"Đến với Việt Nam" giữa lòng châu Âu

THANH LUYẾN 12/10/2016 02:10 GMT+7

TTCT - Câu đầu tiên trong cuốn catalogue dày 600 trang bằng tiếng Đức của trưng bày “Báu vật khảo cổ học Việt Nam”, tiến sĩ khảo cổ Andreas Reinecke đã trích dẫn câu tục ngữ “Có chí thì nên” bằng tiếng Việt. Bốn từ ấy đong đầy bao nhiêu năm tháng khó khăn đã đi qua.

Xích lô, nón lá cùng với Sandra Maus rong ruổi trên các đường phố Đức-Stefan Leenen
Xích lô, nón lá cùng với Sandra Maus rong ruổi trên các đường phố Đức-Stefan Leenen

Một chiều thu năm 2005, cuộc gặp đầu tiên của những người làm khảo cổ và bảo tàng Đức tại Bảo tàng Khảo cổ học bang Westfalen, ở TP Herne diễn ra để chỉ nói về ý tưởng “Khảo cổ học VN có phải là một đề tài hay để trưng bày không?”.

Trong số những người có mặt hôm đó, có người đã thân quen với VN, có người chỉ biết về đất nước này qua tivi, sách báo hoặc qua bóng dáng những người Việt tảo tần trên khắp nước Đức.

Lịch sử, văn hóa, bản sắc con người Việt cứ lớn dần lên qua từng chuyện kể, câu hỏi. Khi cuộc gặp kết thúc, những ý tưởng sơ khởi về cuộc trưng bày hình thành: khảo cổ và mỹ thuật, hay khảo cổ và nghề thủ công VN.

Nhiều ấn bản về Việt Nam cũng đồng loạt được ấn hành phục vụ triển lãm-Stefan Leenen
Nhiều ấn bản về Việt Nam cũng đồng loạt được ấn hành phục vụ triển lãm-Stefan Leenen

 

Hành trình bền bỉ

Sau lần gặp gỡ ấy, bà Barbara Rüschoff-Thale, giám đốc tiền nhiệm Bảo tàng Herne, đã đến VN với tư cách khách du lịch. Bà mua vé thăm các bảo tàng, nhìn ngắm các di vật từ góc nhìn của một người thưởng lãm bình thường để cảm nhận một cách khách quan nhất về một nền văn hóa khác.

Còn nhà khảo cổ học Andreas Reinecke, phụ trách nghiên cứu khu vực Đông Nam Á của Viện Khảo cổ học quốc gia Đức, lại nhìn về khảo cổ học VN với di vật và các nền văn hóa cụ thể hơn. Bởi đến thời điểm ấy, ông đã làm việc ở VN cùng các nhà khảo cổ học bản địa hơn 10 năm.

Ông đánh giá cao sự quan tâm của Chính phủ đến công việc khảo cổ và ấn tượng với sự nhiệt thành, chăm chỉ của các nhà khảo cổ Việt. Trên nền tảng các nghiên cứu từ sớm của những nhà khảo cổ Pháp thời thuộc địa, tại VN đã phát hiện những di vật quan trọng, góp phần khẳng định vị trí văn hóa Việt trong dòng chảy tiền sử, lịch sử nhân loại.

Mong ước giới thiệu các di vật tiêu biểu là thành quả của chính các nhà khảo cổ học VN cứ đau đáu trong ông. “Có quá nhiều di vật hay, sẽ rất tiếc nếu chúng không được giới thiệu ra thế giới” - ông nói.

Khi chiếc xe chở các cổ vật về đến bảo tàng trong niềm vui trào dâng, mọi người dường như quên hết bao khó khăn, bất đồng của 11 năm chuẩn bị. Từ những ngày đầu tiên, các nhà tổ chức vấp phải tảng đá lớn khi tìm nhân sự am hiểu VN để tham gia dự án. Phong cách tổ chức công việc Đông - Tây khác biệt cũng từng tạo nên những nút thắt nối tiếp nhau tưởng chừng rất khó gỡ.

Năm 2008, tiến sĩ Josef Mühlenbrock tiếp nhận vị trí lãnh đạo Bảo tàng Khảo cổ Herne, cũng là lúc ông chính thức tham gia dự án này.

Phía Đức đã chủ động phối hợp với các đối tác VN tổ chức hội thảo quốc tế về khảo cổ tại Hà Nội vào đầu năm 2012 với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước. Họ muốn lắng nghe, tìm hiểu nhiều hơn về khảo cổ học VN để việc tổ chức hoàn thiện hơn. Mọi hoạt động diễn ra đều xoay quanh đề cương với tên gọi “Từ đất nước rồng bay lên - Báu vật khảo cổ học và văn hóa VN”.

Giám tuyển chính của trưng bày, tiến sĩ Andreas Reinecke nói ông khó nhớ hết những chuyến đi cùng các nhà tổ chức phía Đức với sự giúp đỡ của Viện Khảo cổ học VN, Bảo tàng Lịch sử quốc gia VN, dọc chiều dài VN để chọn di vật đưa vào danh mục trưng bày.

Di vật chọn trưng bày đa dạng, tiêu biểu trải dài từ Bắc vào Nam, xuyên suốt từ hậu kỳ đá mới, thời đại kim khí, thời đại nhà Nguyễn đến đầu thế kỷ 20. Triển lãm chính thức được đặt tên “Báu vật khảo cổ học VN”.

Ngay khi danh mục di vật được trình lên Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, một khó khăn pháp lý mới nảy sinh. Trong danh mục xin mượn có hai hiện vật nằm trong danh sách bảo vật quốc gia là nhóm di vật mộ thuyền Việt Khê (Văn hóa Đông Sơn) và tượng động vật Dốc Chùa (Văn hóa Đồng Nai).

Cho đến lúc đó, việc đưa bảo vật ra nước ngoài trưng bày là điều chưa có tiền lệ. Thấu hiểu sự tha thiết được mượn các bảo vật ấy để cuộc triển lãm đúng như tên gọi, các cơ quan hữu quan phía VN đã nhiệt tình giúp đỡ. Và sau khi có sự phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, các bảo vật và cổ vật đã lên đường sang Đức.

Hiện vật được đưa vào tủ trưng bày tại Bảo tàng Herne-Thanh Luyến
Hiện vật được đưa vào tủ trưng bày tại Bảo tàng Herne-Thanh Luyến

 

Tháp Chăm ở Herne

Triển lãm khai mạc ngày 6-10 năm nay tại Trung tâm Văn hóa TP Herne. Bên cạnh các di vật khảo cổ - yếu tố chính của cuộc trưng bày, các nhà tổ chức cố gắng lồng ghép, sắp đặt các hiện vật giữa không gian và thời gian gần gũi với nơi chúng được phát hiện.

Trong gian trưng bày Thời kỳ đồ đồng, những người thợ cẩn thận ghép từng thanh tre tượng trưng cho các gian nhà tre Việt. Ở góc khác là bộ rối nước. Nhóm phóng viên của Đài truyền hình TV miền Tây Đức (WDR) ngược xuôi từ kho lên nhà trưng bày vì không muốn bỏ lỡ khuôn hình thú vị nào. Mô hình tháp Chăm cao 8m trong cụm tháp Po Klong Garai sừng sững giữa phòng bình lặng nhìn mọi việc xung quanh...

Trước triển lãm, hai cán bộ từ Bảo tàng Lịch sử quốc gia VN trực tiếp sang cùng nhân viên bảo tàng và đại diện công ty bảo hiểm mở niêm phong từng hiện vật. Với việc tổ chức trưng bày chuyên nghiệp, tận tâm, Bảo tàng Herne không giới thiệu một cuộc trưng bày thụ động bằng việc đặt các di vật vào tủ kính và chờ khách tham quan. Hàng loạt hoạt động bên lề diễn ra sôi động, nhằm đưa thông tin đến từng công chúng.

Ngoài họp báo ở Đức, họ đưa các nhà báo Đức sang VN để theo sát quá trình từ khi di vật được tập kết ở kho của Bảo tàng Lịch sử quốc gia VN tại Hà Nội. Nhiều bài báo nghiên cứu chuyên ngành cũng xuất hiện trên các tạp chí nghiên cứu khảo cổ uy tín.

Những đêm sự kiện với các bài thuyết trình về VN nhận được phản hồi tích cực từ công chúng. Nhiều buổi tham quan riêng, miễn phí cho người khuyết tật, học sinh đã được thông báo trước.

Các hoạt động dành cho nhóm gia đình, các buổi thảo luận cho những nhà nghiên cứu, các cuộc giới thiệu, tái hiện nghề thủ công cũng sẽ là những cách thú vị để công chúng không chỉ đến xem rồi về mà còn được hòa mình vào không gian văn hóa khác.

Nữ nhân viên Sandra Maus hào hứng kể lại những buổi chiều cuối tuần được anh bạn đồng nghiệp chở bằng xích lô kéo: “Phút đầu tiên chúng tôi gần như chẳng cần nói gì. Mọi người nhìn thấy tôi ngồi trên xích lô, đội nón lá và hỏi ngay cả bằng lời và bằng ánh mắt sửng sốt: Có chuyện gì đấy?”.

Thế là cô kể với mọi người về công việc cô đang làm, về VN và cuộc trưng bày sắp diễn ra. Cô nhận được nhiều sự quan tâm, thắc mắc về VN nói chung và cuộc triển lãm nói riêng. Mọi người thích thú chụp hình với xích lô và tham gia dự thưởng một chuyến du lịch VN vào năm sau.

Hành trình trên chiếc xích lô của cô còn tiếp diễn qua các thành phố như Düsseldorf, Dortmund, Münster... Cô cười to, nói: “Đây là công việc thú vị nhất mà tôi từng làm”.

Giám đốc Bảo tàng Herne, ông Josef Mühlenbrock, hi vọng triển lãm không chỉ thu hút công chúng Đức mà còn mở rộng sang các nước lân cận như Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch... Có nhiều người đã, đang quan tâm hoặc nghe đến VN nhưng chưa có dịp sang nên đây là cơ hội tốt nhất để “đến với VN” ngay giữa lòng châu Âu.■

Các báu vật khảo cổ của VN đã và sẽ ra mắt công chúng Đức qua trưng bày chuyên đề của ba bảo tàng: Bảo tàng Khảo cổ học bang Westfalen tại Herne (7-10-2016 đến 26-2-2017), Bảo tàng Khảo cổ học quốc gia Chemnitz tại Chemnitz (30-3 đến 20-8-2017) và Bảo tàng Reiss-Engelhorn tại Mannheim (16-9-2017 đến 7-1-2018).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận