Làm bài thi trực tuyến & những giám thị vô tri

XÊ NHO 19/06/2022 02:05 GMT+7

TTCT - Hình ảnh đáng sợ nhất trong các câu chuyện khoa học giả tưởng là khi một chương trình trí tuệ nhân tạo (AI) nào đó đảm nhiệm việc phân xử đúng sai. Nó phán một người phạm tội và guồng máy cứ thế ghi nhận, không cho nạn nhân mảy may cơ hội trình bày. Chuyện không còn là giả tưởng khi người ta dùng máy móc để coi thi.

 
 Ảnh: techjockey.com

Hai năm đại dịch, trường học đóng cửa, học sinh sinh viên học từ xa qua màn hình máy tính và dĩ nhiên khi thi cũng phải làm bài từ nhà. Từ đó mới nảy sinh nhu cầu có những phần mềm giám sát chuyện thi cử để ngăn ngừa gian lận. Hàng loạt công ty ra đời, chào mời những chương trình cài lên máy tính, rao là sử dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện mọi cú gõ bàn phím hay di chuyển con chuột, thu thập mọi âm thanh từ chiếc micro của máy tính, ghi lại mọi diễn biến trên màn hình, đặc biệt là dùng camera máy tính để giám sát nhất cử nhất động của thí sinh.

Honorlock là một công ty như thế, do một nhóm sinh viên tốt nghiệp trường kinh doanh lập ra và rất ăn khách. Năm 2021, Honorlock giám sát 9 triệu lần thi cử, tính phí mỗi lần thi là 5 đôla hay 10 đôla mỗi sinh viên cho mọi lần thi trong khóa học. Công ty khởi nghiệp này gọi vốn được 40 triệu đôla, chủ yếu trong thời gian đại dịch.

Tuy nhiên, Honorlock và các công ty cung ứng dịch vụ coi thi tương tự như ExamSoft, ProctorU, Proctorio… bị sinh viên phản ứng vì cái gọi là “trí thông minh nhân tạo” của họ dùng trong chương trình coi thi rất cứng nhắc, khù khờ và phạm nhiều sai sót. Tờ Washington Post kể khi sinh viên Arielle G. Brown thi môn marketing quốc tế xong, cô giáo gởi email quở trách em này có hành vi đáng ngờ vì phần mềm giám sát ghi nhận “trong vòng 6 phút đã di chuyển đầu và mắt 776 lần”! Một cử chỉ bình thường trong một phòng thi bình thường nay bị máy móc coi là “đáng nghi”!

Sinh viên kể, vì bị máy giám sát, họ không dám di chuyển chuột quá nhiều, không dám chớp mắt quá lâu vì sợ bị ghi nhận, thậm chí nhiều người suốt giờ thi không dám ra ngoài đi vệ sinh hay uống nước. Nhiều người cũng bị máy cảnh báo “đáng ngờ” chỉ vì làm bài xong quá sớm. Buồn cười nhất là khi thi nếu có ai trong nhà ghé qua thì máy sẽ phát hiện “nhiều khuôn mặt” và ghi nhận vào sổ; nhiều trường hợp bị ghi nhận có “nhiều khuôn mặt” nhưng thực tế chỉ là những tấm hình chụp treo trên tường sau lưng thí sinh. Giả thử hai người ở khác phòng cùng thi nhưng dùng chung một đường truyền Internet, phần mềm sẽ ghi “có dấu hiệu câu kết với nhau”.

Sinh viên giận dữ phản ứng thì nhà trường bảo trí tuệ thông minh nhân tạo làm sao sai được. Khi triển khai sử dụng phần mềm giám sát các kỳ thi, điều mọi người giả định ngay từ đầu là “thí sinh có tiềm năng gian dối” nên nhiệm vụ của máy là “phát hiện”, “ghi nhận”, “lập bằng chứng” để sinh viên khỏi chối cãi. Thử tưởng tượng phải đi thi trong một môi trường như thế, làm gì thí sinh không bị ức chế, càng dễ có những cử chỉ bị máy nghi ngờ thêm.

Tờ New York Times kể một trường hợp khác: một sinh viên học chương trình cao đẳng từ xa, thi môn sinh qua mạng, người coi thi là AI của Honorlock. Cô sinh viên kiên nhẫn làm đúng mọi hướng dẫn như mở máy tính ngồi yên để camera chụp hình, trưng thẻ sinh viên để máy đối chiếu, cầm laptop lên quay một vòng 360 độ để cho thấy trong phòng không có các tài liệu hay người giúp đỡ. Khi thi, cô cũng tuân thủ nội quy: không ăn uống, không sử dụng điện thoại, không để người khác vào phòng, mắt nhìn vào màn hình chứ không nhìn lâu đi nơi khác (chắc sợ để đọc tài liệu giấu đâu đó).

Thế nhưng thi xong vài ngày, giảng viên bộ môn gởi email báo Honorlock phát tín hiệu cảnh báo và sau khi giảng viên xem lại video đã kết luận cô sinh viên thường xuyên nhìn xuống và quay đi nơi khác trước khi trả lời câu hỏi. Bài làm bị cho điểm 0 và chuyển cho phòng giáo vụ đưa ra kết luận sau cùng; nếu có kết luận cô gian lận, bài sẽ giữ nguyên điểm 0 và ghi học bạ. Cô sinh viên phản đối, nhất mực nói cô không gian lận. “Nhìn xuống khi làm bài không phải là dấu hiệu gian lận trong thi cử” - cô viết. Thói quen của cô từ xưa nay là mỗi khi suy nghĩ thường cúi đầu tập trung, không lẽ giờ cử chỉ đó bị xem là “trái phép”?

Mặc dù ai cũng thấy máy móc cứng nhắc vì không ai có thể để cái đầu của họ đứng nguyên một chỗ suốt hai giờ làm bài, nhưng giảng viên và phòng giáo vụ trường này cứ xem cảnh báo của Honorlock là “phán xử của Bao Công”, không thể sai chạy đi đâu. Có lẽ đối diện hàng chục ngàn lần thi riêng lẻ của sinh viên, các trường chỉ biết dựa vào công nghệ chứ họ không đủ nguồn lực đi điều tra từng vụ việc. Nhưng viễn cảnh người thi phải co rúm, căng người, không dám nhìn quanh khi thi vì sợ AI hiểu sai thật đáng rùng mình!

Dù sao sự phản ứng của sinh viên đã buộc một công ty giám sát thi cử là ProctorU đã bỏ cách làm dùng AI để phát hiện gian lận trong các buổi thi. Nay họ chuyển qua thuê 1.300 nhân viên giám sát nhưng phần lớn là ở nước ngoài, nơi lương rẻ hơn ở Mỹ. Có lẽ loài người còn lâu mới có AI thật sự thông minh để giao nhiệm vụ giám sát thi cử. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận