Bóng đá ngày càng nguy hiểm

ANH NGỌC 16/03/2017 21:03 GMT+7

TTCT - Sự cố mới nhất với tiền đạo nổi tiếng thế giới Fernando Torres cho thấy bóng đá hiện đại đòi hỏi khắc nghiệt về thể lực và ngày càng trở nên nguy hiểm ra sao.

Đánh đầu là động tác dễ gây tổn thương não nhất trong bóng đá-iamnikon.comTrận đấu giữa Deportivo La Coruna và Atletico Madrid đầu tháng 3 để lại dư âm tới vài ngày sau đó, nhưng không phải bởi tỉ số hòa với một bàn thắng đẹp mắt của Antoine Griezmann.

Tất cả sự quan tâm được dành cho Torres. Tiền đạo người Tây Ban Nha của Atletico phải nhập viện trong tình trạng bất tỉnh nhân sự sau pha va chạm mạnh vào đầu ở phút 85.

Những lo lắng chỉ giảm bớt khi chân sút 32 tuổi được xác định là không bị tổn thương về não và xuất viện sau một ngày theo dõi.

Chấn thương của Torres vẫn nhẹ hơn nhiều so với những gì đồng nghiệp ở Anh Ryan Mason trải qua trước đó hơn một tháng. Cầu thủ của Hull City đã phải phẫu thuật hộp sọ và mất vài tháng mới hồi phục.

Cũng giống Torres, Mason rời sân trên xe cấp cứu sau một pha tranh chấp trên không. “Tôi đã may mắn khi còn sống” - Mason nói sau tám ngày nằm viện. Anh không quá lời. Những ca chấn thương ở đầu là hiểm họa lớn nhất với các cầu thủ bóng đá.

“Tình trạng choáng xảy ra khi các chức năng của não bộ tạm thời bị gián đoạn. Nếu cầu thủ tiếp tục thi đấu và va chạm mạnh lần nữa, anh ta có thể gặp tổn thương nghiêm trọng với hệ thần kinh” - tiến sĩ Luke Griggs của Hiệp hội nghiên cứu tổn thương não Headway (Anh) giải thích về mối nguy hiểm của những pha tranh chấp va chạm ở vùng đầu.

Tháng 5-2016, một nhóm nghiên cứu người Anh công bố thống kê cho thấy 22% các ca chấn thương ở những giải đấu bóng đá chuyên nghiệp nước này liên quan đến các chấn động não.

Tuy vậy, tính nghiêm trọng của chấn thương vùng đầu chỉ nhận được sự quan tâm nghiêm túc trong khoảng hai năm gần đây. Đầu mùa giải 2014 - 2015, ban tổ chức Giải ngoại hạng Anh mới đưa ra những điều luật về quy trình xử lý trong các tình huống va chạm kiểu đấy.

Theo đó, bác sĩ của CLB là người duy nhất được quyền quyết định xem một cầu thủ bị choáng có thể tiếp tục thi đấu hay không.

Thông thường với những trường hợp không bất tỉnh, nhân viên y tế sẽ hỏi một vài câu về trận đấu để xác định khả năng nhận thức tạm thời và chỉ cần dấu hiệu loạn trí hoặc không tỉnh táo nhỏ nhất nơi cầu thủ, HLV sẽ buộc phải thực hiện sự thay đổi người.

Sau trận đấu, bất kể mức độ chấn thương là nặng hay nhẹ, các đội bóng đều phải để cầu thủ bị nghi tổn thương vùng đầu nghỉ ngơi ít nhất sáu ngày trước khi trở lại tập luyện bình thường.

Nghiên cứu của Đại học Stirling (Anh) công bố năm 2016 cho thấy nguy cơ mắc các hội chứng thần kinh của cầu thủ bóng đá cao gấp sáu lần người thường, nhưng va chạm trong tranh chấp trực tiếp không phải là tác nhân chủ yếu.

Mối đe dọa lớn nhất đến từ động tác bóng đá chưa bao giờ bị xem là bất thường: đánh đầu. Tiến sĩ Magdalena Ietswaart của Đại học Stirling khẳng định “sự ức chế não bộ gia tăng khi thực hiện động tác đánh đầu khiến chức năng ghi nhớ giảm đi khoảng 41% đến 67%”.

Ở nhiều nước, nhà chức trách về bóng đá thậm chí ra luật cấm các cầu thủ xử lý bóng bằng đầu tới một lứa tuổi nhất định vì lý do y tế.

Những tác động có tính chất thường xuyên vào vùng đầu là nguyên nhân dẫn đến hội chứng tổn thương não mãn tính (Chronic traumatic encephalopathy - CTE).

Khái niệm này mới xuất hiện từ năm 2002, khi cựu tuyển thủ Anh Jeff Astle qua đời vì chứng suy giảm chức năng não. Việc đánh đầu quá nhiều trong sự nghiệp thi đấu, với quả bóng kiểu cũ làm bằng da cứng và nặng, được xác định là đã để lại di chứng về thần kinh cho ông.

“Ông ấy đã ra đi mà không nhớ rằng mình từng là cầu thủ. Những gì bóng đá mang đến cho ông ấy, chính bóng đá đã lấy đi tất cả” - Dawn Astle, con gái Jeff, trả lời phỏng vấn BBC cách đây một tháng.

Vấn đề thêm phức tạp bởi mối đe dọa với bộ não các cầu thủ không phải là tổn thương tức thời, mà là những ảnh hưởng lâu dài rất khó nhận biết.

“Điều đáng ngại nằm ở việc chúng là những chứng bệnh phát triển theo thời gian và những triệu chứng thường không xuất hiện ngay” - tiến sĩ Griggs phân tích. Cũng chính bởi thế mà những nghiên cứu về mối liên hệ giữa CTE và bóng đá cần rất nhiều năm mới cho ra được kết luận.

Gia đình Astle phải chờ tới 12 năm, sau những chiến dịch kêu gọi “Công lý cho Jeff” trong các trận đấu của West Bromwich Albion, đội bóng ông khoác áo ngày xưa, mới nhận được lời xin lỗi từ Hiệp hội Bóng đá Anh (FA) và Hiệp hội Cầu thủ (PFA).

Đó là thời điểm các nhà tổ chức thừa nhận sự tồn tại của chứng bệnh nghề nghiệp CTE với giới cầu thủ và đề ra biện pháp bảo vệ cho họ, với những quy định về xử lý chấn thương vùng đầu trong các trận đấu. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận