Game show Mỹ: Sau 100 năm, vẫn là giấc mơ đổi đời

MI LY 09/07/2021 23:05 GMT+7

TTCT - Một trung tâm lưu trữ đang được hình thành để gìn giữ lịch sử nay đã trăm năm của game show Mỹ, thứ đã trở thành một nét văn hóa, một cánh cửa đến giấc mơ Mỹ, một cơ hội để hiện thực hóa giấc mơ đổi đời.


 
 Art Fleming dẫn chương trình "Jeopardy!" vào thập niên 1960. Ảnh: Bảo tàng The Strong

Trong tập phát sóng ngày 2-6-2004, anh chàng kỹ sư phần mềm 32 tuổi Ken Jennings ngồi lên ghế nóng của một trong những game show giải đố nổi tiếng nhất nước Mỹ, “Jeopardy!” và từ đó... không bước xuống nữa, cho đến 182 ngày phát sóng sau đó.

Luật của chương trình là người thắng trong tập này sẽ tiếp tục thi đấu ở chương trình kế tiếp, và ngày 30-11-2004, chuỗi 74 chiến thắng liên tiếp của Jennings tại “Jeopardy!” mới kết thúc vì thất bại trước đối thủ Nancy Zerg.

Triệu phú giải đố

Ken Jennings là huyền thoại trong giới săn giải game show, lập kỷ lục người có chuỗi chiến thắng dài nhất trong một game show giải đố ở Mỹ, và cũng đang giữ vị trí người chơi kiếm được số tiền thưởng lớn nhất từ các game show Mỹ với 5,2 triệu USD từ “Jeopardy!”, “Are you smarter than a 5th grader?” (được Việt hóa với tên Ai thông minh hơn học sinh lớp 5?), “Grand Slam”, “Who wants to be a millionaire” (Ai là triệu phú) và “1 vs. 100” (Đấu trường 100).

Không chỉ Jennings, còn có Brad Rutter, James Holzhauer, Andrew Kravis, Kevin Olmstead, Ed Toutant... nối dài danh sách những triệu phú đi ra từ game show ở Mỹ. Họ chủ yếu chơi “Jeopardy!”, “Who wants to be a millionaire” hay “Million dollar mind game”.

Danh tiếng từ game show giúp họ phát triển sự nghiệp riêng với tư cách ngôi sao truyền hình, người dẫn chương trình truyền hình, tác giả sách bán chạy (cũng viết về trải nghiệm với game show), chiến đấu với siêu máy tính Watson... Và đúng, bao nhiêu con người đã đổi đời nhờ chiến thắng từ game show.

Đặc điểm chung của các game show này là những câu hỏi, câu đố về mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Và không một ai có thể hiểu biết sâu rộng về mọi lĩnh vực trong cuộc sống, chỉ là có phổ kiến thức rộng đến đâu mà thôi. Chủ đề của “Jeopardy!” trải rộng từ văn chương Shakespeare đến dịch vụ FedEx và tên vận động viên lập kỷ lục Olympics, còn người chơi game show đoán chữ “Password” phải vận dụng mọi kiến thức mình có và khả năng ứng biến để giúp đồng đội đoán ra “mật khẩu” là từ được chương trình đưa ra.

Trong “The price is right” (Hãy chọn giá đúng), quá rõ ràng rồi, người chơi không thể là tay mơ về mua sắm mà phải thực sự nắm bắt được giá cả thị trường của nhiều ngành hàng cũng như có khả năng suy luận, tính nhẩm nhanh nhạy.

Nói cách khác, các game show này góp phần chứng minh trí tuệ con người rất phong phú, đa dạng và mỗi chúng ta cũng có thể trở thành bậc thầy trong một lĩnh vực nào đó. Do đó, người chiến thắng trong các game show này hẳn có năng lực trí tuệ vượt trội nhưng cũng phụ thuộc rất nhiều vào may rủi và tinh thần khi thi đấu.

Alex Trebek. Ảnh: CNN

Vẫn màu mỡ cơ hội đổi đời

Với format thi đấu kịch tính, đôi khi “được ăn cả, ngã về không”, khán giả game show không chỉ là người xem qua màn ảnh hay tại trường quay. Theo một cách nào đó, họ cũng “chơi”. Christopher Bensch, phó chủ tịch mảng sưu tập của Bảo tàng đồ chơi The Strong ở Rochester, New York (Mỹ), phân tích: “Game show cũng là một hình thức vui chơi cho cả người tham gia và người xem”.

Robert Thompson - giáo sư truyền hình và văn hóa đại chúng tại Đại học Syracuse (New York) - cho biết: “Một khi ai đó chiến thắng trong game show, khán giả sẽ có suy nghĩ: Chà, mình cũng có thể thắng”. Các khán giả xem chương trình “Jeopardy!” phấn khích gào lên câu trả lời cho từng câu hỏi vì họ có cảm giác chính mình đang ở trong cuộc đấu trí tuệ ấy.

Xem cách mọi tầng lớp dân chúng ở Ấn Độ hồi hộp đồng hành cùng hành trình thi đấu “Ai là triệu phú” của anh chàng Jamal Malik trong bộ phim Triệu phú khu ổ chuột, có thể thấy khán giả cảm thấy họ là một phần không thể thiếu của game show dạng này.

Họ khát khao chứng kiến một con người đơn lẻ, đại diện cho tầng lớp nghèo khổ trong xã hội, có thể đạt được khoảnh khắc “from zero to hero” (thành công từ tay trắng) của cuộc đời. Chiến thắng của Malik được tô vẽ như thể một chiến thắng của toàn thể dân nghèo khu ổ chuột.

 
 Ảnh: Flavour Venue

Ngày nay, nguồn cảm hứng “from zero to hero” từ game show không còn quá mạnh mẽ do bị nhiều nhà sản xuất lạm dụng, tô vẽ quá trớn, đôi khi thiếu thực tế và khiến công chúng hoài nghi. Môtip “from zero to hero” cũng tỏ ra không cần thiết với những chương trình game show có người nổi tiếng tham gia.

Thế nhưng, game show với lượng khán giả đông đảo, lên đến hàng trăm triệu, vẫn là mảnh đất màu mỡ cho những cơ hội đổi đời. Bên cạnh đó, khán giả tìm đến với game show không chỉ vì những câu chuyện truyền cảm hứng đầy nhân văn, phần lớn đơn giản tìm kiếm một nhu cầu cơ bản thôi: giải trí. Mà game show Mỹ thì vẫn luôn dồi dào tính giải trí, đầy hài hước và tươi mới.

Do đó, game show ở Mỹ vẫn có sức sống mạnh mẽ sau một thế kỷ. Ngày 14-1-2020, nghĩa là chỉ năm ngoái thôi, 13 triệu khán giả đã cùng theo dõi cuộc đấu tìm ra Người chơi vĩ đại nhất mọi thời đại của “Jeopardy!”. Người chiến thắng không ai khác chính là Ken Jennings (nay đã 47 tuổi) với giải thưởng 1 triệu USD.

Và lần này, khán giả không chỉ xem qua tivi nữa, họ đã có hệ thống streaming, YouTube và các loại mạng xã hội để bình luận từng tình tiết. Nói vậy để thấy game show vẫn sống, dù cách tiếp cận khán giả đã qua đến mấy đời, từ chiếc tivi và sóng truyền hình xưa cũ đến những thiết bị thông minh, mạng không dây ngày nay.

Bê bối gian lận

Thập niên 1950 là thời điểm xảy ra một trong những bê bối lớn nhất, đe dọa sự tồn tại của thể loại game show giải đố Mỹ: “Quiz show scandals”. Khán giả nghi ngờ các game show như “Twenty-One”, “The big surprise”, “Dotto” gian lận bằng cách tuồn kết quả cho thí sinh để sắp xếp trước các chiến thắng ngoạn mục, qua đó thu hút lượng người xem lớn.

Nguyên nhân được cho là nếu không gian lận, các thí sinh sẽ trả lời sai nhiều câu hỏi dẫn đến sự thất bại của format “giải đố giành giải thưởng lớn”, khiến khán giả nhạo báng chương trình.

Nghi vấn gian lận xảy ra khi một số thí sinh có lời tố cáo, kiện cáo dẫn đến các cuộc điều tra chính thức, uy tín nhiều thí sinh và nhà sản xuất bị hoen ố... Năm 1960, Quốc hội Mỹ sửa đổi luật truyền thông năm 1934, quy định cấm dàn xếp kết quả các chương trình giải đố.

Bảo tàng cho trăm năm game show

Kể từ năm 1923 với game show giải đố đầu tiên trên sóng phát thanh, rồi đến sự phát triển game show truyền hình cuối thập niên 1930, đến nay, game show tại Mỹ đã có lịch sử gần 100 năm và được đưa vào bảo tàng riêng. 

Ngày 9-6, Bảo tàng The Strong công bố kế hoạch mở Trung tâm lưu trữ quốc gia về lịch sử game show, làm nơi lưu giữ những tư liệu về các chương trình như kịch bản, thiết kế bối cảnh, đạo cụ, kế hoạch sản xuất, tài liệu tiếp thị, kế hoạch sáng tạo và kỹ thuật... 

Ngoài việc khai thác từ các nhà sản xuất, đạo diễn, nhà thiết kế, giám đốc điều hành và nhân viên các đoàn sản xuất game show trong 100 năm qua, bản thân 2 giám tuyển Bob Boden và Howard Blumenthal cũng là những nhà sản xuất truyền hình kỳ cựu, sở hữu những bộ sưu tập cá nhân đồ sộ.

“Tôi vẫn thường nói rằng game show giống như nhạc jazz và truyện tranh, đều là những loại hình nghệ thuật tuyệt vời của Mỹ, nhưng game show thường bị nhiều người coi là thể loại “mì ăn liền”. Tôi rất vui vì nỗ lực mới này sẽ giúp nhìn nhận game show một cách nghiêm túc cũng như lưu trữ và bảo tồn lịch sử của game show” - Ken Jennings tán thưởng sự ra đời của trung tâm lưu trữ.

 
 Ảnh: CNN

Nhiều khán giả cũng nuối tiếc khi dự án ra đời có chút muộn màng khi Alex Trebek, huyền thoại truyền hình Mỹ kiêm người dẫn chương trình suốt 34 năm của “Jeopardy!”, vừa qua đời vào năm 2020 vì bệnh ung thư. Ông cũng dẫn một số game show khác như “The wizard of odds”, “Double dare”, “Classic concentration” và “To tell the truth”.

Ra đi ở tuổi 80, Trebek không chỉ là “người đàn ông gợi ý cho người chơi giải đố” mà đã trở thành một biểu tượng của game show Mỹ. Nổi tiếng muộn màng nhưng ông ghi dấu ấn bởi phong cách dẫn vừa điềm tĩnh, đáng tin cậy vừa thân thuộc và gần gũi như một người cha đối với người chơi trong chương trình.

Có lẽ, trong kho lưu trữ quốc gia về lịch sử game show ở Bảo tàng The Strong, những tư liệu và kỷ vật liên quan đến Alex Trebek cũng là một phần quan trọng cần lưu giữ và trưng bày. Ông cũng là người từng ví thành công của các game show Mỹ chứng tỏ sức hấp dẫn dài lâu của “giấc mơ Mỹ”.

Ông từng chia sẻ với tạp chí Smithsonian: “Jeopardy!” là một chương trình rất chất lượng và nó mang lại yếu tố quan trọng đối với một cuộc đời Mỹ: cơ hội. Chúng tôi mang đến cho mọi người cơ hội thi đấu ngay cả khi bạn chỉ là một công dân bình thường. Nền tảng của bạn là gì không quan trọng, bạn có thể thi đấu trong chương trình và tiến xa nếu bạn có kiến thức. Đến với chương trình, bạn có thể thực hiện một trong những giấc mơ đầu tiên của người Mỹ, đó là kiếm được nhiều tiền”.■

 
 Vé xem game show Mỹ, hiện vật mà bảo tàng hướng tới

CNN ngày 21-6 dẫn lời hai nhà đồng sáng lập cho biết trung tâm lưu trữ hiện đang trong giai đoạn sưu tầm hiện vật. Bob và Blumenthal kỳ vọng khán giả, cựu thí sinh, nhà sản xuất sẽ đóng góp mọi thứ liên quan đến các game show đã sản xuất từ thập niên 1950 đến nay để làm phong phú kho lưu trữ. Bản thân hai nhà đồng sáng lập sẽ góp vào hàng ngàn chiếc vé xem các game show trong mấy chục năm qua cùng nhiều tài liệu, hiện vật có liên quan khác.

Các hiện vật có thể sẽ được đăng lên mạng để phục vụ việc khảo cứu trong 1-2 năm tới, còn các buổi triển lãm cho khách viếng thăm có thể sẽ phải đợi đến năm 2023, sau khi dự án mở rộng Bảo tàng The Strong hoàn thành.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận