Afghanistan: Di sản văn hóa nổi chìm trong vận nước

MAI MAI HƯƠNG 02/10/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Trước cổng Bảo tàng Quốc gia Afghanistan (NMA) có một bảng đá hoa cương khắc dòng chữ “Còn văn hóa thì còn đất nước”.

 Bản đồ Afghanistan. Nguồn: Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA)

 Khi Taliban chiếm thủ đô Kabul của Afghanistan ngày 15-8, những người quan tâm đến di sản văn hóa Afghanistan thon thót nghĩ tới sự an toàn của các bảo tàng và các di chỉ khảo cổ, nhất là những di sản văn hóa phi Hồi giáo.

 Họ không thể quên điều đã xảy ra 20 năm trước, tháng 3-2001, cả thế giới sốc khi Taliban cho quân bắn nát phần khuôn mặt của hai tượng Phật khổng lồ cao 55m và 38m ở thung lũng Bamiyan rồi gài thuốc nổ quanh chân tượng và giật sập những gì còn lại. 

Những người cất giấu kho báu

Một tháng trước đó, Bảo tàng Quốc gia Afghanistan (NMA) ở Kabul đã hứng chịu những cuộc thanh trừng các di sản văn hóa có hình người và hình thú trái giới luật Hồi giáo. Các đoàn xe chở quan chức và quân Taliban đến, uy hiếp người trông coi bảo tàng, mở kho cổ vật ra để đập phá. Tới tháng 10-2001, Taliban thông báo đã hủy 2.750 cổ vật phi Hồi giáo của bảo tàng này. 

Mở cửa lần đầu tiên năm 1922, đến năm 1979 NMA từng có khoảng 100.000 hiện vật. Sau những lần trúng bom đạn giao tranh trong giai đoạn bị Liên Xô chiếm đóng những năm 1979 - 1989 và nội chiến những năm 1990, các kho cổ vật của bảo tàng đã nhiều lần bị phá hủy và trộm cướp. Nhưng những gì quý giá nhất của NMA vẫn được bảo vệ bằng cách này cách khác.

Đó là vào năm 1988, lo sẽ bị tấn công, giám đốc bảo tàng đương thời là Omar Khan Massoudi đã cùng nhân viên bí mật chuyển những hiện vật đẹp nhất đến nơi khác cất giấu và đưa hàng ngàn món bằng vàng vào một hầm bí mật đâu đó trong Kabul.

Câu chuyện sau này được tạp chí Time công bố có những chi tiết rất ly kỳ: Bảy chìa khóa để mở bảy lớp bảo vệ hầm cất giữ kho báu được giao cho bảy người với quy định là phải tuyệt đối giữ kín vị trí cất chìa khóa, nếu người giữ chìa khóa qua đời, chìa khóa được trao lại cho con trai trưởng.

Nhiều năm sau đó, dư luận trong và ngoài nước cũng như các lực lượng chiếm đóng luôn tra hỏi nhà chức trách Afghanistan về kho báu này. Có lời đồn rằng quân Liên Xô đã mang tất cả đi, hoặc mọi thứ đã bị nấu chảy để đúc vàng thoi, hoặc các cổ vật đã bị bán sang chợ trời bên Pakistan...

16 năm sau, vào một ngày nắng nóng cuối tháng 4-2004, khoảng 30 quan chức, chuyên gia khảo cổ và nhân viên Bảo tàng NMA với sự chứng kiến của đại diện Hiệp hội Địa lý quốc gia Mỹ (NGS), đã họp ở Ngân hàng Trung ương Kabul. 

Họ xuống hầm tiền ngân hàng, dùng những chiếc chìa khóa năm xưa để vào một khoang hầm, lấy ra sáu két sắt. Bị thất lạc một chìa khóa, một cái két phải cắt bằng cưa đĩa đến tóe lửa. “Tôi cứ tưởng rằng mở két ra chỉ thấy một đống vàng nóng chảy” - nhà khảo cổ Fredrik Hiebert của NGS kể với Smithsonian.

Nhưng những thứ bên trong không hề bị hư hại: Đó là hơn 20.000 món, gồm đồ trang sức, đồ trang trí và tiền xu toàn bằng vàng của vùng văn hóa Bactria ở phía bắc Afghanistan. Năm 2008 - 2009, nhiều hiện vật trong các két sắt kia trở thành trung tâm của cuộc triển lãm gây chú ý toàn thế giới Afghanistan: Hidden Treasures from the National Museum, Kabul (Afghanistan: Những báu vật được cất giấu của Bảo tàng Quốc gia, Kabul).

Vương miện có hoa làm từ vàng dát mỏng, tìm thấy ở khu khảo cổ Tillya Tepe tỉnh Jowzjan, niên đại thế kỷ 1. Cổ vật có hình dáng tương tự những vương miện được tìm thấy trong lăng mộ triều Baekje và Silla thế kỷ 5-6 ở Hàn Quốc. Ảnh: Thierry Ollivier / Musée Guimet

 

Những kẻ san phẳng di tích

Cổ vật có thể mang đi cất giấu, nhưng các di tích khảo cổ thì không cách nào tránh được những biến động liên miên ở Afghanistan trong 50 năm qua, kể từ khi vị vua cuối cùng bị phế truất năm 1973: giao tranh ở Afghanistan trong 10 năm bị Liên Xô chiếm đóng (1979 - 1989), những năm nội chiến 1989 - 1996, trong 5 năm dưới quyền Taliban (1996 - 2001), và cả những cuộc xung đột trong 20 năm quân đội Mỹ hiện diện (2001 - 2021)... Tất cả đã tác động đến các di tích khảo cổ quan trọng của Afghanistan.

Nasratullah Hewadwall, đại diện tổ chức phi lợi nhuận Liên minh Phục hồi di sản văn hóa ở Kabul, hồi tháng 5-2021 đã xác nhận với tạp chí National Geographic rằng tình trạng mất an ninh và thay đổi liên minh liên tục từ lâu đã tạo điều kiện cho dân đói nghèo, các băng đảng, quân Taliban, và các lực lượng dân quân khác đào trộm cổ vật và bán lậu cho các trung tâm của thị trường nghệ thuật như Dubai.

 
Thành cổ Herat có 18 tòa tháp cáo sừng sững là biểu tưởng quốc gia của Afghanistan. Được trùng tu khoảng 10 năm trước, đây là công trình thời Alexander Đại đế (khoảng năm 230 trước Công nguyên. (Hình của Arrtacoana, Wikimedia) 

Khu di chỉ Hadda ở Gandhara, phía Đông Bắc Afghanistan là một điển hình. Được khai quật từ những năm 1930, nơi này nổi tiếng với các công trình Phật giáo Graeco gồm nhiều bảo tháp trang trí phù điêu tinh xảo. 

Ở Hadda, người ta tìm thấy hơn 20.000 tượng Phật niên đại thế kỷ 1-2 trước Công nguyên có phong cách kết hợp nghệ thuật Phật giáo và nghệ thuật Hy Lạp hết sức độc đáo.

 Nhưng trong Đại hội khảo cổ thế giới lần thứ 5 vào tháng 6-2003, các chuyên gia cho biết nơi này đã bị phá hủy hoàn toàn trong các cuộc chiến thập niên 1980 và 1990. Những gì chưa bị chiến tranh tàn phá sau này bị người dân đào bới và đem bán trong các chợ trời bên Pakistan. Đến năm 2001, bộ sưu tập Hadda được lưu giữ ở Bảo tàng NMA bị thanh trừng vì là cổ vật phi Hồi giáo.

Chung số phận với Hadda còn có kho tiền cổ đại Mir Zakah có từ thế kỷ 5 trước Công nguyên, di chỉ khảo cổ 2.500 năm tuổi về văn hóa Bactria - Hy Lạp ở Ai Khanoum, quần thể tu viện Phật giáo Mes Aynak 1.500 năm tuổi...

 
 Quần thể tu viện Phật giáo Mes Aynak 1.500 năm tuổi trên một khu đồi cách Kabul khoảng 40km. Nguy cơ bị phá hủy đã đe dọa địa điểm này trong nhiều năm không chỉ từ Taliban mà còn từ những nhà khai mỏ Trung Quốc nhiều năm nay dòm ngó mỏ đồng bên dưới khu đồi. Ảnh: Jerome Starkey, Flickr

 

Là một người nghiên cứu về cổ vật Afghanistan, nhà sử học Osmund Bopearachchi của Sri Lanka mô tả trong một tiểu luận khảo cổ về thực trạng đau lòng ở một khu di tích như sau: “Di chỉ cổ đại Ai Khanoum trở thành mục tiêu của các cuộc đào bới bất hợp pháp có hệ thống... Những kẻ săn kho báu sử dụng máy dò kim loại (được đưa vào nước này - Afghanistan - để dò mìn Nga) cho một mục đích khác... Hàng trăm món ngà voi, đồ trang sức, phù điêu đá và đồ đồng của vùng văn hóa phía Bắc Afghanistan cuối cùng bị đưa đến các khu chợ trời của Pakistan và các bộ sưu tập tư nhân”.

Vật trang trí có hình nữ thần thiên nhiên Cybele và nữ thần chiến thắng Nike, tiêu biểu cho nghệ thuật của châu Á được Hy Lạp hóa. Tìm thấy ở di chỉ Aï Khanum, niên đại thế kỷ 3 trước Công nguyên. Ảnh: Thierry Ollivier / Musée Guimet

 

Những tin đồn 

Trong các cuộc thảo luận để đạt được thỏa thuận hòa bình cho Afghanistan, đã có các yêu cầu buộc Taliban phải bảo vệ các di sản văn hóa. Tháng 2-2020, trong một tuyên bố, Taliban cũng đã hướng dẫn các môn đồ phải “bảo vệ, giám sát và bảo tồn nghiêm” các thánh tích, ngăn chặn việc đào bới bất hợp pháp và bảo vệ “tất cả các di tích lịch sử”. 

Tuyên bố cũng nói đến việc cấm bán đồ cổ trên thị trường nghệ thuật, rằng “không ai được cố tình quấy nhiễu các di tích hay mưu tính việc sử dụng chúng để kiếm lợi”. Nhưng, giám đốc Bảo tàng NMA, ông Mohammad Fahim Rahimi đã bày tỏ nghi ngại với National Geographic: “Thật không may là tuyên bố này lại không rõ ràng, đặc biệt là về di sản tiền Hồi giáo”.

Người đứng đầu Viện Khảo cổ học của Afghanistan (AIA), nhà sử học Noor Agha Noori chia sẻ: “Thành thật mà nói, chúng tôi rất lo lắng về tương lai của các di sản văn hóa khi Taliban lên nắm quyền”.

Không có giao tranh khi quân Taliban tiến vào tỉnh Herat hồi giữa tháng 8-2021 nên khu thành cổ ở đây không bị bắn phá. Nhưng không ai biết chắc liệu các cổ vật ở đây có được an toàn hay không. 

Chia sẻ với Đài truyền hình Deutsche Welle hôm 23-8 thông tin cập nhật từ các đồng nghiệp ở Afghanistan, nhà khảo cổ Đức Ute Franke, người đã lập hồ sơ di sản cho các khu khảo cổ ở tỉnh Herat những năm 2004 - 2012, cho biết: “Các di chỉ khảo cổ ở Afghanistan đều xây kho bảo vệ cổ vật, nhưng Herat chưa kịp làm kho này”.

Khóa giày vàng khảm ngọc lam do thợ kim hoàn vùng Batria sản xuất có hình cỗ xe hai bánh của người Mông Cổ và người Hán. Tìm thấy ở khu khảo cổ Tillya Tepe, tỉnh Jowzjan, niên đại thế kỷ 1. -Ảnh: Thierry Ollivier / Musée Guimet

 

Một nhà quản lý bảo tàng ở Mỹ và có liên hệ chặt chẽ với Bảo tàng NMA xác nhận với trang Art Newspaper hôm 17-8 rằng tất cả các bảo tàng ở Afghanistan đều có phương án dự phòng thảm họa, Bảo tàng NMA có phương án rất kỹ lưỡng. “Trong vài tháng qua, nhân viên bảo tàng đã lấy hiện vật ra khỏi nơi trưng bày, đóng gói, cất vào những nơi an toàn. Bộ sưu tập được phân tán đến nhiều nơi và phần lớn nằm ngoài khuôn viên của bảo tàng”.

Ông Noori của AIA lại cho National Geographic biết điều ngược lại: “Các quan chức dự định di chuyển các hiện vật từ những thành phố như Herat và Kandahar đến nơi an toàn, nhưng sự sụp đổ đột ngột trong những ngày gần đây đã ngăn cản những việc này”. Các quan chức Afghanistan từ chối nói rõ kế hoạch bảo vệ bộ sưu tập nổi tiếng thế giới của NMA.

Phù điêu bằng ngà voi khắc hình bốn người phụ nữ có cơ thể gợi cảm, trang phục lộng lẫy và đồ trang sức sang trọng kiểu Ấn. Tìm thấy ở thị trấn Begram, tỉnh Parwan, niên đại thế kỷ 1-2. -Ảnh: Thierry Ollivier / Musée Guimet

 

Những thông tin trái chiều xung quanh các kho cổ vật đang làm người ta nhớ lại các tin đồn đã lan truyền trong suốt 16 năm kho báu Bactria được cất giấu. Sau một tháng biến động ở Afghanistan, điều an ủi duy nhất là Bảo tàng NMA, nơi từng được 25 - 30 cảnh sát canh gác, đã được Taliban cắt cử bốn lính gác trước cổng. Ở đó có một bảng đá hoa cương khắc dòng chữ “Còn văn hóa thì còn đất nước”. 

 Nhà thờ Hồi giáo Shah - Do - Shamira ở trung tâm Kabul, được via Amanullah Khan, trị vì Afghanistan 1919-29, xây dựng vào năm 1920. Ông đã cố gắng hiện đại hóa đất nước và cho xây nhà thờ với thiết kế khác thường, theo phong cách tân Baroque. Hình của Masoud Akbari, Panoramio

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận