“Chúng tôi thành pranker vì báo chí buồn chán quá…”

PHAN XUÂN LOAN 01/10/2017 18:10 GMT+7

TTCT - Lang thang ở hội sách quốc tế Matxcơva tháng 9-2017, tôi đến gian hàng của Nhà xuất bản Piter, thấy một đầu sách lạ: Vovan và Lexus - Điện gọi hồn ai. Tựa sách mô phỏng cuốn Chuông gọi hồn ai nổi tiếng của Hemingway khiến người ta đặt câu hỏi đã đành, lại thêm tên hai tác giả cũng không kém “ấn tượng”: bộ đôi “pranker” (những kẻ chơi khăm) Nga nổi tiếng.

Vovan (trái) và Lexus (phải) trong buổi giới thiệu sách Вован Лексус  - По ком звонит телефон (Vovan và Lexus - Điện gọi hồn ai) ngày 8-9 tại Hội sách quốc tế Matxcơva 2017. -Ảnh: Tatyana Rodionova
Vovan (trái) và Lexus (phải) trong buổi giới thiệu sách Вован Лексус - По ком звонит телефон (Vovan và Lexus - Điện gọi hồn ai) ngày 8-9 tại Hội sách quốc tế Matxcơva 2017. -Ảnh: Tatyana Rodionova

 Đọc qua và hỏi mua, thật bất ngờ, một trong hai tác giả - Lexus - đang ngồi ngay đó. Cuộc trò chuyện diễn ra chớp nhoáng tại chỗ và tiếp tục sau đó bằng… email.

Thật bất ngờ gặp anh ở đây. Tôi biết về các anh từ lâu qua báo chí Nga, giờ các anh đã kịp ra sách. Hoạt động prank - như các anh mô tả trong sách - không khác một hoạt động báo chí điều tra, xem ra có vẻ nguy hiểm?

- Lexus: Có thể nói là nguy hiểm, bởi rất thường xuyên chúng tôi lừa phỉnh những người nổi tiếng và có ảnh hưởng, những người đủ khả năng tìm ra chúng tôi.

Nhưng đó là lựa chọn của chúng tôi và chúng tôi đã làm việc này từ lâu. Nhiều nhà báo cũng phải tiến hành điều tra mà. Cái chính là những thông tin chúng tôi tìm được có ích cho xã hội.

Vâng, trong quyển sách tôi đọc thấy các anh đã đòi nợ… những kẻ đòi nợ thuê, vạch mặt bọn lừa đảo rút tiền từ thẻ tín dụng của người nhẹ dạ… Những cú chơi khăm này có khiến các anh gặp những tình huống nguy hiểm hay bị đe dọa không?

- Hiện giờ chưa ai đe dọa chúng tôi. Nếu người ta muốn tính sổ với chúng tôi, chắc họ chẳng báo trước đâu!

Nhưng tại sao lại là prank? Để làm gì chứ? Báo chí kiểu các anh khác báo chí chính thống chỗ nào?

- Để làm gì ư? Trước tiên là chúng tôi luôn rất muốn biết điều gì đó mới, lấy được thông tin mà không ai có. Mà cách chúng tôi lấy tin như thế nhiều lúc rất buồn cười. Trong cuộc sống, thường các chính khách ấy chẳng cởi mở như khi nói chuyện qua điện thoại như thế đâu.

Báo chí prank khác báo chí bình thường ở chỗ nó không chỉ có thể chỉ ra chân tướng các chính khách, mở mắt cho công chúng về tình hình thật sự trong nước lẫn trên thế giới, mà còn có thể giúp thay đổi tiến trình sự kiện.

Hơn thế nữa, báo chí hiện đại đang trong cuộc khủng hoảng kéo dài, phần lớn đang cạnh tranh tin tức vớ vẩn với nhau, còn các hãng truyền thông chỉ đưa những tin thông tấn khô khan.

Trong khi đó, hoạt động prank của chúng tôi dựa trên ba khía cạnh: báo chí điều tra, do thám dân sự và chơi khăm qua điện thoại.

Báo chí chính thống hay prank, cái nào ảnh hưởng hiệu quả hơn lên xã hội, tại sao?

- Tôi cho rằng hoạt động báo chí bình thường thì buồn chán hơn. Nó nhiều tính hình thức. Còn prank thì ngược lại, chẳng có luật lệ gì đặc biệt.

Người ta cởi mở hơn trong những cuộc chuyện trò này, cho dẫu là tổng thống, bộ trưởng hay ai đó. Với xã hội thì prank tác động nhiều hơn. Bởi chỉ một cú điện thoại, chúng tôi đã có thể buộc một người phải thực hiện ngay một hành động nào đó.

Các anh không sợ sau khi quyển sách ra đời, “công nghệ prank” được tiết lộ, các anh sẽ khó hoạt động hơn sao?

- Không, chúng tôi không sợ. Chúng tôi đã làm việc cho truyền hình hơn ba năm và chúng tôi có thể dễ dàng tiến hành prank. Vì thế quyển sách này sẽ chẳng thay đổi gì hoạt động của chúng tôi.

Hoạt động prank chứng tỏ sự “lợi hại” của cộng đồng mạng, thậm chí của hacker Nga. Các anh có nghĩ là chính những hoạt động tự phát này đã phần nào dẫn tới việc các chính khách và báo giới phương Tây luôn quy cho “dấu vết Nga” mỗi khi có gì đó bất thường diễn ra trên thế giới, đơn cử như kết quả bầu cử tổng thống Hoa Kỳ…

- Đâu chỉ mình người Nga giỏi trong lĩnh vực IT, người Trung Quốc, người Nhật cũng đâu kém cạnh. Có thể buộc tội bất cứ nước nào trong các mưu toan tin tặc, mà thật ra hoạt động đó tất cả các nước đều sử dụng, đâu chỉ nước Nga!

Nhưng từng có nghi ngờ các anh là “tay trong” của an ninh Nga, của FSB (Tổng cục An ninh Liên bang Nga) chẳng hạn?

- Một số phương tiện truyền thông và những nhân vật công chúng (chủ yếu các nhà đối lập) bảo rằng chúng tôi có một bộ sậu cố vấn và hoạt động của chúng tôi được hỗ trợ bởi một số ban bệ an ninh Nga.

Rằng Vovan và Lexus chỉ là phần nổi của tảng băng và cấp bậc của họ không dưới hàng thiếu tá. Thật ra “ban bệ” của chúng tôi chỉ có chính chúng tôi và khi cần, chúng tôi tìm thêm người hỗ trợ. Tất cả đều diễn ra độc lập.

Mọi người cho rằng số điện thoại không chỉ của các tổng thống, mà cả của thống đốc, thị trưởng… người thường không thể có được nếu không có sự hỗ trợ của giới tình báo.

Thật ra đó chỉ là những suy nghĩ hạn hẹp, tự giới hạn khả năng của chính mình. Khi bạn có kinh nghiệm và là chuyên gia lĩnh vực của mình, việc tìm đường đến với các chính khách hay các ngôi sao chẳng có gì là khó cả.

Các anh có bị kiện tụng gì chưa? Nếu bị kiện, các anh sẽ làm gì?

- Kiện vì cái gì? Trên cơ sở nào? Một số người viện dẫn các điều của Bộ luật hình sự Nga là vi phạm bí mật điện đàm và bịp bợm.

Nhưng thử bàn nhé. Chúng tôi đâu có xâm phạm những cuộc chuyện trò của kẻ khác. Cuộc trò chuyện này về luật pháp thuộc về chúng tôi và người điện đàm với chúng tôi, vì chúng tôi là một trong hai bên trò chuyện. Mà điều luật ấy chỉ vận dụng cho những ai nghe lén điện thoại người khác.

Còn tội bịp bợm thì luôn có phần cấu thành là yếu tố tư lợi. Nếu chúng tôi nhân danh kẻ khác để chiếm đoạt tiền bạc của người điện đàm thì mới có yếu tố cấu thành tội trạng.

Nhưng chúng tôi không cần gì từ các nạn nhân của mình ngoài sự thật, lẽ đương nhiên! Người ta không kiện chúng tôi ra tòa. Họ làm vậy sẽ trông càng thêm ngốc. Đơn giản là họ có những phản ứng nào đó, hoặc ra những thông cáo chính thức…

Còn những nguyên tắc đạo đức?

- Các nguyên tắc đạo đức của chúng tôi cũng như ở đa số những con người khác. Cái duy nhất mà người ta quy tội chúng tôi đó là chúng tôi đã lừa khi trò chuyện với người điện đàm. Nhưng đôi khi chỉ có thể nhận được thông tin cần thiết bằng cách đó. Các nhà điều tra, tình báo cũng lừa như thế. Chúng tôi tin rằng mình làm việc tốt và không muốn làm hại ai.

Hiện giờ các anh đang chính thức làm gì?

- Chúng tôi là những nhà báo tự do.

Sau quyển sách tiết lộ bí mật này, các anh có định tiến hành “prank” ở châu Á? Các VIP nào nằm trong đích nhắm của các anh?

- Vâng, chúng tôi cũng muốn gọi một số cuộc điện thoại sang châu Á. Chẳng hạn sang Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia…

Cảm ơn các anh vì cuộc trò chuyện này.■

Sách Vovan và Lexus - Điện gọi hồn ai

 

Vovan là biệt danh của Vladimir Kuznhetsov, tốt nghiệp khoa luật Đại học Tổng hợp Kuban. Lexus là Aleksei Stolyarov, có chuyên môn luật và kinh tế.

Hai chàng trai không hẹn mà vô tình cùng đến với prank (du nhập vào Nga từ nước ngoài nên được giữ nguyên tên gọi prank, có nghĩa gọi điện thoại đến ai đó để trêu chọc, chơi khăm) khi điện thoại Internet nở rộ ở Nga từ năm 2006.

Họ bắt đầu từ những vụ trêu chọc cười ra nước mắt chỉ để cho vui, nhưng dần dần gắn cho những hoạt động có tính tiêu khiển của mình một “chính nghĩa” nào đó: đùa với những kẻ đòi nợ thuê, vạch mặt những tay lừa đảo qua điện thoại, hù dọa cảnh sát giao thông ăn hối lộ hay những quan chức lạm quyền, rồi cả chính trị (cuộc khủng hoảng Ukraine).

Họ giả dạng làm đủ loại nhân vật cấp cao để điện đàm với Tổng thống Belarus Lukashenko, cựu tổng thống Gruzia Saakashvili, các cố vấn quốc phòng Hoa Kỳ, cựu tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev, Tổng thống Ukraine Poroshenko, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan…

Hoạt động của bộ đôi này ở Nga đình đám đến độ năm 2016, họ được kênh NTV mời thực hiện một chương trình truyền hình hằng tuần riêng mang tên “Cuộc gọi”.

Trích một đoạn prank từ Vovan và Lexus - Điện gọi hồn ai 

(TTCT dịch với sự cho phép của các tác giả cuốn sách)

Với những kẻ đòi nợ thuê

…Một lần nọ, vô tình tôi (Vovan - ND) nhận được cú điện thoại của những người đòi nợ! Họ tìm một người tên Dmitry Igorevich Krasnov, nợ Alfa Bank 12.000 rúp.

Đầu tiên, tôi cố giải thích là không có ai như thế ở đây và tôi không biết ông ta. Nhưng câu trả lời không làm hài lòng những kẻ đòi nợ thuê, họ tiếp tục gọi vài lần trong ngày.

Tôi bèn quyết định sẽ đối đầu với họ và trở thành ngài Krasnov. Đáng kinh ngạc ở chỗ những kẻ cho vay nặng lãi không buồn bỏ thời gian xác minh có đúng là họ đang trò chuyện với Krasnov hay không.

Ngược lại, trong cuộc nói chuyện, chính họ tuôn hết cho tôi những dữ liệu cá nhân của người vay nợ: số hộ chiếu, địa chỉ cư trú, nơi làm việc… Kẻ vay nợ kỳ lạ chẳng hiểu sao không sợ những người đòi nợ, không van xin cho thêm thời gian, mà chính hắn ta lại thường xuyên gọi tới văn phòng họ để chế giễu những nhân viên tay mơ thô lỗ này. Mối quan hệ “thiếu tôn trọng” này đã khiến họ muốn phát rồ.

Những kẻ đòi nợ (K): Creditexpress đây! Xin chào! Dmitry Igorevich! Hôm nay chúng tôi đã nói chuyện với ông rồi. Ông gọi tới làm gì nữa?

Pranker: Tôi muốn biết các ông có sắp cắt thận của tôi không?

K: Đã có ba giao dịch viên nói chuyện với ông rồi. Khi nào ông sẽ trả tiền đây? 12.000 rúp!

P: Không, tôi muốn các ông đừng cắt thận tôi.

K: Vậy hãy đăng trên Internet rằng ông muốn bán thận.

P: Tôi không muốn bán như thế. Nếu các ông không cắt thận tôi, tôi sẽ không trả nợ, bởi lúc đó tôi chẳng có gì để sợ các ông cả.

K: Ông kia, từ ngoài đó nghe cho rõ này, ông nói nhảm nhí gì vậy? Ông có đề nghị gì mới không? Tôi nhớ những lời chế giễu của ông hết đấy. Tôi cảnh báo ông ngay và luôn là ông sẽ bị phạt hành chính. Đó là điều khoản tội côn đồ đấy. Và rồi ông sẽ có tới hai món nợ.

P: Thôi để tôi trả cho các ông, tôi có một con heo, heo đực thiến, 200kg.

K: Cái gì?

P: Heo đực thiến. Heo đực thiến.

K: Cái gì vậy?

P: Đó là con heo to oành. Tên nó là Nina Vasilyevna.

K: Vậy thì đi bán con heo đực thiến đi rồi lấy tiền trả nợ!

P: Nhưng tôi không muốn bán như thế! Ở đây chẳng ai chịu mua cả. Tốt nhất tôi chở nó lên Matxcơva đưa cho các ông. Chở tới Alfa Bank.

K: Dmitry Igorevich! Ông lại đùa chúng tôi nữa à? Ông tiếc tiền của ông quá nhỉ?

P: Các ông hãy giữ Nina Vasilyevna!

K: Tôi không cần con heo thiến nào.

P: Nó sẽ là nguồn kinh tế phụ cho các ông. Nó sẽ sống trên bancông các ông.

K: À há, đừng nói là cho nó vào bồn tắm nữa nhé!

P: Ừ, cho vào bồn tắm cũng được. Ông có muốn nó không?

K: Dmitry Igorevich! Khi nào ông sẽ trả nợ? Cái bọn lợn thiến đó ở đây làm gì? Những thận, những trứng ở đây làm gì? Ông muốn gì?

P: Tôi muốn ông nhận con ủn thiến thay nợ của tôi. Con ủn nặng 200kg...

Với tổng thư ký NATO

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg là nhà hoạt động quốc gia và chính trị Na Uy, cựu thủ tướng, với vẻ ngoài trí thức. Ông đứng đầu tổ chức quân sự lớn nhất thế giới.

Ông giữ cương vị tổng thư ký NATO trong thời kỳ phức tạp của cuộc đối đầu kinh tế Nga - phương Tây. Sau khi đắc cử năm 2014, từ những cú mào đầu của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Barack Obama, Stoltenberg đã nói về sự cần thiết tăng cường sức mạnh quân sự của liên minh, kể cả vũ khí hạt nhân, để kiềm chế sự gây hấn của Nga với các nước NATO.

Dĩ nhiên, chúng tôi rất quan tâm đến việc trò chuyện cùng ông, hơn thế nữa, những đỉnh cao như thế chúng tôi chưa từng đạt được, không kể các tổng thống...

Trong mục tiêu đàm luận với người đứng đầu NATO, chúng tôi đặt ra những đề tài: việc Ukraine gia nhập NATO trong tương quan của khối với nước Nga. Cần phải kiểm tra có đúng thế không.

Và để ngài Stoltenberg chú ý, chúng tôi quyết định thông báo cho ngài tổng thư ký rằng Chính phủ Kyrgyzstan sẵn sàng cung ứng cho liên minh cơ sở quân sự ở Manas mà Hoa Kỳ đã phải rời đi năm 2014.

Gọi vài cuộc điện thoại thỏa thuận với cô trợ lý dễ thương của ngài Stoltenberg Susan Miller, chúng tôi đã đạt được mục tiêu của mình, cuộc trò chuyện được đưa vào lịch của ngài Stoltenberg.

Vào ngày đã định, lúc 9 giờ sáng Brussels, chúng tôi gọi vào số trợ lý của ngài Stoltenberg. Cô yêu cầu đợi một lát, tổng thư ký vẫn chưa kết thúc cuộc làm việc trước. Chúng tôi được đặt vào chế độ chờ và được bật cho nghe nhạc cổ điển.

Hai phút sau, trong ống nói chúng tôi nghe giọng tổng thư ký NATO. Song song đó là cô phiên dịch từ tiếng Anh sang tiếng Nga. Phải nói đấy là người phiên dịch nước ngoài tốt nhất mà toàn bộ kinh nghiệm của chúng tôi với các chính khách nước ngoài cho thấy.

Stoltenberg: Xin chào! Đây là Jens Stoltenberg, tổng thư ký NATO. Tôi rất vui được trò chuyện cùng ngài. Ngài tổng thống, bởi vì đối thoại chính trị luôn rất quan trọng đối với NATO.

Pranker (trong vai Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko): Các đối tác Hoa Kỳ của tôi báo rằng Ukraine có thể nhận tư cách thành viên NATO trong vòng hai năm nữa. Có đúng thế không?

S: Tôi nghĩ đó chỉ là sự hiểu lầm. Ukraine đầu tiên cần phải đảm bảo đã đáp ứng được tất cả các tiêu chí của NATO, đạt tới một mức độ nhất định, thực hiện tất cả các cải cách để đệ đơn xin gia nhập NATO. Đến nay, việc này vẫn chưa được thực hiện.

P: Tức là chúng tôi nói chung vẫn chưa sẵn sàng để trở thành thành viên của liên minh?

S: Không phải bây giờ, dĩ nhiên rồi. Tại cuộc họp cấp cao năm 2008 ở Bucharest đã thông qua quyết định Ukraine sẽ trở thành thành viên NATO.

Nhưng Ukraine phải vượt qua một số cải cách. Đặc biệt khi chúng tôi nói về khu vực an ninh, về tham nhũng, về cải thiện hệ thống tư pháp.

Chỉ khi đó Ukraine mới có thể nộp đơn để trở thành thành viên NATO. Để làm điều đó cần mất nhiều năm. Ngoài ra, tất cả 28 thành viên liên minh cũng phải đồng ý việc này. Và tôi không thấy điều đó là có thể trong tương lai gần.

Các bộ của Ukraine đã làm nhiều trong cuộc chiến chống tham nhũng, nhưng chưa đủ. NATO ủng hộ Ukraine trong vấn đề này, trao cho họ sự ủng hộ chính trị và thực tế mạnh mẽ.

(Stoltenberg nói như muốn ngăn chặn vậy. Không nên nuôi ảo tưởng về việc Ukraine gia nhập NATO. Vậy mà Petro Poroshenko cứ rót mật vào tai nhân dân mình).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận