Chẳng việc gì phải chạy đi đâu

NHƯ HUY 18/05/2018 22:05 GMT+7

TTCT - Những ồn ào xung quanh MV Chạy ngay đi của Sơn Tùng MT-P là không đáng có nếu người ta theo dõi được xuyên suốt hành trình song song tôn giáo - nghệ thuật đã làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực kể từ khi tôn giáo và nghệ thuật bắt đầu được định hình trong nhận thức con người.

Bức tranh Pietà xuất hiện trong MV Chạy ngay đi của Sơn Tùng MT-P. Ảnh: wikimedia
Bức tranh Pietà xuất hiện trong MV Chạy ngay đi của Sơn Tùng MT-P. Ảnh: wikimedia

 

Trường hợp 1

Vào năm 1987, nghệ sĩ Mỹ Andres Serrano đã đưa ra triển lãm tại Stuxx Gallery, New York một tác phẩm được đặt tên là Piss Christ (tạm dịch: Chúa trong nước tiểu). Đấy là một bức hình Chúa Kitô bị đóng đinh trên thánh giá với ánh sáng vàng rực tỏa rạng như muốn mô tả khoảnh khắc tuyệt đẹp và linh thánh khi Đức chúa con đem chính thể xác mình hi sinh để cứu chuộc tội lỗi cho nhân gian.

Tác phẩm này đã đoạt giải thưởng cuộc thi nghệ thuật thị giác của trung tâm nghệ thuật Đông Nam, một định chế hoạt động dưới sự tài trợ phần nào của Quỹ nghệ thuật quốc gia thuộc Chính phủ Hoa Kỳ, chuyên tài trợ cho các dự án nghệ thuật.

Tuy nhiên, vào năm 1989, tác phẩm này đã gây ra xìcăngđan lớn trong khung cảnh nghệ thuật đương đại Mỹ, nếu không muốn nói là ở tầm thế giới. Thực tế là hình ảnh Đức chúa con bị đóng đinh trong bức ảnh là một bức tượng rẻ tiền kiểu lưu niệm và sắc vàng rực tỏa rạng linh thiêng khắp tác phẩm không là gì khác, chính là màu nước tiểu của nghệ sĩ.

Các lời cáo buộc nhắm vào nghệ sĩ (lên đến mức dọa giết) và nhắm vào Quỹ nghệ thuật quốc gia Hoa Kỳ đã làm cho Serrano mất tài trợ từ quỹ nghệ thuật. Nội dung của các buộc tội là về việc nghệ sĩ đã báng bổ tôn giáo và việc quỹ nghệ thuật quốc gia đã gây chia rẽ nhà thờ và quốc gia.

Hành vi phản ứng nhắm vào tác phẩm bao gồm từ việc tổng giám mục giáo hội Công giáo Melbourne xin lệnh tòa tối cao bang Victoria ngăn việc Bảo tàng quốc gia Victoria trưng bày tác phẩm này vào năm 1997, cho đến việc một nhà bảo trợ bảo tàng tìm cách tự mình gỡ tác phẩm khỏi tường treo, rồi tới việc hai thiếu niên dùng búa đập vỡ tác phẩm. Các nhân viên của bảo tàng liên tiếp báo cảnh sát họ bị dọa giết.

Poster bộ phim Pietà của đạo diễn Hàn Quốc Kim Ki Duk. Ảnh: Pinterest
Poster bộ phim Pietà của đạo diễn Hàn Quốc Kim Ki Duk. Ảnh: Pinterest

 

Trường hợp 2

Vào năm 2012, đạo diễn nổi tiếng Hàn Quốc Kim Ki Duk phát hành bộ phim thứ 18 của mình, tên phim là Pieta. Nội dung phim là về mối quan hệ kỳ dị giữa một tay cho vay nặng lãi với một phụ nữ nhận là mẹ hắn, song thực ra bà chính là mẹ một nạn nhân của tay cho vay nặng lãi này, và bà tìm cách trả thù qua việc đóng giả mẹ của hắn, tức người mẹ đã bỏ hắn đi từ khi hắn còn sơ sinh.

Toàn bộ phim là một diễn giải phức tạp, bạo liệt đến mức gây tranh cãi về tình yêu thương, hay có thể nói về sự thiếu thốn tình yêu thương của con người. Chính tại điểm này, bộ phim như thể một cách đọc lại chủ đề Pietà, một chủ đề lớn lao của nghệ thuật nói chung và nghệ thuật Công giáo nói riêng, nói về tình yêu thương giữa Đức mẹ Maria và con trai, Đức chúa con.

Tình yêu thương hai lớp giữa người mẹ - tín đồ với người con - Chúa cứu thế, thể hiện trong khoảnh khắc vừa bi tráng vừa linh thánh là khoảnh khắc hạ thành giá từng trở nên một đề tài lớn cho nghệ thuật, nay được diễn giải một cách đương đại trong khung cảnh trộm cắp bần cùng, xen lẫn thù hận tình dục và tình yêu nơi bộ phim của Kim Ki Duk (mà kinh phí làm phim chỉ khoảng 100.000 USD) đoạt giải Sư tử vàng Liên hoan phim Venice lần thứ 69.

Cả hai trường hợp kể trên, từ Mỹ, tới Á, cho chúng ta thấy điều gì? Trước hết, chúng ta thấy rằng các nghệ sĩ đã đụng chạm vào các chủ đề tôn giáo theo rất nhiều cách, hoặc thẳng thừng, cố ý như trong tác phẩm của Serrano, hoặc như một diễn giải thách thức như trong tác phẩm của Kim Ki Duk.

Tôn giáo ở đây, xét như các định chế chính trị (kiểu Giáo hội Công giáo, nhà thờ Hồi giáo), chứ không như các niềm tin cá nhân, luôn là điều gì đó có tính đối lập với nhu cầu biểu đạt tự do, phá bỏ mọi vùng cấm ở mọi nghệ sĩ.

Nói về tác phẩm của mình, Serrano đưa ra thông điệp rằng qua cách trình bày đó, ông muốn chế giễu phê phán chính cách mà xã hội hiện đại lợi dụng tôn giáo để thu lợi nhuận, còn với Kim Ki Duk, có lẽ chính mối quan hệ mẫu tử trong bộ phim của ông, một mối quan hệ vừa giả dối, vừa chân thành, vừa độc ác, vừa yêu thương, vừa thù hận, vừa tha thứ, đã là một bình chú đầy sâu xa và gây hấn của ông vào lõi cốt của Phúc âm - tình yêu thương.

Tại Việt Nam

Mới cách đây một tuần tại Việt Nam, trong một MV thu hút hơn 30 triệu lượt xem trên YouTube, ca sĩ Sơn Tùng MT-P đã xuất hiện trong một khung cảnh có một bức tranh với chủ đề Pietà: hạ thánh giá, với Đức mẹ Maria đang bế Đức chúa con Kitô trong lòng. Vấn đề là cùng trong khung cảnh của clip, còn có sự xuất hiện của các diễn viên múa ăn mặc trang phục biểu diễn hở hang uốn éo trong các tư thế gợi cảm.

Bức tranh Pietà trong video clip xuất hiện xuyên suốt toàn bộ video, lúc thì toàn cảnh, lúc thì cận cảnh, lúc thì như nền phông, lúc thì lại như chính chủ để của video clip. Về mặt thị giác, bức tranh đó xen vào toàn bộ đường dây hình ảnh của clip cũng như vào đường dây tự sự của ca từ. Vậy nội dung ca từ của ca khúc này nói về điều gì?

Thực tế là toàn bộ nội dung ca từ hoàn toàn không có chút gì tham chiếu tới nội dung của bức tranh mô tả một đề tài nổi tiếng trong cả tinh thần lẫn nghệ thuật Công giáo. Xuyên suốt ca từ là lời tự sự của một chàng trai, vì mất người yêu nên tự nói với bản thân phải chạy khỏi trước khi cơn thù hận bão dông bùng nổ:

“...Chạy ngay đi trước khi

Mọi điều dần tồi tệ hơn

Chạy ngay đi trước khi

Lòng hận thù cuộn từng cơn

Tựa dông tố đến bên ghé thăm

Từ nơi hố sâu tối tăm

Chạy đi trước khi

Mọi điều dần tồi tệ hơn...”.

Bức tranh xuất hiện trong MV là tác phẩm theo chủ đề Pietà của họa sĩ Pháp theo trường phái kinh viện William Bouguereau. Ông này sử dụng phương pháp hiện thực để vẽ lại các chủ đề cổ điển (gọi là trường phái “tân cổ điển”), tuy nhiên, nhấn mạnh vào các đường cong cơ thể người.

Toàn bộ không gian thị giác của MV chìm ngập các màu sắc kiểu nội thất cung điện, hoặc phòng triển lãm với tường gỗ, ghế bọc dạ, rượu vang, đèn chùm. Trang phục của ca sĩ chính cũng đồng bộ với không gian thị giác chung về màu sắc và chất liệu, tuy nhiên về kiểu cách thì phá cách hơn. Lửa, tiền đôla và xe hơi là các yếu tố xuất hiện như các điểm nhấn chạy theo ca từ ca khúc, nói về sự đổ vỡ mất mát.

Tất cả những điều này nói về cái gì? Thực tế là qua các liệt kê và phân tích trên đây, ta đã có thể thấy rõ với MV Chạy ngay đi, sự xuất hiện của đề tài hay các yếu tố thị giác về tôn giáo hoàn toàn khác với sự xuất hiện của đề tài đó trong các tác phẩm của Serrano hay Kim Ki Duk.

Trong hai trường hợp đó, sự lựa chọn chủ đề tôn giáo của nghệ sĩ là chủ động, hiểu theo nghĩa thông qua sự lựa chọn đó, nghệ sĩ muốn đưa ra một quan điểm minh bạch của mình trước cộng đồng, bất chấp quan điểm đó có xung đột hay gây hấn về mặt thị giác với cách hiểu và nhìn nhận chung hay không.

Ở đây, chủ đề tôn giáo đã trở thành yếu tố quan trọng cho nội dung tác phẩm, nhờ đó, nghệ sĩ xây dựng nên quan điểm chính trị xã hội và mỹ học của mình. Nói cách khác, đề tài tôn giáo ở đây, với các dạng tác phẩm như của Serrano hay Kim Ki Duk đã làm nên tầm vóc, sự dũng cảm, trí tuệ của nhà nghệ sĩ.

Trái lại, đề tài tôn giáo trong MV của Sơn Tùng MT-P (thực tế là xuất hiện gián tiếp, thông qua bức tranh của một nghệ sĩ khác), theo tôi, chỉ có tính trang trí đơn thuần - như yếu tố để tạo nên không gian sang trọng (bảo tàng, cung điện) cho nhân vật chính. Bức tranh hay chủ đề Pietà trong MV Chạy ngay đi thực tế là chỉ có vai trò một đạo cụ thuần túy như chiếc ghế, chùm đèn, xe hơi hay bộ trang phục của ca sĩ.

Nội dung của nó, xét như một yếu tố độc lập, đã hoàn toàn chìm khuất trong ý đồ của đạo diễn khi tuyệt đối không liên quan gì tới nội dung ca khúc lẫn nội dung MV - xét như một tác phẩm thị giác.

Chính vì lẽ đó, theo tôi, mọi buộc tội, nếu có với MV này là không có hiệu lực, bởi sự xuất hiện của yếu tố tôn giáo trong MV này hoàn toàn chỉ có ý nghĩa trang trí, thậm chí chỉ là sự xuất hiện gián tiếp. Nếu một kẻ đói bụng không thể ăn một con gà trong ảnh mà no được, thì dĩ nhiên, lời buộc tội báng bổ tôn giáo, nếu có, cũng không thể nhắm được vào kẻ sử dụng lại một tác phẩm về tôn giáo do người khác vẽ, nhất là khi cách sử dụng lại đó chỉ hoàn toàn mang tính trang trí.

Xét tận cùng, đây chỉ là một MV vô thưởng vô phạt về mặt chính trị xã hội, và ngoài việc đạt lượng view cao trong thời gian ngắn, nó cũng không khác gì hầu hết các MV vô thưởng vô phạt về mặt chính trị xã hội hiện nay trên YouTube. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận