Phiêu lưu cùng sách tranh

ĐOÀN BẢO CHÂU 18/10/2013 05:10 GMT+7

TTCT - Tùng... tùng... tùng, trống ra chơi vừa điểm, gần 50 học sinh Trường tiểu học Ngũ Hiệp 1 (ấp cù lao Hòa Hảo, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, Tiền Giang) đã háo hức ùa vào thư viện, chọn cho mình những cuốn sách tranh (tạm dịch từ “picture book”) đầy màu sắc.

Mỗi góc là một nhóm học sinh theo từng khối lớp đang chăm chú đọc. Một em hắng giọng đọc lớn, các em còn lại vừa nghe vừa chăm chú xem những hình ảnh sinh động trên từng trang giấy.


Các em học sinh Trường tiểu học Ngũ Hiệp 1, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, Tiền Giang say sưa đọc sách tranh tại thư viện trường - Ảnh: Bảo Châu


Câu chuyện mà một nhóm học sinh lớp 3 đang đọc có tên là Đi chợ mùa nước nổi kể về cô bé Thơm đi chợ nổi cùng mẹ ở một vùng quê tại đồng bằng sông Cửu Long. Từng trang sách mở ra, các em ồ à với hình ảnh dễ thương, đủ màu sắc của những chiếc xuồng nhộn nhịp trên chợ nổi, chở đủ sản vật của vùng quê sông nước, từ bông điên điển, cá linh tới món bánh canh quen thuộc...

Bên cạnh hình ảnh, mỗi trang sách chỉ khoảng 50 chữ, phù hợp với mức độ đọc của trẻ em nhưng cũng đầy đủ nội dung để dẫn dắt câu chuyện.

Con thích sách tranh nhất!

Lê Anh Phú vừa đọc vừa gật gù: “Nhà con cũng có xuồng, nhưng đọc truyện con mới biết ở chợ nổi xuồng nào bán cái gì thì người ta sẽ treo lên cây sào cái đó để thông báo cho mọi người biết”. Ở một góc khác, Nhật Linh đang say sưa đọc cuốn

Màu vàng ở đâu? kể về một tuýp màu vàng tìm cách trốn khỏi hộp màu vì không muốn bị sử dụng và trở nên teo tóp, xấu xí. Mỗi trang sách đi qua là một bức tranh khác nhau về một khu rừng, từ cái cây, bông hoa, đám mây rồi các con thú, nhưng có đặc điểm chung là đều thiếu vắng màu vàng. Trước sự buồn bã của cô bé họa sĩ và sự nhợt nhạt của tất cả tranh, rốt cuộc màu vàng đã quyết định xuất hiện.

Giở đến trang cuối cùng rực rỡ với sự có mặt của màu vàng, từ ông mặt trời nhỏ xíu thôi, Linh thở phào: “Cuối cùng thì màu vàng đã xuất hiện, có chút xíu thôi mà quan trọng ghê!”. Thật ra, Linh đã đọc cuốn này ba lần rồi, nhưng cảm xúc của em chẳng thay đổi tí nào. “Con thích sách loại này nhất vì chữ ít con đọc được nhanh, sách chữ nhiều quá con làm biếng đọc lắm, sách còn có nhiều hình nữa!” - Linh giải thích.

Không chỉ riêng Linh, tất cả học sinh ở ngôi trường vùng cù lao hẻo lánh này đều thích thú với sách tranh và đọc đi đọc lại không biết chán với hơn 50 đầu sách tại thư viện do Room To Read (*) tài trợ và trực tiếp xuất bản. Khi được hỏi bao lâu thì vào thư viện một lần, tất cả các em đều tranh nhau: “Ngày nào con cũng xuống hết, con thích đọc sách trong thư viện nhất!”.

Cô Trần Thị Phương Giang, giáo viên thư viện, cho biết: “Trẻ em đọc sách khác người lớn ở chỗ các em bao giờ cũng xem tranh trước, tranh có thu hút mới giữ được các em ở lại với sách. Chữ nhiều quá, các em rất dễ nản, mỗi trang chỉ có 1-2 câu thì có thể xem là lý tưởng. Các yếu tố này sách tranh đáp ứng được nên các em thích lắm!”.

Trong các tiết đọc thư viện (giáo viên đứng lớp hoặc giáo viên thư viện đọc truyện cho các em nghe và cùng thảo luận) luôn đông kín học sinh, thậm chí có em bị sốt vẫn đến lớp vì “giờ nghe kể chuyện con không bỏ được đâu” và mẹ em phải ngồi ngoài cửa chờ để chở em về.


Đỗ Thái Thanh trong không gian sáng tác sách tranh của mình - Ảnh Bảo Châu



Một số đầu sách tranh do Room To Read trực tiếp xuất bản - Ảnh Bảo Châu


Hai tháng quan sát cho một đề tài

Sách tranh dành cho thiếu nhi rất phổ biến trên thế giới, nhưng tại Việt Nam nó thường bị lẫn lộn với truyện tranh (comic book) và truyện có minh họa (illustrated book). “Khác với truyện tranh là làm thức dậy cả một quá trình chuyển động, sách tranh có xu hướng đóng băng thời gian và chộp lấy khoảnh khắc nhân vật đang trong tư thế tạo hình đẹp nhất, thể hiện cảm xúc nhất.

Khác với truyện có tranh minh họa, câu chữ trong sách tranh luôn phải đi cùng hình ảnh và rất cô đọng, thậm chí có thể trở thành những câu châm ngôn” - Thùy Cốm (Phạm Thu Thùy), một tác giả sáng tác sách tranh, giải thích.

Cùng với sự mới mẻ này, đội ngũ sáng tác truyện cho sách tranh đa số là những bạn còn rất trẻ, nhiều bạn có thể cùng lúc tự sáng tác và vẽ tranh minh họa. Đến xưởng làm việc của Đỗ Thái Thanh (sinh năm 1987), ấn tượng đầu tiên là rất nhiều tranh ảnh được bày biện xung quanh chỗ bạn ngồi vẽ và tất cả màu sắc sử dụng đều là tông màu sáng, tươi tắn.

Với cuốn Sóc con đi học lấy ý tưởng từ nỗ lực đến trường của các em nhỏ ở vùng núi phía Bắc, Thanh mất gần hai tháng tìm kiếm tài liệu, đọc sách, xem phim về trẻ em vùng cao, quan sát kỹ từ các chi tiết trang phục của trẻ em miền núi đến cảnh các em lội rừng băng suối đi học từ lúc mờ sáng, kể cả hình ảnh cô giáo lấy khăn ấm lau mặt cho các em đỡ rét ra sao...

Vậy mà khi bắt tay vào việc, Thanh đã phải bỏ toàn bộ loạt tranh hoàn chỉnh đầu tiên vì “vẽ giống... người lớn quá!”. Thanh cho biết: “Ví dụ như lúc đầu mình vẽ hoa rừng hòa vào sương mờ ảo, người lớn có thể nhận ra nhưng các em thì không, phải vẽ lại rõ ràng từng bông hoa, chiếc lá, hình khối, như các em khi chơi cắt xé dán giấy vậy”.

Nhận thấy được khó khăn của các tác giả khi biến mình thành trẻ em như thế, hằng năm Room To Read tổ chức những buổi hội thảo hoặc lớp tập huấn ý tưởng, kỹ thuật sáng tác sách tranh.

Thanh kể: “Hoạt động tạo cảm hứng nhất là life map (vẽ bản đồ cuộc đời), mỗi tác giả sẽ kể lại cuộc đời mình trong một trang giấy, sau đó treo lên và mọi người cùng đọc để phát triển ý tưởng. Đa số nội dung làm sách tranh của tôi đều bắt đầu từ buổi này, ví dụ từ hình ảnh một hạt mưa có thể phát triển thành một con cá sấu đi du lịch dưới trời mưa...”.

Hòa trộn từ chính trải nghiệm tuổi thơ của mỗi cá nhân, các câu chuyện trong sách tranh đều gần gũi với các em, đủ để làm các em bật cười thích thú và hào hứng tham gia thảo luận từng chi tiết trong truyện cùng bạn học.

Sách hay, có người đọc, nhưng...

Với mỗi bản thảo được chọn, bộ phận xuất bản sách đều in ra và mang xuống các trường cho các em đọc thử để lấy ý kiến. Dù có khi phải chỉnh sửa đến hai, ba lần mới hoàn chỉnh bản thảo trước khi xuất bản, các tác giả cũng không cảm thấy phiền lòng.

Thùy Cốm cho biết: “Có một điều tôi rất thích ở các tác giả sách tranh nước ngoài và cũng muốn chính mình sẽ thực hiện được cùng với các yêu cầu của Room To Read, đó là họ đối xử nghiêm túc với tất cả cảm xúc, tâm trạng, suy nghĩ của trẻ”.

Sách tranh hấp dẫn là thế nhưng để phụ huynh tìm được sách là không đơn giản. Hơn 77 tựa sách tranh với khoảng 453.000 bản do Room To Read xuất bản chỉ tặng các trường nằm trong dự án tại các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Long An, Trà Vinh, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang và các tổ chức phi chính phủ, các mái ấm, nhà mở...

Trên thị trường, số lượng sách tranh chỉ đếm trên đầu ngón tay và đa số là dịch từ nước ngoài với giá thành khá cao. Một số tựa sách dịch khá phổ biến là: 10 phút nữa là đến giờ đi ngủ, Ngủ ngon nhé khỉ, Chú sâu háu ăn. Từ thực tế này, số lượng trẻ em tiểu học có thể tiếp cận với sách tranh vẫn còn rất hạn chế.

“Nếu có nhiều sách tranh bán trên thị trường, tôi sẵn sàng mua cho con, thay vì để cháu chơi game hoặc chat trên mạng” - anh Trần Minh Tiến (phụ huynh có con học tại Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TP.HCM) khẳng định.

Cuộc phiêu lưu cùng sách tranh không chỉ có thế. Đội ngũ thực hiện cũng có những trăn trở riêng. Chị Lê Thu Phương Quỳnh, phụ trách bộ phận xuất bản của Room To Read, cho biết: “So với mặt bằng chung của 10 nước Room To Read đang tiến hành dự án, chất lượng tranh minh họa của các họa sĩ Việt Nam rất tốt, nếu không muốn nói là vượt trội.

Tuy nhiên, không có nhiều bạn chọn con đường này để phát triển sự nghiệp. Vì thế, mỗi năm tìm kiếm những gương mặt mới cũng là một thử thách. Vấn đề thứ hai là kịch bản. Việc gói gọn chỉ từ 16-32 trang với số lượng chữ tầm 2-3 câu/trang là không đơn giản để có thể làm nên một câu chuyện hấp dẫn trẻ em, cân bằng giữa việc kể gì cho trẻ và kể như thế nào để trẻ thấy thích đọc, muốn đọc”.

(*): Room To Read là tổ chức phi chính phủ hoạt động tại 10 quốc gia trong lĩnh vực hỗ trợ giáo dục cho trẻ em những vùng khó khăn. Người sáng lập là ông John Wood, nguyên giám đốc marketing khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn Microsoft. Các hoạt động của Room To Read tại Việt Nam gồm: chương trình xây dựng và thiết lập thư viện cho trường tiểu học, xuất bản sách, hỗ trợ học tiếng Việt, hỗ trợ giáo dục cho nữ sinh.


 Sách tranh rất phổ biến tại các nước phương Tây và được đông đảo trẻ em cũng như phụ huynh quan tâm. Chẳng hạn cuốn Where the wild things are (tạm dịch: Nơi có những điều hoang dã) của tác giả người Mỹ Maurice Sendak sáng tác năm 1963 đã bán được 19 triệu bản trên toàn thế giới (tính đến năm 2008) và được dựng thành rất nhiều phiên bản khác nhau như phim hoạt hình, nhạc kịch.

Sách tranh trên thế giới đa dạng về cả hình thức thể hiện, chất liệu (màu chì, sáp, sơn dầu, màu nước, cắt giấy, ghép vải...) cho đến tác động tương tác (lật, xoay, chạm, kéo, tranh nổi...), thậm chí nhiều sách in hình ảnh trái ngược hẳn với nội dung hoặc cố tình chừa ra những khoảng trống để các em nhỏ có thể tự đặt vào đó suy nghĩ của mình.



Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận