Một chiếc khẩu trang, quá nhiều biểu tượng

NGUYỄN VŨ 25/05/2020 21:05 GMT+7

TTCT - Với người Á Đông, khẩu trang đã là vật dụng quen thuộc từ lâu, giúp họ phần nào bảo vệ trước mầm bệnh, ô nhiễm…, hoặc một chút mong muốn duy trì tính ẩn danh trong xã hội. Nhưng với người phương Tây, đặc biệt là người Mỹ, chiếc khẩu trang trở thành biểu tượng bị gán cho rất nhiều ý nghĩa, và càng như vậy trong đại dịch COVID-19.

Buổi điều trần của bác sĩ Anthony S. Fauci, chuyên gia hàng đầu về dịch bệnh, trước Ủy ban Y tế Thượng viện Mỹ tuần trước trông thật “siêu thực”.

Thay vào cảnh tượng rất đông phóng viên chen nhau chụp ảnh, ghi hình, nay người được mời ra điều trần ở một nơi, các thượng nghị sĩ chất vấn ở một nơi khác. Chiếc ghế ngồi của chủ tọa, thượng nghị sĩ Lamar Alexander, bỏ trống, trên lưng ghế gắn màn hình. Ông đang tự cách ly (do một trợ lý của ông vừa bị phát hiện dương tính với virus), một cảnh y như trong phim viễn tưởng.

Chiếc khẩu trang phe phái

Với các thượng nghị sĩ có mặt, một số mang khẩu trang hay khăn che mặt, một số lại không. Tường thuật buổi điều trần, tờ The New York Times nhận xét việc chọn mang khẩu trang hay không hóa ra chính là chọn lựa mang tính chính trị. Hầu hết nghị sĩ Đảng Dân chủ mang khẩu trang, còn Cộng hòa thì không.

Thượng nghị sĩ Tim Kaine, Đảng Dân chủ, mang khăn mặt thay khẩu trang
Thượng nghị sĩ Tim Kaine, Đảng Dân chủ, mang khăn mặt thay khẩu trang

Theo quan sát của báo này, thượng nghị sĩ Susan Collins, một người Cộng hòa nhưng ôn hòa hơn, chọn cách dung hòa: bắt đầu buổi điều trần thì không đeo; đến nửa chừng mới đeo, như thể đang “đi hai hàng”.

Vì sao rất nhiều người Mỹ da trắng, chủ yếu là nam giới, không chịu mang khẩu trang, thậm chí còn cãi cọ, đánh nhau với nhân viên siêu thị khi bị buộc phải mang khẩu trang? Theo Vox, đó là tâm lý “đàn ông, đàn ang”, là thái độ “kẻ mạnh”, là sự tôn trọng quyền tự do cá nhân, không chịu bị ép theo một khuôn khổ.

Khi đi theo đoàn của Tổng thống Trump đến thăm một nhà máy sản xuất linh kiện máy bay nay chuyển sang làm thiết bị bảo hộ y tế, phóng viên BrieAnna Frank mang khẩu trang. Nhưng lúc cô cố gắng tiếp cận những người dân Mỹ đứng đợi tổng thống bên ngoài nhà máy, họ gầm gừ phản ứng, miễn cưỡng giải thích rằng họ nghĩ ai mang khẩu trang là “quy phục, tự bịt miệng, trông rất yếu ớt - đặc biệt là với đàn ông”.

Khẩu trang không còn là vật dụng nói lên mong muốn tự bảo vệ sức khỏe nữa, phản đối nó là biểu tượng của nam tính.

Tuy nhiên, vào đầu đại dịch, sự tình lại khác. Tờ The Atlantic nêu một ví dụ khá điển hình. Người dẫn chương trình Fox News, Laura Ingraham, thoạt tiên khuyên mọi người nên mang khẩu trang. Lúc đó cô còn chê trách các hướng dẫn của chuyên gia y tế nói mọi người không nên mang khẩu trang, cô hết lời khen ngợi một vị bác sĩ khởi xướng phong trào “Khẩu trang cho mọi người”, rồi còn phỏng vấn ông này cách tự làm khẩu trang ở nhà.

Nhưng khi hướng dẫn của cơ quan y tế chuyển hướng, cô cũng chuyển theo, cho rằng khẩu trang là công cụ “kiểm soát xã hội” thông qua “nỗi sợ hãi và sự đe dọa”. Cô cho rằng khẩu trang là một vật mang tính nhắc nhở hằng ngày rằng không ai là an toàn, không thể quay lại cuộc sống bình thường, chỉ thiếu nước nói toẹt ra rằng chỉ bằng cách vứt bỏ khẩu trang người Mỹ mới hoạt động lại như cũ.

Tình hình chống dịch Covid-19 ở Mỹ là thế. Khi phe Dân chủ xem khẩu trang là cần thiết thì phe Cộng hòa sẽ dè bỉu, đòi vứt bỏ. Ngược lại, khi phe Dân chủ nghe theo lời khuyên ban đầu rằng người dân thường không cần mang khẩu trang thì phe Cộng hòa lại chê thế là bất cẩn…

Người biểu tình không đeo khẩu trang trước tòa nhà Hạ viện bang Michigan
Người biểu tình không đeo khẩu trang trước tòa nhà Hạ viện bang Michigan

Trong bối cảnh đó, nhiều người chối bỏ chiếc khẩu trang chỉ vì nó gắn liền với những nhân vật ở phía bên kia của cuộc chiến văn hóa. Nói như The Atlantic có quá đáng không thì không biết, nhưng thực tế có nhiều ví dụ chứng minh nhận định này.

Một xã hội giao tiếp bối rối

Nhìn từ góc độ văn hóa, người phương Tây thường nhìn thẳng vào người đối diện khi cùng trò chuyện. Khẩu trang che mất các biểu cảm, làm việc giao tiếp không thông suốt nên bị một số người phản đối. Khi nói chuyện với một người không có gương mặt như thế, người phương Tây cảm thấy không sòng phẳng, như bị lừa, như bị đẩy vào tình huống thua thiệt.

Họ cũng có cảm giác bị cho là nguồn gây bệnh, bị lánh xa nên thường giận dữ với người đeo khẩu trang. Nhiều người cũng nghĩ bị buộc đeo khẩu trang là bị tước bỏ quyền dân sự, với người Mỹ, chuyện này là đại sự.

Nhiều người khi trả lời phỏng vấn báo chí cho biết họ rất giận dữ vì bị đuổi khỏi xe buýt, hay bắt rời tiệm chỉ vì họ không đeo khẩu trang.

Cũng may là quan điểm của các chuyên gia y tế đã thay đổi, đa số đều nói cần mang khẩu trang, dù khả năng bảo vệ có thấp cũng còn hơn là không mang. Suy nghĩ của xã hội cũng đang đi theo hướng “mang khẩu trang là bảo vệ người khác” vì rất có thể người mang khẩu trang đang bị nhiễm Covid-19 dạng không có triệu chứng, có thể lây lan cho người khác mà không hề hay biết.

Người ta hi vọng các tiệm ăn cấm hút thuốc vì sợ ảnh hưởng sức khỏe người xung quanh, và giờ đây mang khẩu trang cũng sẽ được nhìn nhận theo cách đó: không mang sẽ gieo rắc mầm bệnh cho người khác. “Khẩu trang của tôi bảo vệ cho anh; khẩu trang của anh bảo vệ cho tôi”.

Cơ hội làm ăn mới

Tranh cãi về khẩu trang là vậy, nhưng giới thời trang lại thấy đây là cơ hội làm ăn. Gwyneth Paltrow, diễn viên trong phim Contagion, chụp hình đeo khẩu trang khi đi chợ về. Dĩ nhiên đã là diễn viên nổi tiếng, đâu thể mang khẩu trang y tế bình thường. Cô chơi luôn chiếc Urban Air Mask 2.0 giá 1,6 triệu đồng một cái, có 5 lớp lọc, ôm khít mặt người. Dù đắt như thế nhưng Hãng Airinum Thụy Điển, nơi làm ra khẩu trang này, vẫn thông báo “hết hàng” trên trang web của mình, ai muốn mua phải ghi tên vào danh sách chờ.

Cambridge Mask - hãng làm khẩu trang ở Anh, loại khẩu trang có “nhiều lớp lọc và màng carbon cấp quân sự” - cũng thấy nhu cầu mua loại khẩu trang giá tới 30 đôla mỗi cái đã tăng vọt 20, 30 lần. Người Mỹ không chuộng khẩu trang, nhưng nhà giàu vẫn thủ sẵn nhiều cái phòng khi hữu sự.

Chắc chắn trong tương lai gần khẩu trang còn mang tính biểu tượng chẳng khác gì việc dùng iPhone, nên nhiều hãng thời trang đang nhảy vào cuộc.

Thoạt tiên là tuyên bố may khẩu trang để tặng nhân viên y tế, sau đó để định hình thương hiệu khẩu trang dành cho kẻ có nhiều tiền. Nên chẳng lạ gì nếu ta thấy khẩu trang Prada, Louis Vuitton, Dior, thậm chí khẩu trang Lamborghini. Những hãng này sẽ không nhấn mạnh đến sự sang trọng, họ sẽ nói về khẩu trang như một hình thức tự biểu cảm để dụ dỗ người có khả năng bỏ ra vài trăm đôla mua một chiếc đeo cho “khác biệt”.

Ca sĩ Billie Eilish với chiếc khẩu trang của Hãng Gucci
Ca sĩ Billie Eilish với chiếc khẩu trang của Hãng Gucci

Ca sĩ Billie Eilish từng mang khẩu trang Gucci rất đẹp tại lễ trao giải Grammy hồi đầu năm. ■

Khẩu trang phát hiện virus

Hai trường đại học Harvard và MIT đang phát triển một loại khẩu trang đặc biệt: khi người mang bị nhiễm virus corona mà thở, ho, hắt hơi thì khẩu trang sẽ sáng lên báo động.

Đây là công nghệ các nhà nghiên cứu đã nghĩ tới từ năm 2014, để làm ra một loại cảm biến nhanh chóng phát hiện virus Ebola. Họ xuất bản nghiên cứu này vào năm 2016, rồi điều chỉnh công nghệ để nó phát hiện virus Zika.

Nay công nghệ được cập nhật một lần nữa để phát hiện virus corona chủng mới. Các nhà nghiên cứu kỳ vọng loại khẩu trang này với màng gắn cảm biến cực nhạy này có thể được dùng trên máy bay, văn phòng, phòng nhận bệnh của bệnh viện… nhằm mục đích phát hiện nhanh những người có thể mang mầm bệnh để sau đó sàng lọc kỹ hơn.

Hiện nay, họ đang ở giai đoạn thử nghiệm khả năng phát hiện nhanh virus corona có trong nước bọt của cảm biến.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận