Khoảng lặng giữa hai tiếng bom

YÊN MÃ SƠN 26/07/2011 22:07 GMT+7

TTCT - Năm bảy ngày một lần, nhóm trẻ bốn đứa cưỡi trên hai chiếc xe đạp chở những bao tải chứa đầy sắt xuống phố. Chúng bảo bán sắt ở thành phố tuy xa nhưng được giá hơn.

Phóng to

Những đứa trẻ đi rà phế liệu ở Quảng Trị - Ảnh: Y.M.S.

Dân ở đây chẳng lạ lùng gì với cái nghề mót phế liệu của lũ trẻ. Đó là cách mà chúng kiếm tiền trong những ngày nghỉ học để trang trải áo quần, sách vở và cả trăm thứ khác, khi ba mẹ chúng mệt nhoài bươn chải trên mảnh đất đầy cát kiếm chút thu nhập lo cho con cái.

Đất này người ta mỉa mai gọi là đất của những “mỏ sắt”, một loại mỏ mà chiến tranh để lại trong đất. Quảng Trị là đất bom. Và người dân vẫn cày sâu cuốc bẫm trên những thước đất chứa đầy vật nổ từ năm này qua năm nọ. Các cụ già tóc bạc phơ, răng cái còn cái mất thường nói trong giọng sếu sáo lạc thất khi nghe tiếng bom chát chúa từ nơi nào đó vang lên: “Bom lại nổ à cháu, có ai bị chi không?”.

Chẳng biết cái nghề mót phế liệu có từ thời nào. Người thì bảo sau chiến tranh, người thì bảo từ khi sắt vụn lên giá... Ở xứ này có nhiều ngôi làng xem đây là một nghề, họ gọi đùa với nhau là nghề đùa với thần chết. Chỉ cần một máy dò kim loại, một chiếc cuốc và một cái bao là có thể hành nghề này.

Ngay tại những ngôi làng như thế này luôn có những đại lý thu mua phế liệu. Và bom đạn, vật nổ trong lòng đất từ rừng về làng, về các đại lý rồi đi ra phố và đi xa hơn nữa. Còn nỗi đau bằng xương bằng thịt, bằng máu vẫn vương đâu đây sau những tiếng nổ kinh hoàng.

Cách đây một tháng tôi có dịp lên vùng cao Hướng Hóa, đồi núi trập trùng cà phê, hồ tiêu; hàng hóa giao thương với Lào nhộn nhịp qua đường 9. Một khung cảnh phố thị mang hơi thở của rừng núi phảng phất chút hiện đại, nhưng đi sâu vào các bản làng sau lưng núi vẫn còn nhiều gia đình lấy nghề mót phế liệu làm kế sinh nhai.

Vài hôm trước, ở đây đã xảy ra một vụ nổ bom bi. Nạn nhân là một đứa bé đang học cấp II. Một cán bộ Đoàn của thôn kể với giọng chưa vơi nỗi kinh hoàng, rằng đó là một đứa trẻ tội nghiệp, nhà cháu rất nghèo, tranh thủ những ngày nghỉ hè cùng nhóm bạn lên đồi mót sắt kiếm thu nhập giúp ba mẹ, mót từ đầu mùa hè đến giờ.

Bẵng đi một tuần ở nhà vì cơn sốt phát ban, nó gắng dậy và ăn vội trái bắp rồi theo nhóm bạn mang theo thiết bị lên đồi. Nó cuốc phải quả bom bi oan nghiệt sau nhát cuốc thứ ba, tiếng nổ vang trời. Cả làng khóc thương nó hiếu thảo và ngoan hiền.

Tiếng nổ của bom đạn thời bình thật kinh hoàng, sau tiếng nổ ấy người ta sợ hãi, tưởng chừng sẽ chừa không còn đem sinh mạng của mình đùa với tử thần nữa. Chỉ lặng đi một thời gian - bằng khoảng lặng giữa hai tiếng bom nổ, vì miếng cơm manh áo, những đứa trẻ làng này lại lên đường tìm sắt.

Thành phố Đông Hà có quán cà phê nằm ngay cạnh đường sắt, trước mặt là chiếc xe tăng của cuộc chiến ngày xưa giờ trưng bày giữa chốn đông người. Những lúc rảnh ngồi uống cà phê và nhìn chiếc xe tăng, thấy “cục sắt” này trông vô hại và hiền lành ít nhất trong khoảnh khắc hiện tại. Nhưng còn bao nhiêu “cục sắt” khác mang vật nổ đang nằm dưới lòng đất đợi chờ hóa kiếp?

Ai bảo lòng đất bao dung có thể cảm hóa những gì nội tại? Trong buổi chiều miền sơn cước, tôi thấy môi mình đắng chát khi nghĩ đến một ngày nào đó, trên ngọn đồi trọc một đám khói đen nghịt bốc lên sau tiếng nổ lớn. Niềm đau sẽ tràn về làng theo mùi thuốc súng khét lẹt. Và dường như đau thương của cuộc đời này chưa dừng lại ở đó...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận