Cần phân lại luồng tuyến xe buýt

PHẠM VĂN BẢY 19/03/2014 08:03 GMT+7

TTCT - TP.HCM chưa có một hệ thống giao thông nội đô hoàn chỉnh. Giao thông công cộng dựa vào các tuyến xe buýt nhưng hiện nay chưa khai thác hiệu quả nên hạn chế xe cá nhân cần có lộ trình, bước đi phù hợp.

Luồng tuyến xe buýt tại TP.HCM: Chỗ thừa, nơi thiếu

Thực trạng xe buýt hiện nay không thể khuyến khích người dân thường xuyên sử dụng - Ảnh: Quang Định

Mạng lưới rối

Thành phố coi xe buýt là một phương tiện giao thông quan trọng nhằm cho dân chúng quen đi xe buýt, giải quyết bớt xe máy và đỡ kẹt xe. Thế nhưng đến nay số dân đi xe buýt quá nhỏ bé, bù lỗ hàng nghìn tỉ đồng nhưng tình hình giao thông chưa được cải thiện mấy, chỗ này hết kẹt xe lại phình ra chỗ khác.

Mạng lưới xe buýt phải đáp ứng phần lớn dân muốn di chuyển thì điểm dừng xe buýt không quá xa và không chờ đợi quá lâu.

Quan sát các nước trên thế giới cho thấy thời gian chờ xe tại các trạm từ 10-20 phút, có nơi nhanh hơn, có thể từ 5-7 phút như ở Berlin (Đức). Cự ly các trạm xe buýt trong nội thành trung bình từ 300-800m. Ngay cả ở London (mật độ mạng lưới xe buýt khá nhất thế giới) từ nhà ra trạm trung bình 400m cho 90% dân số.

Khi đáp ứng nhu cầu của đa số người dân, tự nhiên số người dùng xe cá nhân sẽ giảm xuống. Mạng lưới xe buýt hiện nay của thành phố xem ra còn chằng chịt, rối rắm, nhất là khi nhìn vào bản đồ, sơ đồ tìm đường đi. Ở các điểm đầu mối quan trọng là Bến Thành - Chợ Lớn - bến xe miền Đông - bến xe miền Tây, cả hai, ba chục tuyến, quá tập trung, nhiều tuyến tỏa ra như nan xe, mạnh ai nấy đi, rất ít sự phối hợp.

Từ đó thì trên nhiều đoạn đường tập trung rất nhiều tuyến xe như vòng xoay Bảy Hiền, Điện Biên Phủ, Nguyễn Thái Học, Hồng Bàng, Hùng Vương... đều trên 10 tuyến đi qua. Có khi nhiều tuyến cùng một con đường lại cùng điểm đích. Đoạn đường Trường Chinh có đến năm xe buýt đều đi từ Bà Quẹo - An Sương - Củ Chi. Đó là yếu tố gây kẹt xe lớn có khi xe buýt nối đuôi nhau rất dài.

Đường nội đô đã thiếu và hẹp mà phải gánh quá nhiều tuyến xe buýt. Vấn đề quan trọng nữa, có nhiều xe trên cùng tuyến nên số hành khách bị “chia năm xẻ bảy”, nhiều tuyến nhưng ít khách thì không thể có một tuyến với tần suất cao.

Theo quan sát của người viết, mạng lưới xe buýt ở thành phố có tần suất chờ từ 6-10 phút là quá lâu, giờ thấp điểm phải chờ đến trên 20 phút của 70% các tuyến. Đó là chưa kể trên thực tế tình trạng kẹt xe làm cho xe buýt không dễ gì đến trạm đúng giờ. Như vậy khó nói đó là mạng xe buýt thân thiện. Chậm gây nên trễ giờ làm công chức, dân chúng làm sao đi xe buýt?

Bất tiện làm sao khuyến khích?

Thành phố muốn khuyến khích phát triển xe buýt nên có hình thức bù lỗ lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Ý tưởng thì tốt đẹp nhưng thực tế triển khai bị bóp méo, trở thành món mồi béo bở cho người ta xà xẻo, chứ chưa phục vụ tiện lợi cho hành khách.

Vì “lợi ích nhóm” mà một mạng lưới giao thông công cộng bị lộn xộn không xứng danh với một thành phố lớn, có một lực lượng nhà khoa học không nhỏ chưa được tận dụng. Cho nên nhiều người ủng hộ về lý thuyết, nhưng đi xe buýt chẳng lợi bao nhiêu. Phải thật rõ ràng trong vận hành loại hình giao thông công cộng, Nhà nước bao cấp hay để cơ chế thị trường thật sự vận hành mới đi đến hiệu quả.

Người viết bài này rất thích đi xe buýt. Từng có thời gian sinh sống ở Paris vài năm, nhìn vào bản đồ các tuyến xe, thấy thoáng đãng, dễ hiểu và nhất là rất đúng giờ. Các đầu mối dưới bảy tuyến, các con đường dưới bốn tuyến... đâu đó trật tự khiến người nước ngoài dễ nắm bắt.

So sánh với những nơi khác như Matxcơva, Bangkok, Singapore... thì hơi khập khiễng bởi người ta đã phát triển hệ thống giao thông công cộng hoàn chỉnh hơn Việt Nam, nhưng rõ ràng với mạng lưới xe buýt như hiện nay của thành phố khó mà nói đến chuyện khuyến khích người dân đi xe buýt bởi thời gian là tiền.

Báo chí đang nói đến những “hung thần” xe buýt, nguyên nhân xem ra cũng chỉ vì luồng tuyến chưa hợp lý, đường sá không đủ đã tạo cơ hội cho những tài xế không ý thức chạy ẩu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận