Mary Kom - thần tượng của những cô gái nghèo

QUỐC THẮNG 19/09/2010 18:09 GMT+7

TTCT - Xuất thân từ một gia đình nông dân tay lấm chân bùn, Mary Kom lén cha mẹ âm thầm tập luyện và thi đấu quyền anh, trở thành nhà vô địch thế giới. Hiện tay đấm 27 tuổi này đang được xem như “biểu tượng mới” cho phụ nữ nghèo Ấn Độ noi gương.


Mary Kom dũng mãnh trên sàn đấu - Ảnh: Top News

Mary Kom sinh ra trong gia đình nghèo ở vùng nông thôn Manipur, Ấn Độ, cha mẹ đều là nông dân, cuộc sống phải chạy ăn từng bữa. Từ nhỏ Mary phải làm việc đầu tắt mặt tối, với công việc thường nhật của một cô gái quê là sáng thức dậy sớm ra đồng cắt cỏ mướn hoặc làm than củi để kiếm tiền đỡ đần cha mẹ lo cho ba em nhỏ. 

Cuộc sống cứ thế trôi đi và gia đình Mary đã lên kế hoạch sớm kiếm chồng cho cô để có một chỗ dựa. 

Giấu gia đình đăng ký học võ

Năm 1998, võ sĩ Dingko Singh đã gây chấn động làng thể thao Ấn Độ khi đoạt HCV hạng cân nam 54kg tại Asian Games ở Bangkok, Thái Lan. Khi ấy, Singh đã trở về nước như một người hùng được hàng triệu người dân đón tiếp, đồng thời tay đấm này xuất hiện trên hàng loạt tờ báo và đài truyền hình để nói về những thành công và được Chính phủ Ấn Độ trao huân chương danh dự. Điều đó đã nhóm lên trong lòng Mary ngọn lửa khát khao có được thành công tương tự.

Năm 2000, Mary giấu cha mẹ đến xin tập luyện quyền anh dưới sự hướng dẫn của HLV Ibomcha Singh. Thời điểm đó cô mới 17 tuổi, cao 1,5m và nặng 42kg nên ông Singh lắc đầu từ chối. Nhớ lại ngày đầu tiên đó, ông Singh cho biết: “Tôi nói không, em là con gái lại quá nhỏ bé và gầy yếu. Khi đó Mary ôm mặt khóc nức nở. Điều đó khiến tôi suy nghĩ lại và chấp nhận cô ấy”.

Nhưng ước mơ là một chuyện, còn dám thực hiện ước mơ hay không lại là chuyện khác, nhất là ở đất nước Ấn Độ vốn còn quan niệm “trọng nam khinh nữ”. Để đi đến quyết định theo đuổi nghiệp quyền anh, Mary đã phải trằn trọc nhiều đêm và cố gắng dẹp tan nỗi lo sợ xung quanh các định kiến xã hội.

Dù được sự đồng ý của thầy, Mary vẫn phải âm thầm rèn luyện không cho gia đình và hàng xóm biết, đồng thời mỗi ngày phải vượt quãng đường dài gần 40km để đến nơi tập. Nhưng đúng là “giấy không gói được lửa” vì chỉ vài tháng sau, Mary đã giành chức vô địch của bang và một tờ báo có đăng ảnh cô đứng trên bục nhận giải.

Không những không vui mừng vì con gái giành chiến thắng, ông Tonpu Kom - cha Mary Kom - còn nổi trận lôi đình. Trên tờ Deccan Herald, Mary kể lại: “Tôi vẫn còn nhớ bị cha mắng rất nặng nề. Ông ấy giận dữ buộc tôi phải từ bỏ quyền anh, vì đó là điều cấm kỵ đối với phụ nữ. Nhưng rất may khi ấy cậu của tôi đã đứng ra bênh vực và thuyết phục cha tôi”.

Khó khăn chưa dừng lại ở đó, dù đã qua được “cửa ải” gia đình nhưng Mary vẫn phải sống trong sự chế giễu và đối diện với những ánh mắt khinh khi của hàng xóm. Ngoài ra, cô cũng phải tích cực làm thuê để có tiền chi phí cho việc tập luyện, thi đấu. 

Cuối cùng nỗ lực đã được đền đáp khi cô giành chức vô địch quốc gia cuối năm 2000, bước đệm đầu tiên để cái tên Mary Kom bắt đầu nổi tiếng và sau đó trở thành một huyền thoại.

Mary Kom sinh ngày 1-3-1983, cao 1,58m và nặng 46kg. Cô đoạt tổng cộng bốn chức vô địch thế giới vào các năm 2002, 2005, 2006, 2008 và vô địch châu Á năm 2001, 2003 và 2005. Ngoài các danh hiệu trên, Marry còn nhận được nhiều giải thưởng danh giá như: Padma Shree, Pepsi MTV Youth Icon, CNN-IBN Real Heroes Award, “Nhân vật trong năm” - Limca Book of Records 2007. 

Trở thành “Mary vĩ đại”!

Sau thành công đầu tiên đó, Mary tập luyện không biết mệt mỏi và tham dự nhiều giải đấu trong nước lẫn quốc tế. Tính đến thời điểm hiện tại, cô đã đoạt chín chức vô địch quốc gia, trở thành người phụ nữ đầu tiên của Ấn Độ bốn lần liên tiếp vô địch thế giới, ba lần vô địch châu Á. 

Ngoài ra, cô cũng nhận các giải thưởng danh giá của Ấn Độ cho những đóng góp to lớn vì sự nghiệp thể thao và cống hiến xã hội như: tượng đồng Arjuna, huân chương Padma Shri, phần thưởng Rajiv Gandhi Khel Ratna.

Bí quyết thành công của Mary Kom là gì? Cô giải thích: “Cần có một trái tim mạnh mẽ. Nhiều tay đấm nữ nhìn bề ngoài rất mạnh mẽ nhưng thi đấu không thành công do không có được điều đó. Ở mỗi trận đấu phải luôn thể hiện quyết tâm và tinh thần khát khao chiến thắng. Chúng tôi đã làm việc tốt hơn đàn ông và sẽ đấu tranh với tất cả sự mạnh mẽ để mang đến sự tự hào cho dân tộc”.

Với những thành tích trên, Mary Kom đã trở thành “biểu tượng mới” cho phụ nữ Ấn Độ, được mọi người đặt biệt danh “Mary vĩ đại”. 

Ngày nay, Mary đã lập gia đình và có hai đứa con sinh đôi, cô vừa làm việc trong ngành cảnh sát Ấn Độ vừa tiếp tục thi đấu. Ngoài ra, Mary cũng mở trung tâm tập luyện thuộc dạng hiện đại nhất ở Ấn Độ và tự đứng lớp để hướng dẫn. Bên cạnh đó, cô vẫn tiếp tục tập luyện cho mục tiêu đoạt HCV tại Olympic 2012.

Trả lời phỏng vấn của BBC mới đây, Mary tâm sự: “HCV tại Olympic London 2012 là tất cả những gì tôi muốn. Sau giải này, tôi có thể tuyên bố giải nghệ để tập trung thời gian cho gia đình và muốn đào tạo nên nhiều tay đấm trẻ xuất sắc mới cho Ấn Độ. Từ trước đến giờ ở Ấn Độ người ta chỉ biết đến hai môn thể thao là quần vợt và cricket, nhưng tôi tin rằng trong tương lai, quyền anh sẽ trở nên phổ biến ở đây”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận