Hoa hậu không cần là người đẹp nhất

ANH NGỌC 31/12/2011 10:12 GMT+7

TTCT - Trừ phi có một biến cố làm đảo lộn mọi dự đoán tại buổi lễ trao giải ngày 9-1-2012, Quả bóng vàng thứ ba liên tiếp mới có thể tuột khỏi tay Lionel Messi để anh sánh ngang với những Johan Cruyff, Michel Platini và Van Basten về số lượng danh hiệu cá nhân cao quý này khi mới 24 tuổi.

Phóng to
Messi và Quả bóng vàng 2010 - Ảnh: Reuters

Từ hai năm qua, người hâm mộ xem bóng đá theo phản xạ kiểu Pavlov: cứ thấy Messi ra sân là tin rằng sẽ thấy anh ghi bàn.

1. Đôi khi những phát minh vĩ đại được tạo ra từ những thí nghiệm thất bại và những thiên tài xuất hiện như một sự tình cờ. Đến bây giờ, sau khi chứng kiến chân sút có nụ cười hiền lành ấy đã chinh phục thế giới bóng đá trong nửa thập niên qua, người ta vẫn tự hỏi nếu ngày ấy Carles Rexach, người chịu trách nhiệm tuyển sinh ở trại tập La Masia của Barcelona, về muộn thì điều gì sẽ xảy ra.

Hồi đó ở tuổi 13, Messi được gia đình đưa đến đá bóng thử ở Barcelona trong một canh bạc lớn ảnh hưởng cả cuộc đời anh. Thực tế bóng đá chính là cái đích của cả đời anh theo đúng nghĩa đen: không có bóng đá sẽ không có tiền chữa căn bệnh chậm lớn có thể khiến anh trả giá bằng cả tính mạng. Rexach trở về Barcelona từ Sydney (Úc) đúng vào lúc kỳ đá thử của Messi kết thúc sau hai tuần. Chỉ cần một cái nhìn, chuyên gia đào tạo trẻ này nhận ra trước mặt ông là một thiên tài.

Sau này, Rexach bảo rằng cái nhìn ấy đáng giá một gia tài. Ông nhầm, Messi không phải là một gia tài. Anh là một báu vật, hơn thế nữa là sự cứu rỗi cho bóng đá thế giới trong hoàn cảnh tính thương mại hóa và sự thừa thãi các thông tin, hình ảnh của truyền thông đã khiến trái bóng tròn không còn được khao khát và khơi gợi nỗi đam mê như những năm tháng của Diego Maradona.

Từ vài năm nay, người ta tìm cách so sánh Messi với Maradona. Đấy là một cố gắng vô ích, nhưng cho thấy Messi đang vượt qua thời đại của mình để sánh vai với những huyền thoại bóng đá. Để thật sự giống Maradona, phải chờ đến ngày Messi giải nghệ để xem cuộc chia tay như thế nào. Với cocain như Maradona từng có ở Napoli năm 1991, với doping như cùng đội Argentina ở World Cup 1994 và rồi rơi vào tình trạng thập tử nhất sinh, khi chính việc cận kề cái chết ấy càng khiến hình ảnh của Maradona trở nên bất tử?

Phóng to
Ngay từ Giáng sinh tại Barcelona, Messi đất nung đã đoạt Quả bóng vàng 2011 - Ảnh: Reuters

2. Bàn thắng là khoái cảm của bóng đá. Và Messi đã mang lại quá nhiều khoái cảm: những bàn thắng anh ghi được trong một năm từ giải này sang giải khác, cùng những danh hiệu đã chinh phục. Dường như điều duy nhất ngăn cản anh là thời gian trong một trận quá ít và số trận trong năm cũng quá mỏng đối với một người khao khát ghi bàn như anh.

55 lần cả thảy, từ những bàn thắng anh đã ghi cho Barcelona và đội tuyển Argentina. Nhưng xem ra số bàn thắng này vẫn còn quá ít đối với người hâm mộ lúc nào cũng chờ đợi các trận đấu của anh. Từ hai năm qua, họ xem bóng đá theo phản xạ kiểu Pavlov: cứ thấy Messi ra sân là tin rằng sẽ thấy anh ghi bàn.

Những điều ấy chỉ cần hỏi bọn trẻ đá bóng trong mấy khu gần sân Nou Camp là hiểu chúng tôn sùng anh đến mức nào. Điều kỳ lạ là ở Barcelona, Messi hầu như không tồn tại trước mắt bạn. Không ai thấy anh ở đâu. Không có những graffiti trên các bức tường tung hô người hùng. Không có những hình vẽ cao hàng mét trong những khu bình dân. Maradona đã chiếm chỗ vinh dự trên những bức tường trong các khu phố Napoli từ 20 năm nay. Một socio (hội viên có đăng ký) tôi gặp trong tàu điện ngầm trên đường ra sân Nou Camp bảo rằng không phải cái gì cứ nói ra mồm là mình đang nghĩ đến nó. “Messi trong tim chúng tôi. Thế là đủ”.

Thực tế Messi hiện hữu trên mặt báo hằng ngày và những người làm nghề bình luận viên khắp thế giới có lẽ sẽ phải ghen tị với đồng nghiệp của họ ở thành phố này.

Tôi đã ngây người xem những chương trình bình luận các trận đấu của Barcelona ở một khách sạn ngay đại lộ chính Las Ramblas. Bình luận viên “rên” lên khi Messi bỏ lỡ một cơ hội mười mươi, nói một tràng dài như bị thôi miên những từ ngữ gấp gáp và đầy khắc khoải hệt như những người Thổ rao bán hàng ở chợ trời khi Messi cầm bóng đột phá. Rồi anh ta hét lên như một gã điên với tràng “Goool” dài đến nửa phút khi tiền đạo người Argentina sút tung lưới đối thủ. Thế rồi trong một cơn “khoái cảm” rất bình luận viên, anh ta thốt lên: “Lạy Chúa!”.

3. Một kết luận về Messi: Bỏ phiếu cho anh đoạt danh hiệu Quả bóng vàng FIFA 2011 chẳng khác gì việc bầu chọn hoa hậu thế giới từ những cô gái đẹp nhất hành tinh. Messi hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu thứ ba liên tiếp ấy, và lần này không có gì phải bàn cãi nhiều như năm 2010, năm mà các tiêu chí đánh giá dựa trên thành tích cá nhân và tập thể của anh lu mờ hơn Iniesta, Xavi và Sneijder.

Trong cuộc thi “hoa hậu” 2011 này, Messi không phải là người đẹp nhất. Anh nhỏ con, tính tình nhút nhát, khuôn mặt hơi quê quê. Anh không phải là người hợp thời nếu so sánh với Cristiano Ronaldo - đối thủ lớn nhất cho danh hiệu Quả bóng vàng FIFA 2011. Cầu thủ người Bồ Đào Nha đẹp trai, gợi cảm, là một dạng David Beckham phiên bản mới của bóng đá hiện đại. Anh có sức mạnh, kỹ thuật, cả sự huênh hoang của tuổi trẻ, là hình ảnh thu nhỏ của một thế giới thèm khát hình ảnh và những câu chuyện “tám” theo kiểu ngôi sao Hollywood.

Nhưng Ronaldo sẽ không thắng được Messi vì hoa hậu đôi khi phải là người thông minh nhất. Messi có những bàn thắng, những pha xử lý bóng mê hoặc tất cả ai yêu bóng đá, đem đến cho bóng đá vẻ đẹp hoàn mỹ và đáng mơ ước mà hơn 20 năm trước Maradona từng làm.

Điều gì sẽ xảy ra nếu Messi vẫn là Messi nhưng lại đẹp trai và gợi cảm như Ronaldo? Thế giới không hoàn hảo, con người cũng thế. Và mới rồi, khi là nhà báo Việt Nam duy nhất gửi phiếu bầu chọn Messi cho danh hiệu Quả bóng vàng FIFA 2011 cho tạp chí France Football, tôi hiểu mình đã làm đúng nghĩa vụ và tình cảm của một người yêu bóng đá (năm ngoái tôi không bầu anh).

Chờ những “khoái cảm” mới từ Messi, hoa hậu không cần phải là người đẹp nhất.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận