Kỳ SEA Games nhiều sức ép

HUY ĐĂNG 30/11/2019 23:11 GMT+7

TTCT - Đội bóng đá nam dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang Seo tham dự SEA Games 2019 đầy hứng khởi và tự tin, nhưng các bộ môn khác của đoàn thể thao Việt Nam lại không được như vậy.

Khó khăn từ Zion Corrales-Nelson và Kristina Knott đang chờ đợi Tú Chinh
Tú Chinh

Như thường lệ, sau bóng đá, điền kinh và bơi lội luôn là những môn thể thao được quan tâm nhiều nhất ở các kỳ đại hội thể thao. Với thể thao VN, đó cũng luôn là những “mỏ vàng” quan trọng. Lần này ở Philippines 2019, mục tiêu tìm vàng được dự báo là sẽ khó khăn hơn các kỳ SEA Games trước.

Đe dọa ngôi nữ hoàng?

SEA Games 2017 được đánh giá là một trong những kỳ SEA Games ấn tượng của thể thao VN. Không phải bởi số lượng huy chương, bởi nếu xét tiêu chí này, 58 HCV của SEA Games 2017 là thành tích tệ nhất của đoàn thể thao VN kể từ năm 2001. Nhưng trong 58 HCV đó, điền kinh chiếm đến 17 - một chiến thắng lịch sử.

Trên đất Malaysia hai năm trước, lần đầu tiên trong lịch sử SEA Games, VN giành ngôi vị đứng đầu ở môn điền kinh. Kể từ năm 1987 trở về trước, Indonesia là quốc gia mạnh nhất Đông Nam Á về điền kinh. 14 kỳ SEA Games sau đó, sự thống trị rơi vào tay tuyển điền kinh Thái Lan.

Đến tận SEA Games 2015, tuyển điền kinh VN tuy giành được 11 HCV nhưng vẫn còn kém đối thủ Thái Lan đến 6 tấm HCV. Và rồi đến Kuala Lumpur 2017, sự xuất sắc của các cô gái giúp VN đảo ngược tình thế, vươn lên dẫn đầu. Có đến 13/17 HCV của tuyển điền kinh VN năm đó thuộc về các VĐV nữ, Thái Lan rớt xuống vị trí thứ nhì với chỉ 9 HCV tổng cộng.

Ở Manila 2019, liệu sự thống trị như vậy có tiếp tục được duy trì? Rất khó, bởi đội tuyển điền kinh nữ hùng mạnh của VN năm nay gặp nhiều vấn đề. Đầu tiên là sự rút lui của nhà vô địch nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo vì sinh con, khiến VN gần như mất trắng tấm HCV nhảy xa, bởi đàn em của cô, Vũ Thị Ngọc Hà, có thành tích kém khá xa những đối thủ mạnh trong khu vực.

Gay cấn nhất là ở các cự ly tốc độ, khi “nữ hoàng” Lê Tú Chinh đối mặt với thách thức cực lớn từ những VĐV nhập tịch của Philippines. Ở đường chạy 100m, Philippines hiện sở hữu VĐV nhập tịch từ Mỹ Kristina Knott - người có phong độ ấn tượng hơn Tú Chinh trong năm 2019.

Thành tích tốt nhất trong một năm qua của Knott là 11,42 giây, thiết lập ở Giải Grand Prix châu Á, trong khi với Tú Chinh chỉ là 11,67 giây. Trên bảng xếp hạng các VĐV nữ đường chạy 100m ở châu Á, Knott xếp hạng 7, trong khi Tú Chinh hiện hạng 17.

Tương tự là ở nội dung 200m. Trong năm 2019, Tú Chinh chỉ đạt được thành tích 23,79 giây, sa sút quá nhiều so với kỷ lục cá nhân của chính cô là 23,32 giây (tính ở các giải đấu chính thức của IAAF), thiết lập ở SEA Games 2017. Còn Philippines lúc này đang sở hữu một trong những VĐV trẻ mạnh nhất châu Á ở nội dung này - Zion Corrales-Nelson (cũng nhập tịch từ Mỹ). Zion từng đạt thành tích 23,16 giây trong năm 2019, bỏ xa Tú Chinh.

Khó khăn từ Zion Corrales-Nelson và Kristina Knott đang chờ đợi Tú Chinh
Zion Corrales-Nelson 

Ánh Viên lại nặng trĩu đôi vai

Ở môn bơi lội, gánh nặng chỉ tiêu HCV vẫn đè trên vai Ánh Viên - người được đặt mục tiêu 8 HCV ở kỳ SEA Games này. Đó là thành tích mà Ánh Viên đã làm được ở cả hai kỳ SEA Games trước, nhưng chưa biết ở Philippines lần này sẽ như thế nào.

Câu chuyện về sự sa sút của Ánh Viên đã được nói đến nhiều suốt hai năm qua. Dự báo của một số chuyên gia bơi lội là “nàng tiên cá” của VN khó lòng đạt được 5 HCV ở kỳ đại hội năm nay, bởi đà sa sút của chính cô cùng sự vươn lên mạnh mẽ của các nước Singapore và Indonesia.

Ở SEA Games 2017, Ánh Viên tuy bảo toàn kỳ tích 8 HCV của SEA Games 2015, nhưng phần lớn các nội dung sa sút về thành tích cá nhân. Tiêu biểu như những nội dung 200m hỗn hợp, 200m tự do, 400m hỗn hợp… Hai năm qua, thành tích của cô ở những nội dung này lại tiếp tục đi xuống.

Mặt tích cực của môn bơi là nhiều VĐV nam có thể “chia lửa” với Ánh Viên - nổi bật nhất là Nguyễn Huy Hoàng ở các nội dung 400m và 1.500m tự do. Ở SEA Games 2017, Huy Hoàng gây tiếng vang lớn khi giành HCV nội dung 1.500m.

Từ đó đến nay, anh ngày càng tiến bộ ở các nội dung bơi đường dài. Ngoài mục tiêu bảo vệ tấm HCV 1.500m tự do, Huy Hoàng cũng là ứng cử viên hàng đầu của đường đua 400m tự do (chủ nhà Philippines bỏ nội dung 800m tự do). Ngoài ra, sự tiến bộ của Nguyễn Hữu Kim Sơn hay màn hồi sinh của Hoàng Quý Phước cũng rất đáng chờ đợi.

Khó khăn từ Kristina Knott (trái) và Zion Corrales-Nelson (phải) đang chờ đợi Tú Chinh (giữa)
Kristina Knott 

Sẻ là một SEA Games công tâm?

Như thường lệ, câu chuyện chủ nhà “vơ vét” huy chương bằng mọi cách luôn là vấn nạn của mỗi kỳ SEA Games. Lần gần nhất Philippines đăng cai một kỳ đại hội thể thao khu vực, Manila 2005, cũng được nhớ đến với nhiều tai tiếng.

Ngoài chuyện khâu tổ chức kém - với các vấn đề như cập nhật bảng xếp hạng chậm, đổi lịch thi đấu đột ngột, chuyện hậu cần, ăn ở, đi lại của VĐV, kỳ SEA Games năm đó còn chịu nhiều tai tiếng về sự thiên vị với chủ nhà. Tổng thư ký Ủy ban Olympic Thái Lan thậm chí công khai chỉ trích phía chủ nhà “gian lận”.

Liệu kỳ SEA Games năm nay có đi vào vết xe đổ đó? Trước tiên, người hâm mộ nên chuẩn bị tinh thần cho một màn “vơ vét huy chương” nữa của nước chủ nhà, khi Philippines xác lập kỷ lục về số lượng môn lẫn nội dung thi đấu.

Tổng cộng 56 môn với 529 nội dung sẽ diễn ra ở Manila 2019, và hiển nhiên có nhiều môn thể thao ít phổ biến mang đến lợi thế cho nước chủ nhà, thậm chí có cả những môn chúng ta… không biết phải gọi thế nào như đua vượt chướng ngại vật (obstacle racing). Việc đưa thể thao điện tử (eSports) vào chương trình thi đấu tính huy chương cũng gây ra nhiều tranh cãi.

Những môn võ mang tính biểu diễn như nội dung quyền của wushu, taekwondo, karatedo, hay cả những môn cách tính điểm không rõ ràng như pencak silat, tán thủ hứa hẹn sẽ là “mỏ vàng” của nước chủ nhà.

Nhưng Philippines - với nhiều nét văn hóa tương đồng với Mỹ - cũng nổi tiếng về những môn thể thao mang tính giải trí cao như boxing, bóng rổ, thể dục dụng cụ… Người hâm mộ có thể chờ đợi những màn trình diễn đỉnh cao cùng sự chuẩn bị đặc biệt của chủ nhà Philippines ở các môn thể thao này.

Ngoài ra, sự trở lại của cờ vua sau sáu năm vắng bóng cũng rất đáng chú ý. Ở lần gần nhất xuất hiện của môn này, năm 2013, Nguyễn Ngọc Trường Sơn đã mang về cho VN 2 HCV. Trước đó vào năm 2011, tuyển cờ vua VN thậm chí giành đến 6 HCV (trong đó có 2 của Lê Quang Liêm)■

60 năm đợi vàng bóng đá

Thầy trò ông Park Hang Seo đã có một mở màn nhẹ nhàng với chiến thắng 6-0 trước đội yếu nhất bảng Brunei. Tuy nhiên, trận này các ngôi sao như Quang Hải, Văn Hậu vẫn dưỡng sức để chờ những cuộc quyết đấu trước Indonesia, Singapore và Thái Lan. Phải nói rằng đây là kỳ SEA Games mà người Việt đặt nhiều hi vọng vào việc bóng đá mang về HCV, khi ông Park Hang Seo đã mang lại vô số niềm vui cho bóng đá VN trong hai năm gần đây.

Đặc biệt, đây là bộ HCV mà người hâm mộ VN đã chờ đợi 60 năm ròng. Năm 1959, ngay trong lần đầu tiên tổ chức Đông Nam Á vận hội, với tên gọi SEAP Games, bóng đá Sài Gòn đã đoạt HCV. Từ đó trở đi, bóng đá VN chưa một lần chạm tay được ngôi vô địch SEA Games.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận