Một đề nghị bảo tồn cho nhà thờ Bùi Chu

KTS CAO THÀNH NGHIỆP 21/05/2019 19:05 GMT+7

TTCT - "Chúng tôi gởi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ VH-TT&DL, lãnh đạo tỉnh Nam Định vì đây chính là những nơi có thể giúp giáo phận Bùi Chu có thêm một quỹ đất gần đó để xây một thánh đường mới".

Dấu ấn Baroque ở xứ nhiệt đới

Nằm bên vùng châu thổ sông Hồng, giáo phận Bùi Chu xưa kia là vùng đất nhỏ bé chứa đựng nhiều huyền thoại linh thiêng, phía trước là dòng Ninh Cơ uốn khúc chảy về dòng sông Hồng. Bùi Chu trở thành xứ đạo năm 1670.

Nhà thờ chính tòa được khánh thành năm 1885 dưới thời giám mục Wenceslao Onate Thuận (1884-1897). Thánh đường do giáo dân nơi đây chung sức xây dựng sau thời kỳ bị triều đình nhà Nguyễn cấm đạo, giáo phận Bùi Chu là nơi đầu tiên đón nhận tin mừng được công nhận đầu tiên ở Việt Nam năm 1533.

Trên phần nền nhà thờ là mộ phần của sáu vị giám mục. Gian giữa được chạm trổ, sơn son thếp vàng, diễn tả những phép mầu nhiệm Mân Côi, hai bên có tòa thánh Giuse và thánh Đa Minh, giữa tòa thánh có bàn thờ đồng đúc từ những thỏi đồng giáo dân góp về.

 

Ngôi thánh đường đứng vững nhờ những cột gỗ lim vững chắc đặt trên những bệ đá với đường nét hoa văn mang dấu ấn kiến trúc Baroque. Những hình hoa ovan với nhiều chi tiết cầu kỳ - dấu ấn nhận biết ngôi thánh đường này - xuất hiện từ những góc nhỏ của ô cửa sổ đến góc cao của trần thánh đường. Hình ảnh kết nối ba hình ovan vừa thể hiện đường nét Baroque cổ kính vừa thể hiện nét phương Đông, tạo ra một không gian đa dạng. Trần thờ chủ yếu làm bằng vật liệu địa phương, có dùng vôi rơm tạo những vòm cong thoáng nhẹ, phù hợp khí hậu nhiệt đới miền Bắc.

 

Cửa nhà nguyện có bốn cánh, mỗi cánh là một công trình đầy ý nghĩa của các bí tích: Rửa tội, Thêm sức, Thánh thể và Hòa giải. Bên trong nhà nguyện là không gian cao vút với tượng ảnh, bàn thờ, màu sắc… được sắp đặt hài hòa. Tầng dưới nhà nguyện là nhà hầm các thánh tử vì đạo.

Tại gian giữa có tượng Đức Mẹ cho con bú gây sửng sốt và ngưỡng mộ cho nhiều người. Đức Mẹ bồng con ngồi trên võng tía, võng được móc vào hai cây trúc sơn son thếp vàng. Đức Mẹ được Việt hóa với áo dài hồng nhung kim tuyến, quần trắng sa tanh, chân đi hài kiểu quý phái, mái tóc đen óng ánh. Cặp mắt mẹ âu yếm nhìn đứa con đang khát sữa.

Trên đầu tượng Đức Mẹ có dòng chữ “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú”. Trần nhà trên đầu tượng Đức Mẹ là một bức phù điêu tả khung cảnh vinh hiển của các thánh tử đạo tại Việt Nam trước Đức Kitô.

Mở cửa vườn Ave Maria, ta gặp một cỗ tràng hạt rất lớn, nặng 2,2 tấn, mỗi hạt nặng 25kg.

 

Trên cao có tượng Đức Mẹ bằng đá cẩm thạch nặng hơn 2 tấn, ngay sau lưng tượng Đức Mẹ là cây nến 7 ngọn cao 10m. Bên phải là một bức tường cao, trên có 150 bản kinh Ave Maria bằng các thứ tiếng, làm bằng đá cẩm thạch, mỗi bản kinh có kích thước 2,20m x 1,2m.

Trong vườn còn có một số tượng lớn: Thánh Francis với con chó sói, phía giữa hành lang là pho tượng Đức Mẹ cao 5m với những em nhỏ dâng hoa, cuối hành lang là tượng thánh Don Bosco cao 3m và thánh Đa Minh Savio (St. Dominic Savio).

Trong vườn còn có tượng “Người mẹ Bùi Chu” thể hiện hình ảnh một người mẹ tại giáo phận Bùi Chu xưa kia trên đường đi chợ, tay dắt con nhỏ đến trường, đầu đội cái thúng có nải chuối và con gà, tay kia cầm tràng hạt, vừa đi vừa lần chuỗi.

Thánh đường này có vị trí đặc biệt trong cuộc sống của người tín hữu nơi đây vì mọi biến cố thăng trầm, thay đổi thời cuộc, mọi sinh hoạt của họ đều được sẻ chia và chung phần trong ngôi nhà thiêng này, từ những cử hành phụng vụ, những việc đạo đức bình dân, những hồng ân bí tích, những con trẻ mới sinh, những cụ già tạ từ cõi thế và cả những đôi uyên ương đoan hứa…

 

Nhà thờ được đại tu năm 1974 và năm 2000. Sau 134 năm, nhà thờ có dấu hiệu xuống cấp, không đảm bảo cho các sinh hoạt phụng vụ lớn của giáo phận, theo lời tổng giám mục Thomas Vũ Đình Hiệu.

Khi chúng tôi trực tiếp tới khảo sát, nhận thấy nhà thờ có xuống cấp phần mái và trần nhà, cửa đi, cửa sổ trong nhà có thay đổi. Tuy nhiên, kết cấu chịu lực vẫn còn tốt. Trần, mái thấm dột nặng, mặt tường bên ngoài nước mưa tràn trực tiếp lên tường do hệ thống thoát nước mái không còn hoạt động, nước mưa chảy trực tiếp lên tường nên đóng rong rêu.

 

Giải pháp cho nhà thờ Bùi Chu

Nhà thờ chính tòa Bùi Chu ngoài vai trò là nhà thờ địa phương còn là một nhà thờ của giáo phận để tổ chức những lễ lớn trong năm. Các lễ lớn được tổ chức ngoài trời, các lễ thường tổ chức trong nhà. Hôm chúng tôi đến, người dự lễ không đông lắm, vẫn còn trống ghế.

Hiện trạng này tương tự ở các giáo phận khác như giáo phận Hà Nội và Sài Gòn, các nhà thờ đều có khuôn viên nhỏ. Nhưng đó đều là những công trình mang linh hồn của đô thị. Các cha thường giải quyết vấn đề hạn hẹp của khuôn viên bằng cách tổ chức các lễ lớn ở ngoài trời.

Tại Roma (Ý), một số lễ lớn cũng được tổ chức trên quảng trường trước nhà thờ để đông người tham dự. Những nhà thờ quá lớn rất dễ gặp cảnh trong lễ thường nhật giáo dân đến dự không nhiều, thánh đường trở nên lạnh lẽo, lãng phí công suất sử dụng.

Khi khảo sát, chúng tôi nhận thấy mái ngói có vài chỗ hư hỏng, nước mưa tạt nên nước thấm vào hư trần, song không thấy hư hỏng kết cấu công trình. Việc sửa chữa mái ngói và trần đảm bảo an toàn cho nhà thờ khá đơn giản trong ngành bảo tồn trùng tu di tích.

Riêng hệ thống cột và kết cấu chịu lực ngôi nhà vẫn còn tốt. Việc tu bổ, tôn tạo để đảm bảo hoạt động của nhà thờ không quá tốn kém, không quá khó khăn đối với tình hình tài chính của nhà thờ hiện nay. Cho nên, tôi và các đồng nghiệp có chuyên môn có thể khẳng định: nhà thờ Bùi Chu có thể được tu bổ tôn tạo rất tốt và đơn giản.

Chúng tôi cho rằng vì phía trước nhà thờ là khoảng sân và xưởng cưa gỗ, nơi có thể quy hoạch xây một ngôi nhà thờ mới theo khung kết cấu mà nhà thờ đã và đang chuẩn bị cho phương án mới. Có thể tạo khoảng sân trống đủ lớn để tổ chức những buổi lễ lớn với vài nghìn người, vừa có nơi để bà con hành hương về dự lễ có chỗ trú chân.

Giải pháp được nhóm kiến trúc sư đề nghị.

“Dễ trăm bề không dân cũng chịu, khó trăm bề dân liệu cũng xong”, không việc gì là quá khó mà giáo dân không liệu được, các chuyên gia không thể không có giải pháp được.

Nhóm kiến trúc sư chúng tôi gởi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ VH-TT&DL, lãnh đạo tỉnh Nam Định vì đây chính là những nơi có thể giúp giáo phận Bùi Chu có thêm một quỹ đất gần đó để xây một thánh đường mới, có chỗ cho giáo dân cử hành thánh lễ mà không phải ngồi ngoài mưa nắng, tạo điều kiện cho nhà thờ tu bổ tôn tạo ngôi thánh đường cũ - một di sản văn hóa kiến trúc tồn tại trên 134 năm, với những câu chuyện về lịch sử tôn giáo vô cùng đặc biệt trên đất nước này. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận