TTCT - Gần đây, ngành giáo dục chủ trương đưa các em học sinh khuyết tật vào học chung với các em phát triển bình thường, giúp các em hòa nhập. Thầy cô được hướng dẫn nghiệp vụ giảng dạy cũng như chăm sóc các em, nhưng chuyện không đơn giản. Phóng to Với nhiều trẻ khuyết tật học hòa nhập, điều quan trọng là người thầy biết động viên, khuyến khích đúng cách Trẻ bị khuyết tật được đưa vào trường học bình thường nhằm giúp các em hòa nhập với thế giới bình thường là những em có khả năng. Nhưng khả năng quay lại thế giới bình thường của các em cũng mong manh lắm, bởi phụ thuộc rất nhiều vào cách chúng ta kích thích, động viên và tiếp sức cho các em. Cần chữ “tâm” ở người thầy Thầy cô ở các lớp học có trẻ khuyết tật cần được tập huấn và cung cấp tài liệu nhiều hơn về tâm lý, cập nhật về bệnh lý của trẻ để có được nền tảng vững chắc. Cần có sự liên kết, chia sẻ kiến thức giữa trường học và các cơ sở nghiên cứu, bệnh viện chuyên điều trị trẻ khuyết tật. Trường hợp trẻ bị khuyết tật vận động thì năng lực nhận thức và tiếp thu bài giảng cũng như hoàn thành các kỹ năng trong cuộc sống là tương đối. Vấn đề đáng chú ý là hình thành ý chí tự tin, không mặc cảm, tự ti trước mọi người, nhất là các bạn cùng lớp. Việc giúp trẻ tham gia tích cực vào các hoạt động tập thể là rất cần thiết vì các em thường có lối sống khép kín. Các em học sinh cùng lớp chưa thật sự hiểu, đôi khi trêu chọc bạn là những thực tế mà giáo viên cần hiểu và tìm cách xóa nhòa ngăn trở đó. Người thầy cần chú ý hướng dẫn trẻ cách ghi bài tóm tắt, không nhất thiết phải giống như các bạn, miễn sao đủ ý và chính xác. Khi kiểm tra, đánh giá cũng không nên quá cứng nhắc, đóng khuôn như đáp án và quan trọng là nên minh bạch trước lớp về sự linh động này để tạo tâm lý nhẹ nhàng cho các em. Với trẻ bị khuyết tật nghe, nói thì khó khăn lớn hơn. Các em thường sợ phải đối thoại với thầy cô và các bạn. Để khuyến khích các em nói, câu hỏi cần ngắn gọn, kèm theo đó là sự động viên, khen ngợi... Thời gian nghỉ giữa các tiết nên tiếp xúc, kiên nhẫn lắng nghe trẻ nói chuyện. Khuyến khích bạn cùng lớp gần gũi, tâm tình cùng trẻ. Hướng dẫn trẻ đọc báo, tập nói ở nhà và mạnh dạn khi ở lớp. Cần xây dựng lòng tin nơi trẻ. Ban đầu sẽ là những câu ngắn gọn, dần dần sẽ là câu có nhiều từ cũng như yêu cầu về phần diễn đạt. Cũng như trẻ bị khuyết tật vận động, trẻ khuyết tật nghe nói luôn thiếu tự tin khi đứng trước tập thể nên quan trọng nhất là chiến thắng bản thân, tiếp nhận sự thân thiện từ thầy cô và bạn bè. Việc xây dựng môi trường chan hòa tình thân ái sẽ là yếu tố quan trọng giúp trẻ thật sự hòa nhập cùng cộng đồng. Kiến thức và sự sẻ chia Nhưng khó khăn nhất đối với người thầy là trẻ bị khuyết tật về trí tuệ. Các chuyên gia tâm lý đã cảnh báo điều khó khăn nhất là kéo các em ra khỏi thế giới riêng để hòa nhập. Nhưng điều khó hơn, nếu làm không khéo trẻ sẽ đóng kín cánh cửa thì cơ hội càng mong manh. Trẻ biết thực hiện các yêu cầu về tác phong, quần áo chỉnh tề, mang đủ sách giáo khoa, ngồi đúng vị trí trong lớp... Nhưng khi cần hoạt động tư duy, trẻ gặp khó khăn thật sự. Việc chậm tiếp thu, khó nhớ, không nhớ được lâu, không viết được đúng từng con chữ là rất thường xảy ra. Thầy cô ở trường phổ thông chỉ được tập huấn trong một thời gian ngắn, không phải được đào tạo chuyên ngành nên gặp rất nhiều khó khăn trong dạy trẻ khuyết tật trí tuệ. Cho dù thầy cô đã quan tâm đến các em, chấp nhận khả năng tiếp thu của trẻ chỉ ở mức độ nào đó, khi chấm bài cũng linh động, “thoáng hơn”, nhưng kết quả cũng thật khó đạt yêu cầu. Thời lượng 45 phút cho mỗi tiết học quả là “vấn đề” đối với thầy cô khi phải dừng lại với các em khuyết tật lâu hơn. Trẻ khuyết tật học chung một bộ sách với trẻ bình thường là quá sức với các em. Người thầy chỉ còn cách ”nâng đỡ” để các em đạt yêu cầu, nhưng làm như vậy là không đúng thực chất giảng dạy, không đạt tới mục đích chung là giúp các em hòa nhập. Giáo viên được yêu cầu trong mỗi giáo án phải luôn có phần nội dung, phương pháp, kể cả các câu hỏi khi dạy trên lớp dành cho trẻ khuyết tật song song với phần dành cho trẻ bình thường. Thật ra đây chỉ là việc làm hình thức chứng minh có quan tâm đến trẻ khuyết tật. Thực tế là công việc của người thầy chứ không phải là những dòng giáo án để trình diễn. Cuối cùng là việc thực hiện chính sách cho các thầy cô dạy lớp có trẻ khuyết tật chưa được minh bạch. Có nơi có phụ cấp, nhưng có nơi không thực hiện gì kể cả trường được chọn dạy thí điểm, nên thầy cô thật sự băn khoăn vì các hoạt động dạy trẻ khuyết tật đòi hỏi nhiều hơn. Tags: Trẻ khuyết tậtDạy trẻGiảng dạyHòa nhập
Mở chiếc rương di cảo của sử gia Trần Trọng Kim VIỆT ANH (VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM) 02/07/2025 1990 từ
"Ba người vượt ngục Guyane": Để tin yêu - dù cuộc đời có những éo le lịch sử NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI 01/07/2025 2011 từ
Tin tức thế giới 4-7: Mỹ thông qua 'siêu luật hoàn mỹ'; Nga công nhận chính phủ Afghanistan NGỌC ĐỨC 04/07/2025 Siêu luật Lớn và Hoàn mỹ được thông qua; Kết quả điện đàm lần 6 giữa hai ông Trump - Putin; Nga công nhận chính phủ Afghanistan; Ông Trump sắp công bố thuế mới cho các nước chưa đạt thỏa thuận thương mại... là một số tin tức thế giới sáng 4-7.
Khám bảo hiểm y tế sau sáp nhập thế nào? DƯƠNG LIỄU 04/07/2025 Không còn xã, cũng chẳng còn huyện hay tỉnh như thông tin đã ghi trên thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) nhiều người dân băn khoăn liệu có thể khám chữa bệnh BHYT hay phải đổi lại thẻ BHYT?
Bình Hưng Hòa giã từ 'đất chết buồn hiu' PHƯƠNG NHI 04/07/2025 Từ một "vùng đất buồn hiu của người chết", nghĩa trang Bình Hưng Hòa ở quận Bình Tân (cũ) nay dần bừng lên sức sống mới. Ngôi trường tiểu học đầu tiên đang được xây dựng, máy móc rộn ràng, công nhân tất bật thi công suốt ngày đêm.
Vì sao Jota không đáp máy bay, lại chọn đi đường bộ và gặp tai nạn? ĐỨC KHUÊ 04/07/2025 Tiền đạo quá cố Diogo Jota gặp tai nạn và qua đời khi đang trên đường trở về Liverpool chuẩn bị cho mùa giải mới.