Y tế lẽ ra cần phải làm gì, không làm gì?

HỮU NGHỊ 22/09/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Đã có ai nhìn thấy cuộc khủng hoảng nhân sự y tế hiện nay là tất yếu chưa, và trong góc nhìn tâm lý, đã đọc qua “Căng thẳng tâm lý của nhân viên y tế khi bùng phát COVID-19 và sách lược điều chỉnh” CHƯA?

 
 Số ca nhiễm mới tại Việt Nam tính đến ngày 13-9-2021

 Biểu đồ trên (của Wikipedia và JHU CSSE COVID-19 Data) cho thấy diễn biến đại dịch COVID-19 đã và đang như thế nào ở Việt Nam. Rõ ràng là đà gia tăng nghiêm trọng của đại dịch này, từ hạ tuần tháng 6 tới tuần này (13-9-2021), như có thể thấy trên biểu đồ, là “quá sức” quá thể. Mỗi ngày, số ca nhiễm mới tăng tới 12.720 ca (tính trong 7 ngày), chưa nói tới số tử vong cao đến đâu.

Đúng ra đã phải thành thật và thẳng thắn nhìn nhận để thấy cho được một thực tế nóng bỏng là ta đã bị tràn ngập về nhiều mặt một cách không ngờ bởi sự bùng phát của đại dịch. Tạm mượn thí dụ nghị quyết số 21/NQ-CP về mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19 ngày 26-2-2021. 

Đã phải mất bao lâu để sau đó mới có nghị quyết về mua vaccine phòng COVID-19 mà “Chính phủ giao Bộ Y tế khẩn trương tổ chức thực hiện mua vaccine một cách nhanh nhất để có thể triển khai tiêm vaccine trên diện rộng cho nhân dân...”? Nghị quyết sau này ban hành ngày 19-5-2021, tức gần ba tháng sau, dưới thời tân Thủ tướng đương nhiệm.

Thí dụ trên cho thấy (có vẻ như) Bộ Y tế đã thiếu chuẩn bị, sẵn sàng “nghênh chiến” COVID-19 nên đã xảy ra nhiều sự cố không hay. Cho dù đã có nghị quyết 21 về các nhóm ưu tiên chích ngừa COVID-19, song những tin tức liên tiếp cho thấy hoặc nghị quyết trên đã không đến đúng người, đúng lúc, hoặc có nhưng bị bóp méo, chưa kể những “nhùng nhằng” về việc tiêm ngừa cho nhóm người trên 65 cho thấy tính “co dãn” bất thường trong cách nhìn nhận danh sách ưu tiên chích ngừa.

Bộ Y tế đã không chuẩn bị cẩn thận để chặn từ đầu những lạm dụng này, cũng chưa thấy động thái nào sửa sai cấp dưới ở các địa phương. Lẽ ra, sự minh bạch trong phân bổ và thực hiện tiêm chủng đã phải được nghiêm chỉnh theo dõi, đôn đốc không để cho vaccine biến thành một thứ đặc quyền, đặc lợi “ngang xương” như vậy, làm mất ý nghĩa của các lô vaccine viện trợ.

 
 Võ Mạnh Trí, sinh viên Học viện Quân y, thăm khám và mang bình oxy tới cho một bà cụ mắc COVID-19 tại phường 2, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: Ngô Trần Hải An

 Từ chuyện vaccine trên tới chuyện một số nhân viên y tế nay mệt mỏi vì quá tải, xin thôi việc không có gì bất ngờ. Bộ Y tế một lần nữa đã không thấy hết các bác sĩ, điều dưỡng, y tá và cả người tình nguyện quá sức tới đâu.

Sự “chưa thấy” đó đã khiến không có những nhạy cảm cần thiết để cảm nhận những chao đảo trong tinh thần và khó khăn trong đời sống của nhân viên y tế, nhất là ở tuyến đầu, hầu có thể đưa ra những chính sách, quyết định “chung sức” với nhân viên y tế kịp thời. Thay vào đó là những suy nghĩ kiểu “rút chứng chỉ hành nghề” như thể các nhân viên y tế đã “phạm tội tày trời”!

Ngành y tế nói rằng họ đã học kinh nghiệm nhiều từ nước láng giềng vốn là đầu mối dịch và chống dịch. Song, có lẽ vẫn chưa học đủ các kinh nghiệm về việc “bảo vệ nhân viên y tế đối đầu thách thức trong bùng phát COVID-19” - một trong nhiều bài học đã tích lũy của ngành y tế các nước láng giềng. 

Những bài học rõ ràng ấy là gì: từ “hàng loạt biện pháp cung cấp an ninh và tăng cường hiệu quả cho nhân viên y tế trên 10 khía cạnh, chẳng hạn cải thiện tiền lương và phúc lợi, công nhận thương tật nghề nghiệp, đánh giá chức danh nghề nghiệp, thực hiện an ninh cuộc sống, tư vấn tâm lý, chăm sóc nhân văn cũng như tuyên dương liệt sĩ... cho đến “thiết lập một hệ thống luân chuyển hợp lý và điều chỉnh thời gian biểu để đảm bảo nghỉ ngơi đầy đủ cũng như can thiệp khủng hoảng tâm lý kịp thời để giảm bớt căng thẳng về tinh thần”.

Liệu đã có chút ý nghĩ cũng sẽ “học tập” việc tổ chức hơn 300 chuyên gia y tế tâm lý lên đường đến Vũ Hán để cung cấp dịch vụ điều chỉnh tâm lý cho cả bệnh nhân và nhân viên y tế? Đã có ai nhìn thấy cuộc khủng hoảng nhân sự y tế hiện nay là tất yếu chưa, và trong góc nhìn tâm lý chưa hoặc đã đọc qua “Căng thẳng tâm lý của nhân viên y tế khi bùng phát COVID-19 và sách lược điều chỉnh”?

Muốn chống... phải dưỡng “quân”! Đơn giản tự cổ chí kim là như vậy!

MỨC HỖ TRỢ QUÁ THẤP! CẦN NHỮNG CHÍNH SÁCH THIẾT THỰC HƠN CHO NHÂN VIÊN Y TẾ!

Đợt dịch đầu tiên (đầu năm 2020), đoàn y bác sĩ từ Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới, BV Nhi trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Cục Quản lý khám chữa bệnh hỗ trợ chống dịch tại tỉnh Vĩnh Phúc, nơi ghi nhận những chùm ca bệnh đầu tiên. Đến tháng 7-2020, dịch bùng nổ ở Đà Nẵng với cường độ và quy mô dịch lớn hơn, y bác sĩ từ BV Bạch Mai, BV Bệnh nhiệt đới trung ương và từ Hải Phòng, Phú Thọ, Bình Định... hỗ trợ Quảng Nam, Đà Nẵng và Huế. Đợt dịch thứ 3 diễn ra ở Hải Dương từ tháng 1 đến tháng 3-2021, các BV trung ương chi viện cho tỉnh này khoảng 100 y bác sĩ.

Trong đợt dịch thứ 4 kéo dài từ ngày 27-4 đến nay, ngành y tế đã điều động khoảng 20.000 y bác sĩ, học viên y khoa tham gia chống dịch: Tại Bắc Ninh và Bắc Giang khoảng 2.500 người, tại TP.HCM, Bình Dương và khu vực lân cận là trên 17.000 người (chưa tính lực lượng thay thế và bổ sung).

Theo quy định hiện hành, phụ cấp chống dịch cho cán bộ y tế và các lực lượng tham gia chống dịch là 130.000 - 300.000 đồng/người/ngày. Công đoàn y tế Việt Nam cho biết ngoài phần phụ cấp này, cán bộ y tế được nhận gói hỗ trợ dinh dưỡng 1 triệu đồng/đợt chống dịch. Các BV bị phong tỏa cũng được nhận hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ rất ít ỏi.

Một thành viên đoàn công tác của Bộ Y tế hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh chống dịch cho biết sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Công đoàn y tế Việt Nam đã tặng đoàn 50 triệu đồng. Đoàn hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh có số lượng thành viên không nhiều, nhưng đoàn hỗ trợ Bắc Giang và hiện các đoàn hỗ trợ TP.HCM, Bình Dương lên tới hàng chục ngàn người, cần những chính sách thiết thực hơn cho cán bộ y tế.

Hiện Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) đang xây dựng mức hỗ trợ mới cho cán bộ y tế tham gia chống dịch. Trong đó, mức cao nhất (áp dụng cho cán bộ y tế trực tiếp điều trị) được đề nghị mức 600.000 đồng/người/ngày, gấp đôi so với mức hiện nay. Tuy nhiên so với khối lượng công việc khổng lồ mỗi ngày, mức hỗ trợ này vẫn thấp. Tại vùng dịch, mỗi điều dưỡng có thể phải chăm sóc tới 140 - 150 bệnh nhân, ca làm việc kéo dài 12 tiếng. 

Hiện đã có hàng ngàn cán bộ y tế bị lây nhiễm COVID-19 và 3 người đã tử vong.

LAN ANH

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận