Đằng sau vụ “bẻ án” treo sân Hàng Đẫy...

H.T. - K.X. 04/05/2019 21:05 GMT+7

Tuần qua, làng bóng đá Việt đã sốc trước màn “bẻ án” không tưởng về việc xử lý sân Hàng Đẫy khi để xảy ra sự cố CĐV Hải Phòng nhuộm đỏ sân bằng pháo sáng!

Vẫn biết CĐV Hải Phòng làm loạn bằng cách đốt pháo ở sân Hàng Đẫy, nhưng trách nhiệm chính vẫn là BTC sân Hàng Đẫy khi yếu kém trong vấn đề kiểm soát từ cổng vào. Ảnh: Nam Khánh
Vẫn biết CĐV Hải Phòng làm loạn bằng cách đốt pháo ở sân Hàng Đẫy, nhưng trách nhiệm chính vẫn là BTC sân Hàng Đẫy khi yếu kém trong vấn đề kiểm soát từ cổng vào. Ảnh: Nam Khánh

Sở dĩ gọi là “bẻ án” là vì ban đầu ban kỷ luật của VFF (Liên đoàn Bóng đá Việt Nam) quyết định xử lý nghiêm bằng mức án treo sân Hàng Đẫy một trận. Nhưng hai ngày sau, một ban chức năng khác cũng của VFF - ban giải quyết khiếu nại - đã hủy bản án của ban kỷ luật! Đằng sau câu chuyện này là một tấn bi hài kịch của bóng đá Việt.

Cuộc gọi lúc nửa đêm

Một ngày trước khi ban kỷ luật họp và ra án treo sân Hàng Đẫy (nửa đêm 23-4), một người có trách nhiệm của ban này đã liên hệ với phóng viên Tuổi Trẻ. Ông này nói: “Chúng tôi bí quá vì không biết ra án thế nào cho phù hợp, cho đủ”. Chúng tôi hỏi lại: Ông có sợ vị chủ sân Hàng Đẫy - người được xem là khuynh đảo làng bóng Việt hiện nay khi có trong tay một loạt đội bóng, đồng thời kiểm soát cả 2/3 ban chấp hành VFF khi số này đều là người của mình? Vị này sau một hồi ngập ngừng đã nói cứng: “Tôi không có gì phải sợ vì cứ theo luật mà làm, và tôi đã đề xuất treo sân Hàng Đẫy một trận bên cạnh việc phạt tiền”.

Cuộc họp của ban kỷ luật VFF sáng 24-4 để ra án với vụ CĐV Hải Phòng đốt pháo trên sân Hàng Đẫy rất căng thẳng, nhiều người ra ngoài hút thuốc với vẻ mặt trầm trọng. Đến khoảng 11h30, ông Vũ Xuân Thành - trưởng ban kỷ luật - bước ra khỏi phòng và tuyên bố cuộc họp đã kết thúc. Phát biểu với báo chí, ông Thành nói: “Sân Hàng Đẫy bị treo 1 trận và phạt 70 triệu đồng. CLB Hải Phòng bị phạt 70 triệu đồng và không bị treo sân vì sự việc xảy ra trên sân Hàng Đẫy chứ không phải sân của Hải Phòng. Lý do vì BTC sân Hàng Đẫy đã chưa hoàn thành nhiệm vụ trong việc kiểm soát an ninh, để CĐV đất cảng đốt quá nhiều pháo sáng, gây uy hiếp an toàn trận đấu”.

Thế nhưng, ông Thành và một số người dự cuộc họp của ban kỷ luật sáng 24-4 cũng không lường được diễn biến sau đó. Đương nhiên, vị “chủ sân” Hàng Đẫy đầy quyền lực đã phản ứng mạnh bằng khiếu nại gửi đi từ CLB Hà Nội. Để rồi hai ngày sau - ngày 26-4 - ban giải quyết khiếu nại của VFF đã hủy án treo sân Hàng Đẫy. Ban giải quyết khiếu nại giải thích cho quyết định hủy án: “Nếu đóng cửa sân Hàng Đẫy vì lý do CĐV Hải Phòng vi phạm thì sẽ ảnh hưởng đến CĐV của các CLB khác và người hâm mộ bóng đá chân chính. Trận đấu Hà Nội - TP.HCM sắp tới rất được chờ đợi, được tổ chức đúng dịp nghỉ lễ, cần được tổ chức có số đông CĐV, tạo khí thế trong những ngày hội”.

Ai cũng biết, nhưng...

Đêm 26-4, sau khi ban giải quyết khiếu nại hủy án treo sân Hàng Đẫy, ông Trần Anh Tú - chủ tịch hội đồng quản trị VPF (công ty tổ chức V-League) - đã đăng lên Facebook cá nhân dòng tâm trạng: “Thế này thì sẽ như thế nào!???”. Hầu hết những bình luận với dòng trạng thái này đều xoay quanh vụ “bẻ án” của ban giải quyết khiếu nại. Ai cũng hiểu ông Tú muốn nói gì, nhưng cũng hiểu được sự bất lực của ông.

Chia sẻ với chúng tôi, một thành viên hội đồng quản trị VPF nói: “Tôi chán lắm rồi, tôi mất công mất sức làm việc nhưng công cốc cả. Giờ VPF, VFF nói ai còn tin, ai còn nghe theo khi mà VFF đã hành xử bất nhất, thiếu công bằng như vậy. Bóng đá VN đang có lợi thế sau thành công ở cấp độ ĐTQG nhưng với cách hành xử bất nhất, hay nói thẳng ra là hèn nhát của VFF, sẽ khiến cho bóng đá VN đi xuống”.

Câu chuyện một đại gia khuynh đảo cả một nền bóng đá bằng cách nuôi nhiều đội bóng cùng dự V-League, rồi lãnh đạo các đội ấy cùng ngồi trong bộ máy điều hành bóng đá Việt - VFF - đã được dư luận cảnh báo từ rất lâu, và những hệ lụy đang ngày càng lộ rõ, mới nhất là vụ hai ban chức năng của VFF “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” trong vụ xử lý sân Hàng Đẫy.

Điều bi đát là ai cũng biết, ai cũng thấy nhưng chả mấy ai dám lên tiếng! Hay cũng có vài người dũng cảm muốn thoát khỏi vòng cương tỏa, như một vài vị ở ban kỷ luật, song kết quả thì mọi người đã thấy. Một đồng nghiệp trẻ ở báo Tiền Phong đã cùng chúng tôi kiên trì lên tiếng nạn “một ông chủ của nhiều đội bóng” từ mấy năm nay, đã phải đau xót than thở: Chán quá rồi! Muốn đấu tranh để xây dựng một nền bóng đá tử tế mà ngày càng vô vọng!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận