Những cuốn sách trong tủ kính

PHAN XUÂN LOAN 02/01/2020 19:01 GMT+7

TTCT - Ta trong này vẫn loay hoay “ăn to nói lớn”, yêu đương và xung đột thế hệ. Nhưng ngoài kia, người ta đang thay cả Chúa trời và từ bỏ Darwin.

Một tủ sách ngoài đường ở Atalaia, Bồ Đào Nha. Ảnh: Vân Petrisor
Một tủ sách ngoài đường ở Atalaia, Bồ Đào Nha. Ảnh: Vân Petrisor

Lướt Facebook, bất ngờ “gặp” cô em họ lâu rồi ít tin tức, vốn không phải dân “chơi” Facebook. Năm nay, cô đã trở thành cư dân mạng tích cực hơn, cuối năm cô xuất hiện với dòng status: “Hưởng ứng ngày hội văn hóa đọc quận... với cháu nội”. Đi kèm là một loạt ảnh nhân vật chính và gia đình đứng cạnh các tủ kính trưng bày sách. Trên các băngrôn thấy ghi đường sách... ở một quận ngoại thành, tiếp đó là tấm ảnh các cháu bé chơi nặn tượng, tò he...

Không biết sách gì được đặt trong tủ kính, chắc là sách quý. Nhưng ngày hội đọc mà sách đặt trong tủ kính theo kiểu bảo tàng, chắc người xem chỉ dám đứng nhìn là chính. Như cô em họ tôi trong tấm ảnh.

Dẫu không muốn cũng khó mà tránh được dòng liên tưởng đến những cái tủ sách từng thấy ở đâu đó. Ở sân bay Đài Loan khi chuyển tiếp chặng bay chẳng hạn. Vui vẻ sách và ghế, đủ sắc màu, để hành khách có thể tạm ngả lưng giữa những chuyến bay, những đứa bé có sách để nghịch mắt cho đỡ tù túng.

Hay tủ sách của một cư dân ở một thị trấn nhỏ gần The Hague (Hà Lan). Táy máy bấm chuông hỏi chủ nhà sách đó mượn được không, được con trai chủ nhà ra tiếp vì bà mẹ đã đi làm. Cậu thiếu niên kể đó là sáng kiến của mẹ mình, người làm “một công việc chẳng liên quan gì tới sách vở”, chẳng qua bà muốn trao đổi những cuốn sách tâm đắc với cộng đồng. Ai muốn cứ lấy đọc rồi trả lại, và có thể, đặt cuốn sách mình thích hoặc muốn giới thiệu vào đó, như một dạng trao đổi... Hôm sau lại đi ngang tủ sách, đúng là đã thấy thêm vài đầu sách khác. Không biết của khách qua đường hay của chủ nhà, nhưng thấy rõ là nó - cái tủ sách đường phố ấy, đang sống.

Một tủ sách ngoài đường ở Hà Lan (Ảnh: PXL)

Những cuốn sách tiếng Hà Lan không giúp du khách hiểu được chủ nhân của chúng quan tâm vấn đề gì. Chỉ biết là họ chẳng nói gì to tát kiểu “văn hóa đọc” cả. Nhưng có lẽ, cách làm của cư dân “chẳng liên quan gì tới sách” nọ mới bao hàm ý nghĩa lớn nhất của cụm từ “văn hóa đọc” này. Khoảng cách giữa hai cái tủ sách ấy lớn làm sao.

Nhưng giọt nước tràn ly cho những dòng chữ này cũng không phải là những cái tủ sách: dù là cái tủ kiếng trong ngày hội đọc ở một quận ven của Việt Nam, hay cái tủ không khóa nằm trước sân nhà ở một thị trấn Hà Lan. Mà là thư của một nhà xuất bản nước ngoài quảng bá sách, giới thiệu một số tác giả nước ngoài mới cho độc giả Việt.

Trong phần khái quát về người đọc của các tác giả mới này, nhà xuất bản nêu hai đặc điểm chính: “1/thu nhập: trung bình, 2/giỏ tiêu thụ: đủ ăn, đủ mặc, đồ gia dụng: trung bình, không cao cấp”, và các nơi bán sách là những... siêu thị (kiểu Metro), trên online... Các tác giả được nhà xuất bản nọ giới thiệu cho độc giả Việt là những tác giả “ăn khách”: sách của họ đã được bán cả triệu bản trên toàn thế giới. Các chủ đề chính của nhóm tác giả này là tình yêu, nhưng cuộc hôn nhân dở dang, xung đột gia đình. Những cuốn sách đọc xong có thể để lại trên metro, xe buýt cho người kế tiếp, không cần phải suy gẫm nhiều cho rách việc.

“Hãy cho tôi biết những cuốn sách anh thường đọc, tôi sẽ nói anh là ai”. Chợt nghĩ về định đề quen thuộc. Những cuốn sách có làm nên chân dung một người đọc tổng thể? Không hẳn. Chắc là trong kinh doanh, khách hàng được chia thành những phân khúc khác nhau. Và nhà xuất bản nước ngoài đó đang nhắm vào một tầng lớp thu nhập đủ để có thể mua sách, và những vấn đề “lấy nước mắt” muôn thuở của chúng nhân nhưng không làm họ đau đầu.

Không phải là tất cả, cũng chưa thể nói là đại diện của một đất nước, nhưng sao bùi ngùi thế khi nghĩ về một “phân khúc” tương đối của nước mình dưới mắt những người nước ngoài bán sách. Những cái đầu lạnh khi ngồi tính toán hẳn chẳng có ý niệm “văn hóa đọc” gì đó trong đầu. Họ chỉ “trông mặt mà bắt hình dong” thôi. Một gương mặt cạn cợt, mờ nhòe trên thế giới.

Mà thế giới đã không phẳng như huyễn hoặc. Thế giới đang lao đi chóng mặt. Con người còn tự thay đổi bản chất sinh học của mình khi định cấy ghép não, người mù có thể thấy, người cụt, liệt chi có thể vận động, như dự báo tới thập kỷ 2030 của Matthew Burrows trong cuốn Tương lai: Giải mật.

Ta trong này vẫn loay hoay “ăn to nói lớn”, yêu đương và xung đột thế hệ. Nhưng ngoài kia, người ta đang thay cả Chúa trời và từ bỏ Darwin.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận