Chuyện không riêng của Porcenese

ANH NGỌC 09/04/2013 06:04 GMT+7

TTCT - Idris El Omari, 22 tuổi, người Morocco, đòi được mặc chiếc áo số 5 vì “đấy là số áo của Zidane ở Real Madrid”.

Marcelo Pincini, 25 tuổi, người Argentina, lấy chiếc áo số 16 vì “Aguero của Manchester City mặc số áo ấy”. Ibrahim M., 32 tuổi, một người Sudan chạy trốn khỏi cuộc nội chiến ở Libya, thậm chí còn muốn nhiều hơn thế: số 10 của Messi vì đấy là “thần tượng của tôi”.

Những cầu thủ ấy là gương mặt mới của Porcenese Calcio, đội bóng nghiệp dư đến từ thị trấn Porcen (tỉnh Belluno ở miền bắc Ý) với 350 dân, đang được dư luận chú ý nhiều. Đội có 28 cầu thủ thì 14 người đến từ bốn châu lục khác nhau.

Marco Zanella - 25 tuổi, chủ tịch của CLB được thành lập hai năm về trước - nói: “Các cầu thủ của chúng tôi theo các tôn giáo khác nhau. Có người theo Cơ Đốc, người theo đạo Hồi, người theo Phật giáo, cả vô thần nữa. Ngôn ngữ của chúng tôi ư? Duy nhất là bóng đá và tình bằng hữu”.

Cách đây ít lâu, đội được tăng cường Lamin Baijun, người từng bị chính quyền một quốc gia châu Phi đòi xử tử vì đấu tranh chống lại chế độ độc tài. Sự có mặt của Lamin và những người nhập cư khác nhanh chóng biến Porcenese thành một tấm gương cho việc bóng đá phản ánh xã hội nhiều nước châu Âu thời toàn cầu hóa.

Ở một khu vực mà Đảng Liên đoàn phương Bắc có xu hướng cực hữu và bài nhập cư hoạt động mạnh mẽ, việc một đội bóng đứng ra chiêu mộ những người nhập cư với các nguồn gốc xuất thân khác nhau, để rồi sử dụng bóng đá như một công cụ xã hội nhằm giúp họ hòa nhập cộng đồng và kiếm được việc làm là một sự kiện gây sốc thật sự.

Khi biết tin chủ một nhà hàng ở trung tâm thị trấn Porcen quyết định tài trợ 1.000 euro, đủ để mỗi cầu thủ có hai bộ trang phục thi đấu, một vài thực khách đã không đến quán ăn sau khi mắng vào mặt ông rằng tại sao Porcen toàn người Morocco với Macedonia.

Hồi Porcenese mới thành lập, không một CLB nào muốn đá giao hữu chuẩn bị mùa giải mới với đội. Các CLB này phải đá với Porcenese ở giải vô địch nghiệp dư tỉnh vì đó là bắt buộc. Nhưng đá giao hữu thì họ kỳ thị, không chấp nhận. Ngay cả việc xin thuê sân tập cũng bị từ chối. Không ít người tuyên bố tẩy chay việc xem Porcenese chỉ vì đội có nhiều cầu thủ da màu. Nhưng Zanella và Porcenese không đầu hàng.

Zanella nói: “Ở Serie A, việc đưa ra sân một đội bóng có đến phân nửa số cầu thủ nước ngoài chẳng có gì là lạ. Nhưng ở vùng đất này, việc biến Porcenese thành một CLB đa chủng tộc, tập hợp những người yêu bóng đá đến từ những cảnh đời khác nhau lại trở thành một sứ mệnh của chúng tôi. Sự ra đời của Porcenese là một thách thức lớn đối với những ai cố tình phớt lờ sự thật rằng ở Ý có hàng triệu người nhập cư và họ có khát khao đá bóng, khát khao hòa nhập vào cuộc sống ở đây và đóng góp cho sự phát triển của đất nước này”.

Những nỗ lực của Zanella được cộng đồng tiến bộ ở Belluno ghi nhận. CSI, tổ chức thể thao của Hội đồng Giám mục Ý, đã cho phép CLB đăng ký dự giải nghiệp dư của tỉnh miền Bắc này và cùng với Zanella tìm việc làm cho một số cầu thủ. Giờ CLB đang đứng thứ bảy trong số 10 đội tham gia giải.

Họ càng được khích lệ nhiều hơn khi báo chí Ý bắt đầu viết về Porcenese. Và ở nhiều địa phương khác tại miền Bắc Ý, nhiều người nhập cư cũng muốn lập ra những đội bóng khác.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận