Chim mồi

VŨ THỊ HUYỀN TRANG 17/03/2018 21:03 GMT+7

TTCT - Loài chim hót hay nhất khi được tự do mà dâng hiến vô tư cho đời. Làm sao ngờ lại có ngày những âm thanh mê hoặc ấy bị biến thành mồi câu để cầm tù đồng loại.

Minh họa: VIIP
Minh họa: VIIP

 

Chồng tôi rất thích nuôi chim cu gáy, từng để xổng một con mái và làm chết hai con đực. Tôi nói nếu không chăm nom tử tế thì đừng bao giờ nghĩ đến chuyện nuôi chim. Tao nhã gì cái thú nhốt một đôi cánh tự do trong chiếc lồng bé xíu và hôi hám. Hằng ngày cho nó vài hạt vừng, hạt thóc mà cứ nghĩ mình đối đãi với nó quá tử tế, coi việc nó không chịu hót mỗi ngày là phụ lòng chăm sóc của mình.

Biết đâu nó cũng như mẹ già từ quê xuống phố ở với cháu con, hằng ngày bị nhốt trong căn nhà chật chội không một bóng cây, không tiếng chó gà, không bà con lối xóm. Con cháu mang về nào thuốc bổ, nào máy mát xa, nào đủ thứ sơn hào hải vị và cứ nghĩ mình báo hiếu đủ đầy. Và nghĩ mẹ chẳng thiếu thứ gì, chỉ việc sống khỏe sống vui để hưởng thụ mỗi ngày.

Đâu biết mẹ già nuốt miếng cơm thấy nghẹn vì nhớ cà quê, nhớ tép sông, nhớ món tương bần. Nhớ cơm quê chan với gió ngoài đồng mang theo hương lúa hương ngô thổi vào lồng lộng. Đang dở bữa nhớ ra thiếu ớt, thiếu chanh liền buông đũa đi gặp vườn gia vị. Đêm ngủ không cần khóa cửa, khép hờ thôi để gió trăng vào.

Con chim cu gáy bị nhốt trong lồng chắc cũng đang nhớ nhung một bầu trời rộng lớn. Nơi mà trước khi bị tiếng gáy của đồng loại dẫn dụ đâm sầm vào bẫy thì nó từng vẫy vùng cất tiếng gáy mê say. Chiếc bẫy của loài người hay chiếc bẫy của lòng tin?

Chồng tôi xin được một con chim cu gáy khác vừa dính bẫy, mắt vẫn còn hốt hoảng nhìn người. Mấy ngày đầu nó liên tục, mù quáng tìm một lối thoát thân. Do đâm vào những song sắt nhiều lần nên đầu nó rụng lông và nhoe nhoét máu. Nó không gáy “cúc... cù... cu... cu” mà gừ lên mấy tiếng bất lực và hằn học.

Bạn của chồng là dân bẫy chim chuyên nghiệp. Mùa chim nào anh cũng có mặt từ sáng sớm trên cánh đồng còn sót lại bên rìa thành phố, mang theo bẫy và con chim mồi lão luyện. Chim mồi được chọn có bộ lông thật dày, ngực càng nở càng tốt, có vậy chim mới gáy khỏe, gáy vang gọi con bổi về dính bẫy. Việc huấn luyện chim mồi nghe nói cũng phải kiên nhẫn lắm. Không những gáy khỏe, gáy hay mà còn phải ung dung tự tại mới dẫn dụ nổi những cánh chim tự do sà xuống.

Tôi cứ thắc mắc hoài con chim mồi mỗi khi cất tiếng gáy liệu nó có biết là mình đang dẫn đồng loại của mình vào bẫy? Hay là nó vô tư cất tiếng gáy bản năng, tiếng của ước vọng tự do, tiếng của mừng vui gặp bạn?

Tôi không có câu trả lời cho đến khi ghé thăm nhà bạn của chồng. Anh đang buồn chỉ vì tiếc ngẩn ngơ con chim mồi tự nhiên không gáy nữa, kể từ khi nó chứng kiến cảnh đồng loại lao xuống bẫy giãy giụa chẳng may bị thít cổ chết tươi. Suốt một tháng nay nó không cất một tiếng gáy nào. Anh chỉ vào chiếc lồng bên cạnh nhốt một con chim mồi mới. Tôi lại gần thì thấy hai mắt chim đều đã bị khâu. Anh cười bảo “một khi mắt đã bị khâu thì tai sẽ nghe rõ hơn, gáy khỏe hơn nên cũng lừa được nhiều chim hơn. Chung quy cũng chỉ vì thèm khát nghe tiếng gáy của nhau mà sập bẫy”. Tôi khẽ rùng mình...

Dưng không từ chuyện loài chim lại mông lung nghĩ tới việc của con người. “Hiệu ứng chim mồi” là một trong những chiến lược kinh doanh mà nhiều doanh nghiệp thường lựa chọn đưa ra để lôi kéo khách hàng. Nó đánh động tâm lý người mua và làm thay đổi quyết định của khách hàng.

“Hiệu ứng chim mồi” thành công ở chỗ nó thu về lợi nhuận cho các chủ đầu tư nhưng vẫn luôn làm khách hàng cảm thấy vô cùng hài lòng với số tiền bỏ ra vì sản phẩm, nếu may thì gặp được những doanh nghiệp đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Đáng tiếc, nhiều chiến lược và mô hình thành công ở nước ngoài khi vào Việt Nam đã bị biến tướng thành hành vi lừa đảo, mà kinh doanh đa cấp là một ví dụ buồn.

Muốn thu hút khách hàng, họ đã dùng chính con người làm mồi bẫy, bằng khuếch trương, đánh bóng hình ảnh lẫn tên tuổi thủ lĩnh, trích hoa hồng cao... và mọi mánh khóe khác hòng lôi kéo lòng người vào cái bẫy tham tiền... Ai là kẻ sập bẫy? Không ai khác, lại chính là những người thân thiết nhất xung quanh họ phải trả giá vì đã đặt niềm tin không đúng chỗ.

Loài chim hót hay nhất khi được tự do mà dâng hiến vô tư cho đời. Làm sao ngờ lại có ngày những âm thanh mê hoặc ấy bị biến thành mồi câu để cầm tù đồng loại. Con người cũng vậy, nhân chi sơ tính bản thiện, lúc còn là một đứa trẻ thì chỉ biết nói lời thơm, muốn gieo điều tốt. Chúng ta đâu có lường trước được lòng tham sẽ có lúc giăng đầy cạm bẫy bằng những lời mật ngọt ngỡ hay ho như tiếng hót chim mồi. Mà nhân gian nào đâu biết chắc, ta đang là chim mồi hay chính mình phải giãy giụa trong cái bẫy đời nhiều bất lực?■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận