"Hãy đến thật đông, cả gia đình và ông cháu"

QUANG THÁI 15/12/2013 18:12 GMT+7

TTCT - Giám đốc nghệ thuật Philippe Bouler của buổi trình diễn nghệ thuật bế mạc Năm Pháp - Việt Nam tại dinh Thống Nhất (*) tiếp chúng tôi tại quán cà phê vỉa hè, cách vài phút đi bộ từ khách sạn Sofitel Saigon. Đây là địa điểm ông ưa thích trong những ngày chuẩn bị cho sự kiện đã được đặt hàng từ 14 tháng trước.


Ảnh minh họa chương trình trình diễn tại dinh Thống Nhất

* Liệu có thể nói mọi việc đã hoàn tất, thưa ông?

- Chưa hẳn. Có những việc chúng tôi đã thỏa thuận từ sáu tháng trước qua trao đổi thư điện tử, nay ráp với nhau thì vẫn làm đi làm lại. Chúng tôi không thay đổi hình ảnh và âm nhạc trong vở diễn này, nhưng phải xác định trách nhiệm phần việc.

* Có vẻ ông gặp nhiều thách thức khi được chọn làm đạo diễn chương trình nghệ thuật này?

- Đây là một vinh dự rất lớn cho tôi, nhưng cũng đồng thời là thách thức vì dự án không đơn giản chút nào. Thông thường các nghệ sĩ của nhóm Allumeurs d’Images tại Rennes (Pháp) tự thiết kế hình ảnh và âm nhạc. Nhưng với dự án này tôi yêu cầu họ nghiên cứu nhiều hơn về những truyền thuyết trong văn hóa Việt Nam, đồng thời làm việc với các nhạc sĩ ở hai địa điểm khác nhau: izOrel từ Barcelona, Lê Cát Trọng Lý ở Hà Nội.

Họ phải ghi âm rồi trao đổi qua thư điện tử, trong khi ở buổi diễn tới phải biểu diễn sống. Lần đầu tiên chúng tôi làm việc như vậy nên phải nói thách thức cực kỳ lớn.

* Ông có hài lòng với tiến độ công việc?

- Tôi rất hài lòng khi hình ảnh và âm thanh được kết nối hài hòa, vì trước đó các nghệ sĩ làm việc từ xa và chỉ gặp nhau từ giữa tuần trước. Có thể nói âm nhạc là một sáng tạo Pháp - Việt rất tuyệt vời. Chính sự sáng tạo giúp các nghệ sĩ có phương tiện để cùng hợp tác.

Trong những công việc mà tôi đã làm ở Việt Nam từ nhiều năm qua, nỗi lo của tôi là tìm cách mở rộng cánh cửa cho các nghệ sĩ Việt Nam tham gia, để họ hiểu rằng mình có thể đi xa hơn.

* Và ông đã chọn Lê Cát Trọng Lý?

- Tôi hiểu rất rõ Lý nên lần này đã đề nghị cô ấy dấn sâu hơn vào một thế giới hoàn toàn khác. Cô ấy thật sự tài năng nên kết quả đạt được rất tốt. Việt Nam có nhiều nghệ sĩ tài năng nhưng còn ít được biết đến ở nơi khác. Tôi muốn mọi vở diễn của mình ở Việt Nam luôn mang tính Pháp - Việt.

Lý còn trẻ mà đã chín chắn. Trong vòng 5 năm qua, cô ấy tiến triển rất nhiều. Không chỉ sáng tác và chơi nhạc, Lý còn có chất giọng rất hiếm. Đây là một nghệ sĩ mà tôi rất thích.

Ông Philippe Bouler - Ảnh: Thanh Đạm

* Ông đánh giá một nghệ sĩ không chỉ ở chất giọng...

- Đúng là có nhiều người hát rất hay, nhưng chỉ dừng lại ở chuyện hát. Như tôi đã nói, Lý còn sáng tác nhạc, chơi được nhiều nhạc cụ, phối hợp tốt với nhạc sĩ khác tại các sự kiện mà tôi tổ chức, trong đó có Festival Huế. Lý có nền tảng văn hóa âm nhạc vững chắc, nhờ vậy cô có thế giới của riêng mình, nó đầy chất thơ.

* Với kinh nghiệm tổ chức Festival Huế từ hơn 10 năm qua, ông muốn đưa văn hóa Việt Nam vào vở diễn?

- Vâng, tôi rất quan tâm đến văn hóa Việt Nam. Sở dĩ tôi gắn bó với đất nước các bạn là vì vậy. Thật lòng tôi không tin các chính trị gia và những khẩu hiệu, mà chỉ tin các nghệ sĩ. Khi quyết định cùng nhau hợp tác, chúng tôi thể hiện kết quả bằng sản phẩm. Điều đó thuyết phục hơn lời nói.

* Khi xem một đoạn video clip, chúng tôi có cảm nhận rằng phần âm nhạc mang chất thiền. Ông có tin rằng vở diễn sẽ thuyết phục công chúng rộng rãi?

- Đó chỉ là phần mở đầu vì những hình ảnh kết hợp kể lại truyền thuyết Lạc Long Quân và câu chuyện dựng nước, âm nhạc sau đó sẽ tăng dần và kết thúc mạnh mẽ theo phong cách rock. Riêng phần hình ảnh sẽ mê hoặc công chúng. Ở những buổi diễn của nhóm Allumeurs d’Images tại Pháp, có đến hàng vạn khán giả, từ già lẫn trẻ, đến xem.

* Có lẽ việc chọn dinh Thống Nhất không phải là ngẫu nhiên?

- Đúng vậy. Tôi nhất quyết chọn địa điểm này vì nó mang tính biểu tượng đối với người dân thành phố và có những đặc điểm về mặt kỹ thuật đáp ứng cho buổi trình diễn, với chiều dài mặt tiền của dinh trên 100m dùng làm nền cho các hình ảnh trình chiếu. Khi tổ chức buổi diễn, tôi chỉ quan tâm đến hai yếu tố: nghệ sĩ và công chúng.

Ở TP.HCM không có nhiều địa điểm tiếp đón được một lượng lớn khán giả và để họ có thể nhìn từ xa.

* Trong các buổi diễn lớn thường có thông điệp đi kèm, ông có làm như vậy?

- Tất nhiên có. Nó sẽ được phát chữ to bằng cả hai thứ tiếng trên hình ảnh mặt tiền dinh, đại loại “Chúng tôi yêu các bạn” hay tương tự như vậy. Chúng tôi chỉ muốn thể hiện tình cảm chân thành nhất dành cho đất nước các bạn khi thực hiện dự án này. Tôi đến Việt Nam từ năm 1984, nếu như không yêu đất nước này thì tôi đâu có trở lại mỗi năm 4-5 lần.

* Vậy ông đã được “Việt hóa” chưa?

- Tôi chưa nói được tiếng Việt. Có thể tôi chờ đến lúc nghỉ hưu để học (cười).

* Ông muốn nói gì với công chúng ở buổi diễn này?

- Hãy đến thật đông, cả gia đình và ông cháu. Thứ sáu ngày 13 ở Pháp không được xem là may mắn, nhưng tôi đã cố ý chọn ngày này từ một năm trước vì tôi nghĩ nó mang lại hạnh phúc.

* Xin cảm ơn ông.


 

Từ một cơ duyên 5 năm trước

“Tôi có hỏi vì sao lại chọn tôi cho chương trình này mà không phải những giọng hát Việt Nam tuyệt vời khác, ông Philippe Bouler nói rằng cái ông cần là một giọng hát mang thông điệp phù hợp với câu chuyện về lịch sử của một vùng đất thông qua những hình ảnh trong sáng nhưng vẫn đầy ma thuật” - Lê Cát Trọng Lý giải thích lý do cô là nghệ sĩ Việt Nam duy nhất góp mặt trong chương trình Trình diễn hình ảnh và âm nhạc tại dinh Thống Nhất TP.HCM, khép lại chuỗi các hoạt động văn hóa kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Pháp - Việt Nam.

Thật ra cơ duyên này đã đến từ năm năm trước. Đến xem Lý diễn ở quán cà phê Yên, Philippe Bouler đã bị cuốn hút bởi giọng ca trong trẻo, ngẫu hứng nhưng vẫn đầy tình cảm cùng chất nhạc chân phương của cô gái người Đà Nẵng. Ngay lập tức, ông mời Lý tham gia Festival Huế năm đó (2008), để rồi họ cùng bước vào một hành trình âm nhạc đầy những vui đùa và thử nghiệm: trình diễn cùng Francis Cabrel, tham gia dự án Oh là là...

Lý tâm sự: “Đó cũng là lúc tôi chập chững bước vào con đường âm nhạc. Chính Philippe đã cho tôi rất nhiều lời khuyên mà càng về sau tôi càng nhận ra giá trị của nó”.

Xuất thân là sinh viên khoa violon của Nhạc viện TP.HCM, Lý say mê những sắc màu của âm nhạc dân gian. Cô quyết định dọn ra Hà Nội sống suốt hai năm nay để thụ hưởng trọn vẹn đời sống của âm nhạc dân tộc. Sẽ không ngạc nhiên khi phần trình diễn “sống” của Lý tại dinh Thống Nhất thấm đẫm tính dân tộc. Đó là từng câu hát nhẹ như lời ru, kể về sự tích Lạc Long Quân - Âu Cơ cho đến lời ca nồng nhiệt hăng say của những ngày xây dựng đất nước...

Lý nhớ lại: “Khi nhận lời mời tham gia chương trình, tôi nghĩ đơn giản rằng sẽ có ai đó làm nhạc cho tôi hát. Đến ngày 20-9, khi nhận được những đoạn nhạc nền đầu tiên của nhạc sĩ izOrel từ Barcelona, tôi giật mình khi biết rằng mình phải viết giai điệu và lời hát trên phần nhạc nền này”.

Cái khó là vào thời điểm đó cả Lý lẫn izOrel đều chưa được xem qua đoạn phim vẽ bằng ánh sáng do nhóm kỹ sư/nghệ sĩ hình ảnh của Allumeurs d’Images (Pháp) thực hiện. Vì vậy, cả hai cũng chỉ viết những đoạn nhạc dựa theo một kịch bản dài 15 phút gồm sáu phần từ thời Lạc Long Quân đến Việt Nam đương đại.

Vài chục đoạn nhạc thử nghiệm và cả trăm thư điện tử gửi qua lại giữa người làm nhạc nền, người làm giai điệu và người vẽ hình ảnh cho cùng một sản phẩm nghệ thuật như lần này là điều Lý chưa từng trải qua.

Dù tác phẩm đặc biệt này ra mắt ngày 13-12, nhưng đến ngày 10-12 Lý và izOrel vẫn còn gặp nhau để chỉnh sửa một số đoạn nhạc và lời ca cho phù hợp hơn với hình ảnh. Lý tiết lộ: “Anh izOrel sẽ biến hóa thêm một số thứ, riêng tôi sẽ thêm vào một vài âm thanh của tù và, cồng chiêng...”.

THIÊN TÚ


(*): Năm 2013 đánh dấu 40 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Pháp, theo đó Năm Pháp - Việt Nam được tổ chức từ tháng 4-2013 tại Việt Nam và Năm Việt Nam - Pháp triển khai tại Pháp từ giữa năm 2014. Chương trình nghệ thuật ở Dinh Thống Nhất được xem là bế mạc của Năm Pháp - Việt Nam, diễn ra từ 19g trong hai ngày 13 và 14-12, mỗi đêm có bảy lần trình diễn, mỗi lần 15 phút, vào cửa tự do.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận