do (đang ngự trị từ trào Ronald Reagan và Margaret Thatcher) và đâu là những phi lý của nhà nước chỉ huy, là do bản thân ông đã có một quá trình học tập “chính quy” và thực tiễn trước khi giữ chức bộ trưởng tài chính vào năm 2005.

Tốt nghiệp cử nhân kinh tế tại một đại học công giáo trong nước, cao học kinh tế tại ĐH công giáo Louvain (Bỉ, 1991), ông về nước phụ trách cải tổ chương trình giáo dục, du học tiếp lấy bằng tiến sĩ ở ĐH Illinois năm 2001 với luận án về chính các nền kinh tế châu Mỹ Latin đương thời.

Correa thân tả về mặt kinh tế không vì cuồng tín giáo điều mà vì ý thức “đúng sai”: giáo sư bảo trợ nhận xét Correa “chấp nhận thị trường đến một mức nào đó, song tin rằng để mặc thị trường sẽ tạo nên tập trung tích tụ tài sản... Sẽ không làm chuyện điên rồ đâu, vì là một người có đầu óc rộng mở” (5).

Đảo chính ở Paraguay và ở Honduras

Phản ứng của các tổng thống Ecuador, Bolivia, Nicaragua, Venezuela... là dễ hiểu. Họ còn “cay” các vụ lật đổ hai tổng thống cánh tả chỉ trong vòng bốn năm trước đó (6). Đầu tiên là cách đây một năm, tổng thống Fernando Lugo của Paraguay bị truất phế bởi thượng viện nước này vì tội đã... đứng ra bảo vệ quyền lợi nông dân và của người lao động! Tổng thống Lugo đã giành được chính quyền từ tay cánh hữu trong cuộc bầu cử năm 2008, kết thúc hơn 60 năm cầm quyền liên tục của cánh hữu.

Vụ truất phế xảy ra chỉ trong vòng hai tháng kể từ khi xảy ra vụ 60 nông dân “làm loạn chiếm đất” mà theo họ, cha ông họ đã bị truất hữu cách đây 40 năm rồi trao cho một đại điền chủ. Hôm 15-6, cảnh sát tiến vào khu đất này, đụng độ với nông dân khiến 11 nông dân và sáu cảnh sát thiệt mạng. Cảnh sát san thành bình địa khu vực này. Tổng thống Lugo bị luận tội là đã không giữ được trật tự trị an. Chỉ trong vòng năm giờ luận tội, ông bị truất phế.

Vụ truất phế tổng thống Lugo ở Paraguay diễn ra ba năm sau khi tổng thống Honduras Manuel Zelaya bị đảo chính ngày 28-6-2009 vì đã bênh vực người nghèo, tăng lương tối thiểu 60%, không tán thành các hiệp định tự do thương mại với Mỹ, xây một sân bay dân dụng trong một căn cứ không quân của Mỹ đóng tại nước này...

Tất nhiên, để tồn tại các chính phủ cánh tả này giao du với các nước cực kỳ “chống Mỹ”. Thế là thêm thù oán! Vụ Snowden “lòng thòng” từ Hong Kong sang Bắc Kinh, rồi sang Matxcơva... nay dợm sang châu Mỹ Latin là vì vậy.

___________

(1): http://news.msn.com/world/south-americas-rising-star-president-rafael-correa-of-ecuador
(2), (4): http://en.mercopress.com/2009/08/11/correa-promises-gigantic-struggle-to-deepen-socialist-revolution
(3): http://www.internationalpolicydigest.org/2013/03/02/will-rafael-correa-inherit-the-leadership-of-latin-american-socialism/
(5): http://www.washingtonpost.com/wp-dyn/content/article/2006/10/11/AR2006101101081.html, Wikipedia dẫn lại.
(6):
http://www.alternet.org/newsandviews/article/991669/paraguayan_president_ousted%3A_another_right-wing_coup_in_latin_america

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận