Bừa bộn muôn năm

TRÚC ANH 22/10/2020 02:10 GMT+7

TTCT - Cơn ác mộng của Marie Kondo, người được mệnh danh là thánh nữ dọn nhà, chính là trào lưu giữ lại tất cả, bày ra mọi thứ.

Những đồ vật này là lộn xộn trong mắt người khác, nhưng với chủ nhân là không gian đầy yêu thương. Ảnh: Funnyist

Từ giữa năm 2019, Marie Kondo, nữ tác giả sách và nhà tư vấn sắp xếp nội thất người Nhật Bản, đã trở thành một động từ, chỉ sự dọn dẹp vật chất, thanh lọc tâm hồn. Giờ đây, đại dịch COVID-19 đã thổi bùng một trào lưu mới: phong cách thẩm mỹ cluttercore (nôm na là lấy sự bừa bộn - clutter - làm trung tâm), nơi người ta làm ngược lại - không vứt đồ đi, mà yêu mọi thứ mà ta có, bảo đảm chúng luôn có chỗ trong nhà ta hay phòng ta.

“Khi bị buộc phải ở trong nhà, chắc chắn nhiều người sẽ bắt đầu dọn dẹp, nhưng tôi cũng chú ý thấy những người khác bắt đầu yêu quý đồ đạc của họ hơn” - Jennifer Howard, tác giả quyển Clutter: An Untidy History (tạm dịch: Đồ bừa bộn - Một lịch sử của sự bừa bãi), nói với báo The Guardian.

Nếu trào lưu “Marie Kondo mọi thứ” hay thực hành lối sống tối giản từng khiến Facebook, TikTok hay Instagram tràn ngập những tấm hình khoe thành quả - những góc phòng thoáng đãng vắng bóng vật dụng, những ngóc ngách trong nhà rất “thiền” - thì cluttercore cũng tìm đến mạng xã hội để khẳng định mình.

Trên TikTok, video với hashtag #cluttercore có gần 2 triệu lượt xem, và có khoảng 1.300 tấm ảnh gắn thẻ chủ đề này trên Instagram. Hình ảnh phổ biến là giường ngủ chất đầy quần áo, các bức tường dán kín tranh ảnh, những chiếc kệ ken chật sách vở, những bậu cửa sổ với chậu cây cảnh, đồ trang trí và lưu niệm. Đại dịch cũng giúp cho người theo đuổi phong cách thẩm mỹ này có thêm một kênh nữa để khoe thành quả: giao tiếp qua Zoom khiến ai cũng có thể nhìn thấy không gian nhà của người khác, và những căn phòng đầy ắp đồ đạc lại trở thành một “tấm phông” đầy cá tính.

Ảnh: Diply

i-D, tạp chí thời trang và lối sống thuộc Vice Media, cho rằng những người yêu bừa bộn nhìn nhận một căn phòng hay ngôi nhà phải đầy ắp đồ đạc thì mới có cảm giác ấm cúng, có sức sống và con người hơn là “những bức tường trắng lạnh lẽo, tạo cảm giác không chào đón” của thiết kế nhà cửa hiện đại.

Irina Balog, một chuyên gia thiết kế nội thất 32 tuổi người Thụy Điển, cho rằng cluttercore “vừa là thẩm mỹ vừa là cảm xúc”, và rằng “cách tôi trang trí không gian là một phần con người tôi”. Những người trẻ hơn, thuộc thế hệ Z cũng yêu cái sự “bừa bộn có tổ chức”; theo i-D, họ “nhìn thấy giá trị trong những thứ người khác sẽ vứt đi, và cảm thấy thoải mái với bộ sưu tập đồ đạc của mình”.

Amanda, 18 tuổi, từng mơ về căn phòng ngủ có không quá 20 món đồ và giữ nó luôn sạch sẽ ngăn nắp như các bạn đồng trang lứa khoe trên mạng, nhưng cô nhận ra để có căn phòng tối giản đồng nghĩa với việc vứt bỏ những đồ vật có ý nghĩa với bản thân. Amanda chọn phong cách cluttercore, để “tìm chỗ cho những đồ vật tôi yêu”. Người ngoài nhìn vào sẽ thấy một đống bừa bộn của kẻ thích tích trữ đồ đạc, nhưng với Amanda, đây là “cách tối đa hóa không gian sống” và thỏa sức sáng tạo, tạo cảm hứng nghệ thuật.

Vậy đâu là ranh giới giữa một đống bừa bộn và “sự lộn xộn có tổ chức”? Howard cho rằng, cũng như câu vẻ đẹp là trong mắt của kẻ si tình, đồ đạc người này yêu dấu lại là rác trong mắt người khác. Nhưng những người thích bày biện có lý lẽ riêng của họ. “Cluttercore không phải là cách cổ xúy cho lối sống tích trữ đồ đạc và vật vứt đi, mà là sự trân trọng những thứ thuộc về chính mình” - Micah, 18 tuổi, quả quyết.

Còn một sự khác biệt nữa: cảm giác một căn phòng đầy ắp đồ đạc mà đượm tình yêu thương mang đến sẽ khác với không gian bừa bãi tùy tiện. Nhìn những căn phòng “bừa bộn có tổ chức”, ta có thể cảm nhận được từng vật dụng đã được bày biện một cách chăm chút; mọi thứ trong phòng đều có lý do để có mặt ở đó, chứ không phải đặt bừa vứt đại như trong một mớ lộn xộn thông thường.

Cả Howard lẫn Micah đều nhấn mạnh rằng một không gian quá hoàn hảo sẽ tạo ra sự khó chịu và trống trải; và ngược lại, môi trường được trang trí bằng đồ đạc của chính chúng ta mang đến cảm giác được bảo vệ và tưởng như những người, những trải nghiệm có liên quan đến những món đồ đó cũng đang ở bên ta.

“Tình cờ” là Marie Kondo vừa ra mắt khóa học trực tuyến giúp dọn dẹp đồ đạc khi phải ở trong nhà vì giãn cách xã hội, trong khi Netflix phát sóng chương trình Get Organized With the Home Edit, hướng tới việc sắp xếp những thứ mà Marie Kondo sẽ bảo ta vứt đi. Cộng với trào lưu cluttercore, tất cả làm nên một va chạm thú vị về cách thiết đặt trật tự nhà cửa, về lối sống tối giản hay tối đa, trong đại dịch.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận