Một tên cướp sốt sắng

MIA COUTO 18/09/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Đến lúc này, tôi đã lờ mờ nhận ra tên căn bệnh mà vị khách nói đến. Tôi biết rõ nó. Nó được gọi là sự thờ ơ. Họ sẽ cần một bệnh viện quy mô toàn thế giới để trị cái đại dịch ấy.

 
 

 Có tiếng gõ cửa. “Gõ” là một cách tả. Tôi sống xa tất cả mọi người, khách thăm tôi chỉ có chiến tranh và nạn đói. Và giờ, trong cõi vĩnh hằng của một buổi chiều khác, ai đó đang lấy chân dộng cửa. Tôi chạy tới. “Chạy” là một cách nói. Tôi lê chân, đôi dép lê loẹt xoẹt trên sàn gỗ. Ở tuổi tôi, tôi chỉ làm được thế. Con người bắt đầu già đi khi họ nhìn xuống đất và thấy một vực thẳm.

Tôi mở cửa. Đó là một người đàn ông đeo mặt nạ. Khi nhận ra có mặt tôi, hắn hét lên:

“Hai mét, cách xa hai mét!”.

Nếu là một tên cướp thì hắn đang sợ hãi. Nỗi sợ hãi của hắn làm tôi chùn lại. Những tên cướp sợ hãi là những tên cướp nguy hiểm nhất. Hắn rút túi lấy súng lục. Hắn chĩa súng vào tôi. Nhưng đó là một vũ khí trông rất ngộ: nó được làm bằng nhựa trắng và phát ra một tia sáng xanh lục. Hắn chĩa súng vào mặt tôi, và tôi nhắm mắt lại, vâng lời. Ánh sáng đó trên mặt tôi gần như là một cái vuốt ve. Chết như thế là một dấu hiệu cho thấy Chúa đã nhậm lời cầu nguyện của tôi.

Người đàn ông đeo mặt nạ nói năng nhẹ nhàng và có dáng vẻ niềm nở. Nhưng tôi sẽ không để mình bị lừa: lúc nào những tên lính tàn ác nhất cũng tiếp cận tôi với phong thái của một thiên thần. Nhưng lâu lắm rồi không có ai bầu bạn nên rốt cuộc tôi lại chơi theo trò của hắn.

Tôi bảo vị khách hạ súng và ngồi xuống chiếc ghế duy nhất mà tôi còn lại. Đến lúc đó tôi mới để ý giày của hắn được bọc trong túi nilông. Ý định của hắn rất rõ: hắn không muốn để lại dấu chân. Tôi bảo hắn bỏ mặt nạ ra, trấn an hắn có thể tin tôi. Hắn cười buồn bã và lầm bầm: Thời buổi này không tin ai được, người ta không biết họ mang gì trong người. Tôi hiểu thông điệp bí ẩn của hắn, hắn nghĩ bên dưới vẻ tiều tụy của tôi ẩn chứa một kho báu vô giá.

Hắn nhìn quanh và bởi không thể thấy có gì đáng lấy, hắn đành phân bua. Hắn nói hắn là nhân viên y tế. Tôi mỉm cười. Hắn là một tên cướp non nghề, hắn không biết nói dối. Hắn bảo tôi rằng các sếp của hắn đang lo lắng về một căn bệnh nghiêm trọng đang lan rộng như cháy rừng. Tôi vờ tin hắn. Ngày xưa tôi đã suýt chết vì bệnh đậu mùa. Có ai đến thăm tôi không? Vợ tôi lao phổi mà chết, có ai đến khám cho chúng tôi không? Sốt rét cướp đi thằng con duy nhất của tôi, chính tôi là người chôn nó. Hàng xóm tôi chết vì AIDS, không ai muốn biết về nó. Người vợ quá cố của tôi vẫn nói đó là lỗi của chúng tôi vì đã chọn sống xa nơi có bệnh viện. Tội nghiệp, bà ấy không biết là ngược lại mới đúng. Bệnh viện mới là cái được xây cách xa nơi có người nghèo. Bệnh viện đơn giản là thế. Tôi không trách họ. Tôi cũng giống như họ, giống như những cái bệnh viện, tôi là người chứa chấp và dung dưỡng những căn bệnh của chính mình.

Tên cướp dối trá vẫn chưa bỏ cuộc. Hắn cải tiến phương pháp của hắn, tuy vẫn vụng về. Hắn cố biện minh khẩu súng hắn chĩa vào tôi là để đo sốt. Hắn nói tôi ổn, thông báo điều đó với một nụ cười ngớ ngẩn. Tôi vờ thở phào nhẹ nhõm. Hắn muốn biết tôi có ho hay không. Tôi cười khinh khỉnh. Ho là cái đã suýt tiễn tôi xuống mồ, sau khi tôi trở về từ hầm mỏ cách đây 20 năm. Kể từ đó, xương sườn của tôi hầu như không nhúc nhích, lồng ngực của tôi bây giờ chỉ toàn bụi đá. Ngày tôi lại ho, đó sẽ là để thu hút sự chú ý của Thánh Peter ở cổng thiên đường.

“Ông không có vẻ bị bệnh - kẻ mạo danh tuyên bố - Nhưng vẫn có thể là người mang bệnh không triệu chứng”.

“Mang? - tôi hỏi - Mang cái gì cơ? Chúa ơi, cậu có thể khám xét nhà tôi, tôi là người có tự trọng, tôi chẳng ra khỏi nhà bao giờ cả”.

Vị khách của tôi mỉm cười và hỏi tôi có biết đọc không. Tôi nhún vai. Rồi hắn đặt lên bàn một tờ tài liệu hướng dẫn cách giữ vệ sinh cùng với hộp đựng mấy bánh xà phòng và một chai nhỏ mà hắn gọi là “dung dịch chứa cồn”. Anh bạn tội nghiệp, hắn chắc hẳn phải tưởng tượng tôi ham rượu lắm, như tất cả những ông già cô đơn. Khi kẻ đột nhập rời đi, hắn nói:

“Một tuần nữa tôi sẽ đến thăm ông”.

Đến lúc này, tôi đã lờ mờ nhận ra tên căn bệnh mà vị khách nói đến. Tôi biết rõ nó. Nó được gọi là sự thờ ơ. Họ sẽ cần một bệnh viện quy mô toàn thế giới để trị cái đại dịch ấy.

Mặc xác hướng dẫn, tôi tiến đến ôm hắn một cái. Hắn ra sức chống cự và vùng vẫy thoát khỏi tay tôi. Quay lại xe, hắn vội vàng cởi đồ. Hắn giải phóng mình khỏi bộ đồ như thể đang lột khỏi hắn bộ quần áo của chính bệnh dịch. Bệnh dịch ấy gọi là nghèo đói.

Tôi vẫy tay tạm biệt hắn và mỉm cười. Sau nhiều năm dày vò, tôi đã được hòa giải với con người: một tên cướp lúng ta lúng túng như thế chỉ có thể là một người tốt. Tuần sau hắn quay lại, tôi sẽ cho hắn lấy chiếc TV cũ mà tôi cất trong phòng ngủ. 

(Nguyễn Huy Hoàng dịch từ bản tiếng Anh của David Brookshaw)

Mia Couto (sinh năm 1955) là nhà văn người Mozambique. Ông được trao giải Camões, giải thưởng quan trọng bậc nhất trong nền văn chương tiếng Bồ Đào Nha năm 2013 và giải văn chương quốc tế Neustadt năm 2014.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận